Kỳ 3: Trộm sách để dưỡng già?

Ngày 11/9/2003, TV Hoàng gia Đan Mạch nhận được thông báo từ Nhà đấu giá (NĐG) Christie's ở London (Anh) rằng họ nhận được cuốn sách cổ in ở Napoli (Ý) năm 1517 do khách hàng gửi bán. Vì tác phẩm này có kèm mẩu giấy ghi chú viết năm 1943 cho biết đây là bản in duy nhất của tựa sách trên còn tồn tại trên thế giới và được lưu giữ tại TV Hoàng gia Đan Mạch nên Christie's đã lên tiếng cảnh báo.

Từ dòng ghi chú trên sách cổ...

Cuộc điện thoại đã khiến ban lãnh đạo TV nhớ ngay tới "vết thương lòng" đè nặng lên họ gần 30 năm qua. Vào đầu thập niên 70 của thế kỷ XX, tại TV này xảy ra nhiều vụ mất sách cổ, cảnh sát (CS) đã điều tra nhưng không tìm ra thủ phạm. Bị chỉ trích dữ dội, sau đó Bộ Văn hóa Đan Mạch và phía TV đã thực hiện nhiều thay đổi căn bản về hệ thống quản lý.

Ngay lập tức 1 phái đoàn của TV đã tới London và tận mắt nhìn thấy 16 cuốn sách (chứ không phải chỉ 1 cuốn như thông báo) mà NĐG Christie's nhận được từ cùng 1 người gửi bán. Sau khi xem xét kỹ, phía TV nhận định tất cả 16 tác phẩm trên đều là những cuốn của TV bị mất vào giai đoạn 1970.

Ngày 23/9/2003, CS Copenhagen (Đan Mạch) đã đề nghị các đồng nghiệp Anh phối hợp điều tra, đồng thời yêu cầu Tòa án Anh cho phép tịch thu 16 cuốn sách tại Christie's, buộc NĐG trên bàn giao các tài liệu và thông tin liên quan (danh tính, địa chỉ, điện thoại, tài khoản, các hợp đồng, những khoản thanh toán, lịch sử giao dịch trước đây...) tới người gửi bán đấu giá, đơn vị vận chuyển, người mua được sách đấu giá.

Ảnh chụp cuốn Utopia của Thomas Moore xuất bản lần đầu vào năm 1516, một trong những bản in cổ của tác phẩm này đã bị Frede trộm và bán với giá 140.000 bảng Anh

Ảnh chụp cuốn Utopia của Thomas Moore xuất bản lần đầu vào năm 1516, một trong những bản in cổ của tác phẩm này đã bị Frede trộm và bán với giá 140.000 bảng Anh

Nhận được thông tin từ CS Anh cho biết 16 cuốn sách trên được 1 phụ nữ sống ở TP.Lindenberg, miền nam Bavaria (Đức) gửi đến London qua 1 công ty giao nhận ở Munich (Đức), CS Đan Mạch phát hiện người phụ nữ trên không ở Đức mà sống tại Bắc Zealand - hòn đảo chính của Đan Mạch vào đầu năm 2003 và bị bệnh ung thư.

Cảnh sát Copenhagen quyết định khám xét nhà người vợ góa của viên thủ thư đã qua đời và con dâu bà là người phụ nữ ở Bắc Zealand. Ngoài ra, CS Đức cũng khám xét tại 2 địa chỉ ở Lindenberg và công ty giao nhận tại Munich đã chuyển sách tới NĐG Christie's ở London.

Trong các cuộc khám xét đồng thời diễn ra ở 2 quốc gia vào sáng 05/11/2003, CS Đan Mạch tìm thấy trong nhà vợ góa của viên thủ thư khoảng 1.500 cuốn sách được giấu trong tủ, kệ và đóng gói trong thùng có bánh xe đẩy. Ngoài ra, cơ quan điều tra còn tìm thấy bộ dụng cụ đóng sách cùng các thiết bị có thể đã được sử dụng để xóa toàn bộ hoặc một phần dấu hiệu sở hữu hoặc nhận dạng khác khỏi cuốn sách bị trộm.

... Đến kế tiêu thụ an toàn

Ở Lindenberg, CS tịch thu 4 cuốn sách cổ của TV tại nhà mẹ đẻ của người con dâu. Quá trình điều tra, CS phát hiện gia đình này từng sở hữu thêm 76 cuốn sách cổ của TV, nhưng tất cả đã được bán đi trong giai đoạn 1998-2002 thông qua NĐG Christie's ở London và Phòng trưng bày Swann tại New York (Mỹ). Dư luận cho rằng khả năng 250 cuốn sách khác được bán ra nước ngoài mà không để lại dấu vết.

Kẻ trộm sách tên thật là Frede Moller - Kristensen (1933 - 2003), không có mặt tại phiên tòa vì đã chết 7 tháng trước khi việc bán sách trộm bị phát hiện. Vốn là Thạc sĩ Ngữ văn Ấn Độ, từng đoạt huy chương vàng về nghiên cứu của Đại học Copenhagen đồng thời là tác giả của một số cuốn sách, năm 1967 Frede được tuyển vào làm thủ thư trong TV trên, rồi phụ trách Phòng Đông Phương sau đó 2 năm, nhưng phải từ chức năm 1987 để quay lại làm thủ thư do chứng nghiện rượu. Cảnh sát nghi Frede đã lấy trộm sách trong khoảng 10 năm đầu làm việc tại TV vì chế độ quản lý lỏng lẻo tại đây.

Từ năm 1976, việc khám xét áp dụng bắt buộc cho cả nhân viên. Vợ, con trai và con dâu Frede khai chỉ biết chồng - cha mình đem sách về nhà vào đêm khuya và luôn nghĩ đó là sách cũ ông này mua được trong quá trình thực hiện dự án. Do trước năm 1997, Frede chỉ giấu sách mà không hề bán ra nên chẳng ai nghi ngờ việc ông ta trộm sách. 5 năm cuối đời, Frede hướng dẫn con dâu gốc Đức tổ chức đường dây bán sách qua các NĐG, dùng tên cô này và bà thông gia ở Đức để tránh bị nghi ngờ.

Mặc dù không nhận tội nhưng tất cả thành viên gia đình Frede Moller - Kristensen đều phải lãnh 6 năm tù (*). Nhận định về động cơ khiến Frede Moller - Kristensen trộm gần 1.800 cuốn sách, trị giá khoảng 115 triệu krone Đan Mạch, các nhà điều tra cho rằng mục đích của ông ta là tiền. Hơn 90% số sách Frede lấy trộm được in trong giai đoạn 1500 - 1700, thuộc nhiều thể loại nhưng đều là các tác phẩm bán chạy nhất. Nhiều người cho rằng Frede là kẻ trộm sách "khôn ngoan" nhất: Cất giữ của ăn trộm cho tới lúc về hưu mới bán để... có tiền dưỡng già!

-----------

Vụ án được xử kín vào tháng 5/2004, tên và ảnh, hình vẽ tất cả nhân vật đều không được công bố. Nhân vật chính Frede Moller-Kristensen (1933 - 2003) chỉ xuất hiện trên Wikipedia, không có trên các báo của Đan Mạch.

(Còn tiếp...)

NGA NGUYỄN

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/quoc-te/ky-3-trom-sach-de-duong-gia_147792.html