Kỳ 2: Trọn tình trọn nghĩa với đồng đội ở Trường Sơn
Ngay trong lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước bào giai đoạn ác liệt nhất, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã chỉ thị quy tập hài cốt liệt sĩ ở Trường Sơn.
Nung nấu xây dựng "ngôi nhà chung" ở Trường Sơn cho đồng đội
Lúc ở Trường Sơn, ngay trong lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta bước bào giai đoạn ác liệt nhất, đánh giá và nhận định về xu thế của chiến trường và lường trước những khó khăn trong công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã chỉ thị cho các lực lượng tìm kiếm, cất bốc và quy tập các hài cốt liệt sĩ. Nếu không có sự chủ động như vậy, sau khi giải phóng các lực lượng rút dần thì với hơn 20.000 liệt sĩ hy sinh nằm rải rác trên núi rừng Trường Sơn sẽ gặp biết bao khó khăn và không thể có hơn 10.000 hài cốt liệt sĩ được quy tập về Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn. Đây là sự tri ân sâu sắc đối với các Anh hùng liệt sĩ Trường Sơn đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Để trọn tình, trọn nghĩa với đồng chí, đồng đội đã hy sinh, đầu năm 1974, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên và Bộ tư lệnh Trường Sơn đã quyết định xây dựng Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn tại khu đồi Bến Tắt, nằm ở chân phía đông dãy Trường Sơn, cạnh trục đường Hồ Chí Minh Đông Trường Sơn. Khu đồi Bến Tắt ở bờ nam sông Bến Hải, thuộc xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị cũng là nơi đóng Sở chỉ huy của Bộ tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn trong giai đoạn cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
40 đơn vị bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương dưới sự chỉ huy của tướng Đồng Sỹ Nguyên cùng tổ công nhân chuyên khắc chữ vào bia đá ở xã Hòa Hải, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam đã miệt mài làm việc gần 2 năm ròng. Đúng hai năm sau ngày đất nước thống nhất, tháng 4-1977, tại khu vực Bến Tắt, cạnh đường quốc lộ 15, Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn có diện tích 140.000m² nằm trên 3 quả đồi ở cạnh thượng nguồn sông Bến Hải đã được hoàn thành, là "ngôi làng" chung cho hơn 10.000 liệt sĩ Trường Sơn.
Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn do Bộ đội Trường Sơn thiết kế, quy hoạch. Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên trực tiếp duyệt bản thiết kế quy hoạch này, đồng thời giao các đơn vị thuộc Bộ đội Trường Sơn xây dựng. Hơn một vạn phần mộ liệt sĩ được chính đồng đội của mình đã chiến đấu ở Trường Sơn quy tập về đây chôn cất và chăm sóc.
Có lẽ chỉ có vị tướng trong rừng Trường Sơn ấy và lính của mình mới có thể nhìn thấy hết được những hi sinh, mất mát của nhau và thương nhau cho đủ. Bởi thương xót lính của mình, đồng đội của mình, việc đầu tiên mà tướng Đồng Sỹ Nguyên làm sau chiến thắng là đề xuất xây dựng nghĩa trang làm nơi an nghỉ cho hàng ngàn chiến sĩ ngã xuống vì độc lập Tổ quốc. Ý tưởng này thậm chí đã đến với ông ngay từ những ngày mà cả nước còn ngổn ngang, sục sôi ý chí giành chiến thắng và thống nhất nước nhà.
Năm 1997, khi đã 74 tuổi, tướng Đồng Sỹ Nguyên lại một lần nữa "xông trận" nơi núi rừng Trường Sơn với nhiệm vụ mới: Đặc phái viên của Chính phủ, tìm hướng tuyến cho xa lộ Bắc Nam, sau này được đổi tên là đường Hồ Chí Minh, nối từ Pác Bó tới Mũi Cà Mau.
Ký ức đẹp qua lời kể cử những người từng gặp Trung tướng
Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu, nguyên Cục trưởng Cục Kinh tế, Bộ Quốc phòng chia sẻ, Bộ Tư lệnh Trường Sơn hình thành từ tháng 05/1959 cho đến hết chiến tranh. Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên có một tình cảm đặc biệt với tất cả mọi người, trải qua nhiều đời Tư lệnh tuy nhiên Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên để lại dấu ấn nhất và nhiều bước ngoặt mang tính lịch sử.
Thiếu tướng chia sẻ, trước khi Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đến với đoàn 559 thì đã có một cuộc bàn luận "liệu chúng ta có tổ chức vận tải được không" khi chịu áp lực đánh phá ác liệt của Mỹ. Có 2 luồng ý kiến được đưa ra một là đi trong rừng, hai là vận tải bằng phương tiện. Khi tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên vào binh đoàn 559 thì 10 ngày đầu tư lệnh đi thị sát các điểm bị đánh phá ác liệt và sau đó rút ra kết luận "chúng ta không thể chui mãi trong rừng thế này được, tất cả phải ra bám đường; cả cao xạ, cả công binh, vận tải, quân y... tất cả phải bám đường và tập trung cho vận chuyển".
"Đây là bước ngoặt về tư tưởng và hành động mở ra một luồng sinh khí mới mẻ cho cán bộ, chiến sĩ Trường Sơn. Những nơi ác liệt nhất tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đều có mặt và đi đến đâu thì giải quyết được việc ở đó, đó là một dấu ấn về tư tưởng tiến công, tác chiến hợp đồng binh chủng về chiến lược. Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên từng nói, "Lính Trường Sơn không có quyền nói không thể làm được, mà chỉ có quyền nói làm thế nào để làm được", đây là câu nói mà tất cả cán bộ chiến sĩ Trường Sơn đều thuộc nằm lòng
"- Thiếu tướng chia sẻ.
Ngày năm 1973 khi cuộc chiến tranh chống Mỹ còn chưa kết thúc thì đồng chí đồng Sĩ Nguyên đã nung nấu ý tưởng tìm kiếm và quy tập hai cốt các cán bộ chiến sĩ đã ngã xuống về một nghĩa trang.
Trung tướng Nguyễn Hữu Cường, Nguyên Tư lệnh Quân khu 4 là cháu của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên nhớ rất rõ từng lời căn dặn của chú Đồng Sỹ Nguyên đối với mình. Ông bảo, làm cán bộ lãnh đạo của Quân khu phải tự đi bằng đôi chân của mình, cháu không được dựa dẫm vào chú mà phải tự mình phấn đấu và rèn luyện; Phải đoàn kết trong lãnh đạo, chỉ huy Bộ Tư lệnh Quân khu 4, đối xử đúng mực với cán bộ, chiến sĩ và luôn đi cơ sở, sâu sát nhân dân, từ các phong trào thực tiễn để đúc rút, đề ra các chủ trương lãnh đạo sát đúng.
“Tuổi thơ của ông (Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên) gắn bó với dòng sông Gianh, khi đang còn nhỏ thì ngày đi học 1 buổi, 1 buổi ra sông Gianh tắm, nô đùa, chăn trâu cắt cỏ. Điều đặc biệt với ông đó là dòng Gianh và chợ Sải ngay gần quê, nơi đó đã ảnh hưởng đến tuổi thơ của ông. Chú Đồng Sỹ Nguyên là người rất gần gũi, cứ mỗi lần chú cháu gặp nhau thì rất chân tình, luôn có những cử chỉ ân cần và luôn động viên con cháu”- Trung tướng Nguyễn Hữu Cường nhớ lại.
Những kỷ niệm một thời hào hùng vẫn vẹn nguyên trong ký ức của người lính Trường Sơn Mai Văn Hà (Khu phố 1, phường Ba Đồn, TX. Ba Đồn) chia sẻ về một câu chuyện lý thú và tình cảm giữa ông với lần đầu gặp Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Trong thời chiến, ông được tuyển vào lái xe tại Cục thiết kế cơ bản đường bộ (nay thuộc Bộ Giao thông vận tải). Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên được Bộ Quốc phòng điều làm Tư lệnh Đoàn 559 kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần tiền phương, với nhiệm vụ đẩy mạnh công tác vận chuyển, chi viện cho chiến trường miền Nam. Cùng năm đó, ông Hà được điều động tăng cường lực lượng cho Đoàn 559 với nhiệm vụ chính là vận chuyển bộ đội, hàng hóa trên các trục đường 12A, đường 20-Quyết Thắng...
Đầu năm 1969, ông Hà bất ngờ nhận được lệnh đón một người đặc biệt từ vùng Tây Bố Trạch đi công tác ở vùng Long Đại, Lệ Kỳ (Quảng Ninh) hiện nay. Đến gần khu vực Long Đại thì xe chững lại, trước mắt là cả đoàn xe vận tải của quân ta bị bom đánh trúng, lửa cháy ngùn ngụt, bắt lan cả mấy cánh rừng.
Vị khách xưng bằng anh và gọi chú với ông Hà, nói: "Chú thấy đi được không?". Ông Hà trả lời: "Thưa thủ trưởng, đi tiếp thì còn đường sống, nếu dừng lại thì chắc chắn bị máy bay đánh tiếp". "Vậy đi tiếp", vị khách điềm tĩnh trả lời. Ngay sau đó, ông Hà dứt khoát nhảy xuống xe, cởi áo trộn vào bùn dưới hố bom, quấn chặt miệng và đắp bùn phủ kín bình dầu của xe để tránh bắt lửa. Rồi dứt khoát vượt trận địa hoang tàn, khói lửa ngay trước mắt. Sau khi tới trạm kế tiếp, ông Hà mới biết vị khách chính là Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên tiếng tăm lừng lẫy trên tuyến đường Trường Sơn.