Kỳ án trên đỉnh núi Lở (P1): Sự mất tích bí ẩn của cô gái trẻ
Sự mất tích bí ẩn của cô gái trẻ dần trôi vào quên lãng thì bỗng một ngày, những cơn gió từ đỉnh núi Lở mang theo một mùi khó chịu lan khắp nhà người dân phía dưới. Để rồi khi tìm lên đỉnh núi, họ bàng hoàng phát hiện một thi thể bị trói chặt, đang trong giai đoạn phân hủy mạnh.
Cô gái bản mất tích
Làng Cài (xã Lâm Giang, huyện Yên Bình, Yên Bái) vốn bao năm bình yên, bỗng một ngày trở nên nhốn nháo bởi sự mất tích bí ẩn của cô gái trẻ Đặng Thị T.
Số là, nhà chị T có một mảnh nương trên đỉnh núi Lở, mỗi ngày, chị T vẫn đi bộ dọc theo con dốc sau nhà để lên phát cỏ, cuốc đất. Sáng 7/5/2003, chị T dậy sớm, mang theo cuốc và chút cơm để phía gùi sau lưng rồi đi làm.
Trời mùa hè nóng như đổ lửa. Quá trưa, cả nhà không thấy chị về, ai cũng nghĩ có thể công việc nhiều nên chị nán lại làm cho xong. Sẩm tối, khi mọi người trong làng đi nương đã về hết thì bóng dáng cô gái trẻ này vẫn chẳng thấy đâu. Gia đình T "lòng như lửa đốt", họ nhìn lên phía đỉnh núi Lở cao chót vót đã giăng một màu đen kịt của bóng đêm mà lo "ngay ngáy".
Chị T là người hiền lành, chăm chỉ, ít giao du nên việc đi làm tới tận đêm chưa về là điều vô cùng bất thường. Núi Lở, nơi có vạt nương của gia đình chị T vốn cao, hiểm trở. Ngoại trừ người dân đi làm cỏ, trồng cây, hoa màu mới leo lên đó, chứ người thường thì chẳng mấy ai "mất công" lên trên ấy làm gì. Chính sự hiểm trở này khiến người nhà chị T lo lắng chị này có thể bị ngã xuống vực?
Cả làng cử đám thanh niên đốt đuốc, soi đèn, lần theo con đường dốc đi lên núi Lở để tìm kiếm. Họ lật từng bụi cỏ, vén từng tán lá, rọi đèn xuống những mép vực sâu hun hút nhưng vẫn không thấy bóng dáng chị T đâu. Cả đêm, người làng lùng sục đến mệt bã mà chẳng thu được kết quả nên đành ra về trong tâm trạng lo lắng.
Nhiều ngày sau nữa, chị T vẫn "bặt tăm", gia đình đã tỏa đi khắp nơi để tìm kiếm. Nhưng mỗi lần dò hỏi là một lần họ trở nên vô vọng hơn. Sự biến mất bí ẩn của T là dấu hỏi lớn mà dân làng chẳng thể giải thích được.
Mùi lạ trên núi cao
Có người nghi vấn, thời gian gần đây, trong xã một số cô gái hay bỏ theo người lạ để đi làm ăn nơi xa, có lẽ chị T cũng nằm trong số ấy? Thế là, người nhà chị T một lần nữa chia nhau đi tìm. Họ lên Lào Cai, về Tp Yên Bái, xuống cả Hà Nội nhưng vẫn chẳng thu được tin tức gì.
Thời gian sau đó, dân làng dần phai ký ức về sự biến mất bí ẩn của T. Cho đến một buổi trưa tháng 6/2003, giữa hè, dưới cái nóng thiêu đốt, từng cơn gió thổi từ đỉnh núi Lở tràn về thôn. Lẩn khuất trong những cơn gió là một mùi hôi nồng. Vài nhà dân sống dưới chân núi cảm nhận rất rõ mùi "ngây ngây, nồng nồng" rất khó chịu ấy.
Sự tò mò đã thúc đẩy người dân lên núi Lở để kiểm tra. Ban đầu họ nghĩ chắc có con thú nào đã chết nên mới có mùi như vậy. Càng lên tới đỉnh núi, mùi càng đặc và khó chịu hơn. Khi đi qua nương là chị T, mọi người phát hiện bên đám cỏ đã úa màu có chiếc cuốc và gùi của chị này nằm dưới đất. Lần sâu theo hướng gió, dưới bụi cỏ cao cách nương vài chục mét, một người phụ nữ bất giác rùng mình khi phát hiện thi thể người đã phân hủy.
Người này chạy "thục mạng" ra phía ngoài hô lớn, chỉ ít phút sau, khi dân làng tụ lại, họ đã không thể giữ được bình tĩnh với cảnh đang chứng kiến. Nó vượt quá sự tưởng tượng của những đầu óc vốn chỉ quen cuộc sống bình yên nơi đại ngàn.
Công an tỉnh Yên Bái có mặt, tại hiện trường, tử thi được xác định là nữ giới, đã chết được 1 khoảng thời gian và ở giai đoạn phân hủy mạnh. Đặc biệt, hai tay nạn nhân bị trói chặt bằng dây thừng với cổ. Chắc chắn, với những dấu hiệu này, đây là một vụ án giết người.
Gia đình chị T được đưa đến để nhận dạng, họ ngã quỵ khi nhận ra đó chính là cô con gái đã mất tích sau lần đi nương cách đây nhiều ngày. Kiểm tra kỹ, họ cho biết đôi bông tai vàng chị T hay đeo đã biến mất.
Lời khai ấy đã giúp các điều tra viên Công an tỉnh Yên Bái bước đầu định hình bản chất của vụ việc. Chị T đã bị ai đó sát hại để cướp tài sản.
Không dấu vết
Các trinh sát Công an tỉnh Yên Bái khám nghiệm rất kỹ hiện trường. Các anh phát hiện, xung quanh nơi thi thể chị T được tìm thấy không có dấu vết lạ, các bụi cỏ, cành cây vẫn còn nguyên trạng. Như vậy, có thể nhận định đây không phải hiện trường chính xảy ra vụ án.
Mở rộng tìm kiếm, các trinh sát tìm thấy vật dụng đi nương của chị T, dưới đất còn vương vãi những hạt cơm khô. Khả năng cao, hung thủ đã gây án ở bên nương rồi kéo xác chị T vào nơi khuất kín để che giấu, phi tang.
Hiện trường gần như không còn dấu vết, ngoài hình dạng nút thắt trên cổ tay nạn nhân bằng dây thừng. Nút thắt ấy rất lạ, hình mắt cáo và được thực hiện một cách thuần thục, chuyên nghiệp.
Tại khu vực này, nhiều hộ dân cũng có nương, thế nhưng khoảng cách xa nhau nên không có ai cung cấp được thông tin nghi vấn vào thời điểm xảy ra vụ án.
Các trinh sát sau khi đánh giá tình hình đã đưa ra một nhận định. Do đỉnh núi Lở cao, khó đi lại nên chỉ có người trong làng đi làm nương mới lên đây. Nhận định này chỉ ra nghi phạm chắc chắn phải là người địa phương, có nương gần với nương nhà nạn nhân. Chưa kể, hiện trường là nơi khuất vắng, việc nghi phạm là người vãng lai, nơi khác đến được loại bỏ.
Một cuộc rà soát lớn được Công an tỉnh Yên Bái tiến hành. Hàng chục đối tượng hiềm nghi được gọi hỏi nhưng tất cả họ đều có bằng chứng ngoại phạm. Vụ án tưởng như đi vào bế tắc.
Một ngày cuối tháng 6/2003, các trinh sát sau quá trình nắm bắt thông tin đã phát hiện ra một hộ dân nghi vấn. Gia đình người này có 3 mẹ con, trong đó có 1 cậu con trai ngoài 20 tuổi vốn tính ngỗ ngược. Họ có mảnh nương gần với nương nhà nạn nhân T. Điều đặc biệt, kể từ khi chị T mất tích, người con trai trong gia đình này cũng đi đâu không rõ.
Tất nhiên, đó mới chỉ là những nghi vấn ban đầu. Nhưng suốt nhiều ngày đeo bám, bí mật quan sát hộ dân này, lực lượng làm án Công an tỉnh Yên Bái đã bất ngờ ghi nhận thêm rất nhiều tình tiết khiến các anh tin rằng đây chính là manh mối làm sáng tỏ cái chết của chị T.
(Còn nữa)