Kỳ cuối: Đâu là giải pháp
Những giá trị tích cực mà mạng xã hội mang lại là không phải bàn cãi, dù vậy, khi người dùng mạng xã hội một cách vô trách nhiệm, vượt ra khỏi khuôn khổ pháp luật thì những hệ lụy mà nó gây ra là không hề nhỏ. Trong thời điểm 'loạn' thông tin trên xấu độc trên mạng xã hội như hiện nay, ngoài sự vào cuộc quyết liệt và xử lý mạnh tay của các cơ quan chức năng, cần thêm những giải pháp thiết thực, tuyên truyền, nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành của mỗi người.
Xử lý nghiêm để răn đe
Sau hơn 20 năm Internet có mặt (từ năm 1997), với hơn 60 triệu người sử dụng, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 18 trên thế giới về tỷ lệ người dân sử dụng Internet và là 1 trong 10 nước có lượng người dùng Facebook và YouTube cao nhất thế giới. Điều đó cho thấy sự cởi mở, năng động của Việt Nam trong tiến trình hội nhập cùng thế giới số.
Thực tế, bên cạnh những mặt tích cực cũng như các quốc gia khác trên toàn cầu, Việt Nam đang khai thác và phát huy những đặc tính ưu việt của truyền thông xã hội, đồng thời, cũng đang phải đối mặt với những tác động tiêu cực khó kiểm soát từ dạng thức truyền thông mới này.
Phát biểu tại hội thảo, triển lãm “An toàn, an ninh mạng trong hành trình chuyển đổi số”, Đại tá Đỗ Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết, những thông tin “xấu, đọ” trên mạng xã hội đang gây “nhức nhối”, ảnh hưởng trực tiếp tới khách thể, nạn nhân của những tin tức giả, cũng như cơ quan quản lý nhà nước trên lĩnh vực này.
Nếu như trước đây, thông tin lan truyền chậm nên ảnh hưởng xấu từ mạng xã hội đến cộng đồng ít. Ngược lại, thông tin trên mạng hiện nay lại lan truyền quá nhanh, nên cần có biện pháp giảm thiểu tác động. “Ngoài những thông tin xấu, không gian mạng của Việt Nam còn đang bị đe dọa bởi nạn tin giả, xuyên tạc để lôi kéo sự chú ý của người tham gia, gây bức xúc, ảnh hưởng lớn đến tâm lý người dân” – Đại tá Đỗ Anh Tuấn nói.
Trên phương diện pháp lý, Luật sư Bùi Thế Vinh (Đoàn Luật sư Hà Nội) hiện nay, Việt Nam cũng đã có hành lang pháp lý cho hành vi phát tán tin giả, được quy định trong luật An ninh mạng và Bộ Luật Hình sự.
Người nào có hành vi vi phạm quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Quy định đã có, tuy nhiên, vẫn có một số lượng lớn người dùng Facebook tại Việt Nam không nắm được quy định pháp luật này.
“Sở dĩ thông tin giả, tin sai sự thật có đất sống trên Facebook là do sự thiếu hiểu biết pháp luật của người dùng và đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến tin giả có thể được lan truyền một cách chóng mặt trên môi trường MXH” - Luật sư Bùi Thế Vinh cho hay.
"Hiểu" để rõ quyền và trách nhiệm
Nhiều chuyên gia cho rằng, nhằm phát huy hơn nữa lợi thế của mạng xã hội, Nhà nước sớm nghiên cứu, ban hành các quy định cụ thể về đối tượng sử dụng mạng xã hội, nội dung được đăng tải; cần có chế tài mạnh để xử lý nghiêm khắc, truy tố hình sự đối với người đưa thông tin lên mạng có nội dung bịa đặt, vu khống hoặc sử dụng các nguồn thông tin không chính thức, chưa được kiểm chứng gây bất ổn dư luận.
Vậy người tham gia mạng xã hội phải có trách nhiệm như thế nào? Điều cần thiết là, mọi người phải tuân thủ pháp luật, đó là chế tài cao nhất. Chúng ta đã có nhiều văn bản pháp luật về vấn đề này, trong đó Luật An ninh mạng đã có hiệu lực quy định rất chặt chẽ những điều bị nghiêm cấm. Đây là điều cần thiết của bất cứ quốc gia nào trong quản trị xã hội nói chung và quản lý internet, mạng xã hội nói riêng.
Dù Luật An ninh mạng đã ra đời nhưng nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp đồng bộ về vấn đề này. Nhà nước, các cơ quan quản lý cần kiểm soát chặt chẽ bằng những điều khoản pháp lý mạnh, nghiêm khắc trách nhiệm cá nhân tham gia mạng xã hội. Ngoài ra, các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp cần xây dựng được chế tài, quy định của chính cơ quan, tổ chức mình để điều chỉnh hành vi, việc làm của người tham gia mạng xã hội mà mình quản lý trong hành lang pháp luật chung, vì lợi ích chung.
Cơ quan quản lý cần có những biện pháp cả về pháp lý, cả về kỹ thuật để phát hiện, ngăn chặn sự lây lan của thông tin xấu độc từ mạng xã hội. Đặc biệt cần xử lý nghiêm minh những hành vi cố tình sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền, thông tin sai sự thật, kích động, mang tính kỳ thị gây hại cho người khác, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Trong thời điểm “loạn” thông tin trên mạng xã hội như hiện nay, ngoài sự vào cuộc quyết liệt và xử lý mạnh tay của các cơ quan chức năng, thiết nghĩ giải pháp thiết thực, đầu tiên cần phải làm chính là tuyên truyền, nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành của mỗi người dân. Có như vậy, tình trạng này mới sớm được khắc phục.
Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ky-cuoi-dau-la-giai-phap-96984.html