Kỳ cuối: Đẩy lùi miệt thị ngoại hình cần sự chung tay của cộng đồng
Ngày nay, bất kỳ ai cũng có thể trở thành nạn nhân của miệt thị ngoại hình. Để đẩy lùi vấn nạn này trong trường học cần sự chung tay của gia đình, nhà trường và xã hội.
Miệt thị ngoại hình trong trường học - “thuốc độc” tàn phá tâm hồn trẻ thơ:
Đừng để các em một mình
Cô Nguyễn Thị Huyền - giáo viên môn Sinh học một trường THCS tại Vĩnh Phúc chia sẻ: “Trong quá trình dạy môn Sinh, khi tôi nhắc đến nội dung về bệnh béo phì thì vài học sinh trong lớp có chỉ trỏ về phía một số bạn trong lớp rồi thản nhiên chê bai, cười nói khiến các bạn ngại. Khi đó, tôi phải giải thích cho các em hiểu, có nhiều nguyên nhân dẫn đến béo, có thể do ăn uống, tập luyện thể thao chưa đúng cách, bị bệnh,…Thế nên các em không nên trêu chọc bạn mà phải chia sẻ, giúp đỡ bạn. Việc trêu bạn bè bằng những lời lẽ không hay sẽ làm các bạn bị tổn thường, tự ti, không thích đi học,…”.
Khi biết học sinh trong lớp buồn vì bị bạn bè trêu chọc, cô Nguyễn Thị Hương, giáo viên một trường Tiểu học tại quận Long Biên (Hà Nội) đã chia sẻ với em học sinh bị trêu, khen em học sinh này có những điểm mạnh mà các bạn trong lớp không có, động viên em cố gắng phát huy những thế mạnh của bản thân. Cô cũng phân tích cho học sinh không nên có hành động chê bai người khác vì điều đó rất xấu, làm tổn thương mọi người.
Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa cho rằng: “Học sinh là lứa tuổi còn trẻ dại, lấy những lời trêu đùa để nói về bạn bè mà không nghĩ đến hậu quả nghiêm trọng, rằng nó có thể đem lại nỗi đau cho bạn. Những câu bông đùa hàm ý gây ra nỗi khổ tâm, mặc cảm, tự ti, căm ghét cho các em bị chê bai, gây mất đoàn kết, thậm chí là xô xát nhau. Những lời nói miệt thị ngoại hình vì thế là hành vi thiếu văn hóa. Để đẩy lùi hành vi này, sự giáo dục của phụ huynh và thầy cô giáo là rất cần thiết. Khi con là nạn nhân của miệt thị ngoại hình, bố mẹ hãy chia sẻ với con, giải thích cho con hiểu, việc con có ngoại hình như vậy không phải lỗi của con, tạo hóa không chia đều tất cả mọi thứ cho mọi người. Con cũng có những thế mạnh của riêng mình nên con hãy tự tin, sống thật tốt. Bố mẹ luôn yêu thương con và trong mắt bố mẹ, con vẫn đẹp nhất.
Còn ở trường, nếu phát hiện học sinh có hành vi miệt thị ngoại hình, bị miệt thị ngoại hình, giáo viên có thể gặp riêng từng em để phân tích cho các em hiểu khi các bạn có điểm gì đó thua thiệt với mọi người, có thể các bạn đã rất buồn, mặc cảm rồi, nếu các em dùng sự thua thiệt của các bạn để chê bai, cười cợt bạn thì các em đang khoét sâu vào nỗi đau, làm cho các bạn buồn hơn. Khi các em nhận thức được việc làm của mình sai thì các em sẽ không tái phạm. Với các em bị miệt thị, thầy cô nên quan tâm, động viên, cổ vũ các em. Sự sẻ chia, yêu thương của thầy cô và các bạn sẽ là động lực để các em tự tin trong cuộc sống, phát huy những thế mạnh của mình”.
Trang bị cho học sinh, con em “vắc xin” miễn dịch
PGS.TS Trần Thành Nam - Giảng viên Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc Gia Hà Nội nêu quan điểm: “Bản thân chúng ta phải thừa nhận “Nhân vô thập toàn” không ai hoàn hảo nên cũng phải chấp nhận những điểm chưa hoàn hảo của chính mình. Chúng ta hãy học cách yêu thương bản thân, thay vì quá chú ý đến vẻ đẹp ngoại hình hãy trân trọng những vẻ đẹp bên trong của mình ví dụ bản thân mình là người trung thực, tốt bụng, nhân ái, chia sẻ. Cha mẹ có thể trang bị cho con một loại vắc xin để miễn dịch trước những lời chế nhạo ngoại hình bằng cách khen và thừa nhận những điểm mạnh của con trong cuộc sống hàng ngày để tăng lòng tự trọng của đứa trẻ. Chúng ta hãy học cách phản ứng kiên quyết trước vấn nạn miệt thị ngoại hình. Hãy yêu cầu một cách thẳng thắn người khác dừng hành vi đó lại vì nó không đúng đắn, nếu không chúng ta sẽ có biện pháp mạnh mẽ hơn”.
Để bước qua những rào cản của “body- shaming”, TS. Nguyễn Văn Tường - Giảng viên Khoa Giáo dục, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM đưa ra lời khuyên cần thay đổi quan điểm của bản thân về khái niệm “hoàn hảo”. “Mỗi người đều có những tiêu chuẩn riêng về ngoại hình, việc áp đặt một số tiêu chuẩn chung cho tất cả mọi người là điều không phù hợp. Ngoại hình là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến quá trình phát triển bản thân chứ không phải là yếu tố duy nhất. Thực tế, một số người có hạn chế nhất định về ngoại hình nhưng điều đó sẽ không làm thay đổi giá trị của họ”, TS. Nguyễn Văn Tường nhấn mạnh.
Ngoài ra, TS. Nguyễn Văn Tường cho rằng, chúng ta nên có ý thức rõ ràng không có ai hoàn hảo trên mọi phương diện, đặc biệt là ngoại hình. Mỗi người có những thế mạnh, ưu điểm riêng và ngoại hình cũng vậy. Vì vậy, chúng ta cần yêu thương, chăm sóc bản thân, trân quý những gì mình có thay vì chỉ chú tâm cho hình thức bên ngoài. Cuộc sống của chúng ta không đơn thuần là câu chuyện ngoại hình, vẻ đẹp nội tâm và trí tuệ cũng rất quan trọng. Quan điểm sống của mỗi người sẽ ảnh hưởng đến hành vi, thái độ sống của họ và cách họ yêu thương chăm sóc bản thân mình. Khi có được cách đánh giá, nhìn nhận khách quan về sức khỏe nói chung và đặc điểm ngoại hình nói riêng thì mỗi người sẽ có những cách thức phù hợp để chăm sóc và yêu thương bản thân.
TS. Nguyễn Văn Tường cũng lưu ý, trong trường hợp cảm thấy quá khó khăn để có thể vượt qua nỗi ám ảnh “body-shaming” thì chúng ta nên tìm kiếm sự trợ giúp của các nhà chuyên môn, đọc sách về chủ đề chăm sóc bản thân, vượt qua áp lực, hoặc tham gia vào nhóm hỗ trợ những người có cùng vấn đề giống mình để có thể hỗ trợ lẫn nhau hay tham gia các khóa học nâng cao giá trị bản thân,…
Cũng theo TS. Tường, đối với người chưa có hiểu biết về vấn đề này thì chúng ta có thể góp ý để họ rút kinh nghiệm. “Mỗi chúng ta cần nâng cao hiểu biết của mình về vấn đề này để không vô tình “body-shaming” người khác, không tự “body-shaming” chính mình”… Chúng ta không thể đòi hỏi tất cả mọi người nói những lời vừa lòng mình. Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể không để những lời nhận xét của người khác quyết định cuộc đời của mình”, TS. Tường nhấn mạnh.
Tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, giáo dục đạo đức, văn hóa cho giới trẻ
TS. Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết miệt thị ngoại hình của người khác không chỉ là lời đùa vô duyên, những phát ngôn thiếu văn hóa mà còn có thể là hành vi vi phạm pháp luật nếu như có mục đích nhằm xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác.
Hành vi miệt thị ngoại hình có thể diễn ra trong đời sống xã hội hoặc trong trên không gian mạng. Trường hợp hành vi có tính chất xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác thì đó là hành vi vi phạm pháp luật, người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Người miệt thị ngoại hình của người khác gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, tâm lý, sức khỏe của nạn nhân, xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự nhân phẩm của nạn nhân thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự.
Cụ thể tội danh và hình phạt được quy định như sau:
Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp (Phạm tội 2 lần trở lên; Đối với 2 người trở lên; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Đối với người đang thi hành công vụ; Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình; Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội; Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%) thì bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm:
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp (Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Làm nạn nhân tự sát) thì bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm:
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Trường hợp hành vi miệt thị ngoại hình của người khác mà chưa đến mức nghiêm trọng nhưng có lỗi cố ý và nạn nhân đề nghị cơ quan chức năng xử lý thì người thực hiện hành vi miệt thị ngoại hình của người khác sẽ bị xử phạt đến 3.000.000 đồng theo quy định tại điều bẩy của Nghị định 144 của chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về các hành vi, vi phạm quy định về trật tự công cộng. Theo đó, phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 21 và Điều 54 Nghị định này.
Trường hợp hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác bằng cách miệt thị ngoại hình trên không gian mạng thì mức xử phạt có thể đến 15.000.000 đồng theo quy định tại Điều 101 Nghị định 15 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện.
Bởi vậy để giảm thiểu những vụ việc xúc phạm ngoại hình của người khác, việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, giáo dục đạo đức, văn hóa cho giới trẻ là cần thiết. Đồng thời kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm để đảm bảo bảo vệ danh dự nhân phẩm uy tín của công dân.