Kỳ 4: Hướng tới nền tư pháp nhân đạo

Việc bãi bỏ hình phạt tử hình không chỉ là một động thái mang tính cải cách hình phạt đơn thuần mà còn là một biểu hiện rõ nét của tư tưởng nhân đạo pháp lý hiện đại - nơi quyền con người, đặc biệt là quyền sống, được thừa nhận như một quyền tối thượng, tuyệt đối và không thể bị xâm phạm trong mọi hoàn cảnh.

Hoàn thiện pháp luật để đảm bảo tốt hơn quyền con người

Việt Nam trở thành thành viên của các công ước quốc tế chủ chốt về quyền con người. Ảnh minh họa

Việt Nam trở thành thành viên của các công ước quốc tế chủ chốt về quyền con người. Ảnh minh họa

Những bản Hiến pháp vì con người

Công nhận quyền con người là quá trình Nhà nước ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hoặc sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành để bảo đảm các quyền dân sự, chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa của con người. Nói cách khác, đây chính là sự thừa nhận của Nhà nước đối với các giá trị phổ biến của quyền con người ở cấp độ quốc tế và quốc gia. Điều này góp phần khẳng định quyền con người là giá trị chung của nhân loại và cần được bảo đảm trên phạm vi toàn cầu. Những quy định về quyền con người ở Việt Nam thể hiện nỗ lực và cam kết của Nhà nước ta trong thực hiện các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Hiến pháp năm 2013 đã dành cả một chương (Chương II: Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân) để quy định cụ thể và toàn diện hơn các quyền của con người; quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Vị trí chế định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được đặt tại Chương II Hiến pháp năm 2013 ngay sau chế định về chế độ chính trị.

Đây không chỉ sự thay đổi về kỹ thuật lập hiến mà còn phản ánh thay đổi về nhận thức, tư duy lý luận của Nhà nước ta về quyền con người, quyền công dân trong tình hình mới.

Hiến pháp năm 2013 cũng tránh được sự nhầm lẫn giữa quyền con người và quyền công dân; đồng thời, khẳng định chủ thể rộng nhất của quyền con người là quyền của các cá nhân xứng đáng được hưởng không kể quốc tịch. Chủ thể hưởng thụ các quyền đã được chuyển đổi từ “công dân” thành “mọi người”.

Trên cơ sở chủ trương, đường lối của Đảng, quy định trong Hiến pháp, những nội dung về quyền con người không ngừng được cụ thể hóa trong các văn bản pháp quy của Việt Nam.

Các văn bản quy phạm pháp luật này đã “nội luật hóa” một cách toàn diện những Công ước Quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã phê chuẩn hoặc gia nhập từ đầu những năm 80 của thế kỷ XX trở lại đây.

Điều 14 Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”. Vấn đề coi trọng quyền con người không chỉ thể hiện mối quan hệ giữa Nhà nước và người dân mà còn là tôn chỉ hoạt động, là một nguyên tắc trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước ta. Chính vì vậy, nhu cầu bảo đảm quyền con người ở Việt Nam là phù hợp với thực tiễn và đã được thực thi.

Hiện nay, Việt Nam đã trở thành thành viên của các công ước quốc tế chủ chốt về quyền con người, trong đó có Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966. Cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, tinh gọn bộ máy để bảo đảm các quyền dân sự, chính trị ở nước ta, hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành. Từ năm 1986 đến nay, Việt Nam đã ban hành hàng trăm văn bản luật và dưới luật, trong đó có những đạo luật trực tiếp liên quan tới lĩnh vực quyền con người, như: Bộ luật Dân sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Bộ luật Hình sự 2025, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật Khiếu nại năm 2025, Luật Tố cáo năm 2018, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024…

Những thành tựu đạt được trong ghi nhận quyền con người ở Việt Nam xuất phát từ truyền thống nhân văn, nhân đạo của dân tộc Việt Nam; từ ý chí, nguyện vọng của toàn thể nhân dân Việt Nam và sự cố gắng, nỗ lực và chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam, hướng tới một xã hội luôn đặt con người ở trung tâm của sự phát triển và một nhà nước pháp quyền “của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân”.

Nỗ lực thúc đẩy và bảo vệ quyền con người

Gần nhất, ngày 15/4/2024, Bộ Ngoại giao tổ chức họp báo quốc tế công bố Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc. Với chính sách nhất quán về bảo vệ, thúc đẩy quyền con người, Việt Nam rất coi trọng cơ chế UPR và luôn nghiêm túc xây dựng các báo cáo quốc gia cũng như triển khai các khuyến nghị mà Việt Nam chấp thuận tại tất cả chu kỳ. Việt Nam đã chính thức nộp báo cáo UPR chu kỳ IV và ngày 10/5, tại Trụ sở Liên Hợp quốc tại Giơ-ne-vơ, Thụy Sĩ, Nhóm làm việc về Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc đã đồng thuận thông qua Báo cáo quốc gia UPR của Việt Nam.

Cùng với những đóng góp tích cực và thành tựu trên, trong thời gian qua, Việt Nam còn tham gia tích cực, là thành viên có trách nhiệm trong các hoạt động của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc từ khi cơ quan này được thành lập từ năm 2006 đến nay. Chúng ta đã tham gia tích cực các hoạt động của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc và Việt Nam đóng góp tích cực, trách nhiệm và hiệu quả hơn vào nỗ lực chung thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trên thế giới. Trong đó, Việt Nam 2 lần trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc (nhiệm kỳ 2014 – 2016 và nhiệm kỳ 2023 – 2025). Những nỗ lực và các sáng kiến, đóng góp của Việt Nam trong thúc đẩy và bảo vệ quyền con người được các nước đồng tình, ủng hộ, cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Như vậy có thể khẳng định rằng, những kết quả, thành tựu to lớn trên lĩnh vực thúc đẩy, bảo vệ, bảo đảm quyền con người mà Việt Nam đã đạt được trong 40 năm qua, là minh chứng sinh động cho thấy quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam là đúng đắn, là vì quyền con người.

(Còn nữa)

Việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn góp phần nhằm tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về công tác phòng, chống tội phạm trong điều kiện xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Nhật Nam

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ky-4-huong-toi-nen-tu-phap-nhan-dao-423587.html&dm=027b572e9e1c071dcb7910c5daa29efe&utime=mjaynta3mdmwmdmzndc=&secureurl=10