Kỳ cuối: Gìn giữ cho muôn đời sau

Thả vòng hoa tri ân các anh hùng liệt sĩ tàu Không số. Ảnh: XUÂN HIẾU

Không chỉ làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, hàng hóa… chi viện cho chiến trường miền Nam, những con tàu Không số còn làm nhiệm vụ chở bộ đội vượt trùng khơi, có mặt kịp thời, giải phóng quần đảo Trường Sa trước khi nhiều nước lăm le đánh chiếm, giữ gìn tuyến phên giậu trên biển Đông của Tổ quốc.

Tranh thủ thời cơ Mỹ ngừng ném bom miền Bắc, tàu C41 được thay phiên hiệu là 641 tham gia chiến dịch vận tải VT5 (1968-1969) liên tục vận chuyển vũ khí trang bị kỹ thuật vào các cảng Sông Gianh, Nhật Lệ (Quảng Bình) để các lực lượng 559 tiếp tục vận chuyển đường bộ Trường Sơn. Nhận tàu mới nhưng vẫn mang phiên hiệu truyền thống là C41, tiếp tục vận chuyển chi viện cho chiến trường miền Nam vào Cà Mau 2 chuyến, vào Bến Tre 1 chuyến.

Bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa

Trong cuộc Tổng tấn công nổi dậy mùa Xuân 1975, tàu 641 cùng tàu 673 được giao nhiệm vụ chở bộ đội đặc công của Quân khu 5 và của Đoàn 126 Hải quân kịp thời có mặt, giải phóng đảo Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn trong quần đảo Trường Sa, bởi nếu chậm trễ sẽ bị lực lượng nước ngoài đánh chiếm. Chiến công đó có ý nghĩa chiến lược vô cùng to lớn đối với chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc, góp phần làm nên thắng lợi trọn vẹn của dân tộc.

Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam 1975, tàu 641 liên tục làm nhiệm vụ vận tải chi viện cho các đơn vị xây dựng quần đảo Trường Sa.

Dâng hương tưởng niệm các liệt sĩ tại Bến-Tàu Không số Vũng Rô. Ảnh: XUÂN HIẾU

Dâng hương tưởng niệm các liệt sĩ tại Bến-Tàu Không số Vũng Rô. Ảnh: XUÂN HIẾU

Tháng 10/1978, tàu 641 nhận lệnh tìm kiếm 7 cán bộ chiến sĩ ở đảo Phan Vinh trong khi làm nhiệm vụ đã bị sóng nước đánh trôi dạt ra biển xa. Sau 8 ngày đêm kiên trì “cày đi xới lại” trên một vùng biển rộng, trong điều kiện sóng to gió lớn, cuối cùng đã tìm và cứu được 7 đồng chí đưa về đơn vị an toàn.

Đầu năm 1988, tàu 641 với phiên hiệu mới là HQ671 làm nhiệm vụ trực bảo vệ đảo chìm Đá Lớn thuộc quần đảo Trường Sa. Trước sự bao vây khiêu khích của các tàu chiến Trung Quốc, tàu HQ671 đã lao thẳng vào sát mép đảo, sẵn sàng làm bia chủ quyền, góp phần cùng đơn vị giữ vững chủ quyền trên đảo Đá Lớn.

Sau “sự kiện 14/3” Trung Quốc bắn cháy và chìm 3 tàu vận tải của ta ở khu vực các đảo chìm Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao. Mặc dù bị tàu đối phương ngăn chặn uy hiếp, song cán bộ chiến sĩ tàu HQ671 vẫn kiên quyết, kiên trì dũng cảm không sợ hy sinh, kịp thời có mặt làm nhiệm vụ tìm kiếm cấp cứu các cán bộ chiến sĩ của ta bị nạn, đưa được 41 đồng chí và 3 liệt sĩ về khu vực an toàn.

Năm 2002, tàu HQ671 được biên chế về Hải đội 384 Cục Hậu cần Hải quân làm nhiệm vụ vận chuyển hàng hậu cần phục vụ các đơn vị trong quân chủng. Và trong dịp kỷ niệm 50 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961-23/10/2011), chiếc tàu mang số hiệu HQ671 được đưa về bảo tàng Hải quân làm hiện vật trưng bày về chiến công đường Hồ Chí Minh trên biển.

Mãi mãi tự hào, tri ân các anh hùng liệt sĩ

Cuộc hành trình của tàu 41-HQ671 suốt chiều dài 55 năm (1962-2017) qua bao lần thay đổi từ tàu gỗ sang tàu sắt; từ phiên hiệu ban đầu là 41, rồi 641 và cuối cùng là HQ671, cùng với một thế hệ cán bộ thủy thủ luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, quân đội giao trong vận chuyển vũ khí chi viện chiến trường miền Nam, trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo… được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý.

Tàu 41-HQ671 là tàu vận tải quân sự duy nhất được Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia. Ảnh: CTV

Tàu 41-HQ671 là tàu vận tải quân sự duy nhất được Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia. Ảnh: CTV

Nhân kỷ niệm 55 năm tàu 41 vào bến Vũng Rô - Phú Yên (28/11/1964-28/11/2019), cán bộ thủy thủ các thế hệ tàu 41-HQ671 tràn đầy niềm phấn khởi tự hào vì đã có những năm tháng sống, chiến đấu trên con tàu huyền thoại, lập được nhiều chiến công xuất sắc. Chiếc tàu sắt vượt bao sóng gió trên đường Hồ Chí Minh trên biển ngày nào nay là Bảo vật quốc gia, được gìn giữ cho muôn đời sau.

Với tấm lòng biết ơn sâu sắc mà Đảng, quân đội, Quân chủng Hải quân đã giáo dục, rèn luyện tin tưởng giao nhiệm vụ; lòng biết ơn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các bến bãi đã cưu mang đùm bọc giúp đỡ khi tàu vào bến giao hàng; lòng biết ơn các đơn vị đã sát cánh hiệp đồng trong xây dựng, đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc; và trên hết là lòng tri ân các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu hy sinh để cán bộ thủy thủ các thế hệ tàu 41-HQ671 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên giao, luôn xứng đáng với truyền thống đơn vị 2 lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân và tàu vận tải quân sự duy nhất được Chính phủ công nhận Bảo vật quốc gia.

Với những chiến công đặc biệt xuất sắc của các thế hệ tàu 41, C41, 641 (nay là HQ671) làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí chi viện chiến trường miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước; vận chuyển chi viện xây dựng và đấu tranh bảo vệ chủ quyền các quần đảo của Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, tàu đã 2 lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân.

Ngoài ra, tàu 41 còn được Đảng, Nhà nước trao tặng 4 Huân chương Quân công, 8 Huân chương Chiến công các loại; 8 cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Đó là thuyền trưởng Lê Văn Một, thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh, chính trị viên Bong Văn Dĩa, chính trị viên Đặng Văn Thanh, thuyền phó Dương Văn Lộc, máy trưởng Huỳnh Văn Sao, máy trưởng Phan Nhạn và thủy thủ Nguyễn Sơn.

Ngày 25/12/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 2089/QĐ-TTg công nhận tàu vận tải quân sự HQ671 là Bảo vật quốc gia.

Anh hùng LLVT HỒ ĐẮC THẠNH

(Nguyên Thuyền trưởng Tàu 41)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/349/231789/ky-cuoi--gin-giu-cho-muon-doi-sau.html