Kỳ 4: Kiên quyết xử lý hình sự để tăng tính răn đe

Luật Đấu giá tài sản năm 2024 sửa đổi đã bổ sung các chế tài để xử lý vi phạm đối với người tham gia đấu giá. Tùy tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Điển hình như vụ Công an TP Hà Nội khởi tố 5 đối tượng liên quan đến vụ phá phiên đấu giá ở huyện Sóc Sơn đã đủ sức răn đe nhiều kẻ khác.

Luật Đấu giá tài sản (sửa đổi) - góp phần chấn chỉnh lại hoạt động đấu giá tài sản

Sau khi bị các đối tượng phá phiên đấu giá, 36 thửa đất tại thôn Đông Lai, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn sẽ được đấu giá lại dự kiến vào sáng 28/12 tại Nhà thi đấu huyện Sóc Sơn. Ảnh: Ngô Sơn

Sau khi bị các đối tượng phá phiên đấu giá, 36 thửa đất tại thôn Đông Lai, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn sẽ được đấu giá lại dự kiến vào sáng 28/12 tại Nhà thi đấu huyện Sóc Sơn. Ảnh: Ngô Sơn

Bài học đắt giá khiến nhiều người phải run sợ

Trước những diễn biến phức tạp liên quan đến đấu giá đất xảy ra gần đây, nhiều chuyên gia kiến nghị, cơ quan quản lý Nhà nước cần có sự giám sát chặt chẽ và điều chỉnh một số quy định cho phù hợp. Trước mỗi cuộc đấu giá đất phải xem lại năng lực tài chính của các nhà đầu tư. Nhà đầu tư phải chứng minh nếu trúng đấu giá thì nguồn tiền ở đâu để nộp phần tiền còn lại.

Các chuyên gia pháp lý thì cho rằng, áp dụng theo quy định tại Điều 23, Nghị định 82/2020/NĐ-CP thì mức xử phạt hành chính đối với hành vi không ký kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá chỉ từ 7 đến 10 triệu đồng là quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe, cần tăng chế tài xử phạt.

Để khắc phục tình trạng thông đồng giữa các nhà đầu tư trong đấu giá quyền sử dụng đất, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, cơ quan chức năng cần thực hiện các biện pháp cụ thể nhằm tăng cường tính minh bạch, cạnh tranh lành mạnh và giám sát chặt chẽ quy trình đấu giá.

Cơ quan quản lý về đấu giá tài sản cần triển khai các biện pháp kiểm tra thường xuyên, áp dụng công nghệ giám sát trực tuyến và có thể yêu cầu sự tham gia của bên thứ ba độc lập để giám sát quá trình đấu giá. Các hành vi bất thường hoặc có dấu hiệu thông đồng cần được phát hiện và xử lý kịp thời.

Ngoài ra, đấu giá trực tuyến cũng là một công cụ hữu hiệu để giảm thiểu khả năng thông đồng giữa các nhà đầu tư. Bằng cách sử dụng nền tảng đấu giá trực tuyến, các nhà đầu tư sẽ không thể dễ dàng tiếp cận hoặc thỏa thuận với nhau, đồng thời tăng cường tính minh bạch và công khai của quá trình đấu giá.

Luật sư Nguyễn Hồng Thái cho biết, nguyên tắc chung của đấu giá tài sản là phải tuân thủ, bảo đảm tính độc lập, trung thực, công khai, minh bạch, công bằng, khách quan. Đồng thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, người mua được tài sản đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản, đấu giá viên.

Theo điều 69, Luật Đấu giá tài sản thực định, các chủ thể tham gia vào quan hệ pháp luật bán đấu giá tài sản nếu vi phạm pháp luật trong hoạt động bán đấu giá thì tùy vào mức độ, hành vi vi phạm phải chịu trách nhiệm pháp lý khác nhau. Cụ thể, người tham gia đấu giá sẽ mất tiền đặt trước; bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng nếu thông đồng, móc nối với người có tài sản đấu giá, tổ chức khác để làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá, dìm giá, làm sai lệch hồ sơ đấu giá hoặc kết quả đấu giá tài sản mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 24, Nghị định 82/2020/NĐ-CP.

Ngoài ra, người tham gia đấu giá có thể bị xử lý hình sự nếu có dấu hiệu cấu thành tội phạm được quy định tại Điều 218, Bộ Luật Hình sự năm 2015 về tội “Vi phạm quy định về hoạt động đấu giá tài sản”. Điển hình như vụ đấu giá đất ở huyện Sóc Sơn, có đối tượng đã trả giá tới mức trên 30 tỷ/m2 đất, cao gấp khoảng 12.000 lần so với giá khởi điểm, dẫn đến việc đấu giá 36 lô đất không thành công. Sau khi vào cuộc điều tra, Công an TP Hà Nội đã khởi tố, bắt tạm giam 5 đối tượng liên quan về tội “Vi phạm quy định về hoạt động đấu giá tài sản”.

Với sự vào cuộc nhanh chóng và kiên quyết xử lý của Công an TP Hà Nội đối với vụ đấu giá đất ở huyện Sóc Sơn sẽ góp phần găn chặn các hành vi thổi giá ảo, trả giá cao bất thường rồi bỏ cuộc hoặc bỏ cọc như đã diễn ra trong thời gian vừa qua. Đây cũng là bài học đắt giá khiến cho những kẻ đã và đang có ý định lợi dụng kẽ hở của Luật Đấu giá tài sản thực định để phá phiên đấu giá phải run sợ.

Một phiếu trả giả thể hiện sự sợ hãi của nhà đầu tư khi giá bị thổi lên hơn 30 tỷ/m2 đất ở huyện Sóc Sơn. Ảnh: CTV

Một phiếu trả giả thể hiện sự sợ hãi của nhà đầu tư khi giá bị thổi lên hơn 30 tỷ/m2 đất ở huyện Sóc Sơn. Ảnh: CTV

Luật Đấu giá tài sản sửa đổi sẽ khắc phục được nhiều lỗ hổng

Luật sư Đinh Thị Nguyên, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại Đông Á, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản năm 2016 sẽ khắc phục được nhiều lỗ hổng pháp lý liên quan đến đấu giá tài sản cũng như các chế tài xử lý đối với các vi phạm.

Theo đó, Điều 70, Luật Đấu giá tài sản năm 2024 đã bổ sung các chế tài xử lý vi phạm với người tham gia đấu giá, nhưng chỉ áp dụng đối với một số loại tài sản. Theo đó, người trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá dẫn đến quyết định công nhận kết quả đấu giá bị hủy, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm thì bị cấm tham gia đấu giá đối với loại tài sản đó trong thời hạn từ 6 tháng đến 5 năm.

Luật sư Đinh Thị Nguyên cho rằng, quy định này chỉ áp dụng đối với 2 loại tài sản đặc biệt, đặc thù là quyền sử dụng đất thực hiện dự án đầu tư và quyền khai thác khoáng sản là cần thiết và phù hợp với tính chất, quy mô của các loại tài sản đặc biệt này.

Luật sư Đinh Thị Nguyên cũng viện dẫn, tại khoản 5 Điều 9, Luật Đấu giá tài sản năm 2016 (sửa đổi, bổ sung năm 2024) quy định, nghiêm cấm người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, cá nhân, tổ chức khác thông đồng, móc nối với đấu giá viên, tổ chức hành nghề đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá khác, cá nhân, tổ chức khác để dìm giá, nâng giá, làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản.

“Luật sửa đổi Luật Đấu giá tài sản đã bổ sung các chế tài để xử lý vi phạm đối với người tham gia đấu giá, tùy theo tính chất, mức độ người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, nếu có nhu cầu, nhà đầu tư vẫn có thể sẽ nhờ người khác đứng tên tham gia đấu giá, dẫn đến chế tài này không có giá trị răn đe trong thực tế. Vì vậy, để tạo tính răn đe, cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm khắc một số trường hợp điển hình và công khai trước dư luận” - luật sư Đinh Thị Nguyên đề xuất.

Cũng theo luật sư Đinh Thị Nguyên, để ngăn chặn tình trạng này, cần áp dụng các biện pháp quản lý chặt chẽ hơn, bắt đầu từ việc giám sát quy trình đấu giá. Việc sử dụng nền tảng đấu giá trực tuyến và công khai danh tính người tham gia đấu giá vi phạm có thể giảm thiểu nguy cơ thông đồng, móc nối trong các phiên đấu giá. Mặt khác, Luật Đấu giá tài sản năm 2024 đã đưa ra các quy định nghiêm ngặt về minh bạch tài chính sẽ giúp bảo vệ lợi ích của cả Nhà nước lẫn các bên tham gia. Đồng thời, cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, không chỉ để răn đe mà còn củng cố niềm tin vào hệ thống pháp luật.

(còn nữa)

Thái An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ky-4-kien-quyet-xu-ly-hinh-su-de-tang-tinh-ran-de-403947.html