Kỳ 2: Tức giận khi bác sĩ kết luận con bị bệnh tâm thần
Nhận thức của cộng đồng hiện nay về vấn đề sức khỏe tâm thần vẫn còn hạn chế. Vì vậy, có những trường hợp trẻ có nhiều biểu hiện của bệnh trầm cảm nhưng bố mẹ không nhận ra. Trầm cảm kéo dài nên dẫn đến trẻ tìm cách tự sát khi có cơ hội là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Trầm cảm ở trẻ em và thanh, thiếu niên:
Bế tắc bởi người lớn cho rằng đó là “chuyện trẻ con”
TS-BS. Ngô Anh Vinh - Phó khoa Sức khỏe Vị thành niên, BV Nhi Trung ương chia sẻ, thời gian gần đây bác sỹ đã tiếp nhận một số trường hợp trẻ vị thành niên tự tử liên quan đến mâu thuẫn trong gia đình và trường học.
Đó là trường hợp một bệnh nhi 13 tuổi nhập viện do tự tử bằng thuốc giảm đau liều cao. Lý do trẻ tìm đến cái chết vì trẻ cảm thấy thất vọng do bản thân không đáp ứng được những kỳ vọng của bố mẹ. Hơn nữa, trẻ thường xuyên xảy ra mâu thuẫn với gia đình do bất đồng quan điểm về phong cách sống và định hướng tương lai. Hoặc một trường hợp khác là bệnh nhi 14 tuổi, trẻ đã uống thuốc ngủ tự tử sau khi bị mẹ đánh mắng. Rất may mắn, trong cả 2 trường hợp trên, trẻ đã được gia đình đưa đi cấp cứu kịp thời nên không nguy hiểm đến tính mạng, tuy nhiên tổn thương tâm lý có thể còn ảnh hưởng đến suốt đời.
Theo TS. Ngô Anh Vinh, ở độ tuổi vị thành niên, những thay đổi về nhận thức, thể chất, tâm lý và cảm xúc thường làm cho trẻ nhạy cảm hơn với mọi thứ xung quanh. Trẻ gặp khó khăn trong việc tự điều chỉnh để thích nghi trong mối quan hệ với mọi người và những vấn đề khác trong cuộc sống. Những áp lực vô hình trong cuộc sống hàng ngày của trẻ, nếu không được chia sẻ, hỗ trợ kịp thời và đúng cách sẽ dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực trong trẻ ngày càng nhiều thêm. Đây là yếu tố có thể dẫn đến những rối loạn tâm lý và làm tăng nguy cơ tự tử ở trẻ vị thành niên.
Bên cạnh đó, tư duy muốn con phải nghe lời tuyệt đối của nhiều cha mẹ ở Việt Nam dễ gặp phải sự chống đối ở trẻ. Với những trẻ không chống đối, sự dồn nén tâm lý lâu ngày có thể đưa đến những hành vi phản ứng không ngờ. Một số trẻ tự tử vì không giải tỏa được cảm xúc, cảm giác lạc lõng trong cuộc sống, một số khác tự tử vì “giận cha mẹ”, uất ức, tủi thân, một số vì lo lắng không đáp ứng được kỳ vọng của người khác, thậm chí 1 số trẻ tự tử chỉ vì muốn gây sự chú ý của người khác, để mọi người mãi nhớ đến mình.
Mặc cảm bởi 2 chữ "tâm thần"
Là người có nhiều kinh nghiệm trong tư vấn, điều trị về sức khỏe tâm thần, TS-BS.Trần Thị Hồng Thu, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương (Hà Nội) cho biết: Thực tế chị đã từng tư vấn cho nhiều trường hợp trẻ có các biểu hiện của trầm cảm với suy nghĩ tiêu cực, hay nghĩ đến cái chết. Đáng nói là tình trạng của trẻ đã diễn ra trong một thời gian rất rất dài nhưng cha mẹ lại không chú tâm.
"Một bé gái học đại học năm thứ nhất đến khám và chia sẻ rằng hay xuất hiện suy nghĩ tiêu cực, hay nghĩ đến cái chết. Bác sỹ khuyên cháu chia sẻ với bố mẹ nhưng cháu bé cho biết gia đình không ai nghĩ cháu có vấn đề. Đến khi chúng tôi gọi điện cho mẹ cháu thì mẹ cháu khi phân trần chỉ đỗ lỗi cho con, không thừa nhận con có bệnh", BS. Hồng Thu chia sẻ.
Và điều đáng nói là sau khi được bác sỹ tư vấn, dặn dò người mẹ nhắc con phải uống thuốc, đồng thời nhắc mẹ phải chăm sóc cả bản thân nữa thì người mẹ đã thay đổi thái độ bất ngờ. Người mẹ này cho rằng bác sỹ quy kết có bệnh tâm thần nên con coi mình như cũng bệnh. Từ đó người mẹ quay ra mắng bác sỹ hời hợt, khám bệnh hồ đồ. Sau đó có người nhà của cô bé đã gọi điện mắng là từ khi nói chuyện với bác sỹ, cháu của họ đã bị nặng thêm lên.
"Chính bản thân người trong gia đình cũng bị sang chấn tâm lý, có vấn đề đang căng thẳng sẵn nên rất tức giận, phát khùng lên. Họ không chấp nhận con cháu họ bị như vậy, điều này cho thấy bản thân họ đang có vấn đề", BS. Hồng Thu nói.
Theo BS. Hồng Thu, hiện nay cộng đồng còn kỳ thị với những ai được kết luận mắc bệnh "tâm thần" và ngay cả cha mẹ cũng chưa quan tâm đến vấn đề sức khỏe tâm thần của con. "Bố mẹ thường bận việc, không quan tâm đến đời sống tâm lý, tâm thần của con, trẻ cứ chịu đựng, không ai chia sẻ, không ai thấu hiểu, có những lúc bị bế tắc, tuyệt vọng. Bên cạnh đó, còn nhiều người mặc cảm, biết trẻ có vấn đề nhưng không thừa nhận để đưa đi chữa kịp thời. Trong khi đó, nếu đi khám trường hợp nhẹ, chỉ cần trị liệu tâm lý, điều chỉnh, chăm sóc tinh thần cho cả bố mẹ và bản thân trẻ, nặng thì cần dùng thuốc. Biết chăm sóc sức khỏe tâm thần của trẻ thì có thể đã không có những câu chuyện đáng tiếc".
"Mọi người đừng quá thành kiến, sợ hãi với bệnh lý này. Sợ hãi mà không chịu đi khám chỉ gây thiệt thòi. Chính việc trẻ không được khám, được giúp đỡ là thiệt thòi, bởi khi có những suy nghĩ tiêu cực, bế tắc, giải pháp duy nhất là cái chết", TS. Hồng Thu nói.
(Còn nữa)