Kỳ 3: Xây dựng 'hệ sinh thái bảo tồn' để phát triển du lịch

Ông Nguyễn Văn Chính, Giám đốc VQG Cúc Phương bày tỏ quan điểm: Bấy lâu nay người ta quen với khái niệm 'bảo tồn hệ sinh thái' nhưng đây là bảo tồn theo nghĩa hẹp. Tôi cho rằng để bảo tồn bền vững hệ sinh thái thì nhất định phải xây dựng được 'hệ sinh thái bảo tồn'. Trong đó, ngoài sự tham gia của Nhà nước, các cán bộ kiểm lâm, kỹ sư, chuyên gia, kỹ thuật viên, tình nguyên viên... của VQG, cần có sự tham gia của cư dân vùng đệm và cả cộng đồng làm thay đổi nhận thức, hành vi ứng xử với thiên nhiên.

Đoàn Famtrip tham quan tại VQG Cúc Phương.

Đoàn Famtrip tham quan tại VQG Cúc Phương.

Phát triển du lịch đúng định hướng

Giải thích cặn kẽ hơn về "khái niệm" "hệ sinh thái bảo tồn", ông Chính cho rằng: Hiểu một cách đơn giản, bản thân cánh rừng này, mỗi một thực thể động vật hay thực vật, côn trùng hay nấm…, đều là một thành tố quan trọng, cấu thành nên hệ sinh thái hoàn chỉnh. Hơn thế, cánh rừng này không đơn thuần chỉ có giá trị đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên, mà ở đây là một hệ giá trị tổng hợp từ lịch sử, văn hóa đến thiên nhiên. Chúng tôi trân trọng, nâng niu và đang từng ngày hướng tới việc làm tốt hơn sứ mệnh bảo tồn hệ giá trị này.

Chính vì thế, chúng tôi tin rằng, không chỉ những chuyên gia, kỹ thuật viên hay tình nguyện viên làm công tác trực tiếp trong các khâu chuyên môn về bảo tồn động vật hay thực vật mới là những người làm bảo tồn. Bên cạnh đó, những kiểm lâm viên, những cán bộ giáo dục, những bộ phận làm những việc thầm lặng khác; rồi chính quyền địa phương, cộng đồng vùng đệm và đặc biệt là khách tham quan cũng tham gia đầy hiệu quả vào sự nghiệp bảo tồn thiên nhiên.

Hiện nay, công tác giáo dục môi trường thông qua hoạt động khai thác du lịch sinh thái là một kênh quan trọng để nâng cao nhận thức, truyền đi thông điệp về tình yêu thiên nhiên, bảo vệ thiên nhiên và ứng xử thuận lẽ với thiên nhiên. Trên cơ sở đó, các sản phẩm du lịch sinh thái của Vườn Quốc gia Cúc Phương như Tour "Về Nhà", "Hành trình hồi sinh", Hội xuân "Thêm xanh cho cánh rừng già"… đều nhất quán với phương châm: "Mỗi khách tham quan là một sứ giả lan tỏa tình yêu thiên nhiên!". Cách tiếp cận đó đã góp phần quan trọng, định vị thương hiệu du lịch Cúc Phương trong lòng du khách trong nước và quốc tế.

Trong một dịp đến Ninh Bình, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam C.G.Christian Berger đã chia sẻ: Tôi có tình cảm đặc biệt với rừng Cúc Phương, Trung tâm cứu hộ linh trưởng và Cơ sở bảo tồn gấu, là các địa điểm tuyệt vời để những người yêu thích thiên nhiên có thể quan sát các hoạt động, vẻ độc đáo của từng loài động vật hoang dã và thu thập các kiến thức bổ ích. Từ đó, thức tỉnh tình yêu, ý thức bảo vệ thiên nhiên trong mỗi người tham quan, tạo cơ sở cho các hành vi trách nhiệm với môi trường thiên thiên.

Cần thêm sự hỗ trợ

Có thể nhận thấy, 3 năm gần đây, VQG Cúc Phương đã có sự vận động, thay đổi khá lớn trong tư duy và cả hướng đi trong công tác bảo tồn, tạo nền móng để phát triển du lịch trải nghiệm gắn với bảo vệ môi trường. Song câu chuyện làm du lịch của Cúc Phương đang gặp không ít khó khăn.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Chính nói: Hiện tại, khó khăn lớn nhất đang hiện hữu ở Cúc Phương là sự đầu tư cơ sở vật chất phục vụ du lịch không "tới tầm", chưa đồng bộ và hiện đại. Với nguồn kinh phí ít ỏi của một đơn vị sự nghiệp, hầu hết các sản phẩm du lịch đều được xây dựng từ các tình nguyện viên.

Bên cạnh đó, từ trước đến nay, các hoạt động du lịch ở Cúc Phương đều do cán bộ, nhân viên của Vườn phụ trách, trong khi đó rất ít người được đào tạo bài bản về du lịch. Do vậy, trong thời gian tới rất cần có định hướng cụ thể hơn của các cấp chính quyền, sự phối hợp, hỗ trợ, tư vấn của ngành du lịch.

Trao đổi với ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch, Sở Du lịch cho biết: Ninh Bình là tỉnh có nhiều lợi thế để phát triển du lịch sinh thái gắn với giáo dục thiên nhiên. Trong những năm gần đây, các điểm du lịch như Vườn Quốc gia Cúc Phương, Khu du lịch sinh thái Vân Long, Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình, Thung Nham… đã đón số lượng khá lớn khách du lịch trong và ngoài nước. Các hoạt động du lịch trải nghiệm, giáo dục bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ động vật hoang dã ở đây đã trở thành một sản phẩm không thể thiếu trong các tour du lịch của khách quốc tế khi đến Ninh Bình.

Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều loại hình du lịch mang tính giải trí gần như "đóng băng", người dân lại có xu hướng đến với các hoạt động du lịch gần gũi với thiên nhiên, bởi vậy các sản phẩm du lịch trải nghiệm của một số đơn vị như VQG Cúc Phương vẫn được duy trì. Điều đáng mừng, đa phần du khách là giới trẻ. Đây là tín hiệu tốt khẳng định rằng du lịch trải nghiệm gắn với giáo dục bảo vệ thiên nhiên sẽ có thể phát triển mạnh trong tương lai.

Ông Minh cũng cho biết: Mới lạ, hấp dẫn, tuy nhiên, loại hình du lịch trải nghiệm kết hợp với giáo dục bảo vệ thiên nhiên này vẫn chưa phổ biến ở Việt Nam.

Tại Ninh Bình, sự phát triển của nó mới ở giai đoạn đầu và còn nhiều điểm hạn chế. Mặc dù gần đây ngành du lịch Ninh Bình đã chú trọng đưa các đoàn famtrip đến tìm hiểu các tour du lịch trải nghiệm tại một số địa điểm như rừng quốc gia Cúc Phương, Khu du lịch Thung Nham, Vân Long... nhưng qua khảo sát, nhiều các công ty lữ hành cho rằng, các sản phẩm du lịch vẫn chưa đa dạng, phong phú, chưa có sản phẩm và thị trường mục tiêu, chưa có sự đầu tư xúc tiến, quảng bá một cách bài bản...

Để loại hình du lịch này thực sự trở thành hợp phần quan trọng của kinh tế du lịch, rất cần có những định hướng mang tính chiến lược và sự đầu tư đúng với quy mô cũng như vai trò của nó.

Theo bà Dương Thị Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Ninh Bình cho rằng: Trước hết cần có sự kết hợp 3 yếu tố là: chủ trương, chính sách của Nhà nước; sự điều hành sáng tạo, hợp lý của các cơ sở kinh doanh du lịch; sự phối hợp tham gia của người dân.

Trong đó vai trò định hướng của Nhà nước là quan trọng nhất. Ngay từ bây giờ khi loại hình du lịch này mới manh nha phát triển, Nhà nước cần có chính sách phối hợp, hỗ trợ để các đơn vị kinh doanh du lịch có thêm điều kiện học tập kinh nghiệm của thế giới, đảm bảo việc khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên hợp lý, mang lại hiệu quả kinh tế nhưng vẫn đóng góp cho bảo tồn đa dạng sinh học một cách bền vững.

Việc đào tạo nhân sự cũng là một vấn đề đặt ra hết sức cấp thiết bởi loại hình du lịch này có tính đặc thù, người lao động không chỉ cần kiến thức về du lịch mà cần có kiến thức chuyên sâu về bảo tồn, văn hóa bản địa để dẫn dắt, thuyết minh cho du khách. Đồng thời, Nhà nước cũng cần ưu tiên các đơn vị có thế mạnh về du lịch sinh thái gắn với bảo tồn thiên nhiên trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch... từ đó mới tạo nên thành công trong công tác bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái.

Ngoài ra, các cơ quan quản lý chuyên ngành phối hợp với đơn vị kinh doanh du lịch cần kịp thời có những nghiên cứu, xây dựng để sản phẩm du lịch sinh thái mang trong nó đầy đủ ý nghĩa về giáo dục bảo tồn thiên nhiên cũng như tính bền vững và hiệu quả mà loại hình du lịch này mang lại.

Nguyễn Thơm - Trường Giang

Kỳ 1: Những "thầy cô giáo" mang sắc phục kiểm lâm

Kỳ 2: Lan tỏa thông điệp về tình yêu thiên nhiên

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/ky-3-xay-dung-he-sinh-thai-bao-ton-de-phat-trien-du-lich/d20220611171955191.htm