Kỳ công săn chuột rừng

Khi những tràn ruộng bậc thang ở thôn Lao Chải, xã Trịnh Tường (Bát Xát) ngả màu vàng rực tạo thành bức tranh tuyệt đẹp trên đỉnh núi, không chỉ gặt lúa, đồng bào Hà Nhì nơi đây còn có thú săn chuột rừng làm món đặc sản đãi khách đến chơi nhà trong những ngày xuân.

Theo chân Sần Xe Xá, “bậc thầy” về bắt chuột rừng, chúng tôi háo hức lên đường “săn” loài gặm nhấm đứng đầu 12 con giáp. Trên đường đi, Xá tiện tay rẽ bờ rào bẻ một bắp ngô đút vào túi. Thấy tôi có vẻ tò mò, Xá bảo bẫy chuột trên rừng chỉ cần ít mồi đơn giản như mấy hạt ngô thôi. Hôm qua, em đặt hơn 20 cái bẫy, hôm nay may mắn thì sẽ có món ngon đãi các anh. Chàng trai Hà Nhì dẫn chúng tôi chui qua đám lau sậy, vượt tảng đá to bên bờ suối, có đoạn phải bì bõm lội nước mới đến vị trí đặt bẫy. Xá vạch đám cỏ chỉ cho chúng tôi chiếc bẫy chuột đầu tiên. Phải căng mắt nhìn tôi mới phát hiện ra chiếc bẫy hình bán nguyệt bằng sắt được vùi xuống lớp đất mùn chỉ thò lên trên đoạn dây thép xuyên mấy hạt ngô.

Những khu ruộng bậc thanh là nơi chú ngụ của chuột đồng.

Những khu ruộng bậc thanh là nơi chú ngụ của chuột đồng.

“Chuột ở đây khôn lắm, bẫy mà lộ, nó không vào ăn đâu. Mỗi hang chuột bao giờ cũng có 2 - 3 cửa thoát hiểm, nên rất khó đào. Sau vụ gặt tháng 10 là mùa chuột béo nhất và dễ bẫy nhất. Muốn bẫy được chuột phải tìm chọn đúng đường chúng hay đi tạo thành lối mòn bên bờ suối hoặc trong bụi rậm, rồi ngụy trang thật khéo. Có hôm em bẫy được 5 - 6 con, nhưng có hôm cũng về tay trắng” - Xá nói.
Chúng tôi tiếp tục luồn rừng, lội khe toát mồ hôi, gai cào toạc chân rớm máu, đến chiếc bẫy thứ 5 thì nghe Xá reo lên: “Trúng rồi các anh ạ!”. Mừng như bắt được vàng, chúng tôi xé cỏ lao lên xem “chiến lợi phẩm”. Chú chuột rừng to như bắp tay bị chiếc bẫy kẹp ngang người. Tôi để ý loại chuột này khác nhiều so với chuột dưới phố vì lông trên lưng và râu màu đen nhánh rất dài, bụng có lông trắng như bông. Điều lạ là chuột rừng không hề có mùi hôi hám như chuột cống. Đây là chuột đực, cầm lên nặng trịch, dễ tới nửa cân. “Có lần bọn chuột tranh nhau vào ăn, một bẫy dính 2 con đấy”, Xá bảo.

Chuột đồng thường to và chắc thịt.

Chuột đồng thường to và chắc thịt.

Phải đến gần trưa, khi mặt trời lên cao, chúng tôi mới “thăm” được hết số bẫy mà Xá đặt. “Hậu quả” là tôi với bạn đồng nghiệp bị đứt hết quai dép, chân tay bị gai cào, cỏ cứa ngang dọc, mồ hôi nhễ nhại vì trèo đèo, lội suối. Bù lại, thật may mắn bẫy được 3 chú chuột rừng, con nào cũng béo tròn. Xá cầm xâu chuột cười tươi: “Bọn này đã phá hoại bao nhiêu nông sản của bà con, có năm chúng cắn rạp cả góc ruộng lúa, còn ngô với thảo quả thì bị cắn nham nhở, thiệt hại rất nhiều. Dọc khe suối này, em đã bẫy được hàng trăm con chuột, chưa kể trên nương thảo quả nữa. Lũ trẻ ăn chán thịt chuột rừng, em mang đi bán, chưa đến chợ phiên mọi người đã mua hết, mỗi con cũng được mấy chục nghìn đồng”.

Món thịt chuột đồng thơm ngon và bổ dưỡng.

Món thịt chuột đồng thơm ngon và bổ dưỡng.

Khi chúng tôi về đến lán nghỉ của những nông dân gặt lúa, mọi người đang thịt ngan và tước rau dớn làm bữa trưa. Thấy Xá xách mấy con chuột trên tay, mọi người tỏ vẻ phấn khởi vì bữa trưa có thêm món. Vừa mổ thịt chuột rừng, Xá vừa trò chuyện: Chuột rừng cư trú trong hang như con dúi, uống nước khe suối, chúng ăn ngô, lúa, rễ cây, hoa quả trên rừng, nên thịt không có mùi hôi.
Mổ chuột xong, Xá chặt thành miếng nhỏ rồi ướp các gia vị ớt xanh, sả tươi, thảo quả khô... Chẳng mấy chốc, chảo thịt chuột xào sả ớt đã tỏa khói nghi ngút, thơm nức mũi.
Mâm cơm được bày ra với đĩa thịt chuột rừng ngọt đậm. Rượu thóc Sim San thơm nồng ngây ngất. Ngoài món thịt chuột xào sả ớt, người Hà Nhì còn xào thịt chuột rừng với hoa chuối rừng, lá mắc mật hoặc chặt miếng ướp với riềng, mẻ, mắm tôm cho vào nấu giả cầy. Đơn giản nhất là món thịt chuột hấp lá chanh hoặc chuột cả con tẩm gia vị nướng trên than hồng rồi chấm với muối ới. Chuột rừng sau khi bẫy về mổ bỏ nội tạng đem sấy khô trên gác bếp, Tết có khách đến chơi, mới bỏ ra xào sả ớt thết đãi…

Tuấn Ngọc

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/phong-su/ky-cong-san-chuot-rung-z62n20200107130215735.htm