Kỳ 5: Trung Quốc vận hành cấu trúc 'Đàn sếu bay', không gian sinh tồn của Việt Nam thu hẹp
LTS: Với tiềm lực vượt trội về kinh tế và quân sự so với các quốc gia trong khu vực, Trung Quốc từng bước triển khai các chiến lược lớn nhằm thiết lập sự kiểm soát tại khu vực và hiện thực hóa tham vọng độc chiếm Biển Đông, bành trướng lãnh thổ ra phía Nam; Thiếu tướng, TS Đỗ Lê Chi nhận định trong cuốn sách 'Việt Nam trước tác động của cấu trúc an ninh tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương' được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản.
Không gian biển Việt Nam bị đe dọa nghiêm trọng bởi các chiến lược của Trung Quốc mở rộng lãnh thổ và kiểm soát khu vực
Tháng 5/2009, Trung Quốc gửi Công hàm lên Tổng Thư ký Liên hợp quốc tuyên bố chủ quyền tối cao đối với “các đảo ở Biển Đông và các vùng biển lân cận” kèm theo bản đồ “đường chín đoạn”. Với tiềm lực vượt trội về kinh tế và quân sự so với các quốc gia trong khu vực, Trung Quốc từng bước triển khai các chiến lược lớn nhằm thiết lập sự kiểm soát tại khu vực và hiện thực hóa tham vọng độc chiếm Biển Đông, bành trướng lãnh thổ ra phía Nam làm bàn đạp để vươn ra Thái Bình Dương và lấn chiếm xa hơn ở Ấn Độ Dương.
Ý tưởng về “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI” và “Chuỗi ngọc trai” trên biển cùng những hành động bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc tại Biển Đông đang tác động nghiêm trọng đến không gian biển của Việt Nam trên cả phương diện chủ quyền lãnh thổ lẫn kinh tế. Cụ thể:
- Hoạt động thăm dò, khai thác tài nguyên khoáng sản biển của Việt Nam bị chèn ép, đe dọa, đáng chú ý nhất là hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí.
Theo các nhà khoa học, vùng biển Việt Nam chứa khoảng 35 loại hình khoáng sản với quy mô trữ lượng khai thác khác nhau, thuộc các nhóm: nhiên liệu, kim loại, vật liệu xây dựng, đá quý và bán quý, khoáng sản lỏng. Riêng tiềm năng dầu khí phân bố trong
6 bồn trầm tích và hoạt động khai thác dầu khí đang được duy trì tại 11 mỏ ở thềm lục địa phía Nam.
Tuy nhiên, các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí của nước ta trên biển, ngay tại những điểm thuộc thềm lục địa Việt Nam đã bị Trung Quốc đe dọa, cản trở bằng nhiều hình thức, từ lôi kéo bằng chính trị và đe dọa bằng quân sự, kinh tế. Các dự án thăm dò, khai thác mới không thể triển khai.
Điều này tác động trực tiếp đến sản lượng và kim ngạch xuất khẩu dầu thô của Việt Nam. Số liệu thống kê cho thấy từ năm 2015, sản lượng và kim ngạch dầu thô hằng năm của nước ta giảm mạnh so với các giai đoạn trước đó.
Bên cạnh đó, một số học giả quốc tế cho rằng, sức ép thường trực của Trung Quốc lên Việt Nam và các đối tác cũng là lý do quan trọng dẫn đến việc Việt Nam phải hủy bỏ một số hợp đồng thăm dò, khai thác dầu khí trên một số điểm thuộc thềm lục địa của Việt Nam, ảnh hưởng lớn tới triển vọng nguồn dầu khí của Việt Nam cũng như uy tín của Việt Nam trước các nhà đầu tư nước ngoài.
Tháng 9/2019, Tập đoàn Dầu khí Exxon Mobile của Mỹ thông báo rút khỏi dự án Cá Voi Xanh ngoài khơi bờ biển miền Trung Việt Nam. Tuy còn chưa rõ động cơ và lộ trình triển khai của kế hoạch trên, nhưng đây là diễn biến cho thấy sự suy giảm đáng chú ý về mức độ can dự của Mỹ trong việc hỗ trợ Việt Nam bảo vệ các lợi ích hợp pháp của mình trên Biển Đông trước Trung Quốc.
- Ngư trường truyền thống bị thu hẹp, nghề cá bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Cùng với tuyên bố chủ quyền đối với các vùng biển tại Biển Đông, Trung Quốc tăng cường triển khai các hành động ngăn chặn, xua đuổi ngư dân ta đánh bắt cá tại các ngư trường truyền thống như đâm chìm tàu thuyền, tịch thu hải sản, công cụ đánh bắt, thậm chí bắt giữ tàu, phạt tiền, giam giữ người…
Bên cạnh thực tế nguồn cá ở biển gần đã cạn kiệt, hoạt động ngăn cản của Trung Quốc, được hậu thuẫn bằng áp lực quân sự, đã thay đổi cơ bản, khiến cho ngư dân Việt Nam không dám ra khơi, đánh bắt hải sản ngay trên vùng đặc quyền kinh tế của mình. Sản lượng khai thác giảm buộc nhiều ngư dân phải đi vào vùng biển của các quốc gia khác đánh bắt cá trái phép.
Thống kê của Malaixia cho thấy từ đầu năm 2018 đến tháng 4/2019, có hơn 100 vụ tàu cá Việt Nam đã vi phạm vùng biển đặc quyền kinh tế của nước này, tổng cộng có hơn 160 tàu cá và hơn 1.200 ngư dân bị bắt giữ. Trong khi đó, từ khi Tổng thống Widodo lên nắm quyền vào tháng 10/2014, Inđônêxia đã bắt và đánh chìm 284 tàu đánh cá Việt Nam vì khai thác thủy sản trái phép ở vùng đặc quyền kinh tế của Inđônêxia.
Tháng 9/2017, EU đã sử dụng “thẻ vàng” IUU cảnh cáo Việt Nam vì không có tiến bộ trong chống đánh bắt cá bất hợp pháp, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang thị trường này. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong năm 2018, xuất khẩu hải sản sang thị trường châu Âu giảm 25% so với năm 2017 do thẻ vàng IUU.
- Sự đa dạng sinh học biển bị ảnh hưởng bởi các hoạt động quân sự và tôn tạo, bồi đắp đảo nhân tạo tại Biển Đông.
Biển Việt Nam được xem là một trong 10 trung tâm đa dạng sinh học biển trên thế giới với khoảng 12.000 loài sinh vật cư trú trong hơn 20 kiểu hệ sinh thái điển hình, thuộc 6 vùng đa dạng sinh học biển khác nhau với hơn 2.000 loài cá, 230 loài tôm biển và trên 1.300 loài trên hải đảo.
Tuy nhiên, các hoạt động mở rộng, tôn tạo ồ ạt các bãi cạn rạn san hô ở khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa do Trung Quốc tiến hành thời gian vừa qua đã khiến cho môi trường rạn san hô ở đây bị phá hủy vĩnh viễn, làm tê liệt chức năng sinh thái vốn có của nó. Nguồn lợi thủy sản suy thoái đến mức khó có thể phục hồi.
Theo John McManus, Giáo sư sinh thái và sinh học biển tại Đại học Miami (Hoa Kỳ), các hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông đã gây thiệt hại cho khoảng 159.162km2 san hô tại vùng biển này. Trong đó, hoạt động bồi lấp, xây dựng đảo trái phép của Trung
Quốc gây thiệt hại khoảng 14/15km2, hoạt động nạo vét gây thiệt hại khoảng 39/40km2, hoạt động nạo vét làm bến đỗ, kênh rạch cho tàu thuyền đi lại gây thiệt hại khoảng 2/3km2 và hoạt động khai thác trai khổng lồ gây thiệt hại 104/104km2.
Ngoài ra, các hoạt động tập trận ồ ạt cũng như việc đặt các vũ khí hạng nặng bao gồm tên lửa, máy bay ném bom, các thiết bị phá sóng, rađa, tập trận ở các thực thể nhân tạo của nước này cũng tác động nghiêm trọng đến môi trường sinh thái biển nói chung và các vùng biển Việt Nam nói riêng.
Hoạt động hợp tác kinh tế của Việt Nam bị suy giảm trước ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc với các đối tác truyền thống của Việt Nam tại khu vực
Trung Quốc triển khai BRI về phía Nam trên hai nhánh, lấy Đông Nam Á làm địa bàn xuất phát, một tại Đông Nam Á “lục địa” thông qua các dự án hợp tác phát triển tại Tiểu vùng sông Mekong, một tại Đông Nam Á “biển đảo” thông qua các kế hoạch lớn tại Biển Đông. Trung Quốc đã thu hút được sự tham gia của toàn bộ các nước ASEAN tại nửa “lục địa”, chiếm tỷ trọng lớn trong số 227 dự án đầu tư với tổng số vốn 66 tỉ USD được đề ra trong Lộ trình đầu tư khu vực Tiểu vùng sông Mekong mở rộng giai đoạn 2018 - 2022.
Trung Quốc triển khai thành công nhiều dự án tại Lào, Campuchia, Thái Lan và Mianma, đặc biệt là dự án Cảng biển ở Campuchia và dự án Đường sắt cao tốc nối Thủ đô Viêng Chăn của Lào với tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Các dự án phát triển trong khuôn khổ MLC tạo cho Trung Quốc chỗ đứng vững chắc tại Tiểu vùng thông qua đó giúp làm tăng khả năng của Trung Quốc tác động, ảnh hưởng, chi phối chính sách của các nước tiếp nhận đầu tư.
Nhìn chung, Việt Nam và Trung Quốc tương đồng về cơ cấu, chủng loại hàng hóa và thị trường, tuy nhiên nền kinh tế của Trung Quốc hơn hẳn Việt Nam trên nhiều mặt. Hiện diện của Trung Quốc được tăng cường ở Tiểu vùng sẽ làm cho ảnh hưởng về cả kinh tế, chính trị của Việt Nam giảm sút, đặc biệt tại các địa bàn, đối tác láng giềng truyền thống như Lào và Campuchia.
Trung Quốc đã trở thành đối tác đầu tư và thương mại lớn nhất của cả Lào và Campuchia, vượt xa Việt Nam về tổng số vốn đầu tư, lĩnh vực đầu tư và kim ngạch thương mại hai chiều. Trong giai đoạn 2013 - 2017, đầu tư của Trung Quốc vào Campuchia lên đến 5,3 tỉ USD so với con số 3,02 tỉ USD đầu tư từ Việt Nam. Trong năm 2017, thương mại song phương Trung Quốc – Campuchia đạt hơn 5,1 tỉ USD trong khi thương mại song phương giữa Việt Nam và Campuchia dừng ở mức 3,8 tỉ USD.
Ngoài ra, cũng trong năm này, Trung Quốc đã cấp cho Campuchia khoảng 4,2 tỉ USD dưới dạng viện trợ hoặc cho vay lãi nhẹ, nâng tỷ lệ nợ công của Campuchia đối với Trung Quốc lên 42%.
Tương tự với Lào, Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư đa lĩnh vực vào Lào và vượt Thái Lan, Việt Nam, vươn lên trở thành nhà đầu tư số một tại nước này. Hợp tác Trung - Lào được Chính phủ hai nước mở rộng liên tục bằng những siêu dự án, trong lĩnh vực giao thông vận tải, nông nghiệp, xuất khẩu, hàng hóa, du lịch. Trong năm 2017, đầu tư của Việt Nam vào Lào đạt 3,9 tỉ USD trong khi chỉ tính riêng lĩnh vực năng lượng, Trung Quốc đã đầu tư hơn 15 tỉ USD và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Việt Nam đã xuống vị trí thứ ba tại Lào và các doanh nghiệp đầu tư vào Lào chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ.