Kỳ 3: Hành vi nào của anti-fan vi phạm pháp luật?

TS. Luật sư Đặng Văn Cường cho biết trường hợp lợi dụng quyền tự do ngôn luận để xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác thì người thực hiện hành vi sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Hội nhóm anti-fan và những hậu quả khôn lường:

MC, diễn viên T.T từng làm việc trực tiếp với hai cô gái tung tin đồn thất thiệt về mình. Ảnh: NVCC

MC, diễn viên T.T từng làm việc trực tiếp với hai cô gái tung tin đồn thất thiệt về mình. Ảnh: NVCC

Lợi dụng quyền tự do ngôn luận

Theo TS. Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), các nhóm anti- fan là mặt đối lập của các fan hâm mộ một nghệ sĩ, một người nổi tiếng nào đó. Đây là hiện tượng xã hội, là biểu hiện rất cụ thể của quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ quan điểm, thái độ, ý kiến của mình đối với các vấn đề xã hội, pháp luật không cấm.

“Đây là biểu hiện của dư luận xã hội đối với những người có sức ảnh hưởng đối với xã hội. Tuy nhiên, nếu những người tham gia các hội nhóm này mất kiểm soát cảm xúc, có những hành vi thiếu chuẩn mực, đi quá giới hạn của quyền tự do ngôn luận, đặc biệt nếu người quản lý các hội nhóm này muốn lợi dụng đám đông để dẫn dắt dư luận theo chiều hướng xấu, xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì sẽ là hành vi vi phạm pháp luật”, TS. Luật sư Đặng Văn Cường cho biết.

TS. Luật sư Đặng Văn Cường phân tích Hiến pháp và pháp luật Việt Nam ghi nhận, bảo đảm và bảo vệ quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ quan điểm, thái độ của mọi người đối với các vấn đề xã hội. Pháp luật cũng không can thiệp đến thái độ, tình cảm của công dân đối với những người khác. Bởi vậy, một người có người yêu, kẻ ghét là chuyện bình thường. Đặc biệt là với những người nổi tiếng, những nghệ sĩ, những người hoạt động xã hội có sức ảnh hưởng đối với xã hội thì sẽ có nhiều người yêu, cũng có nhiều người ghét.

Những người yêu thích hội nhóm lại để ngợi ca, cổ vũ, động viên, ủng hộ thì đó là những "fan" hâm mộ. Còn những người ghét cũng tụ tập lại soi mói, nói xấu, chê bai thì đó là nhóm đối lập, tức "anti-fan". Fan và anti-fan hoạt động theo hai hướng đối lập nhưng đều tập trung vào một chủ thể, đó là hai mặt đối lập, một nhóm là động viên cổ vũ, một nhóm là chỉ ra cái sai, cái xấu của nghệ sĩ, của người nổi tiếng.

Những fan hâm mộ luôn tiếp sức về mặt tinh thần, vật chất cho nghệ sĩ để họ có động lực phấn đấu tốt hơn trong hoạt động sự nghiệp và tham gia nhiều hơn đối với các hoạt động xã hội. Đây là mặt tích cực khiến cho các nghệ sĩ lăn xả hơn, cháy hết mình hơn với nghệ thuật, cống hiến nhiều hơn cho xã hội,…

Còn các nhóm anti-fan thường tạo ra những tâm lý cảm xúc tiêu cực cho nghệ sĩ. Anti-fan thường bị quy luật lây lan cảm xúc chi phối khiến họ bị cuốn đi, không kiểm soát được cảm xúc của bản thân. Theo đó, những lời nói, chỉ trích có thể như những nhát dao cứa vào lòng tự trọng, tự ái của những nghệ sĩ.

“Những người trong nhóm antifan cũng dễ bị dẫn dắt bởi những thông tin tiêu cực, bị cảm xúc tiêu cực chi phối hoặc hoạt động theo định hướng xấu của người quản lý trang mạng đó nên có thể có những phát ngôn, hành vi thiếu chuẩn mực, thậm chí sai trái gây ảnh hưởng đến đời sống, tâm lý, sức khỏe của người nổi tiếng,…”, TS. Luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh.

Có thể bị xử lý hình sự với chế tài lên tới 7 năm tù

Luật sư Đặng Văn Cường cho biết trường hợp lợi dụng quyền tự do ngôn luận để xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác thì người thực hiện hành vi sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu hành vi xúc phạm danh dự người khác trên không gian mạng thì sẽ bị xử phạt theo Điều 101 nghị định số 15/2020/NĐ-CP với mức phạt là phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với cá nhân và phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tổ chức.

Trường hợp hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm uy tín của người khác gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, tâm lý, sức khỏe, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an toàn xã hội thì người thực hiện hành vi sẽ bị xử lý hình sự về tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự hoặc tội “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của tổ chức cá nhân” theo Điều 331 Bộ luật Hình sự với chế tài có thể tới 7 năm tù.

“Bởi vậy, việc các tổ chức, cá nhân lập các nhóm anti-fan, tham gia vào các nhóm anti-fan không vi phạm pháp luật. Tuy nhiên nếu lợi dụng việc bày tỏ quan điểm thái độ trong các hội nhóm này để xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác thì có thể sẽ phải chịu chế tài của pháp luật”, TS.Luật sư Đặng Văn Cường cho biết.

PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục, trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh: “Hành động lập các nhóm hội anti trên mạng vốn là một trong những hành vi bạo lực, bắt nạt trực tuyến. Với những người nổi tiếng, nhóm anti-fan trên mạng được lập ra có thể thu hút đến hàng trăm ngàn người. Dùng áp lực của số đông để lan truyền tin đồn thất thiệt về nạn nhân, chế ghép ảnh để dựng chuyện, đưa ra những lời đe dọa, bình phẩm hạ nhục, phát tán những thông tin bí mật của cá nhân, săm soi nhận xét về mọi động thái của người nổi tiếng với góc nhìn tiêu cực, thâm chí còn tìm cách lấy mật khẩu tài khoản hoặc liên tục làm phiền bằng những tin nhắn, hình ảnh tục tĩu,…

Những hành vi này có thể diễn ra trong thời gian dài, khiến cá nhân cảm thấy bị tấn công 24/7 ở bất cứ đâu chỉ cần kết nối với internet. Điều này làm cho cá nhân cảm thấy không còn lối thoái. Những ảnh hưởng thường thấy ở những người nổi tiếng là nạn nhân của nhóm anti-fan là cảm thấy cực kỳ tức giận, xấu hổ, bất lực và thấy mình có mặc cảm tội lỗi. Họ trở nên xấu hổ, mất hứng thú với công việc hàng ngày, trở nên thu mình. Họ cũng có thể gặp các triệu chứng cơ thể như đau đầu, đau bụng, nôn nao. Trong trạng thái này họ có nguy cơ lạm dụng chất gây nghiện, xuất hiện ý tưởng tự sát và trong một số hoàn cảnh có thể không kiểm soát được hành vi xung động của mình”.

(Còn nữa)

An Nhiên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ky-3-hanh-vi-nao-cua-anti-fan-vi-pham-phap-luat-348520.html