Kỳ 4: Những thách thức cần vượt qua
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, phục hồi chức năng (PHCN) còn gặp một số khó khăn như cơ sở vật chất còn chật hẹp, nhiều cơ sở PHCN chưa tiếp cận được với người khuyết tật, thiếu sự kiểm soát chất lượng và các kỹ thuật can thiệp bằng dụng cụ phục hồi chức năng chưa được bảo hiểm y tế hỗ trợ.
Nỗ lực vì cuộc sống của người khuyết tật trở nên tốt đẹp hơn:
Thời gian qua, người khuyết tật ở Quảng Nam vẫn đối diện với nhiều khó khăn liên quan tới việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế, giáo dục và tham gia các hoạt động xã hội. Cụ thể, số lượng cán bộ PHCN hiện có vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người khuyết tật tại địa phương. Mạng lưới PHCN tuyến xã chưa có hoặc đã có cán bộ phụ trách PHCN nhưng họ chưa được đào tạo sâu về chuyên môn.
Cùng với đó, các dịch vụ chăm sóc cho người khuyết tật còn thiếu và chưa đảm bảo về mặt chuyên môn. Các dịch vụ chăm sóc tại nhà hay hỗ trợ tâm lý còn thiếu. Ngoài ra, theo các báo cáo đánh giá, chất lượng sống của người khuyết tật ở Quảng Nam còn thấp, do nhiều lý do như một số khó khăn trong thực thi chính sách, thái độ của cộng đồng và một số rào cản xã hội khác.
Tại Đồng Tháp, Sở Y tế cho biết, công tác PHCN của tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn. Dù đã cố gắng nhưng vẫn chưa vận động khám sàng lọc, theo dõi sức khỏe được cho 100% người khuyết tật. Tỷ lệ người nhà người khuyết tật được tập huấn về kỹ năng, phương pháp chăm sóc cho người khuyết tật còn thấp.
Khó khăn tiếp theo là tại các Trạm Y tế chưa có kỹ năng hướng dẫn tập luyện PHCN và dụng cụ hỗ trợ vật lý trị liệu cho người khuyết tật. Bên cạnh đó, công tác thống kê gặp khó khăn do địa bàn rộng, cộng tác viên chương trình thiếu, thay đổi nhân sự quản lý chương trình. Đặc biệt, kinh phí mỗi năm cho đề án đều cắt giảm so với kế hoạch ban đầu.
Đội ngũ cán bộ chuyên môn có đầy đủ chứng nhận về công tác PHCN còn thiếu, có nhiều bệnh nhân khó khăn cần hỗ trợ mà nguồn kinh phí còn hạn chế.
Công tác tuyên truyền của Đề án chỉ dưới hình thức thông tin đại chúng chưa tập trung vào nhóm người khuyết tật, người khuyết tật thiếu kiến thức trong việc tự chăm sóc sức khỏe cho bản thân và hòa nhập vào cộng đồng.
Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp nhận định, một số cơ quan, ban ngành, đoàn thể chưa quan tâm đầy đủ đến người khuyết tật như: chưa rà soát kỹ đối tượng người khuyết tật đủ điều kiện hưởng trợ cấp xã hội, hướng dẫn người khuyết tật và gia đình có người khuyết tật làm thủ tục hưởng trợ cấp còn chậm nên đời sống vật chất, tinh thần của một số đối tượng người khuyết tật còn gặp rất nhiều khó khăn.
Đặc biệt là nhận thức của gia đình người khuyết tật còn hạn chế. Họ không đưa con đi điều trị, PHCN... Nhiều người khuyết tật còn chưa được hưởng các dịch vụ về PHCN, cung cấp dụng cụ chỉnh hình,...
Sự phối hợp liên ngành trong các hoạt động chăm sóc và tạo điều kiện để người khuyết tật tham gia vào các hoạt động xã hội có nơi còn chưa được quan tâm đúng mức,…
Hiện nay, ở Việt Nam, tổ chức mạng lưới PHCN củng cố và phát triển từ Trung ương đến địa phương: 2 BV/Trung tâm PHCN tuyến trung ương; 38 BV PHCN tuyến tỉnh và 25 BV PHCN thuộc các bộ l, ngành.
Trong đó, BV thuộc Bộ LĐTB&XH chiếm phần lớn; 550 khoa PHCN thuộc bệnh viện Đa khoa, chuyên khoa tuyến trung ương, tỉnh, huyện. có trên 9.000/11.000 xã phân công cán bộ theo dõi công tác PHCN; khoảng 25% số xã cung cấp dịch vụ PHCN tại xã và PHCN dựa vào cộng đồng.
Năng lực chuyên môn kỹ thuật ngày càng phát triển và nâng cao. Dịch vụ PHCN được cung cấp ở tất cả các tuyến chăm sóc sức khỏe (CSSK). Hiện tại Bộ Y tế và Sở Y tế đã cấp chứng chỉ hành nghề PHCN cho 2.431 cá nhân. Trong số đó, có 1.721 kỹ thuật viên.
Số liệu từ hệ thống đào tạo chính quy cho thấy có khoảng 7.200 người được đào tạo về PHCN, trong đó: Vật lý trị liệu (khoảng 6.500); hoạt động trị liệu (khoảng 50), ngôn ngữ trị liệu (khoảng 180) và Chân tay giả & chỉnh hình (P&O) (khoảng 500).
Tuy nhiên, ngành phục hồi vẫn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là cơ sở vật chất đa số còn chật hẹp, thiếu các trang thiết bị hiện đại. Nhiều cơ sở PHCN chưa tiếp cận với người khuyết tật, thể hiện qua việc: chưa có lối đi cho người đi xe lăn, chưa có phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu. Nhân lực PHCN còn thấp so với thế giới 0,25 cán bộ PHCN/10.000 dân, trong khi Tổ chức y tế khuyến cáo là 0,5-1 cán bộ PHCN/10.000 dân.
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, PHCN còn gặp một số khó khăn như cơ sở vật chất còn chật hẹp, nhiều cơ sở PHCN chưa tiếp cận được với người khuyết tật, thiếu sự kiểm soát chất lượng và các kỹ thuật can thiệp bằng dụng cụ PHCN chưa được bảo hiểm y tế hỗ trợ.
TS Vũ Văn Hoàn - Viện Chiến lược và Chính sách Y tế cũng cho rằng PHCN tại Việt Nam hiện nay còn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Theo ước tính của WHO thì có tới 10 - 15% là người khuyết tật. Như vậy, tại Việt Nam ước tính có khoảng 20 triệu người khuyết tật. Trong khi đó hệ thống PHCN tại bệnh viện chỉ đáp ứng, tiếp cận được khoảng 20% người khuyết tật.
Nguyên nhân do vị trí địa lý xa bệnh viện hoặc do kinh tế. Có tới 80% người khuyết tật sống ở cộng đồng, vì vậy cần đẩy mạnh mô hình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng. Tức là PHCN đến tận gia đình, cán bộ y tế có thể chuyển giao kỹ thuật, trình độ đến tận gia đình, người thân người khuyết tật. Có như vậy, khi bố mẹ bị tai biến, khuyết tật thì con cái có thể tập cho cha mẹ, để làm tăng hiệu quả của PHCN.
(Còn nữa...)
Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ky-4-nhung-thach-thuc-can-vuot-qua-364194.html