Kỳ 4: Bước tiến dài về công nghệ

Trước sự cạnh tranh ráo riết của các đối thủ như Mỹ, Trung Quốc trong lộ trình robot hóa các hoạt động trên chiến trường, những năm qua giới chức Nga đã gia nhập cuộc đua mà họ có phần chậm chân nhưng đã dần chứng minh được năng lực của mình.

Khơi thông chính sách

Bài viết nhan đề "Đội quân robot đang trỗi dậy: Đằng sau sự phát triển nhanh chóng hệ thống quân sự không người lái (KNL) của Nga" đăng trên trang thestrategybridge.org của chuyên gia quân sự thuộc Trung tâm phân tích Hải quân Mỹ Samuel Bendett đã nêu khái quát bức tranh về những nỗ lực của Moscow trong việc đưa robot ra chiến trường.

Theo tác giả, những năm qua Nga đã đạt được những bước tiến lớn trong việc thiết kế, thử nghiệm, đánh giá và triển khai nhiều hệ thống quân sự KNL, bao gồm các mô hình trên bộ, trên không lẫn trên biển. Đội quân robot này ngày đêm xâm nhập, hiện diện ở miền Đông Ukraine và Syria khiến Mỹ cùng các đồng minh phương Tây phải dè chừng.

Năm 2014, Bộ Quốc phòng Nga đã phê duyệt một chương trình có mục tiêu toàn diện mang tên "Tạo ra robot quân sự tiềm năng với tầm nhìn đến năm 2025" cùng việc thành lập một ủy ban phát triển robot do Bộ trưởng Quốc phòng khi đó là ông Sergey Shoigu đứng đầu. Moscow còn đề ra tầm nhìn 10 - 20 năm tới đồng thời tổ chức hội nghị thường niên bắt đầu từ năm 2016 với chủ đề "Robot hóa các lực lượng vũ trang Liên bang Nga". Sự kiện này nhằm phát triển "những phương pháp tiếp cận thống nhất liên ngành để tạo ra các tổ hợp robot quân sự phục vụ cho mục đích đặc biệt". Nga cũng ra mắt Quỹ Nghiên cứu nâng cao nhằm thực hiện nhiều dự án phát triển robot và thiết bị KNL cho quân đội.

Mẫu xe bọc thép không người lái Uran-9 của Nga Ảnh: Vitaly Kuzmin/Wikimedia

Mẫu xe bọc thép không người lái Uran-9 của Nga Ảnh: Vitaly Kuzmin/Wikimedia

Sau khi chậm chân trong phát triển công nghệ quốc phòng do tác động từ sự kiện Liên Xô tan rã vào năm 1991, Nga dần thu hẹp khoảng cách với các nước tiên tiến. Giờ đây Moscow có rất nhiều chương trình đang tồn tại, ở các giai đoạn phát triển và hoàn thiện khác nhau: từ drone bốn cánh, có cánh quạt nghiêng cho đến các loại drone siêu nhỏ...

Có thể kể đến hệ thống drone tầm trung Orlan-10, với tầm bắn lên tới 120km, đã được sử dụng rộng rãi trong các cuộc xung đột ở Nga. Tại miền Đông Ukraine, những chiếc drone với ưu điểm nhỏ và giá thành hạ do Nga sản xuất đóng vai trò xác định mục tiêu, thực hiện những cuộc tấn công bằng pháo nhằm vào lực lượng quân sự đối phương.

Khi robot bủa vây

Đối với phương tiện mặt đất KNL, Nga đã sử dụng các mẫu xe phi chiến đấu để tăng cường hiệu quả của lực lượng, tiêu biểu là Uran-6, loại robot rà phá bom mìn từng hỗ trợ lực lượng Đặc công Nga ở Syria rà phá vật nổ sót lại tại những khu vực thu hồi từ quân nổi dậy; trong đó nổi lên Scarab và Sphere, hai hệ thống mặt đất KNL kích thước nhỏ. Scarab là hệ thống robot dựa trên nền tảng điều hướng bằng ánh sáng, được tích hợp camera tầm nhiệt, micro và máy phát nghe nhìn có độ phân giải cao; còn Sphere là thiết bị thăm dò không dây được trang bị camera hình ảnh và hồng ngoại, micro, cảm biến vị trí, xử lý tín hiệu đồng thời ghi dữ liệu.

Trước đó, vào năm 2015 Nga đã trình làng Udar - hệ thống vũ trang hạng nặng được chế tạo trên khung gầm của xe bọc thép BMP-3, có thể mang theo các loại vũ khí hạng nặng như pháo 30mm và drone đa trực thăng loại nhỏ để thu thập thông tin tình báo, giám sát và trinh sát tốt hơn, cùng số lượng nhỏ các hệ thống mặt đất KNL để hỗ trợ trong các nhiệm vụ chiến đấu.

Cách đây vài năm, Nga đã tạo ra hệ thống mặt đất KNL khác có tên Nerehta. Được trang bị nhiều loại vũ khí bao gồm súng máy cỡ nòng 7,62mm, Nerehta dự kiến sẽ hoạt động với ba biến thể: chiến đấu, thu thập thông tin tình báo và hỗ trợ vận chuyển lẫn hậu cần.

Thêm vấn đề không kém phần quan trọng là những tuyên bố chính thức về việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong các hệ thống KNL của Nga. Tổng thống Putin đã tuyên bố làm chủ trí tuệ nhân tạo sẽ là hành động giúp nước Nga "thống trị thế giới".

Tác giả bài viết nhận định: Quỹ đạo phát triển trong tương lai của robot quân sự KNL của Nga không khác mấy so với quỹ đạo phát triển robot quân sự đang được tranh luận ở Phương Tây và các nơi khác; trong đó bao gồm việc phát triển, sử dụng các linh kiện công nghiệp, điện tử và công nghệ cao trong nước của số linh kiện bị cấm vận trong các lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt lên Nga. Các chuyên gia dự báo Moscow sẽ tăng tốc phát triển hệ thống thiết bị KNL có khả năng hoạt động ở độ cao trung bình và cao với thời gian dài, cùng việc tiếp tục sản xuất, thử nghiệm phương tiện chiến đấu KNL ở mọi hạng mục (mặt đất, dưới biển lẫn trên mặt nước).

Dù kết quả thế nào, việc Nga phát triển các hệ thống quân sự KNL kết hợp quá trình hiện đại hóa các lực lượng vũ trang đang diễn ra sẽ tạo nên lực lượng sở hữu năng lực và khác biệt về chất lượng. Điều này đòi hỏi đối thủ của họ phải đánh giá lại tình hình quốc phòng hiện tại đồng thời xem xét các chu kỳ mua sắm lẫn phát triển công nghệ - quá trình đã diễn ra ở Mỹ một thời gian dài. Cuộc đua robot hóa chiến trường vì thế đang ngày càng trở nên gấp rút.

Anh Duy

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/quoc-te/ky-4-buoc-tien-dai-ve-cong-nghe_167180.html