Kỳ 4: Những phi vụ 'lập dị' của tỷ phú họ Mâu
Có lẽ chẳng ai ngờ vào sáng sớm ngày 27/9/2016, cựu doanh nhân 76 tuổi Mâu Kỳ Trung đã được rời trại giam sau 17 năm thụ án. Cuối cùng 'tỷ phú lập dị' cũng có thể tiếp tục ý tưởng 'chẳng giống ai' của mình qua các báo cáo nhận định về 'khủng hoảng kinh tế toàn cầu' mà ông luôn trăn trở...
Con số 3 định mệnh của doanh nhân họ Mâu
Vốn là "nhân vật truyền kỳ” trong giới dân doanh Trung Quốc (TQ), cuộc đời Mâu Kỳ Trung gắn liền với con số 3: cha ông là Mâu Phẩm Tam, bản thân ông từng 3 lần vào tù, thành lập doanh nghiệp với số vốn ban đầu là 300 nhân dân tệ và theo lời thư ký Hạ thì số phận của Mâu Kỳ Trung cũng thăng trầm như sự phát triển của kinh tế TQ suốt 30 năm.
Sinh năm 1940 tại tỉnh Tứ Xuyên (nay thuộc TP. Trùng Khánh) trong gia đình trung lưu, cậu bé họ Mâu được thừa hưởng sự lạc quan, thông minh, nhạy bén, tính quyết đoán từ cha mình. Nhưng sau khi tốt nghiệp đại học năm 1975, chàng thanh niên họ Mâu đã viết bản ngôn thư vạn chữ "Trung Quốc đi về đâu?", bị khép vào tội phản nghịch với mức án tử hình. Sau 4 năm vào trại, khi TQ dưới thời ông Đặng Tiểu Bình thực hiện cải cách, vụ án Mâu Kỳ Trung được xét lại và họ Mâu được ân xá. Biết tham vọng chính trị khó thành, từ đây họ Mâu quyết định chuyển hướng sang kinh doanh.
Lúc này, nhận thức được rằng TQ cần phát triển kinh tế hàng hóa, năm 1980 họ Mâu vay của gia đình 300 nhân dân tệ để thành lập Phòng Dịch vụ tín thác mậu dịch Giang Bắc, bắt đầu thời kỳ tích lũy vốn. Thời điểm này, do bị quy vào hành vi đầu cơ, doanh nhân họ Mâu phải vào trại giam lần 2. Nhưng vốn tính quyết đoán, 8 năm sau họ Mâu đã thành lập Tập đoàn kinh tế Nam Đức tại thành phố cảng Thiên Tân để rồi năm 1989, Mâu Kỳ Trung đã trở thành doanh nhân TQ đầu tiên tham gia Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos (Thụy Sĩ).
Thời cơ nối tiếp cơ hội, tại diễn đàn này, nắm được nguồn tin quan trọng: Liên Xô khi ấy đang đối mặt với nguy cơ tan rã, quyết định bán lô máy bay hàng không dân dụng T-154, họ Mâu liền nắm thời cơ thông qua kiểu kinh doanh "hàng đổi hàng": mua máy bay và trao đổi bằng các mặt hàng tiêu dùng công nghiệp nhẹ lẫn thực phẩm TQ còn tồn kho mà Liên Xô lúc đó đang thiếu, lấy danh nghĩa Cơ quan Hàng không dân dụng Tứ Xuyên để thực hiện, do Nam Đức của họ Mâu tuy là tập đoàn kinh tế nhưng thời ấy không được phép giao dịch đối ngoại, nhất là trong lĩnh vực hàng không. Phi vụ thành công ngoạn mục, Mâu Kỳ Trung kiếm được gần 1 tỷ nhân dân tệ, trở thành "nhân tài trong thời kỳ đổi mới" đồng thời đưa tên tuổi Tập đoàn Nam Đức ngày càng vang xa...
Những phi vụ "nửa trắng nửa đen"
Đường kinh doanh thành công rực rỡ, năm 1992 doanh nhân họ Mâu trở thành "người giàu nhất Trung Quốc" với số tài sản công bố trị giá lên đến 2 tỷ nhân dân tệ. Thương vụ máy bay thành công càng khẳng định suy nghĩ của họ Mâu "chẳng có gì làm không được, chỉ có nghĩ không ra mà thôi" là đúng và doanh nhân này cho rằng "phải không ngừng tạo ra kỳ tích" trong thời đại này, đó là liên quan đến lĩnh vực... vệ tinh! Ngày 28/12/1993, Tập đoàn Nam Đức của họ Mâu hợp tác với Nga phóng thành công vệ tinh chuyển tiếp sóng truyền hình mang tên "Hàng Hướng 1". Từ đó trở đi, Nam Đức bắt đầu thực hiện hàng loạt phi vụ trong lĩnh vực này, đưa doanh nhân họ Mâu trở thành "tỷ phú hàng đầu thế giới năm 1994" và xếp thứ 4 Trung Quốc năm 1994.
Đường kinh doanh rộng mở khiến doanh nhân họ Mâu ngày càng đưa ra nhiều ý tưởng "vượt ngoài khả năng kiểm soát", bị nghi ngờ về tính khả thi, trong đó có đề xuất phương án xẻ dãy Himalaya mở thung lũng dẫn lưu hơi ẩm từ Ấn Độ Dương tới vùng Tây Bắc khô hạn quanh năm của TQ, để mưa rơi thường xuyên... Năm 1996, họ Mâu tuyên bố muốn tuyển dụng "250 chuyên gia thiết kế tiền tệ".
Đang say sưa với lĩnh vực phóng vệ tinh thương mại, năm 1995 khi Bắc Kinh siết chặt dòng đối lưu của tiền tệ, lúc này doanh nhân họ Mâu còn nợ hàng triệu đôla do chuẩn bị phóng tiếp vệ tinh lên quỹ đạo trái đất. Tháng 8/1996, Cảnh sát kinh tế TQ điều tra vụ lừa đảo tín dụng liên quan đến ngành công nghiệp nhẹ tỉnh Hồ Bắc, phát hiện nhiều phi vụ lừa đảo của doanh nhân họ Mâu. Đầu tháng 01/1999, tỷ phú Mâu Kỳ Trung bị bắt giam về hành vi "lừa đảo tín dụng". Tại phiên xử sơ thẩm cuối tháng 5/2000, Tòa án nhân dân trung cấp TP.Vũ Hán kết luận trong vòng 2 năm 1995 - 1996, Mâu Kỳ Trung đã lừa China Bank - chi nhánh Hồ Bắc mở hàng chục tờ khai tín dụng, nhập khống hàng hóa, giúp Tập đoàn Nam Đức kiếm lợi bất chính hơn 620 triệu nhân dân tệ, Mâu Kỳ Trung bị kết án tù chung thân. Phiên xử phúc thẩm sau đó 3 tháng của Tòa án nhân dân cấp cao tỉnh Hồ Bắc giữ nguyên án sơ thẩm, nhưng sau khi vào trại, tháng 9/2003 họ Mâu được giảm xuống còn 18 năm tù giam.
Theo các bạn tù, thời gian còn trong trại, vốn tính lạc quan, Mâu Kỳ Trung vẫn thường xuyên tập thể dục, đọc sách báo và viết về các vấn đề kinh tế để "đầu óc không bị lão hóa", tắm nước lạnh cho dù vào mùa đông và chỉ khóc khi nói chuyện với các con qua điện thoại.
Với suy nghĩ thường trực "muốn làm giàu cần có trí tuệ lớn và quả tim nhân từ", họ Mâu từng chia sẻ về kế hoạch ấp ủ của mình sau khi mãn án là xây dựng Bệnh viện Nam Đức mà trong đó người giàu sẽ được hưởng chế độ dịch vụ hiện đại đúng với số tiền mình bỏ ra, còn người nghèo được thu phí ở mức thấp nhất. Chính vì thế, có nhiều ý kiến cho rằng Mâu Kỳ Trung chỉ là "nạn nhân" của chính sách kinh tế "còn nhiều vướng mắc" trong thời kỳ đổi mới ở TQ, nên 1/3 cuộc đời của doanh nhân này phải ở trong trại.
(Còn tiếp...)
Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/quoc-te/ky-4-nhung-phi-vu-lap-di-cua-ty-phu-ho-mau_160463.html