Kỳ cuối: Đường lên cung trăng - đối thủ đi sau 'nhanh và mạnh'

'Giai đoạn thứ tư trong Chương trình thám hiểm mặt trăng của Trung Quốc (TQ) đã chính thức khởi động cuối năm 2021, với mục tiêu chính là triển khai khám phá khoa học về cực Nam của mặt trăng, định hình cấu trúc cơ bản của trạm nghiên cứu khoa học về mặt trăng', đó là tuyên bố của ông Ngô Vĩ Nhân - nhà thiết kế chính của chương trình - trong cuộc phỏng vấn được thực hiện sau Hội thảo đối tác toàn cầu Liên hợp quốc/TQ lần thứ 2 về thám hiểm không gian và sáng tạo tổ chức từ ngày 21 đến 24-11-2022.

Dò đường tới cung trăng

Trong vài thập niên trở lại đây, TQ đã đầu tư mạnh để bắt kịp Mỹ - Nga, hai cường quốc có hàng chục năm kinh nghiệm trước TQ trong lĩnh vực chinh phục vũ trụ. Chỉ 4 năm sau khi phi hành gia TQ đầu tiên bay vào vũ trụ, nước này đã phóng trạm quan sát Thường Nga 1 lên mặt trăng ngày 24-10-2007. Sau khi thực hiện nhiệm vụ chụp ảnh, nghiên cứu từ xa trong lúc bay quanh mặt trăng ở khoảng cách 120km, Thường Nga 1 đã tự hủy ngày 01-3-2009. Sau đó, Trạm Thường Nga 2 rời trái đất năm 2010 cũng có nhiệm vụ tương tự và chấm dứt hoạt động năm 2014.

Ở giai đoạn 2 của chương trình, từ năm 2013 - 2018, TQ đưa 2 Trạm Thường Nga 3 (năm 2013) và 4 (năm 2015) hạ cánh xuống bề mặt mặt trăng mang theo xe tự hành Ngọc Thố 1 và 2. Trạm Thường Nga 3 là tàu vũ trụ đầu tiên của trái đất hạ cánh xuống mặt trăng sau chuyến bay của Trạm Luna - 24 năm 1976. Với sự kiện hạ cánh của Thường Nga 3, TQ trở thành quốc gia thứ 3 trên thế giới có tàu vũ trụ hạ cánh xuống mặt trăng. Xe tự hành Ngọc Thố 1 gặp trục trặc và chấm dứt liên lạc sau 42 ngày hoạt động (dự trù là 3 tháng), trong khi xe Ngọc Thố 2 đến năm 2019 đã có thời gian hoạt động vượt qua chiếc Lunakhod 1 của Liên Xô trước đây.

Trong giai đoạn 3, hai trạm tự động Thường Nga 5 - T1 và 5 lần lượt đổ bộ lên mặt trăng vào các năm 2014, 2020. Thực tế thì Thường Nga 5 - T1 là chuyến bay thử nghiệm cho Thường Nga 5 - mẫu tàu không gian hạ cánh xuống mặt trăng rồi trở về trái đất. Thường Nga 5 - T1 chở theo 14kg thiết bị. Chuyến bay của Thường Nga 5 được đánh dấu bằng việc cắm cờ TQ trên mặt trăng và mang về trái đất nhiều mẫu đất, đá.

Đi nhanh để đuổi kịp

Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2024 - 2028 TQ sẽ tiếp tục đưa lên mặt trăng các tàu Thường Nga 6, 7 và 8. Trong đó, tàu Thường Nga 6 dự kiến hạ cánh ở một điểm gần cực Nam của mặt trăng, khảo sát và lấy mẫu đất, đá đem về trái đất. Nếu tàu Thường Nga 6 thành công trong việc này, đây sẽ là lần đầu tiên nhân loại làm được điều ấy. Tàu Thường Nga 7 có nhiệm vụ khảo sát và tìm bằng chứng của nước cùng các tài nguyên khác ở vùng cực Nam của mặt trăng với các công cụ mang theo là 2 xe tự hành, trong đó có chiếc Rashid 2 của Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất, thiết bị thăm dò nhảy cóc vượt địa hình. Các chi tiết về chuyến bay Thường Nga 8 chưa được công bố chi tiết, nhưng theo thông tin nắm được thì đây là chuyến bay chuẩn bị cho phi hành đoàn lên mặt trăng.

Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình xem mẫu đất, đá từ mặt trăng do tàu Thường Nga 5 đem về

Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình xem mẫu đất, đá từ mặt trăng do tàu Thường Nga 5 đem về

Hiện tại, để phục vụ cho chuyến bay đưa phi hành đoàn lên mặt trăng, TQ đang đẩy mạnh nghiên cứu chế tạo các tên lửa hạng nặng và tên lửa tái sử dụng. Tháng 4-2022, Long Nhạc Hào - Tổng công trình sư thiết kế tên lửa Trường Chinh - tiết lộ Trường Chinh 9 có thể là tên lửa 3 giai đoạn, hoàn toàn tái sử dụng, cao 111m, nặng 4.122 tấn, có khả năng đưa tàu vũ trụ nặng 150 tấn lên quỹ đạo thấp của trái đất (tức ở độ cao 2.000km cách mặt đất) và đưa được tàu vũ trụ 50 tấn tới mặt trăng. Tên lửa dự kiến sẵn sàng cho chuyến bay thử nghiệm vào năm 2030. Các tàu vũ trụ cũng đang được thiết kế đủ chỗ cho 6 - 7 người sống và làm việc.

Theo ông Ngô Vĩ Nhân, dự kiến việc phóng các tàu vũ trụ Thường Hằng 6, 7 và 8 sẽ hoàn thành trước năm 2030. Hiện nay, công tác nghiên cứu, chế tạo đang được tiến hành thuận lợi.

Ngoài các chuyến bay có phi hành đoàn, TQ - Nga đã ký kết và đang cùng hợp tác nghiên cứu, chế tạo, xây dựng nghiên cứu quốc tế về mặt trăng. Trạm này có thể nằm trên bề mặt hoặc quỹ đạo quanh mặt trăng. Đây là tổ hợp thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học đa ngành và đa đối tượng, trong đó có việc thám hiểm, khai thác; quan sát vũ trụ từ mặt trăng, tiến hành các thực nghiệm khoa học cơ bản và kiểm nghiệm kỹ thuật cùng hoạt động tự động lâu dài.

NGA NGUYỄN

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/quoc-te/ky-cuoi-duong-len-cung-trang-doi-thu-di-sau-nhanh-va-manh_140661.html