Kỳ 4: 'Chúa tể' nơi quê nhà thành người chồng bạo ngược

Câu nói ngậm ngùi tại tòa của người đàn ông Afghanistan nhập cư phạm tội giết vợ: 'Phải chăng ở Đức, đàn ông chẳng còn giá trị?' cho thấy sự xung đột văn hóa đã trở thành một trong những nguyên nhân dẫn tới nhiều vụ án hình sự nghiêm trọng liên quan tới dòng người nhập cư ồ ạt vào nước này trong 2 thập niên đầu thế kỷ XXI.

Khi thế giới "đảo lộn" với người nhập cư

Theo cáo trạng, Zohra Mohammad G. (theo luật của Đức, tên bị cáo và nạn nhân không được viết đầy đủ), một phụ nữ Aghanistan mới 31 tuổi nhưng đã mang nặng đẻ đau tới 5 lần đã bị chồng là Gul A. (42 tuổi) dùng dao đâm chết tại một ngã tư thuộc quận Pankow đông dân nhất ở thủ đô Berlin vào sáng 29-4-2022, trước hàng chục người qua lại.

Các nhân chứng cho biết, họ thấy 1 người đàn ông và 1 phụ nữ đôi co với nhau trên phố, không phải bằng tiếng Đức, người phụ nữ chắp tay van xin nhưng người đàn ông tiếp tục vung dao chém, khi cô này ngã xuống vẫn bị hắn nắm tóc và kết liễu cuộc đời. Sau đó đối tượng cầm dao bỏ chạy (một khách qua đường đã chụp được ảnh). Khi cảnh sát tới nơi chỉ còn thấy thi thể người phụ nữ với ngón tay cái gần như bị cắt rời trong lúc chống đỡ.

Giữa lúc cảnh sát chăng dây khám nghiệm hiện trường, vào đầu giờ chiều bỗng có tiếng hét lớn: "Chính hắn là hung thủ!" và có người chỉ vào một thanh niên đứng cạnh rào chắn để quan sát hiện trường. Hắn - tức Gul A. - bị bắt khi quần áo vẫn còn dính máu.

Gul A. bị Cảnh sát Đức bắt vào chiều 29-4-2022

Gul A. bị Cảnh sát Đức bắt vào chiều 29-4-2022

Trước đó, ngày 26-02-2022 trong căn hộ dành cho người tị nạn, Zohra đã phải chịu đựng những cái tát của chồng trước khi Gul A. ra khỏi nhà. Nửa tháng sau, hôm 12-3-2022 cô đã gục ngã sau những cú đấm như trời giáng của Gul A., tưởng như mình không thể sống nổi.

Zohra - Gul A. lấy nhau từ khi còn ở quê nhà; sau đó họ vượt biên mang theo 6 đứa trẻ từ 3 - 13 tuổi qua Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp và cuối cùng tới Đức vào năm 2020. Gul A. kể: "Tôi không biết chữ. Chúng tôi chạy trốn khỏi Taliban, khi họ giết mẹ và 2 anh trai rồi bắn vào cổ tôi". Gul A. đã bán ngôi nhà của mình và vay tiền của những kẻ buôn lậu để lên chiếc xuồng ba lá, buộc 2 đứa trẻ sinh đôi vào áo phao. "Cuộc sống của tôi ở Đức rất ổn định và hạnh phúc trong 1 năm rưỡi đầu, nhận được 2.600 euro mỗi tháng trong tài khoản của mình, vợ tôi có thẻ ngân hàng, bọn trẻ được đến trường".

Gây án do xung đột văn hóa

Nhưng thực tế do Gul A. không chịu nỗ lực để hội nhập, thường lẩn tránh việc học tiếng Đức - vốn là môn ngoại ngữ chẳng dễ dàng gì. Buổi sáng, Zohra thay quần áo, xách túi đến lớp, chỉ còn Gul A. ở nhà với lũ trẻ; trong khi ở Afghanistan mọi chuyện ngược lại: Gul A. chưa bao giờ phải nấu ăn, mà chỉ làm việc bên ngoài, tiền được trả vào tài khoản riêng và Zohra có thể gửi một phần cho cha mẹ mình.

"Khi tôi hỏi về khoản tiền dành dụm, cô ấy trả lời đó không phải là việc của tôi", Gul A. nói và cho biết mình rất tức giận vì cha mẹ vợ đã không giúp gì được cho hai vợ chồng. Cuộc sống của Zohra với chồng được em gái cô mô tả: "Anh ta luôn bắt nạt và ngăn cô ấy sử dụng biện pháp tránh thai vì muốn có thêm nhiều con".

Zohra Mohammad G.

Zohra Mohammad G.

Nhưng ở nước Đức thì khác, Zohra không thể chịu đựng hành vi vũ phu của chồng nên đã báo cảnh sát và họ đang tiến hành các thủ tục để bảo vệ cô: cấm Gul A. tiếp xúc với vợ. Sau đó Zohra quyết định ly thân để tiến tới ly dị, sống và làm việc độc lập để nuôi các con với sự hỗ trợ của Chính phủ Đức. Trong mắt Gul A., thế giới đã bị đảo lộn và anh ta tự cho mình "quyền xét xử vợ bằng 1 bản án tử hình".

Phiên tòa xét xử Gul A. diễn ra cuối năm 2022 đã phải tạm ngưng vì sức khỏe của bị cáo suy sụp khi nhìn thấy những bức ảnh chụp thi thể người vợ xấu số do chính anh ta ghì đầu cô xuống mặt đường để ra tay. Mặc dù vậy, người đàn ông Afghanistan này vẫn cảm thấy ấm ức vì đã chi tiền để cả nhà đến Đức, nhưng ở đất nước văn minh này, anh ta lại chẳng còn chút quyền hành nào đối với vợ con - việc mà anh ta đã quá quen khi ở quê nhà.

Nhưng vì lý do gì đi chăng nữa thì bản án chung thân vẫn đang chờ Gul A. vào năm 2023, đó cũng là bài học cảnh tỉnh những người nhập cư về giá trị của người đàn ông trong xã hội mà anh ta chọn để sống là gì.

(Còn tiếp...)

NGA NGUYỄN

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/quoc-te/ky-4-chua-te-noi-que-nha-thanh-nguoi-chong-bao-nguoc_145014.html