Kỳ 3: Phục hồi chức năng và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người khuyết tật
Thời gian qua, nhờ các dự án liên quan đến phục hồi chức năng (PHCN) do các tổ chức quốc tế hỗ trợ, ngành y tế nhiều tỉnh, TP đã phát triển được đội ngũ nhân lực mới về PHCN, tạo điều kiện bổ sung nhân lực cho các Trung tâm Y tế tuyến huyện, BV tuyến tỉnh, giúp người khuyết tật được PHCN và cải thiện chất lượng cuộc sống rõ rệt.
Nỗ lực vì cuộc sống của người khuyết tật trở nên tốt đẹp hơn:
Theo số liệu từ Sở LĐTB&XH Quảng Nam, năm 2022, tỉnh có 71.439 người khuyết tật, trong đó có hơn 15.000 người đặc biệt nặng, 48.010 người nặng và hơn 8.400 người bị nhẹ.
Thông tin từ Hệ thống thông tin về người khuyết tật (DIS) của Bộ Y tế, Quảng Nam có khoảng 5.200 người cần khám phục hồi chức năng (PHCN) và 5.900 người cần dịch vụ chỉnh hình, chân tay giả, dụng cụ trợ giúp nhưng chưa được tiếp cận dịch vụ.
Về các cơ sở khám, chữa bệnh, PHCN, Quảng Nam hiện có 27/34 cơ sở khám chữa bệnh cung cấp dịch vụ kỹ thuật PHCN, trong đó có 3 đơn vị cung cấp dịch vụ kỹ thuật PHCN theo hướng đa ngành, bao gồm vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu, ngôn ngữ trị liệu, dụng cụ trợ giúp. Các cơ sở khám chữa bệnh cung cấp thực hiện được trên 50% dịch vụ kỹ thuật về PHCN.
Thời gian qua, nhờ các dự án liên quan đến PHCN do các tổ chức quốc tế hỗ trợ, ngành y tế Quảng Nam đã phát triển được đội ngũ nhân lực mới về PHCN, tạo điều kiện bổ sung nhân lực cho các trung tâm y tế tuyến huyện, BV tuyến tỉnh.
Các dự án chú trọng phát triển nguồn nhân lực là bác sĩ, kỹ thuật viên vật lý trị liệu, PHCN trong các lĩnh vực kỹ thuật mới gồm hoạt động trị liệu, ngôn ngữ trị liệu và dụng cụ trợ giúp. Dịch vụ PHCN cho người khuyết tật tại nhà cũng được ngành Y tế Quảng Nam triển khai, kết hợp với chuyển tuyến theo tiếp cận đa chuyên ngành.
Trong 3 năm 2021 - 2023, tổ chức Medipeace, KOICA đã tài trợ dự án “PHCN và cải thiện chất lượng cuộc sống cho trẻ khuyết tật”. Dự án đã được tổ chức Medipeace phối hợp với Sở Y tế tỉnh Quảng Nam triển khai đạt được kết quả tích cực góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống cho trẻ khuyết tật và gia đình có trẻ khuyết tật.
Dự án đã thiết lập hệ thống PHCN cho trẻ khuyết tật từ tuyến tỉnh, tuyến huyện và tuyến xã của 4 huyện tham gia dự án. Có 3 BV tuyến tỉnh, 4 Trung tâm Y tế huyện và 10 Trạm Y tế xã đã được hỗ trợ trang thiết bị PHCN. Đồng thời, các cơ sở y tế này cũng đã gửi cán bộ y tế tham gia các khóa đào tạo về định hướng chuyên khoa PHCN, khóa đào tạo 3 tháng về âm ngữ trị liệu cho trẻ tự kỷ và các khóa đào tạo về PHCN cơ bản.
Dự án cũng thiết lập được 12 phòng PHCN tích hợp vào trạm y tế xã và được trang bị với các phương tiện PHCN nhi khoa hiện đại. Tại các phòng PHCN, đội ngũ nhân viên y tế và các trị liệu viên đã áp dụng các phương pháp trị liệu PHCN toàn diện gồm vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu, âm ngữ trị liệu và giáo dục đặc biệt.
Trong 3 năm của giai đoạn 1, các bác sĩ PHCN và trị liệu viên đã thực hiện hơn 10.000 lượt thăm khám, trị liệu PHCN cho trẻ khuyết tật tại các phòng PHCN và tại nhà, trong đó có 154 trẻ khuyết tật được phục hồi chức năng thường xuyên tại các Phòng PHCN tuyến xã, điểm mới trong hệ thống cung cấp dịch vụ PHCN cho người khuyết tật.
Ông Lê Viết Thuấn, Trưởng khoa PHCN - Y học cổ truyền của Trung tâm Y tế huyện Hiệp Đức (Quảng Nam) cho biết, tại Hiệp Đức, dự án đã thành lập 3 phòng PHCN tuyến xã gồm Bình Lâm, Quế Thọ, Sông Trà và 1 phòng PHCN tại Trung tâm Y tế huyện. Số trẻ khuyết tật đang quản lý tại các phòng hiện tại là 50 trẻ, với các loại tật như vận động, chậm phát triển trí tuệ, rối loạn ngôn ngữ, tăng động giảm chú ý, tự kỷ,...
Đến nay, chất lượng dịch vụ PHCN ở cộng đồng trên địa bàn huyện Hiệp Đức được nâng cao rõ rệt, trẻ khuyết tật có cơ hội được tiếp cận dịch vụ PHCN chất lượng cao, tăng cường khả năng sống độc lập, mở rộng cơ hội hòa nhập xã hội, giảm gánh nặng về chi phí điều trị cho gia đình. Đối với hệ thống y tế của huyện, các phòng PHCN tuyến xã đã trở thành một phần không thể tách rời, góp phần nâng cao năng lực, chất lượng hỗ trợ người khuyết tật tại cơ sở.
TS.BS Mai Văn Mười – Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam ghi nhận, đánh giá cao sự hợp tác và phối hợp hiệu quả của tổ chức Medipeace, BV Trường Đại học Chonbuk và quỹ phát triển Châu Á (ADF) trong dự án “Hỗ trợ phục hồi chức năng và cải thiện chất lượng cuộc sống cho trẻ khuyết tật tỉnh Quảng Nam” giai đoạn 2021 - 2023. Dự án cũng đã hỗ trợ cho 606 trẻ khuyết tật các dụng cụ trợ giúp PHCN bao gồm dụng cụ trợ giúp di chuyển, dụng cụ trợ giúp hoạt động sinh hoạt hàng ngày và dụng cụ hỗ trợ học tập.
Đặc biệt, KOICA đồng ý tiếp tục tài trợ cho dự án tại Quảng Nam giai đoạn 2 từ năm 2024 - 2026. Với cam kết hợp tác trong giai đoạn 2, tỉnh Quảng Nam, tổ chức Medipeace và KOICA sẽ có cơ hội phát triển hệ thống PHCN chất lượng cao và bền vững tại tỉnh Quảng Nam.
Tại tỉnh Đồng Tháp, BV PHCN tỉnh có hơn 100 giường bệnh kế hoạch, công suất sử dụng giường bệnh hàng năm từ 110% trở lên. BV có khoảng 30 nhân lực gồm bác sĩ, kỹ thuật viên,... chuyên ngành PHCN. BV PHCN Đồng Tháp cũng là đơn vị chuyên môn được Sở Y tế giao nhiệm vụ tham mưu công tác về chuyên ngành PHCN.
Ngoài ra, Các BV đa khoa tuyến tỉnh đều có khoa PHCN để thực hiện việc khám chữa bệnh, cung cấp dịch vụ kỹ thuật PHCN cho người bệnh.
Trung tâm Y tế các huyện cũng thành lập tổ phục hồi chức năng lồng ghép khoa Y học cổ truyền, trong đó có bác sĩ và kỹ thuật viên PHCN thực hiện cung cấp dịch vụ kỹ thuật về PHCN, đáp ứng nhu cầu khám điều trị bệnh cho người dân, đồng thời cử cán bộ phụ trách theo dõi quản lý công tác PHCN tại các trạm y tế.
Sở Y tế Đồng Tháp triển khai nhiều hoạt động truyền thông, phối hợp cùng Đài truyền thanh huyện, trạm truyền thanh xã phổ biến các nội dung nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò, tầm quan trọng đối với công tác phát hiện sớm, can thiệp sớm, sàng lọc khuyết tật trước sinh, phòng ngừa khuyết tật; nâng cao nhận thức của người khuyết tật, gia đình, cộng đồng về khuyết tật như giáo dục, phổ biến kiến thức phổ thông về chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa giảm thiểu khuyết tật; phát hiện sớm, can thiệp sớm, phẫu thuật chỉnh hình và cung cấp dụng cụ trợ giúp cho người khuyết tật,...
Cùng với đó, Sở Y tế Đồng Tháp cũng triển khai thực hiện cung cấp dịch vụ phát hiện sớm khiếm khuyết ở trẻ trước khi sinh và trẻ sơ sinh phối hợp với Chi cục Dân số tỉnh. Đào tạo, tập huấn nâng cao các kỹ năng phát hiện sớm và can thiệp sớm khuyết tật cho cán bộ, nhân viên và cộng tác viên trợ giúp người khuyết tật. Tính đến nay, 12/12 huyện thực hiện việc khám sàng lọc, phát hiện sớm các dạng khuyết tật cho trẻ.
(Còn nữa...)