Kỳ 3: Nguyên nhân do đâu?

Vựa lúa, thủy hải sản của cả nước hằng năm ngoài chịu tác động của hạn mặn, sụp lún thì còn xảy ra nạn sạt lở. Theo các chuyên gia, ngoài những yếu tố thiên tai còn có tác động nhân tai, khiến sạt lở ngày càng nghiêm trọng, khó chống đỡ.

THÓI QUEN KHÓ BỎ

Theo thống kê, hằng năm có khoảng 400 vị trí xảy ra tình trạng sạt lở bờ trên toàn hệ thống sông Cửu Long. Đặc biệt là các tỉnh phía thượng nguồn như: An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ…

Những địa điểm nguy hiểm đáng lo ngại là nơi đoạn sông chảy qua các trung tâm thị tứ, tập trung đông dân cư, công trình có cơ sở hạ tầng ven sông. Lý do sạt lở thường xuất hiện ở những khu vực này là do hầu hết các đô thị, khu dân cư tập trung đều được xây dựng phát triển ở phía bờ lõm các khúc sông cong, nơi có lòng dẫn khá sâu, điển hình như TX.Tân Châu, TX.Hồng Ngự, TP.Long Xuyên, TP.Sa Đéc, TP.Vĩnh Long...

Nơi nhiều căn nhà tường cất cạnh sông Vàm Nao (An Giang) đổ sụp xuống sông sau trận sạt lở kinh hoàng.

Nơi nhiều căn nhà tường cất cạnh sông Vàm Nao (An Giang) đổ sụp xuống sông sau trận sạt lở kinh hoàng.

Lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL cho biết, ngoài yếu tố tự nhiên gây xói lở, bồi lắng lòng dẫn trên hệ thống sông Cửu Long thì các tác động của con người cũng làm gia tăng. Thứ nhất là tình trạng xây cất nhà cửa, công trình cơ sở hạ tầng, chất vật liệu, hàng hóa, neo đậu tàu thuyền.

Thứ hai là xây dựng các đập thủy điện phía thượng nguồn đã giữ lại lượng bùn cát, phù sa về phía hạ lưu sông Mê Kông. Thêm vào đó là tình trạng khai thác cát lòng dẫn quá mức, không tuân thủ quy hoạch. Ngoài ra còn có sự gia tăng hoạt động giao thông thủy.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh An Giang, toàn tỉnh có hơn 30.000 hộ sống ven sông từ lâu đời tại những nơi hiện có khả năng sạt lở, phần lớn do trước đây làm nghề nông, đánh bắt thủy sản, nay không có điều kiện thay đổi chỗ ở.

Lãnh đạo UBND huyện Chợ Mới cho biết: “Địa phương có 2.106 nhà ở ven sông, kênh, rạch, trong đó 490 căn nhà thuộc khu vực sạt lở. Tình trạng xây dựng không phép hoặc sai phép vẫn còn xảy ra. Huyện, xã đã vận động, yêu cầu 10 hộ dân tự tháo dỡ nhà ở ven sông, kênh, rạch vi phạm, nhưng chưa có trường hợp nào phải xử lý, lập biên bản, buộc tháo dỡ”.

Theo PGS-TS Lê Anh Tuấn – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu ĐBSCL, khai thác cát là một nhu cầu thực tế và nhu cầu ngày càng lớn. Trong nước cần cát để san lấp mặt bằng, nhưng rõ ràng là thời gian qua việc khai thác ấy đã vượt quá sự kiểm soát của chính quyền các tỉnh. Ngoài ra còn một nguyên nhân khác nữa là trong quá trình phát triển hệ thống thủy lợi của chúng ta thời gian qua có nhiều cái rất duy ý chí.

“Thay vì coi lũ ở ĐBSCL như một tài nguyên, người ta lại coi nó như một thiên tai như ở miền Trung và miền Bắc. Vì thế phải tiêu lũ đi và đê bao xuất hiện ở vùng tứ giác Long Xuyên. Không giữ được lũ không chỉ ảnh hưởng tới các vùng bên dưới, mà cái tai hại là làm thay đổi hệ sinh thái vùng ven biển khiến rừng phòng hộ bị mất” - PGS-TS Lê Anh Tuấn nhấn mạnh.

THIẾU CÁT VÀ PHÙ SA

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện – chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL cho biết: Nguyên nhân chính của việc sạt lở ĐBSCL là sự mất cân bằng trên toàn hệ thống sông Mê Kông, tức là sự thiếu cát và phù sa. Nguyên nhân đằng sau là do các đập thủy điện chặn cát và việc khai thác cát trên sông Mê Kông ở tất cả các quốc gia từ Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.

Khi dòng nước bị thiếu phù sa sẽ nhẹ hơn, bị dư thừa năng lượng, chảy mạnh hơn, khoa học gọi là “nước đói”, có khuynh hướng “ăn” vào bờ và đáy sông để tự bù đắp, tự cân bằng động lực. Trong bối cảnh thiếu cát và phù sa, chuyện gia tăng sạt lở ĐBSCL là tất yếu nếu cứ tiếp tục khai thác cát.

“Bài toán bây giờ là bài toán so sánh và đánh đổi. Đánh đổi giữa lợi nhuận khai thác cát và tổn thất do sạt lở cùng với chi phí ứng phó; đánh đổi giữa bờ này và bờ kia, bên nào cần bảo vệ hơn; so sánh chi phí giữa phương án bảo vệ và phương án rút lui, tái định cư, làm đường tránh” – ông Thiện nhấn mạnh.

Theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân chính gây sạt lở là thiếu cát và phù sa.

Theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân chính gây sạt lở là thiếu cát và phù sa.

Theo ông Nguyễn Nghĩa Hùng (Phó viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam), các vụ sạt lở trên địa bàn TP.Cần Thơ có nhiều điểm chung. Trước hết vì áp lực đất đai ở đô thị nên người dân sinh sống rất gần bờ sông, gia tải lên bờ sông ngày càng lớn nên tạo điều kiện cho sạt lở xảy ra.

Đặc điểm thứ hai là phần lớn những khu vực này có nền đất rất yếu, thậm chí nhiều chỗ rất ít đất mà người dân chỉ đổ cát lên để san lấp, xây dựng. Yếu tố thứ ba là do điều kiện tự nhiên, thời điểm giao mùa giữa mùa khô và mùa mưa, cộng thêm yếu tố dòng chảy, thủy triều đã góp phần làm tăng nguy cơ sạt lở.

Còn theo ông Tô Hoàng Môn – Phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh An Giang cho biết: “Tổng thể sông Hậu khu vực Long Xuyên là đoạn sông phân nhánh phức tạp. Trong đó, lòng dẫn nhánh trái cù lao Ông Hổ (xã Mỹ Hòa Hưng) có xu thế bị thoái hóa, thu hẹp dần do tình trạng bồi lấp mạnh hình thành nên những bãi nổi. Ngược lại, ở nhánh phải cù lao Ông Hổ, lòng dẫn có xu thế ngày càng mở rộng. Các cù lao dọc đoạn sông này cũng có sự thay đổi mạnh, hầu hết có xu thế dịch chuyển dần về hạ lưu”.

Theo ông Môn, lưu lượng dòng chảy lớn đi vào nhánh phải bờ sông Hậu thuộc địa bàn các phường Bình Đức, Bình Khánh và Mỹ Bình hơn 10 năm trở lại đây cao bất thường, khiến tình trạng sạt lở bờ sông khu vực này diễn ra hết sức nghiêm trọng. Lưu lượng nước qua nhánh phải hiện chiếm 70 - 80% lượng nước sông Hậu, cộng với tình trạng bồi lắng thành các bãi lài phía bờ trái Mỹ Hòa Hưng đe dọa hàng ngày đối với người dân phía bờ bên phải khu vực đô thị TP.Long Xuyên.

(Còn tiếp...)

Nguyễn Nhân

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/ky-3-nguyen-nhan-do-dau_95454.html