Kỳ 3: Bà con gặp khó, có tuổi trẻ Thủ đô
Suốt những năm qua, nhiệt huyết cống hiến của tuổi trẻ Thủ đô trải khắp mọi miền Tổ quốc. Một Thủ đô, đất nước có thế hệ trẻ nhân ái, với tinh thần đoàn kết, khát khao cống hiến chắc chắn là một Thủ đô, đất nước bác ái, kiên cường trước mọi khó khăn, thử thách.
Đồng bào là
Thanh niên tình nguyện phòng chống thiên tai
Trao đổi với PL&XH, đồng chí Nguyễn Quang Ngà - Phó Bí thư Thường trực Huyện đoàn Quốc Oai (Hà Nội) cho biết: "Trước ảnh hưởng của cơn bão số 2, mưa lớn kết hợp với nước từ thượng nguồn đổ về, mực nước sông tiếp tục tăng nhanh đã gây ngập úng cục bộ tại một số địa phương trên địa bàn huyện Quốc Oai, gây ảnh hưởng thiệt hại về tài sản cũng như hoa màu, vật nuôi của người dân, Huyện đoàn Quốc Oai đã chỉ đạo đoàn thanh niên các đơn vị ven sông thành lập các đội hình "Thanh niên tình nguyện phòng chống thiên tai", sẵn sàng tham gia cùng chính quyền địa phương trong công tác hộ đê, phòng chống lụt bão úng, vận chuyển nhu yếu phẩm, di dời tài sản và gia súc gia cầm hỗ trợ Nhân dân. Huyện đoàn cũng phát động các đơn vị ủng hộ như yếu phẩm, bao tải hỗ trợ các địa phương phòng chống lụt úng cũng như ổn định đời sống Nhân dân. Chương trình hỗ trợ bà con được triển khai tại các xã Cấn Hữu, Đông Yên, Phú Cát, Đông Xuân, Phú Mãn, Tuyết Nghĩa, Hòa Thạch. Mỗi đơn vị có khoảng 30 đến 50 đoàn viên, thanh niên tham gia.
Không chỉ hỗ trợ người dân, các đoàn viên, thanh niên huyện Quốc Oai còn nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ trong phòng, chống úng, lụt, thực hiện các nhiệm vụ đột xuất. Tại đoạn đê thuộc thôn Cấn Hạ bị sạt trượt khoảng 10 m chân cơ đê. Sau khi kiểm tra đánh giá hạt quản lý đê điều thì phải xử lý đóng cừ chèn đất để giữ tại vị trí sạt lở, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai xã Cấn Hữu đã huy động các lực lượng thực hiện nhiệm vụ. Trong đó, 30 đoàn viên, thanh niên đã tham gia đắp bao tải, vận chuyển đất…
Đồng chí Vũ Đức Mạnh - Bí thư Đoàn xã Cấn Hữu cho biết, do ảnh hưởng của cơn bão số 2, từ ngày 22-29/7, mưa lớn kết hợp với nước từ thượng nguồn đổ về, mực nước sông Tích tiếp tục tăng nhanh đã gây ngập úng cục bộ tại thôn Cấn Hạ và Đình Tú, xã Cấn Hữu. Trong đó xóm Bến Vôi, thôn Cấn Hạ có 140 hộ bị ngập nước, có chỗ nước ngập sâu đến 1,5m. Việc đi lại và sinh hoạt của Nhân dân vùng ngập rất khó khăn, chủ yếu dựa vào thuyền và ca nô đưa đón của Ban chỉ huy quân sự huyện. Bên cạnh đó, ngập lụt gây thiệt hại về tài sản, hoa màu, vật nuôi của người dân. Để kịp thời giúp đỡ bà con vùng ngập lụt, Đoàn Thanh niên xã Cấn Hữu đã huy động 30 đoàn viên, thanh niên hỗ trợ 15 gia đình vận chuyển đồ đạc đến các vị trí cao trong nhà; vận chuyển nhu yếu phẩm do các ban, ngành đoàn thể trao tặng đến các hộ dân.
Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Đức Tiến cho biết: “Nhằm thể hiện tinh thần Hà Nội nghĩa tình, tương thân, tương ái hỗ trợ nhân dân 2 huyện Quốc Oai, Chương Mỹ, trong hai ngày 29 và 30/7, Thành đoàn - Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam TP Hà Nội đã triển khai tới 28 đơn vị khối địa bàn dân cư trực thuộc, Câu lạc bộ Xe bán tải địa hình Việt Nam và Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội, huy động tổng số kinh phí gần 400 triệu đồng, trong đó có 200 triệu đồng tiền mặt và các nhu yếu phẩm: nước đóng chai, mì tôm, áo mưa…”
Bên cạnh đó, Thành đoàn - Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam TP triển khai 3 hoạt động hỗ trợ Nhân dân vùng lụt: thành lập đội phản ứng nhanh hỗ trợ vận chuyển bằng xe bán tải, xuồng hơi; đội thanh niên tình nguyện hỗ trợ chính quyền và người dân trong lũ và sau lũ; cung cấp nhu yếu phẩm, đồ hộp, nước uống cho người dân,...
Tuổi trẻ Thủ đô cõng điện lên non
“Điện, đường, trường, trạm” là cơ sở vật chất thiết yếu phục vụ đời sống người dân nhưng nhiều nơi ở khu vực biên giới còn rất thiếu thốn. Điện sáng vì thế chính là niềm mơ ước của bà con vùng sâu, vùng xa. Theo chia sẻ của các cán bộ Đồn Biên phòng Thanh Luông (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên), cuộc sống người dân Khơ Mú bản Hua Pe (xã Thanh Luông) rất khó khăn. Để giúp đỡ bà con trong bản có điện sáng, phục vụ nhu cầu sinh hoạt, vơi bớt những vất vả, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024), 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024), Chi đoàn Đồn Biên phòng Thanh Luông đã phối hợp với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phường Quang Trung (quận Đống Đa, Hà Nội) thực hiện công trình “Thắp sáng vùng biên” với tổng trị giá 25 triệu đồng.
Chương trình đã mang ánh sáng cho hơn 30 hộ dân người Khơ Mú bản Hua Pe. Bên cạnh công việc thi công, lắp đặt, các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thanh Luông còn hướng dẫn bà con cách sử dụng điện, giữ gìn công trình ý nghĩa này.
Trung tá Nguyễn Văn Đại - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Thanh Luông cho biết: “Từ khi có công trình “Thắp sáng vùng biên”, bà con bản Hua Pe tươi vui hơn. Người dân sinh hoạt gặp nhiều thuận lợi, trẻ em được vui chơi, có điện học hành, các tệ nạn xã hội cũng giảm bớt, công tác giữ gìn ninh trật tự vùng biên được đảm bảo,…”.
Mới đây, tổ chức Từ Thiện Thật đã có chuyến thiện nguyện mang điện về bản tại Làng Giàng, xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Nơi đây hoàn toàn không có điện, người dân gần như sống biệt lập với thế giới bên ngoài. Thấu hiểu những khó khăn của bà con, tổ chức Từ Thiện Thật đã quyết định mang ánh sáng đến với bản Làng Giàng thông qua dự án “Đánh cắp mặt trời”. Trong hai ngày 3 và 4/8, các tình nguyện viên đã lắp đặt từng tấm pin năng lượng mặt trời, mang đến nguồn điện sạch và bền vững cho mỗi gia đình. Tổ chức Từ Thiện Thật mong muốn mang đến cho bà con vùng cao không chỉ là ánh điện mà còn là ánh sáng giúp tương lai những đứa trẻ nơi đây sẽ trở nên tốt hơn.
“Nguồn điện, nguồn ánh sáng đối với chúng mình ở thành phố là những điều kiện sống rất cơ bản nhưng đối với người dân nhiều khu vực vùng cao thì vẫn còn là ước mơ, là điều quá khó khăn để thực hiện được. Chúng mình đã được thấy những ngôi nhà mà người dân phải khoét một góc nhỏ của mái nhà gỗ, thay bằng một tấm nhựa trắng ọp ẹp để đổi lấy ánh sáng mặt trời chiếu sáng một góc rất nhỏ trong nhà. Tối đến thì nguồn sáng chỉ leo lét từ bếp lửa, ngay cạnh giường. Việc lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời là một giải pháp rất phù hợp và gần như là tối ưu nhất ở thời điểm hiện tại để mang ánh điện lên với bà con vùng sâu vùng xa - nơi mà chưa có điện lưới. Việc có ánh điện không chỉ mang lại niềm vui về một cuộc sống tươi sáng hơn đối với bà con bản Làng Giàng mà các bạn nhỏ cũng sẽ có cơ hội sinh hoạt, học tập và trưởng thành trong một điều kiện tốt hơn rất nhiều.” – anh Nguyễn Lạc Huy, một thành viên của Từ Thiện Thật chia sẻ.
Anh Giàng A Trử (Trưởng bản Làng Giàng) cho biết: “Ở đây có 49 hộ, hộ nhiều người nhất lên tới 15 người cùng sinh sống trong một nhà. Mấy chục năm nay, từ khi làng lập, qua bao nhiều đời rồi chưa có điện. Người dân cũng chỉ sống với ánh lửa, sau thì có thêm điện phập phù từ tuabin nước chẳng làm được gì. Cứ đến chập tối là mọi công việc đều dừng lại, trẻ con cũng chẳng thể học được dưới ánh nến tù mù”. Anh Lù A Chư, một hộ dân được lắp đặt hệ thống điện vui mừng chia sẻ: “Trước đây, tối đến chúng tôi chỉ có thể ngồi bên bếp lửa le lói. Thậm chí trẻ con còn không học được con chữ. Giờ đây, nhà tôi đã có điện, các cháu có thể ngồi học bài dưới ánh đèn, cuộc sống của chúng tôi rồi sẽ thay đổi rất nhiều”.
Suốt những năm qua, nhiệt huyết cống hiến của tuổi trẻ Thủ đô trải khắp mọi miền Tổ quốc. Bất cứ đâu, hình ảnh những đoàn viên, thanh niên với chiếc áo xanh tình nguyện đã trở nên thân thương với mọi người dân. Họ đã cùng nhân lên khát vọng cống hiến, xây dựng đất nước Việt Nam ngày một đẹp giàu.
Một đất nước có thế hệ trẻ nhân ái, với tinh thần đoàn kết, khát khao cống hiến chắc chắn là một đất nước bác ái, bao dung, kiên cường trước khó khăn, thử thách. Những việc làm xuất phát từ trái tim ấy đã chứng minh tuổi trẻ của chúng ta thật giàu có. Không phải sự giàu có trong tài khoản ngân hàng mà là những gì chúng ta có ở trong tim.
(còn nữa...)
Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ky-3-ba-con-gap-kho-co-tuoi-tre-thu-do-391016.html