Kỳ án 'đại gia' bị cô gái vé số đòi 'trách nhiệm tình ái'
Trong vụ án này có một thiếu nữ là bị hại, nhưng khai ra đến hai nghi phạm. Người giao cấu khiến bị hại mang thai, sinh con, gây hậu quả thì bị tuyên 1 năm tù. Người kêu oan, không có chứng cứ trực tiếp kết tội thì bị tuyên… 3 năm tù.
Vụ án 3 lần giám định, nay đã trải qua quá trình tố tụng 6 năm nhưng chưa xử xong, khiến cả bị cáo và bị hại đều mệt mỏi.
Chứng cứ yếu vẫn kết tội, tuyên án
Ngày 4/9, TAND tỉnh An Giang đưa vụ án “giao cấu với trẻ em” với bị cáo Bùi Văn Sơn (tên thường gọi Út Lượm, SN 1967, ngụ thị trấn An Phú, huyện An Phú, tỉnh An Giang) ra xét xử. Lượm bị cáo buộc nhiều lần giao cấu với Huỳnh Thị Trúc Linh (SN 1996, ngụ xã Vĩnh Hậu, huyện An Phú, làm nghề bán vé số).
Theo cáo trạng, vào khoảng tháng 8/2011, Linh bán vé số, Lượm mua 30 – 40 tờ và hẹn chiều đến nhà lấy tiền. Chiều cùng ngày, Linh đến nhà lấy tiền thì bị Lượm giao cấu ở phòng ngủ tầng trệt. Sau đó, Lượm đưa cho Linh 1 triệu trả tiền vé số và tiền tiêu xài.
Cáo trạng truy tố Lượm giao cấu với Linh thêm 7 lần nữa: Hai lần tại nhà riêng, 3 lần ở nhà nghỉ Kim My và 2 lần ở nhà nghỉ Huỳnh Đông. Tuy nhiên, bản án sơ thẩm trước đây nói chỉ đủ cơ sở kết luận Lượm quan hệ với Linh 3 lần.
Ngày 16/2/2012, Linh nói với bạn cùng bán vé số mình có thai nên đến phòng khám Thạch – Thúy siêu âm và được xác định có thai 5 tuần 1 ngày tuổi. Gia đình cô gái tố cáo đến công an. Trong quá trình điều tra, Linh khai chỉ có quan hệ với Lượm.
CQĐT công an tỉnh An Giang hai lần ra trưng cầu giám định ADN đối với đứa trẻ. Lần thứ nhất tại Phân viện Khoa học hình sự Bộ Công an và lần thứ hai tại Phân viện Pháp y quốc gia tại TP HCM. Hai lần đều cho kết quả đứa trẻ không có quan hệ huyết thống với Lượm.
Tuy nhiên, gia đình Linh cho rằng “Lượm có tiền lo lót khiến sai lệch kết quả” nên gửi đơn cầu cứu và yêu cầu giám định lại. Ngày 7/11/2014, CQĐT trưng cầu giám định lần thứ ba tại Viện Pháp y Quân đội, vẫn cho ra kết quả Lượm không phải là cha của đứa trẻ.
Tháng 2/2016, TAND huyện An Phú xét xử sơ thẩm lần 1, tuyên trả hồ sơ điều tra bổ sung vì cho rằng lọt tội phạm, chứng cứ, lời khai cáo buộc Lượm giao cấu với bị hại còn nhiều mâu thuẫn.
Tháng 3/2016, CQĐT khởi tố thêm Nguyễn Văn Bạo (ngụ huyện An Phú) về tội “giao cấu với trẻ em”. Cơ sở để khởi tố là kết quả giám định ADN cho thấy Bạo là cha của đứa trẻ. Dù vậy, cô gái vẫn một mực khai quan hệ duy nhất với Lượm.
Phiên sơ thẩm lần thứ 2, ngày 16/9/2016, TAND huyện An Phú chuyển tội danh của Lượm từ “giao cấu” sang “dâm ô” và tuyên phạt 1 năm tù. Bạo cũng bị tuyên 1 năm tù về tội “giao cấu với trẻ em”.
Đến ngày 14/2/2017, cấp phúc thẩm TAND tỉnh An Giang tuyên hủy án sơ thẩm. Lý do hủy án: “Ngoài lời khai mâu thuẫn, không còn chứng cứ trực tiếp nào chứng minh Lượm có hành vi giao cấu với bị hại”.
Dù việc điều tra bổ sung không có thêm chứng cứ trực tiếp nào chứng minh Lượm giao cấu với bị hại nhưng VKS và TAND huyện An Phú vẫn cho rằng “lời khai đủ cơ sở kết tội Lượm” và tuyên phạt Lượm 3 năm tù về tội “giao cấu với trẻ em”.
Như vậy, thấy rằng Bạo giao cấu với bị hại gây ra hậu quả là mang thai nhưng chỉ bị tuyên 1 năm tù. Còn Lượm không thừa nhận hành vi, luôn kêu oan; và các cơ quan tố tụng không có chứng cứ trực tiếp, chỉ dựa vào lời khai mâu thuẫn của bị hại và người làm chứng nhưng vẫn tuyên án 3 năm tù, nặng hơn Bạo nhiều lần. Việc tuyên án như vậy có công bằng, khách quan hay không?.
Lời khai mâu thuẫn
Tại phiên phúc thẩm lần này, các nhân chứng khai không trực tiếp nhìn thấy hoặc có chứng cứ nào chứng minh Lượm giao cấu với bị hại. Nhân chứng xin giữ nguyên lời khai tại cơ quan điều tra.
Trong khi đó cô gái nói rằng cần sớm giải quyết dứt điểm vì vụ án đã kéo dài nhiều năm, gây ra nhiều thiệt hại, tai tiếng cho mình. Linh nói rằng “nếu Lượm không có quan hệ với tui thì làm sao đưa 300 triệu và lập biên bản?”. Trong khi đó VKS tỉnh đề nghị giữ nguyên án sơ thẩm.
Bào chữa cho Út Lượm, LS Cao Thế Luận (Đoàn LS Bạc Liêu) nói: “Năm 2015, CQĐT Công an tỉnh An Giang có văn bản gửi HĐND tỉnh khẳng định quá trình điều tra chưa đủ chứng cứ kết tội Lượm giao cấu với bị hại. Bản án sơ thẩm lần 1 nhận định “không có đủ cơ sở kết tội Lượm theo truy tố của VKS về tội “giao cấu với trẻ em””. Án phúc thẩm lần 1 cũng nhận định không có chứng cứ trực tiếp buộc tội Lượm”.
“Án sơ thẩm lần 2 nhận định lập luận của luật sư bào chữa là có cơ sở nhưng vẫn kết tội Lượm. Việc kết tội dựa trên lời khai mâu thuẫn của bị hại, các nhân chứng. Cơ quan tố tụng lại cho rằng do bị hại còn nhỏ nên không nhớ rõ thì liệu có khách quan và liệu lời khai này có đủ cơ sở để buộc tội hay không?”, LS Luận đề nghị tuyên Út Lượm vô tội.
LS Đào Kim Lân (Đoàn LS TP HCM) nói rằng bị hại có khai gian dối và việc gian dối này bị sự đe dọa của Bạo. Trong một lời khai, bị hại nói “sau khi có kết quả giám định lần 2, bị hại nghi ngờ đó là con của Bạo nên liên lạc và được Bạo hẹn gặp. Tôi gặp anh Bạo và 3 người thanh niên khác. Bạo đe dọa nếu tôi nói cho ai biết việc Bạo giao cấu với tôi sẽ giết tôi.
Tôi chạy về nhà thì phát hiện 2 thanh niên (2 trong 3 thanh niên đi với Bạo) chạy xe vòng vòng và ngồi ở quán café gần nhà tôi. Tôi sợ nên không dám tố cáo anh Bạo” (trích bút lục 985). Theo LS Lân, đây là điều khiến bị hại khai báo gian dối và tiếp tục “vịn” Út Lượm.
LS Nguyễn Đình Thái Hùng (Đoàn LS TP Đà Nẵng) tranh luận: “Bị hại khai với CQĐT quan hệ lần đầu với Lượm ở nhà Lượm; nhưng sau đó ở phiên tòa, Linh lại khai lần đầu ở nhà nghỉ. Vậy đâu là sự thật? Khoảng cách lần đầu và lần cuối bị hại khai quan hệ với Lượm cách nhau 103 ngày, nhưng cáo trạng lại quy kết thời gian lên đến 160 ngày. Tôi đề nghị hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra bổ sung”.
Chứng minh thêm về lời khai của bị hại và nhân chứng có mâu thuẫn, LS Nguyễn Đình Thuận (Đoàn LS TP HCM) nói: “VKS cho rằng nghiên cứu hồ sơ, chứng cứ, lời khai có đủ cơ sở kết tội bị cáo. Tôi đề nghị VKS đưa ra chứng cứ trực tiếp đó.
Bị hại khai, trước khi vào nhà nghỉ đã cởi khẩu trang, bỏ mũ, còn chủ nhà nghỉ khai có 1 người phụ nữ đeo khẩu trang, đội mũ, mặc áo khoác đi vào phòng Lượm. Cách thức hẹn để đi đến nhà nghỉ, bị hại nói có lúc nói hẹn trực tiếp, gọi điện thoại; nhưng lời khai khác bị hại lại nói rằng gặp trực tiếp chứ không có hẹn trước”.
Hồ sơ bị cạo sửa
Còn LS Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn LS TP HCM) phát hiện trong hồ sơ vụ án có bút lục bị thêm vào (thêm nhưng chưa đóng dấu bút lục) hoặc rút bớt đi, hàng loạt bút lục bị cạo sửa, tẩy xóa không đúng quy định. Biên bản giao hồ sơ cũng bị cạo sửa nên việc có thêm bớt bút lục hay không thì không ai biết?
Trong biên bản khám xét nhà bị cáo có một nhân vật không có trong thành phần tham dự nhưng vẫn ký tên, đóng dấu đó là phó hoặc trưởng công an thị trấn An Phú. Việc hồ sơ bị cạo sửa, rút hay thêm bút lục có làm sai lệch hồ sơ vụ án hay không phải có kết luận của Cơ quan điều tra VKS Tối cao chứ không được tự nhận định một cách chung chung “không ảnh hưởng”.
“Số tiền gia đình Lượm đưa cho tôi hỗ trợ cho bị hại là tiền làm từ thiện. Vì tôi là người trung gian nhận tiền từ gia đình Út Lượm và giao cho gia đình bị hại nên phải làm giấy tờ để chứng minh tôi đã đưa tiền. VKS không thể kết luận đây là tiền bồi thường. Nếu là tiền bồi thường thì ai bồi thường? Tôi, vợ Lượm hay Lượm?”.
LS Hiệp đề nghị trả hồ sơ điều tra bổ sung, giám định toàn bộ hồ sơ vụ án xem cạo sửa ở đâu, ai cạo sửa, cạo sửa làm gì?. “Đồng thời, HĐXX nên kiến nghị Cục điều tra VKS tối cao khởi tố hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án; kiến nghị khởi tố vụ án “ra bản án trái pháp luật” của tòa án cấp sơ thẩm huyện An Phú”.
Đối đáp với các LS, đại diện VKS vẫn cho rằng có đủ cơ sở để kết tội bị cáo. Những lời khai nào của bị hại phù hợp với chứng cứ khác thì mới được xem là chứng cứ, còn lời khai nào không phù hợp thì không được xem xét. Tuy nhiên, hồ sơ vụ án có 2.000 bút lục, VKS không nêu được đâu là bút lục, lời khai phù hợp và không phù hợp với các chứng cứ khác. VKS cũng cho rằng việc cạo sửa không gây bất lợi cho bị cáo. Việc tranh luận diễn ra căng thẳng giữa bên buộc tội và bên gỡ tội.
Sau khi nghị án, HĐXX cho rằng vụ án có nhiều tình tiết phức tạp nên kéo dài thời gian nghị án và sẽ tuyên án vào sáng nay, 10/9.