Kỳ 3: 'Dân vận khéo' để kéo nhân dân

PTĐT - Từ thực tiễn cho thấy, để nhân dân hiểu, ủng hộ tham gia thực hiện đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cần phải làm tốt công tác vận động, tuyên truyền bằng phương thức phù hợp, hiệu quả gắn với nâng cao đời sống...

Từ phong trào thi đua “Dân vận khéo”, Hội LHPN thị trấn Hùng Sơn, huyện Lâm Thao đã tập trung chỉ đạo thực hiện tốt mô hình con đường hoa, tạo cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp.

Từ phong trào thi đua “Dân vận khéo”, Hội LHPN thị trấn Hùng Sơn, huyện Lâm Thao đã tập trung chỉ đạo thực hiện tốt mô hình con đường hoa, tạo cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp.

PTĐT - Từ thực tiễn cho thấy, để nhân dân hiểu, ủng hộ tham gia thực hiện đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cần phải làm tốt công tác vận động, tuyên truyền bằng phương thức phù hợp, hiệu quả gắn với nâng cao đời sống, giải quyết lợi ích thiết thân của nhân dân. Những năm qua, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện hàng nghìn mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực của đời sống, góp phần tạo sự đồng thuận xã hội, thu hút, lôi kéo các tầng lớp nhân dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.Dân vận khéo từ yêu cầu thực tiễnXã Võ Miếu, huyện Thanh Sơn có mật độ dân số đông với hơn 13.200 nhân khẩu, trong đó trên 50% là người dân tộc Mường, 5,6% dân tộc Dao..., trình độ dân trí không đồng đều. Công tác dân số ở địa phương đang gặp phải một số khó khăn, trong đó tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên có xu hướng tăng. Thực hiện Nghị định 39/NĐ-CP của Chính phủ, trong vài năm gần đây cán bộ xã đã kịp thời động viên, khuyến khích phụ nữ là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo trong xã sinh con đúng chính sách. Từ năm 2016 đến nay, sau 3 đợt rà soát, lập hồ sơ đề nghị xét duyệt hỗ trợ, đã có 35 chị được nhận hỗ trợ một lần sinh với số tiền 2 triệu đồng/người. Chị Lý Thị Hoa người dân tộc Dao thuộc diện hộ nghèo ở khu Liên Thành 2 phấn khởi bộc bạch: “Được cán bộ tuyên truyền, giải thích, tôi hiểu rằng nếu đẻ nữa cuộc sống sẽ chỉ nghèo thêm. Vì thế, vợ chồng tôi áp dụng biện pháp tránh thai hiện đại và quyết tâm hứa với cán bộ chỉ dừng lại ở 2 con thôi”. Nhờ thường xuyên bám nắm những cặp vợ chồng có tư tưởng hay nguy cơ cao sinh con thứ 3 để có cách thức vận động, thuyết phục phù hợp nên từ năm 2016 đến nay, xã Võ Miếu không có trường hợp nào sau khi nhận hỗ trợ vi phạm chính sách dân số, góp phần giải quyết khó khăn trong công tác dân số hiện nay trên địa bàn.Trước kia, tuyến đường trục chính trước cửa UBND thị trấn Hùng Sơn, huyện Lâm Thao thường xuyên xuất hiện bãi rác tự phát do người dân xả thải làm mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến môi trường nhưng từ khi Hội phụ nữ thị trấn thực hiện trồng hoa thì tuyến đường này đã có sự thay đổi rõ nét, ngày càng sạch đẹp. Dẫn chúng tôi đi trên con đường rợp sắc hoa trải dài từ đường trục chính đến các ngõ xóm, chị Nguyễn Thị Ngọ- Chủ tịch Hội LHPN thị trấn cho biết: “Sau khi huyện hội phát động xây dựng mô hình “Đường hoa phụ nữ", BCH Hội đã phổ biến đến các tổ phụ nữ và nhận được sự tham gia hưởng ứng tích cực của tất cả hội viên. Đến nay, Hội đã trồng được hơn 428m2 đường hoa, trong đó, một số đoạn đường trước đây thường xuyên là nơi xả rác của một số hộ dân, gây mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường nay đã trở thành những con đường sạch, đẹp nhất của thị trấn”.Bên cạnh đó, xuất phát từ vấn đề đạo đức, lối sống của một bộ phận thanh, thiếu niên hiện nay đang có xu hướng “lệch chuẩn” mà hoạt động giáo dục, cảm hóa của tổ chức Đoàn đã thôi thúc khát vọng hoàn lương của không ít ĐVTN từng lầm đường, lạc lối tìm lại chính mình. Đồng chí Nguyễn Thanh Tâm - Bí thư Tỉnh đoàn thanh niên chia sẻ: Công tác vận động, cảm hóa ĐVNT lầm lỡ là trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội, trong đó có tổ chức Đoàn. Vì thế, hàng năm, các cấp bộ Đoàn đều xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ sở đoàn theo dõi, giúp đỡ các đối tượng. Bằng cách vận động, thuyết phục linh hoạt, cụ thể với từng đối tượng mà 5 năm qua đã có trên 1.000 thanh thiếu niên chậm tiến trong tỉnh được cảm hóa, giúp đỡ tiến bộ”. Từ việc xác định mục tiêu cụ thể để có cách vận động khéo léo, phù hợp đã mang lại hiệu quả thiết thực trong phong trào “Dân vận khéo”. Có thể thấy, các phong trào thi đua trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã có bước phát triển mới, xuất hiện nhiều tấm gương, mô hình tiêu biểu tạo sức lan tỏa, tác động sâu sắc đến đời sống nhân dân.

Nhờ quan tâm đẩy mạnh công tác dân vận chính quyền, với nhiều giải pháp cải cách thủ tục hành chính, hướng đến nền hành chính phục vụ để mang lại tiện ích, sự thuận lợi và hài lòng của người dân.

Nhờ quan tâm đẩy mạnh công tác dân vận chính quyền, với nhiều giải pháp cải cách thủ tục hành chính, hướng đến nền hành chính phục vụ để mang lại tiện ích, sự thuận lợi và hài lòng của người dân.

Lan tỏa các mô hình dân vận khéoĐể có được những mô hình dân vận hiệu quả, sát thực, những năm qua, Ban Dân vận, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin, bám sát cơ sở, nắm tình hình, tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước. Nhiều mô hình “Dân vận khéo” được nhân rộng và có sức lan tỏa trong các lĩnh vực đời sống xã hội. Ở lĩnh vực kinh tế, năm 2018 xây dựng thành công các mô hình “Dân vận khéo” trong sản xuất, kinh doanh, nhất là ở địa bàn nông thôn như: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; vận động nhân dân của 94 xã trong tỉnh dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, phát triển kinh tế trang trại, hợp tác xã, vùng sản xuất tập trung, sản xuất theo chuỗi ngành hàng đã thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm nông sản, nâng cao thu nhập bình quân ở khu vực nông thôn đạt hơn 28 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm 1,55%.Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, các mô hình “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, cải thiện cuộc sống người dân. Từ năm 2016 đến cuối 2018, toàn tỉnh đã tích cực vận động nhân dân hiến hơn 863.000m2 đất, tài sản trên đất, công lao động mở nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã, xây dựng các công trình công cộng.Các tổ chức chính trị - xã hội cũng xây dựng và nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo” gắn với thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức, đơn vị mình. Ủy ban MTTQ xây dựng mô hình điểm khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu ở các huyện Tam Nông, Thanh Sơn và thị xã Phú Thọ; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo; vận động trên 90% khu dân cư đăng ký “Khu dân cư an toàn không có tệ nạn xã hội”… Các mô hình “Dân vận khéo” trong phụ nữ đã duy trì 136 mô hình phát triển kinh tế, 5 hợp tác xã, 193 tổ/nhóm phụ nữ liên kết phát triển kinh tế có hiệu quả. Năm 2018, đoàn thanh niên trong tỉnh đã triển khai khoảng 1.400 công trình, phần việc thanh niên, xóa bỏ 279 điểm đen về rác thải, xây dựng 21 tuyến đường văn minh thu hút hơn 3.000 lượt đoàn viên thanh niên và nhân dân tham gia. Mô hình “Dân vận khéo” trong nông dân đã vận động hội viên đóng góp trên 34 tỷ đồng, hiến trên 243.000m2 đất, làm mới 740km đường giao thông nông thôn… 55 mô hình “Dân vận khéo” trên lĩnh vực quân sự quốc phòng gắn với chương trình quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới. Không chỉ vận động quần chúng xây dựng các mô hình “Dân vận khéo”, năm 2018, Ban Dân vận Tỉnh ủy còn ký kết chương trình phối hợp với UBND tỉnh trong việc đẩy mạnh dân vận chính quyền, nâng cao đạo đức công vụ, ý thức phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức, góp phần cải cách thủ tục hành chính, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Việc UBND tỉnh đưa Trung tâm phục vụ hành chính công vào hoạt động cùng với đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử ở các cơ quan, địa phương trong tỉnh đã góp phần nâng mức độ hài lòng của người dân lên thứ 13/63 tỉnh, thành cả nước.Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy khẳng định: “Thông qua thực hiện các phong trào thi đua đã trở thành động lực để các ban ngành, đoàn thể, địa phương trong tỉnh xây dựng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo”, góp phần đổi mới tư duy, thúc đẩy đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày một nâng cao, bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết được nhiều việc khó để phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương, đơn vị. Nhờ đó niềm tin của nhân dân với Đảng ngày càng được củng cố sâu sắc, tạo sức mạnh đoàn kết, làm nên thành công trên mọi mặt của đời sống xã hội”.

Nhóm PV Chính trị - Xã hội

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/chinh-tri/xay-dung-dang/201909/ky-3-dan-van-kheo-de-keo-nhan-dan-166586