Kỳ án ngoại tình chấn động thời Lê sơ
Vụ án đầu tiên về quan hệ trai gái bất chính được chính sử ghi nhận thời Lê sơ là vào năm Ất Mão (1435) đời vua Lê Thái Tông.
Vụ án đầu tiên về quan hệ trai gái bất chínhđược chính sử ghi nhận thời Lê sơ là vào năm Ất Mão (1435) đời vua Lê Thái Tông: “Người đàn bà ở xã Thương Xá, lộ Quốc Oai (nay thuộc Hà Nội – người dẫn chú) là Nguyễn Thị Ngọc đã có 8 con với chồng. Chồng bị bệnh hủi, Nguyễn Thị Ngọc không cứu chữa nuôi nấng, mà còn lấy trộm tài sản của chồng, tư thông với khố giám là Nguyễn Chiếm để mưu lấy chồng khác” (Trích Đại Việt sử ký toàn thư).
Với trường hợp này, Nguyễn Thị Ngọc sau đó đã bị “xử giảo”, tức là xử thắt cổ cho chết. Xem trong Hồng Đức thiện chính thư (Những chính sách tốt thời Hồng Đức), thì tội của Thị Ngọc ứng với tội “Thông dâm với chồng người”, trong đó “...người đàn bà bị phạt đánh 50 roi, điền sản trả lại cho người chồng”.
Tuy nhiên, Thị Ngọc không chỉ phạm tội ngoại tình, mà còn hắt hủi người chồng bị bạo bệnh, lấy cắp tài sản của chồng, nên ứng với tội “Đàn bà ngoại tình”, tội này bị “xử giảo, phạt 80 roi, điền sản trả lại cho người chồng, theo luật thi hành không thể tha thứ”. Kết quả, Nguyễn Thị Ngọc phải đối mặt với dải lụa đào mà hồn lạc muôn kiếp.
Hai năm sau, chính sử tiếp tục ghi nhận một trường hợp nặng hơn khi con rể thông dâm với mẹ vợ: “Đinh Tỵ (1437) tháng 8, Hàn lâm viện đãi chế Vũ Văn Phỉ thông dâm với mẹ vợ là Nguyễn Thị, chuyện bị phát giác” (Theo Đại Việt sử ký toàn thư). Với tội này, áp dụng chương Thông gian (ngoại tình có đi lại với nhau) trong Quốc triều hình luật, tội của viên quan Vũ Văn Phỉ ứng với Điều 1: “Gian dâm với vợ người khác thì xử tội lưu hay tội chết” và Điều 5: “Thông gian với vợ người thì bị xử phạt 60 trượng, biếm hai tư, bắt nộp tiền nhiều ít theo bậc cao thấp của người đàn bà, nếu sang hèn cách xa thì lại xử khác”, lại ứng với “Lệnh cấm đàn bà phản bội chồng, đàn ông gian dâm với vợ người khác” trong Thiên Nam dư hạ tập: “Gian dâm với vợ người thì xử lưu hoặc tử hình”. Nhưng cụ thể và rõ ràng nhất thì tội của Phỉ được áp vào Điều 11 của Hồng Đức thiện chính thư: “Con rể thông dâm với mẹ vợ là việc đồi bại làm tổn hại đến luân thường đạo lý, theo luật phải xử chém”.
Tổng hợp lại những quy định ấy, tội của Vũ Văn Phỉ sau đó được tuyên là “phải xử tội chém”. Tuy nhiên, chính sử cho hay, Vũ Văn Phỉ “xin được chuộc tội, cuối cùng bị đày ra châu xa”.
Đến năm Mậu Thìn (1448), khi vua Lê tổ chức thi Hội, rồi thi Đình chọn học vị Tam khôi, danh hiệu Trạng nguyên đã thuộc về Nguyễn Nghiêu Tư “Người làng Phù Lương, huyện Võ Giàng” (Theo Đại Việt Lịch triều đăng khoa lục, tức huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh ngày nay). Điều đáng nói là Nghiêu Tư từng thông dâm với mẹ vợ. Việc ấy dân quê ông đều biết.
Nhưng khi ông giành học vị cao nhất của khoa cử, thì thiên hạ ai ai cũng hay. Thế mới có chuyện nhiều người đã nhân đó mà báng bổ tân trạng nguyên họ Nguyễn. Có người ghi vào chuồng lợn là “Phường trạng nguyên”, có người hát ở đường cái rằng: “Trạng nguyên trư, Nguyễn Nghiêu Tư” để chế giễu.
Tuy nhiên, trường hợp của vị Trạng Lợn Nghiêu Tư lại không thấy chính sử đề cập đến việc ông bị phạt chuộc tội hay bị xử tội chém mà được tha. Nhưng thiết nghĩ, tòa án lương tâm và miệng lưỡi thế gian còn ghê gớm gấp trăm nghìn lần cái án chém mà luật nước có thể xử ông.
Luật xưa: Người có hành vi ngoại tình bị phạt tới 3 triệu đồng
Luật xưa thật là nghiêm khắc, tội ngoại tình có thể bị xử chém đầu. Tuy nhiên, hành vi phạm tội ấy nếu chiếu theo pháp luật thời nay thì sẽ không phải chịu mức án như vậy.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 110/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã. Trong đó, Điều 48 quy định sẽ xử phạt từ 1-3 triệu đồng với các hành vi: Đang có vợ (hoặc chồng) mà chung sống như vợ chồng với người khác; chưa có vợ (hoặc chồng) mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ.
Quy định của pháp luật đưa ra cũng nhằm bảo vệ sự ổn định, bền vững của gia đình. Tuy nhiên, xử lý bằng hành chính thế này thì khó khả thi. Bởi ai sẽ là người đi phát hiện ngoại tình? Chẳng nhẽ cơ quan chức năng phải cử người đi phát hiện vợ hoặc chồng của một gia đình nào đó đi ngoại tình để xử phạt?
Trường hợp có đủ chứng cứ chứng minh “tội ngoại tình”, thì “cấp độ” ngoại tình nào bị phạt 1 triệu đồng, “cấp độ” nào bị phạt 3 triệu đồng? Nếu “tái phạm” tội ngoại tình thì mức phạt ra sao? Trường hợp người vi phạm không chịu nộp phạt hoặc họ không có đủ thu nhập để nộp phạt thì chế tài xử lý thế nào? Những vấn đề này đều chưa được đề cập cụ thể trong Nghị định.
Như vậy, chiếu theo quy định của pháp luật ngày nay thì những đối tượng trên sẽ không đến mức phải chịu hình phạt nghiêm khắc là xảo hoặc bị đi đày.