Kỳ 3: Thay đổi từ những điều nhỏ nhất

Với sự định hướng của các cấp ủy Đảng, sự hỗ trợ của chính quyền đã tạo động lực để người dân bắt đầu liên kết, hợp tác, tăng chất lượng, sản lượng lúa gạo giảm dần diện tích lúa vụ ba, luân canh các loại cây trồng, thủy sản khác. Nông dân thay đổi suy nghĩ từ những điều nhỏ nhất, đơn giản nhất ngay trong chính mảnh vườn, thửa ruộng của mình, từ sản xuất rời rạc nhỏ, lẻ họ chuyển sang liên kết, sản xuất sạch, an toàn tốt cho sức khỏe làm đa dạng sản phẩm, tăng lợi nhuận sản xuất.

Bước ra từ đồng

>> Kỳ 1: Chiến lược thay đổi tư duy

>> Kỳ 2: Tiếp sức nông dân

Nông nghiệp là một trong những thế mạnh của tỉnh Đồng Tháp

Nông nghiệp là một trong những thế mạnh của tỉnh Đồng Tháp

Liên kết hợp tác

Toàn tỉnh hiện có 219 Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp với hơn 35.000 thành viên, so với năm 2015 tăng 61 HTX, hơn 4.000 cán bộ HTX được tập huấn, bồi dưỡng, gần 300 cán bộ trẻ được tốt nghiệp đại học, cao đẳng làm việc có thời hạn tại HTX. Tỉnh tập trung củng cố và phát triển 9 HTX hoạt động có hiệu quả trong 3 lĩnh vực lúa gạo, trái cây, thủy sản… UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các huyện, thị, thành phố đã hợp tác với nhiều đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh triển khai thực hiện trên các lĩnh vực: thực hiện chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn nông dân nhân sử dụng phân bón thông minh; chế biến và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch; đào tạo đội ngũ sinh viên chất lượng cao về các chuyên ngành (hóa học, công nghệ sinh học, nông nghiệp) mang lại hiệu quả.

Hoạt động của Trạm bơm điện tại Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2 được điều khiển từ xa thông qua điện thoại thông minh

Hoạt động của Trạm bơm điện tại Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2 được điều khiển từ xa thông qua điện thoại thông minh

HTX dịch vụ nông nghiệp (DVNN) Mỹ Đông 2 (xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười) là một trong những đơn vị đi đầu thực hiện chủ trương hợp tác, liên kết, thị trường, giảm chi phí, tăng chất lượng, chế biến tinh. Đồng chí Ngô Phước Dũng – Giám đốc HTXDVNN Mỹ Đông 2 cho biết: “Nhờ sự hỗ trợ của ngành chuyên môn cấp trên cộng với các nguồn vốn xã hội hóa của người dân trong HTX đã đầu tư giao thông nội đồng; hệ thống thủy lợi; hệ thống bơm tưới bằng điện khá hoàn chỉnh nên sản xuất lúa thuận lợi. Đồng thời, HTX luôn chủ động liên kết các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để bao tiêu sản phẩm. Diện tích sản xuất nông nghiệp (lúa giống, lúa thương phẩm) của HTX là 5.300ha nhưng có khoảng 70% diện tích sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm…”.

Hệ thống cảm ứng điều tiết mực nước trên ruộng được điều khiển từ điện thoại tại Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2

Hệ thống cảm ứng điều tiết mực nước trên ruộng được điều khiển từ điện thoại tại Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2

Hiện tại, việc sản xuất nông nghiệp của HTX rất đa dạng, ngoài sản xuất lúa thương phẩm chất lượng cao và có liên kết tiêu thụ, thì HTX còn sản xuất lúa giống với các đơn vị như: Công ty Giống cây trồng Miền Nam, Tập đoàn Lộc Trời, Công ty Vinarice, Công ty Giống cây trồng Miền Nam… nên đầu ra của nông sản rất ổn định. Việc sản xuất hàng nông sản của người dân luôn bám sát các tiêu chuẩn, quy chuẩn mà đối tác đã đưa ra, qua đó tạo được niềm tin với khách hàng. Mới đây cũng có một số công ty, doanh nghiệp tìm đến và đặt vấn đề liên kết tiêu thụ lúa của HTX.

Sướng như nông dân

Với những người nông dân đã bao đời gắn bó với thửa ruộng, liếp vườn bắt đầu cảm nhận được những đổi thay từ định hướng đúng đắn của Đảng, Nhà nước chăm lo cho cuộc sống của mình. Ông Trương Minh Hoàng (ngụ khóm Mỹ Phú Đất Liền, thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh) cho biết: “Gia đình có hơn 1ha đất làm lúa trong HTXDVNN Mỹ Đông 2, trong nhiều năm qua, việc sản xuất lúa bây giờ sướng lắm không vất vả như trước kia là nhờ hạ tầng nơi đây được đầu tư đồng bộ (điện, đường, thủy lợi…). HTX giới thiệu ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, tưới tiêu do HTX lo, sạ và thu hoạch lúa đều bằng máy, thương lái cân lúa tại ruộng. Vụ lúa Đông Xuân mới đây, khi thu hoạch thương lái điều khiển xe ô tô (loại 5 tấn trở xuống) đến tận ruộng để thu mua lúa của tôi cũng như nhiều khác trong HTX. Tôi chỉ cầm miếng giấy, cây viết rồi một mình điều khiển xe mô tô chạy đến ruộng, ghi số lượng ký lúc cân lúa, rồi lấy tiền bỏ cốp xe chạy về nhà. Việc vệ sinh đồng ruộng để làm vụ mới do các Tổ dịch vụ của HTX thực hiện sau đó, mình khỏi lo…”.

Hội viên Thuận Tân Hội quán sản xuất xoài theo hướng hữu cơ

Hội viên Thuận Tân Hội quán sản xuất xoài theo hướng hữu cơ

Phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hợp tác, liên kết cùng sản xuất sạch, tăng tỷ lệ sản phẩm chế biến sau thu hoạch là một trong những mục tiêu được định hình từ những nền tảng chiến lược thay đổi tư duy, tiếp sức nông dân và suy nghĩ thay đổi từ những điều nhỏ nhất. Một tín hiệu vui về sự liên kết cùng sản xuất sạch tại xã Tân Thuận Tây, TP.Cao Lãnh, Thuận Tân Hội quán hiện có 52 hội viên, trong đó có 12 đảng viên phát huy vai trò nòng cốt trong các hoạt động. Một số thành viên Hội quán đã chọn sản xuất xoài theo hướng hữu cơ hạn chế dùng thuốc hóa học, không gây hại cho môi trường. Hội quán được sự hỗ trợ của ngành chức năng từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm đồng thời định hướng cho hội viên từ sản xuất riêng lẻ chuyển sang làm kinh tế tập trung, liên kết HTX. Hiện Hội quán có 30 thành viên tham gia Tổ sản xuất xoài theo hướng hữu cơ-an toàn.

Ông Lê Phước Tánh – Phó Chủ nhiệm Thuận Tân Hội quán chia sẻ: “Được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, UBND TP.Cao Lãnh tạo điều kiện để người nông dân cùng chia sẻ kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp, bàn bạc về giải pháp phát triển kinh tế, tiếp xúc, gặp gỡ các nhà khoa học, chuyên gia. Đồng thời thường xuyên được lãnh đạo tỉnh, thành phố, lãnh đạo địa phương thăm hỏi, động viên và giải đáp những thắc mắc, kiến nghị. Lãnh đạo tỉnh trong các buổi tiếp xúc với nông dân của xã và hội viên hội quán cũng đã định hướng, yêu cầu người nông dân phải làm sao sản xuất ra loại nông sản an toàn. Vì hiện nay, sản phẩm an toàn đang là nhu cầu thiết yếu của con người, của thị trường trên cả thế giới chứ không riêng gì nước Việt Nam mình. Đồng thời từng bước xây dựng được thương hiệu của nông sản tỉnh nhà. Ở Hội quán, việc làm vườn kết hợp HTX để có giá cả thị trường ổn định, lãnh đạo địa phương hỗ trợ tìm doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm giúp người nông dân, nhà vườn an tâm sản xuất…”.

Hưởng ứng cách làm nông nghiệp theo hướng hữu cơ, ông Nguyễn Văn Đúp – Hội viên Thuận Tân Hội quán cho biết: “Năm 2018 gia đình tôi chuyển toàn bộ diện tích gần 5.000m² vườn với khoảng 200 gốc xoài sang trồng theo hướng hữu cơ; sử dụng các loại phân hữu cơ và thuốc sinh học... Nhờ cán bộ nông nghiệp của thành phố xuống hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật nên dần mình nắm được quy trình và tiến hành cho đến hôm nay. Làm theo hướng hữu cơ này có tốn công hơn. Vì mình ít dùng thuốc hóa học nên phải rong nhánh, tỉa cành, vệ sinh tạo cho vườn xoài thông thoáng, giảm lượng sâu bệnh. Sản xuất xoài theo hướng hữu cơ có hiệu quả là giá bán ổn định và cao hơn loại xoài sản xuất thông thường. Ngoài ra, được lãnh đạo địa phương giới thiệu để các công ty ký hợp đồng thu mua nên ổn định đầu ra. Thời gian tới tôi sẽ tiếp tục duy trì việc sản xuất xoài theo hướng hữu cơ nay. Đồng thời nghiên cứu, học hỏi thêm những cách làm hay để nâng cao hiệu quả...”.

Đất Sen vốn hào sảng, luôn đón nhận tấm lòng thương quý, sẵn sàng giúp người nông dân bỏ lại quá khứ nhọc nhằn sau lưng, tự tin bước ra từ đồng, mở ra thời kỳ phát triển mới. Dẫu rằng bất cứ sự thay đổi nào cũng gặp không ít những thử thách, nhưng với một tầm nhìn chiến lược đúng, tinh thần trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên sẽ định hình nên những giá trị to lớn, góp phần đưa vùng Đất Sen hồng trở thành một vùng đất trù phú.

D.Chinh – C.Phương – P.Lộc

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/chinh-tri/ky-3-thay-doi-tu-nhung-dieu-nho-nhat-89650.aspx