Kỳ 5: 'Đám mây hình nấm' hay nỗi ám ảnh về một thảm họa thế kỷ
Có những khoảnh khắc mà chắc hẳn chẳng ai trong chúng ta muốn chúng tái diễn bất cứ thêm một lần nào, bởi những nỗi đau thương phía sau đó là không thể kể xiết.
Bài liên quan
Kỳ 1: Dorothea Lange: Xuất thần với “Người mẹ di cư”
Kỳ 2: “Cô bé nhà máy sợi” và vấn nạn đầu thế kỷ 20
Kỳ 3: “Nàng Mona Lisa người Afghan” và đôi mắt xanh ám ảnh
Kỳ 4: “Kền kền chờ đợi” - hình ảnh tranh cãi và bi kịch của nhiếp ảnh gia
Hình ảnh “đám mây hình nấm” ghi lại khoảnh khắc quả bom hạt nhân mang biệt danh “Lão béo” (Fat Man) nổ tung trên bầu trời thành phố Nagasaki (Nhật Bản) trưa ngày 9/8/1945 là một trong những khoảnh khắc ấy.
“Cậu bé con”, “Lão béo” và mưu đồ tội ác phía sau
“Cậu bé” (Little Boy) hay “Lão béo” (Fat Man) hoàn toàn cho người tiếp cận những cái tên ấy về một điều gì đó vui vui một chút, vô hại một chút. Nhưng 73 năm về trước, đây là cái tên không hề vô hại nếu không muốn nói là nỗi ám ảnh cho hòa bình của nhân loại, cướp đi mạng sống của hàng trăm nghìn người dân vô tội. “Cậu bé” (Little Boy) hay “Lão béo” (Fat Man) là biệt danh được dành đặt cho hai quả bom hạt nhân đã được thả xuống bầu trời Nhật Bản liên tiếp trong vòng 3 ngày hồi tháng 8 năm 1945.
Công cuộc thôi nôi của “Cậu bé” và “Lão béo” cũng có nhiều điều để nói. Mọi chuyện bắt đầu từ tính toán của nước Mỹ. Tháng 5/1945, thế chiến thứ 2 đang dần khép lại với phần thắng không ai khác được dự đoán chắc chắn rằng sẽ thuộc về Hồng quân Liên Xô. Thực tế này khiến chính quyền Mỹ chộn rộn bởi câu hỏi vậy họ sẽ được lợi gì, có công trạng gì khi thế chiến kết thúc? Muốn có công trạng, vào thời điểm đó, chỉ còn cách là đánh bại Nhật Bản. Nhưng đánh bại bằng cách nào? Không muốn chường mặt trên chiến trường, người Mỹ chọn cách chống lại Nhật Bản bằng một lối khác âm thầm hơn nhưng khốc liệt không kém: bom nguyên tử.
Theo nhiều tài liệu, để hiện thực hóa âm mưu này, nước Mỹ cho bắt tay vào thực hiện Dự án Manhattan (Manhattan Project) trong đó việc nghiên cứu và sản xuất bom nguyên tử là mục tiêu tối thượng. Dự án Manhattan được Mỹ khởi động từ năm 1942. Thời điểm đó, trên thực tế, không chỉ Mỹ, một số nước khác trong đó có Đức, Anh cũng tham vọng sở hữu loại vũ khí nguy hiểm này.
Tổng thống thứ 33 của Mỹ, Harry Truman là người trực tiếp chỉ huy việc thực thi dự án. Hàng nghìn nhà khoa học cùng với gần 100.000 kỹ sư, công nhân... đã được tổng động viên. Để bảo đảm tính bí mật cho Dự án, Mỹ đã cho di dời toàn bộ dân cư tại một khu vực rộng lớn tại thành phố Oak Ridge, bang Tennessee, Mỹ. Cũng bởi vì tính chất hết sức quan trọng, Dự án Manhattan, được Mỹ giữ bí mật tuyệt đối cho đến phút trót, ngay cả những quan chức cao cấp tưởng chừng như rất liên quan trong chính quyền Mỹ cũng không biết rõ về Dự án. Mỗi nhân viên làm việc cho dự án không được phép tiết lộ công việc của mình với bất cứ ai.
Ngay sau khi trở về từ Hội nghị Potsdam, Harry Truman đã chỉ thị phải nhanh chóng đẩy nhanh tiến độ đưa dự án trở thành hiện thực. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt hết mức của Tổng thống Harry Truman, đầu năm 1945, Dự án Manhattan đã đạt được kết quả như mong đợi và mưu đồ ném bom nguyên tử được chính quyền Harry Truman bắt tay vào thực thi.
Ngày 10/5/1945, nhóm dự án phát triển bom hạt nhân tổ chức một cuộc họp đặc biệt để xác định địa điểm thử nghiệm sức hủy diệt của vũ khí này. Joyce C. Stearns - nhà khoa học đại diện của Không quân Mỹ, nêu ra 4 địa danh theo thứ tự ưu tiên gồm: Kyoto, Hiroshima, Yokohama và Kokura. Tuy nhiên, quân đội Mỹ chọn Hiroshima và Nagasaki là mục tiêu ném bom. Lý do của việc Mỹ chọn hai thành phố này là cả hai thành phố đều là những khu đô thị đông dân và có giá trị quan trọng về mặt quân sự. Việc ném bom xuống hai khu vực quân sự quan trọng này được xem là sự quảng bá hữu dụng cho thanh thế của nước Mỹ.
Ngày 6/8/1945 được dự báo là thời tiết khá thuận lợi nên được chọn là ngày thả quả bom nguyên tử đầu tiên. Ngày hôm đó, một trong những chiếc B-29 “Great Artist” đã thả quả bom “Cậu bé” xuống thành phố Hiroshima. 8 giờ 15 phút sáng, quả bom phát nổ ở độ cao 609,6m phía trên Hiroshima, giải phóng năng lượng tương đương khoảng 15.000 tấn TNT, san phẳng 13km2 thành phố chỉ trong trong vài giây. Hơn 60% nhà cửa trong thành phố bị phá hủy hoàn toàn. 80.000 người được cho là đã thiệt mạng bởi vụ ném bom này. Hiroshima phút chốc trở thành thành phố chết.
Ba ngày sau,ngày 9/8/1945, Mỹ tiếp tục triển khai quả bom hạt nhân tiếp theo, to hơn, sức công phá mạnh hơn với tên gọi Fat Man, nhắm tới mục tiêu hủy diệt. 40.000 người thiệt mạng và 60.000 người bị thương- phần đa đều là dân thường, 1/3 thành phố Nagasaki đã bị hủy diệt bởi “Lão béo”.
Số lượng người chết ở Hiroshima và Nagasaki còn được cho là gia tăng với số lượng không nhỏ thời gian sau đó bởi do ảnh hưởng của bỏng, phóng xạ bệnh tật...
Hơn 7 thập kỷ đã trôi qua, nhưng nhân loại vẫn không quên những nỗi đau mang tên Hiroshima và Nagasaki. Washington biện minh việc sử dụng bom nguyên tử là cần thiết để kết thúc Thế chiến II, cứu hàng nghìn mạng sống khắp thế giới. Tuy nhiên, không gì có thể biện minh cho việc hủy diệt sự sống, hủy diệt mạng sống của bao con người vô tội.
Viên trung úy và hành trình “săn Lão béo”
Bức ảnh đám mây hình nấm khổng lồ sừng sững giữa không trung đã trở thành biểu tượng cho sự hủy hoại cực kỳ khủng khiếp của bom nguyên tử đồng thời là bằng chứng tố cáo tội ác không thể dung thứ. Người đã tạo nên nhân chứng lịch sử sống động ấy là tác giả bức ảnh - nhiếp ảnh gia Charles Levy.
Vào thời khắc ấy, Charles Levy là trung úy đang phục vụ trên The Great Artiste – một trong những chiếc máy bay B-29 có nhiệm vụ chuyên chở hai quả bom nguyên tử. Vào thời khắc The Great Artiste thực hiện nhiệm vụ lịch sử, Charles Levy được cho là đang ngồi ở khoang trước mũi máy bay hoàn toàn trong suốt. Vị trí ở độ cao hơn 5.000 so với Thái Bình Dương giúp Charles Levy có cái nhìn toàn cảnh bao quát theo cả chiều ngang và chiều dọc.
“Một quả cầu lửa khổng lồ như thể vọt lên từ lòng đất và một cột lửa khổng lồ màu tím cao khoảng 3.000m lao thẳng lên trời với tốc độ cực nhanh. Cột này sau đó biến thành hình đầu nấm và sôi lên sùng sục như lớp bọt kem màu trắng, sau đó trồi dần lên đến độ cao khoảng 18.000m và được thay thế bởi một đám mây nấm khác. Khi đám mây nấm đầu tiên hạ xuống thì nó chuyển thành màu xanh và thay đổi hình dạng giống như một bông hoa, cánh hoa khổng lồ cong xuống, bề mặt màu trắng kem, bên trong màu hồng. Nó vẫn giữ nguyên hình dạng như thế cho đến khi chúng tôi nhìn thấy lần cuối cùng ở khoảng cách hơn 300km” - Charles Levy nhớ lại khoảnh khắc ngày 9/8 ấy.
Nhạy bén nghề nghiệp cùng vị trí thuận lợi đã giúp Charles Levy giơ máy lên đúng lúc. Khoảnh khắc lịch sử đã được thu vào ống kính đồng thời đưa tên tuổi Charles Levy đi vào lịch sử nhiếp ảnh thế giới, chỉ bằng một bức ảnh để đời.
Hà Anh