Kỳ 3: Ôn cố tri tân

Đúng như dự đoán của ông Kết, thuyền về đến bến Bình Ca trời chưa sáng rõ. Lợi và tôi hối hả nhảy lên bờ để tìm người chuyên chở máy về Quán Ông Già, rồi từ đó anh em trong nhà in sẽ ra chuyển tiếp.

Khi trở về thuyền thì thấy hai cha con Vân đã chuyển được một phần lớn máy móc lên bờ. Tôi thấy ân hận, vì công việc mà quên mất Vân.

- Anh xin lỗi Vân, để Vân và bố vất vả quá.

Vân chỉ trả lời bằng ánh mắt.

Hàng đã chất đầy lên hai chiếc xe bò. Tôi thấy bồi hồi sắp phải xa Vân, xa ông Kết tốt bụng và xa con đò chưa biết bao giờ gặp lại. Tôi tính tìm Vân thì Vân đã chạy lại. Nắm tay Vân, tôi bùi ngùi:

- Anh phải đi rồi Vân ạ... nhớ em... mong em và bố mạnh khỏe.

Vân không nói gì, tôi biết là Vân đang khóc. Đột nhiên, Vân ôm choàng lấy tôi, gục đầu vào vai tôi. Một vệt nước ấm thấm vào cổ tôi. Vân nghẹn ngào:

- Anh nói là anh trở lại mà...

 Tác giả xem lại các số báo đầu tiên nhân kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống của Báo Quân đội nhân dân.

Tác giả xem lại các số báo đầu tiên nhân kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống của Báo Quân đội nhân dân.

Nói rồi, Vân ghì đầu tôi xuống sát vào môi Vân. Tôi vừa cảm nhận được hương thơm của mái tóc, vừa cảm thấy có một luồng hơi nồng ấm áp sát vào da thịt tôi thì bỗng vô duyên... Vầng trăng lưỡi liềm cuối tháng hiện ra khỏi mỏm núi, núp trên các ngọn cây trơ cành vì bom đạn, nhòm xuống hai chúng tôi. Tôi vội gỡ Vân ra, quay đầu tìm Lợi, sợ Lợi biết. May thay, Lợi đã theo xe nên không nhìn thấy Vân và tôi.

- Anh phải đi Vân ạ, được, anh sẽ tìm Vân.

- Cẩm Bình, anh nhớ!

Vân gào vọng theo tôi trong lúc tôi vội chạy đuổi theo xe và cũng để dứt nỗi buồn.

Chuyện may cho tôi và cũng không may cho tôi, tôi được đi học nước ngoài. Về nước, tôi về ngay Cẩm Bình nhưng Cẩm Bình chỉ còn là một hồ nước mênh mang giữa rừng hoang và núi đá, nhường chỗ cho một đập thủy điện. Tôi vội tìm về khu tái định cư nhưng không ai biết gia đình Vân đã đi đâu, về đâu. Sau này, công nghệ thông tin phát triển, tôi vào mạng tìm kiếm thông tin về Vân mà không có kết quả. Đành ước sao những trang viết này đến được với Vân trước khi trời gọi.

* * *

Ngày nay, mỗi khi cầm tờ báo trên tay, chắc không ai nghĩ rằng để có được tờ báo đã có bao nhiêu khó khăn, ngoại trừ người đọc thấy được nỗi vất vả của các cây bút phóng sự điều tra. Còn về chuyện in ấn, nay với công nghệ hiện đại lại càng không ai biết tới việc in báo những năm 50 của thế kỷ trước khó khăn, thiếu thốn đến mức nào. Việc in báo hiện nay đều được tự động, sau khi cẩu các cuộn giấy có đường kính trên một mét đến đầu dây chuyền của máy in, sau đó mọi công đoạn sẽ hoàn toàn tự động, tự xén giấy, tự đưa giấy vào máy, tự lồng trang trong trang ngoài, tự đếm số lượng, tự xếp gọn từng chồng báo v.v... thì mọi “tự” ấy đều xa vời khi in các số đầu tiên Báo Quân đội nhân dân. Công nghệ in ấy vẫn kéo dài cho đến thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, cứu nước. Tôi nghe Minh, người trình bày Báo Lao động, rồi đưa in ở Nhà in Báo Nhân Dân, kể rằng một đoàn đại biểu Đảng Cộng sản ở châu Phi khi đến thăm Nhà in Báo Nhân dân, nhận xét công nghệ in của ta lạc hậu đến nửa thế kỷ so với thế giới. Chiến tranh chống quân đội viễn chinh Pháp xong, ta chưa có điều kiện cập nhật công nghệ in ấn hiện đại. Thời kỳ Pháp cai trị nước ta, cả Đông Dương có hai nhà máy in lớn nhất của chủ người Pháp: Nhà in Viễn Đông, tên tiếng Pháp là Imprimerie d’Extrême-Orient, viết tắt là IDEO tọa lạc đối diện với Nhà máy điện Yên Phụ, có chi nhánh cả ở Sài Gòn và Nhà in Taupin, tọa lạc tại phố Tràng Tiền, sau năm tiếp quản Thủ đô năm 1954 trở thành Nhà in Báo Nhân Dân.

Tôi còn nhớ hồi đó những gánh giấy từ Nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ ở Hạ Hòa, Phú Thọ (sau này mới chuyển sang Thái Nguyên), chuyển tới nhà in Quân đội nhân dân phải gánh bằng đôi vai. Xe thồ chưa được “phát minh”. Ngân, quê Bắc Giang, người vạm vỡ, mỗi lần xén giấy, anh nhảy lên cán con dao dài hơn một mét, dùng sức nặng cơ thể, đánh đu xuống mới xén nổi (nhà in có nhiều cỡ dao xén giấy, Ngân phụ trách loại dài nhất). Để đếm giấy, các công nhân nhà sách phải nắm góc tờ giấy, làm xòe ra như những nan quạt rồi đếm 5 tờ một lại luồn ngón tay vào làm vạch nhớ. Để gấp tờ báo, mỗi người phải tự tạo lấy một thanh que, gấp đôi góc trang báo lại rồi quệt một cái thành đường gấp. Công đoạn in nào cũng có sáng kiến để khắc phục. Tuy nhiên, tôi cảm phục nhất là khâu làm lô cho máy in của anh Thọ (Thọ là anh rể Nguyễn Thúc Côn, quân nhân đứng máy, trong thời kỳ chống Mỹ, Côn là Giám đốc Nhà máy in Tổng cục Hậu cần).

Như trên đã nói, máy in Minec là loại máy in thủ công, phải đạp chân cho máy chạy. Lực đó truyền vào bánh xe đà làm chuyển động hai bộ phận khác, một là mặt phẳng để đỡ tờ giấy trắng, hai là cuộn lô, lấy mực xong quét lên bát chữ (như bộ phận drum máy in vi tính ngày nay). Nếu đanh quá thì lô không thấm mực và nhả mực vào bát chữ, còn nếu mềm quá thì nó chảy nhựa nát bét ra máy in, tiếng chuyên môn gọi là “vỡ lô”. Như vậy nó chẳng khác gì chuyện đi trên dây, ngả quá sang phải hay sang trái đều ngã. Đứng bên cái lò ninh da trâu to đùng, những ngày nắng nóng, người anh Thọ đẫm mồ hôi vẫn phải đứng sát lò lửa, luôn tay dùng một cái khuấy dài như chiếc đòn gánh và canh bằng mắt thường, đến lúc da trâu mềm đúng độ để đổ vào các ống dùng làm khuôn của lô. Do vậy không phải mẻ nào cũng đạt, có khi máy in phải chờ lô là “chuyện thường ngày ở huyện”.

Máy in cần hai thứ mà không sáng kiến vượt khó nào vượt nổi, đó là mực in và các con chữ bằng chì, rất chóng mòn vì in trên giấy cứng làm bằng nguyên liệu của bột cây giang chứ không phải bằng bột cây dó rất hiếm do chiến tranh. Tôi không biết sáng kiến thành lập Tổ Tiếp liệu là của ai, của cấp nào, mà khi tôi được cử sang đó thì tổ đã được thành lập do anh Nguyễn Quý Chất phụ trách cùng hai chiến sĩ là Mưu và Độ. Tôi không nhớ anh Chất học tới đâu nhưng anh là bạn với anh tôi, sau Cách mạng Tháng Tám 1945, anh là thư ký của Ủy ban Cách mạng Lâm thời Khu Hoàng Văn Thụ (chỉ ngoại thành Hà Nội, tên có từ hồi bí mật) có trụ sở tại đường Đội Cấn bây giờ, còn tôi đã thoát ly sống ở ngôi Nhà Đỏ, tên trang trại của một người Pháp gần Cống Mọc, trụ sở Khu bộ Việt Minh Hoàng Văn Thụ. Tôi cũng không biết có phải do cần tăng cường nên anh Chất xin tôi sang hay không. Tổ đóng quân ở làng Sơn Vy, đối diện qua sông Hồng là xã Cổ Đô, gần Trung Hà, nơi quân đội Pháp đã chiếm đóng. Từ Đền Hùng theo con đê bên tả ngạn sông Hồng xuôi mãi cho tới khi gặp một con đầm lầy rộng, phải chăng đã hình thành do một lần vỡ đê, Sơn Vy nằm ở vị trí đó.

Tôi có nhiều kỷ niệm ở nơi này, do công việc tiếp liệu nên ở đây tới vài tháng, một làng mang đậm chất quê. Trên đầm lúc nào cũng thường trực vài ba con thuyền với lưới, mỗi khi cất vó xong ngư dân lại gác lưới lên mũi thuyền, như một bức tranh sơn thủy, chúng tôi vẫn ra mua cá ở đấy. Giữa cánh đồng rộng, rải rác vài quán nghỉ trưa dưới bóng cây đa cổ thụ. Trước chiến tranh, để sống với cảnh quê này, chúng tôi gồm cả anh Tường, sau này là nhạc sĩ Phong Nhã với bài hát có câu “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn các em nhi đồng” nổi tiếng; anh Toản, sau đổi tên là Tô An, anh ruột nhạc sĩ Huy Du tài ba, phải đi dã ngoại cắm trại vào các ngày chủ nhật nghỉ học. Sơn Vy cũng là nơi tôi thoát chết do chưa biết trong số binh lính Pháp đóng bên Cổ Đô, có một sĩ quan, dân vẫn gọi là "Tây lùn", thường bắn qua dòng sông rộng vào người trên mặt đê bên này. Hồi đó chưa ai biết đến “ống ngắm” gắn vào súng trường. Khi mới nhận công tác, tôi ra đê để quan sát chỗ tập kết hàng, vừa bước khỏi bụi tre cạnh điếm canh đê, thì một viên đạn găm đúng tới chỗ tôi vừa đứng. Chọn Sơn Vy làm chỗ đóng quân vì một lẽ nữa. Vẫn con đê chạy từ thị xã Phú Thọ xuống nhưng đến đây, ven đê đã không còn dân cư, chỉ lẻ loi một điếm canh đê bên một bụi tre đơn độc. Đêm xuống, trên con đê vắng vẻ này lại tấp nập một cái chợ đủ thứ hàng hóa, nhu yếu phẩm mang từ vùng tạm chiếm ra mà vùng tự do không có, mang tên khá buồn cười: Chợ Sờ. Sở dĩ chợ có tên đó vì chợ họp vào đêm, người mua, người bán chỉ sờ tiền.

Tổ Tiếp liệu về sau còn làm cả việc cho Văn phòng Bộ Quốc phòng-Tổng Tư lệnh, cung cấp mọi văn phòng phẩm như máy đánh chữ, giấy than, ruy băng máy đánh chữ, giấy pơ luya (tức loại giấy mỏng dùng cho máy đánh chữ), bút máy, mực dành riêng cho bút máy, đèn pin, rồi cả xe đạp, xe bình bịch (khi đó chưa có từ xe mô tô) v.v...

Đầy ắp các kỷ niệm vui, buồn. Nhiều kỷ niệm không viết hết ra đây như những ngày “Rét Thái Nguyên rét về Yên Thế/ Gió qua rừng Đèo Khế gió sang” (thơ Tố Hữu), tắm ở bìa rừng, phải tắm theo “chiến thuật vết dầu loang” để chống rét, tức là tắm từng chân một, xong mới tắm từng cánh tay, tiếp đó mới “đánh vu hồi” lên ngực, lên lưng để cuối cùng mới “tổng tiến công” giội nước chớp nhoáng toàn thân v.v...

Những ngày đầu ấy, Báo Quân đội nhân dân, tuy được "mẹ yêu" nhưng "mẹ nghèo", báo như một đứa trẻ thiếu sữa nay đã lớn phổng lên. Lần gần đây nhất được ra tòa soạn đã 5 năm, anh Lê Phúc Nguyên, Trung tướng, nguyên Tổng biên tập báo đến dắt tôi ra thang máy, đưa tôi đến khắp các phòng, ban, các tầng lầu. Phòng, ban nào cũng đầy đủ các phương tiện để tác nghiệp. Với con mắt của một người già, nhìn đội ngũ phóng viên, biên tập viên, chiến sĩ trẻ, các chàng trai, cô gái “văn thông, võ thạo”, giỏi ngoại ngữ, nắm vững công nghệ thông tin thời hiện đại, sẵn sàng ngẩng cao đầu xông vào các điểm nóng của xã hội, của thao trường, của vùng cao biên giới, của biển đảo xa xôi, tôi thấy mừng, rất mừng.

Tôi chấm hết bài viết này, ở tuổi đã 90, chắc chắn là bài viết cuối cùng của đời làm báo bằng bốn chữ: Ôn cố tri tân.

VŨ HƯNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/ky-3-on-co-tri-tan-640649