Kỳ 4: Hạt sống nảy mầm giữa biển khơi

Không ai đặt chân lên Trường Sa mà không mang trong lòng những hình dung sẵn có: sóng gió, cột mốc chủ quyền, nắng rát và những người lính trẻ mắt hướng về đất liền. Nhưng chỉ khi thực sự đứng giữa đảo xa, mới thấy Trường Sa không chỉ là vùng lãnh thổ thiêng liêng, mà còn là mái nhà nơi con người sống, làm việc và tự nuôi mình bằng tất cả những gì có thể.

Tự cung, tự cấp giữa đại dương

Cuối giờ chiều, tôi theo chân các chiến sĩ ra khu tăng gia trên đảo Trường Sa lớn. Tiếng chân người giẫm trên cát lẫn trong tiếng sóng vỗ, tiếng chim hải âu sà xuống tìm mồi. Vườn rau nhỏ nằm giữa doanh trại, những luống cải, mồng tơi, rau muống xanh mướt, rì rào theo gió biển. Chiến sĩ trẻ Hoàng Trung Quân, người quê Bình Định, đang cặm cụi dỡ lưới phủ tránh muối. “Phải che kỹ, gió biển mặn lắm, không khéo cháy lá hết anh ạ,” Quân nói, tay không ngừng nhổ cỏ.

 Vườn ươm cây giống trên đảo Sinh Tồn

Vườn ươm cây giống trên đảo Sinh Tồn

Nguồn nước ngọt trên đảo không tự nhiên mà có. Nước mưa được hứng, dẫn vào bể ngầm, lọc qua cát, than hoạt tính, rồi phân phối nhỏ giọt cho từng nhu cầu. Ở một số đảo lớn, máy lọc RO được lắp đặt để lọc nước biển, nhưng công suất chỉ đáp ứng một phần nhỏ. “Nước quý lắm anh. Mỗi lần rửa mặt xong phải hứng lại để tưới rau, không dám bỏ phí giọt nào,” Quân vừa nói, vừa chỉ cho tôi xem bồn chứa nước mưa hứng được đêm qua.

Mỗi bữa ăn trên đảo, có được bát canh rau xanh là niềm vui. Anh em lính đảo kể, có hôm bão to, rau dập hết, phải ăn mì gói suốt cả tuần, ai cũng nhớ vị rau đến nao lòng. Những luống rau trồng được nhờ bàn tay người lính, nhờ nước chắt chiu từng giọt, nhờ công sức vun xới từng ngày. Đó không chỉ là thực phẩm, mà là niềm tin: nếu trồng được rau, sống được giữa biển, thì càng vững vàng thực hiện nhiệm vụ. Một số đảo như Trường Sa Lớn, Song Tử Tây đã tự túc được một phần lớn nhu cầu rau củ, giảm đáng kể tần suất tiếp tế. Nhưng để có con số ấy, là vô số buổi sáng sớm đi nhặt từng nhúm đất, từng cọng rơm, từng lần dựng lại giàn sau bão.

 Các cán bộ nữ ngành Kiểm sát bên vườn rau nhà giàn DK1

Các cán bộ nữ ngành Kiểm sát bên vườn rau nhà giàn DK1

Không ít người ngạc nhiên khi giữa đảo xa xôi, cách đất liền hàng trăm hải lý, lại có thể nhìn thấy những khóm đu đủ trĩu quả, những bụi chuối xanh mượt, thậm chí là cả vườn dưa hấu nằm ngổn ngang như những chú lợn con hay những hàng cây đu đủ lùn trĩu quả. Mỗi cây rau là một giấc mơ nhỏ được gieo bằng mồ hôi, bằng tình yêu và cả nước mắt của những người lính trẻ. Song hành cùng rau xanh là những chuồng trại chăn nuôi quy mô nhỏ nhưng hợp lý, tận dụng phụ phẩm bếp ăn để nuôi gà, vịt, heo. Phân chuồng được xử lý và quay vòng làm phân bón cho rau, tạo nên một hệ sinh thái khép kín hiếm thấy giữa biển khơi. Kể cả những nơi gian khó như nhà giàn vẫn có chuồng heo, vịt và những vườn rau xanh mướt. Những âm thanh quen thuộc như tiếng gà gáy, tiếng vịt kêu không chỉ gợi cảm giác bình yên mà còn khẳng định một điều: đảo không chỉ là nơi canh giữ chủ quyền mà là nơi sự sống thực sự đang nảy nở từng ngày.

 Chuồng heo, vịt được che chắn kỹ lưỡng trên nhà giàn DK1

Chuồng heo, vịt được che chắn kỹ lưỡng trên nhà giàn DK1

Sáng kiến từ gian khó

Trên các đảo nhỏ như Đá Thị, Len Đao, mọi thứ đều quý như vàng, bởi một con ốc vít cũng phải chắt chiu, một tấm lưới hỏng cũng có thể thành vật liệu quý. Chiều muộn, nắng vẫn gay gắt trên sân đảo, tôi theo chân mấy chiến sĩ trẻ ra khu “kho vật liệu” – nơi tập kết đủ thứ đồ cũ kỹ mà họ gọi vui là “kho báu”. Một chiến sĩ trẻ cười tươi, chỉ tay vào đống ống nhựa, thùng phi cũ, dây thép rỉ, nói như khoe: “Anh ơi, tụi em giữ hết, không bỏ gì đâu. Cái gì cũ với người khác, chứ ở đảo này là cả gia tài.” Anh vừa nói vừa nhấc bổng một đoạn ống nhựa gãy, đưa cho đồng đội: “Này, làm ống dẫn nước tưới nhỏ giọt cho vườn rau nhé!”

 Thành viên đoàn VKSND tối cao thăm khu tăng gia trên đảo Đá Tây A

Thành viên đoàn VKSND tối cao thăm khu tăng gia trên đảo Đá Tây A

Chiến sĩ Nguyễn Văn Tình, quê ở Nam Định, dẫn tôi ra góc bếp, chỉ vào bồn biogas mini tự chế từ bể nhựa cũ, hào hứng kể: “Đây là hệ thống sản xuất khí gas mini bọn em tự nghĩ ra. Ban đầu thử nghiệm cho vui, ai dè thành công. Bên trong là phân gà, lá mục, nước rửa bát… ủ kín mấy tuần là có khí gas nấu ăn. Giờ nấu cơm, đun nước trà, cả đơn vị dùng gas tự ủ luôn. Tiết kiệm được cả đống gas gửi từ đất liền.”

Anh Tình mỉm cười, đôi mắt ánh lên niềm tự hào: “Anh biết không, hồi đầu làm cũng ngại lắm, sợ bốc mùi, sợ không an toàn. Nhưng làm rồi mới thấy vui, thấy mình làm được điều có ích.” Bên cạnh, thượng sĩ Trần Quốc Bảo, quê Hà Tĩnh, hồ hởi kéo tôi ra vườn, giới thiệu giàn dưa leo tầng mà anh em tự hàn từ những thanh sắt cũ: “Đất ở đảo đâu có nhiều, phải trồng dưa leo, mướp, bầu theo kiểu tầng chứ. Tụi em hàn khung, buộc dây, bắc giàn. Mỗi lần hái được một rổ dưa leo là vui như Tết.” Bảo kể, có lần trời mưa bão, giàn dưa gãy, cả đơn vị buồn so. Nhưng chỉ hai ngày sau, anh em lại xắn tay dựng lại giàn, chằng buộc chắc chắn hơn, rồi mầm non lại leo lên, đơm hoa kết trái. “Mỗi lần nhìn giàn dưa leo xanh mướt là thấy vui lắm. Ở ngoài đảo mà có rau xanh là quý lắm anh ơi,” Bảo nói, ánh mắt lấp lánh niềm vui.

 Vườn thuốc nam với nhiều loại dược liệu quý trên đảo Trường Sa lớn

Vườn thuốc nam với nhiều loại dược liệu quý trên đảo Trường Sa lớn

Không chỉ dừng lại ở việc tận dụng phế liệu, các chiến sĩ còn sáng tạo những cách làm mới để tiết kiệm tối đa nguồn lực. Vỏ chai nhựa cắt đôi thành chậu ươm cây; vỏ lon sữa đặc dùng làm bầu đất cho hạt nảy mầm; tấm bạt cũ trở thành mái che nắng cho cây non. Ngay cả lưới đánh cá rách cũng được tái chế thành giàn che mưa gió cho vườn rau. Một chiến sĩ trẻ dí dỏm: “Đồ hỏng là chuyện của đất liền, chứ với lính đảo thì là tài sản tái sinh hết anh ạ!”

Những sáng kiến nhỏ ấy, nghe qua tưởng giản đơn, nhưng lại là chìa khóa giúp giảm đáng kể lượng tiếp tế từ đất liền, giảm gánh nặng hậu cần mỗi năm cho đảo. Thiếu tá Nguyễn Mạnh Tuấn, Chính trị viên đảo Đá Thị, từng chia sẻ: “Những sáng kiến của anh em giúp giảm đáng kể chi phí hậu cần mỗi năm. Quan trọng hơn, điều đó góp phần nuôi dưỡng một tinh thần: không chờ đợi, không ỷ lại, mà tự lực xoay xở trong gian khó.

 Sinh hoạt ngày thường của chiến sĩ trên đảo Sinh Tồn

Sinh hoạt ngày thường của chiến sĩ trên đảo Sinh Tồn

Giữa biển cả mênh mông, những bồn biogas tự chế, giàn dưa leo tầng, những luống rau xanh non mướt… chính là minh chứng sống động cho ý chí và sáng tạo của những người lính đảo. Từ những thứ tưởng chừng bỏ đi, họ đã tạo dựng nên nguồn sống không chỉ để duy trì bữa cơm, mà còn để thắp lên niềm hy vọng, để chứng minh: ở nơi khó khăn nhất, vẫn có thể làm nên điều kỳ diệu.

Gieo hy vọng từ mỗi luống rau

Chiều muộn ở đảo Đá Tây A, gió biển thổi ràn rạt qua từng tán cây phong ba, mang theo vị mặn mòi mơn man trên làn da. Trên bãi đất nhỏ sát doanh trại, trung sĩ Lê Minh Đức, quê Thanh Hóa đang ngồi bên luống rau cải, tay khéo léo gỡ từng chiếc lá vàng. Đức rót cho tôi cốc nước trà ấm, rồi khẽ cười, tay khều khều gói hạt giống bé xíu được gói cẩn thận trong mảnh giấy báo cũ, cột bằng dây chỉ đỏ sờn màu: “Hạt này mẹ em gửi ra. Mỗi lần tàu tiếp tế vào là mẹ nhờ gửi. Em giữ kỹ lắm, quý hơn cả quà bánh. Gieo rồi, cây lên tốt lắm anh ạ. Có bữa em hái được một nồi rau, nấu canh mà thấy ngon hơn cả thịt.”

Đức kể, lần đầu trồng, không có kinh nghiệm, đất trên đảo toàn cát mặn, cây trồng xuống héo rũ hết. Anh em tiếc lắm, mà chẳng biết làm sao. Rồi cả đơn vị cùng nhau thử nghiệm: trộn tro bếp vào đất, ủ ẩm nhiều ngày để giảm độ mặn, lấy lá mục, rác hữu cơ ủ thành phân xanh. “Vất vả vậy nhưng mà nhìn cây lên, xanh xanh giữa cát trắng, giữa biển khơi này, chúng em vui lắm...” Đức nói, mắt ánh lên niềm vui giản dị.

 Giờ nghỉ giải lao, các chiến sĩ đọc báo Bảo vệ pháp luật bên vườn rau xanh của đơn vị

Giờ nghỉ giải lao, các chiến sĩ đọc báo Bảo vệ pháp luật bên vườn rau xanh của đơn vị

Một chiến sĩ khác, giọng Quảng Ngãi, chen vào câu chuyện, mắt ánh lên niềm tự hào: “Có hôm bão lớn, cả vườn rau bị sập sạch. Nhìn mà xót ruột, anh ơi, như mất cái gì quý lắm. Nhưng sau bão, tụi em lại lụi hụi gom từng bao đất, dựng lại từng cái cọc tre, từng tấm lưới che. Có lúc tay phồng rộp, vai rát cháy nắng, nhưng dựng xong, nhìn lại thấy vui lắm. Khi cây nảy mầm trở lại, xanh xanh lấp ló giữa cát trắng, ăn bát canh cải đầu mùa, cảm giác như chính mình vừa hồi sinh cái vườn rau ấy mà rau cũng cứu lại tinh thần mình sau cơn bão vậy.”

Cuối tuần, khi mặt trời dịu nắng, cả đơn vị lại rủ nhau ra vườn. Không phải phong trào, không ai bắt buộc, mà thành thói quen tự nhiên. Người nhổ cỏ, người xới đất, người buộc dây cho giàn mướp, người vác nước tưới rau vừa làm, vừa cười nói, kể chuyện nhà, chuyện quê. Mấy anh lính trẻ kể vui: “Ở đây, vườn rau là nơi để tụi em ‘xả stress’, ai buồn chuyện gì, cứ ra đây là hết buồn. Mà có khi, chỉ cần nhìn một mầm non nhú lên cũng đủ quên mệt.”

 Hàng cây đu đủ trĩu quả trên đảo Sinh Tồn

Hàng cây đu đủ trĩu quả trên đảo Sinh Tồn

Sau buổi làm vườn, mấy anh em quây quần bên mâm cơm đơn sơ có cá kho, trứng tráng, bát canh rau cải, đĩa bí luộc với lọ muối vừng. Rau ở đảo không xanh mướt như ngoài đất liền, lá sần sùi, nhỏ và dai, nhưng khi ăn vào, vị ngọt thanh và hơi mằn mặn của nước biển, hòa quyện cùng công sức vun trồng của người lính, khiến ai cũng xuýt xoa. Một chiến sĩ trẻ cười: “Rau này là rau của tình đồng đội, ăn vào chắc chắn khỏe mạnh, vui hơn cả ăn cao lương mỹ vị.”

Nhìn bữa cơm đạm bạc nhưng ấm áp tiếng cười ấy, tôi chợt hiểu rằng: ở giữa trùng khơi bốn bề sóng gió, một luống rau, một nụ hoa, một bữa cơm có rau xanh… không chỉ đơn thuần là nhu yếu phẩm. Nó là hy vọng, là niềm vui nhỏ bé nhưng quý giá, là sợi dây níu giữ tinh thần con người giữa biển cả mênh mông. Mỗi mầm rau bật lên trên nền đất mặn, chính là lời khẳng định âm thầm nhưng mạnh mẽ: ở nơi khó khăn nhất, con người vẫn không ngừng bền bỉ, vươn lên, gieo mầm hy vọng từ những điều giản dị nhất.

 Rau xanh được tận dụng nuôi trồng trên các vỏ hộp nhựa và thùng tôn trên đảo Đá Thị

Rau xanh được tận dụng nuôi trồng trên các vỏ hộp nhựa và thùng tôn trên đảo Đá Thị

Trường Sa không xa

Giữa biển trời bao la, nơi tưởng chỉ có sóng và đá, vẫn có tiếng người, tiếng cười, và màu xanh của rau quả. Trường Sa không chỉ là một điểm cắm cờ, mà là nơi con người sống thật, với những lo toan, với niềm vui giản dị khi một vườn rau lên xanh, khi bữa cơm có thêm đĩa rau luộc.

Tôi rời Trường Sa, mang theo hình ảnh một chiến sĩ trẻ lom khom dưới giàn dưa, tay cầm bình tưới tự chế, miệng khe khẽ hát “Gần lắm Trường Sa”. Tôi nhớ tiếng gọi nhau giữa gió sớm: “Anh em ơi, hôm nay thu hoạch rau nhé!”, nhớ cái mùi ngai ngái của phân ủ, cái chua mặn của mồ hôi đọng trên trán người lính. Không phải hình ảnh lãng mạn, mà là thực tế: Trường Sa đang sống mạnh mẽ, đang vươn lên từ chính bàn tay và ý chí của cán bộ, chiến sĩ nơi đầu sóng, ngọn gió.

 Rau quả được nuôi trồng góp phần cải thiện bữa ăn cho chiến sĩ trên đảo

Rau quả được nuôi trồng góp phần cải thiện bữa ăn cho chiến sĩ trên đảo

Họ không chỉ trụ vững, mà đang kiến tạo một cách sống bền vững giữa biển khơi. Và mỗi lần sóng gió, họ lại trồng lại vườn rau, nhặt từng hạt giống gửi từ đất liền và gieo hy vọng xanh trên nền cát trắng. Đó là Trường Sa, một phần máu thịt của Tổ quốc, đang được canh giữ không chỉ bằng súng đạn, mà bằng cả những hạt mầm của niềm tin.

Hoàng Long

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/doi-song-xa-hoi/ky-4-hat-song-nay-mam-giua-bien-khoi-178298.html