Kỳ cuối: Gỡ vướng mắc, khó khăn trong cơ chế, đầu tư
Để công tác quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy, người bị quản lý sau cai nghiện đạt hiệu quả cao, hạn chế thấp nhất phát sinh người nghiện mới, giảm tỷ lệ tái nghiện, cần thực hiện tốt các giải pháp liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của các ngành, đảm bảo tính thống nhất, hiệu quả, xuyên suốt từ Trung ương tới cơ sở. Thực tế như chúng tôi đã nêu ở bài trước, những địa phương đầu tư xứng đáng vào công tác cai nghiện đã mang lại kết quả cao, góp phần chuyển hóa mạnh mẽ địa bàn, phòng, chống hiệu quả tội phạm ma túy.
Tăng cường phối hợp, thống nhất trong hành động
Tại Hội nghị triển khai công tác phòng, chống ma túy năm 2023 của UBQG phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Chủ tịch UBQG phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm đánh giá: Năm 2022, với sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, nhất là vai trò nòng cốt của lực lượng Công an, công tác phòng, chống ma túy đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Mặc dù vậy, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra một số khó khăn, hạn chế như: Số người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy còn ở mức cao; cơ sở vật chất các cơ sở cai nghiện xuống cấp, quá tải; công tác xác định tình trạng nghiện ma túy chưa đáp ứng được yêu cầu; một số bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm đầy đủ, đúng mức đến công tác phòng, chống ma túy; kinh phí bố trí cho công tác này còn hạn chế... Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu các bộ, ngành, địa phương vào cuộc quyết liệt hơn nữa, bám sát cơ sở để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tập trung triển khai hiệu quả công tác phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm và đầu tư các cơ sở cai nghiện.
Một trong những nhiệm vụ được Phó Thủ tướng lưu ý thành viên Ban chỉ đạo cần tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống ma túy ở các bộ, ngành, địa phương, nhất là các địa bàn khó khăn, phức tạp về tội phạm và tệ nạn ma túy. Khẩn trương kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm các cấp, kịp thời tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền các giải pháp trọng tâm trong công tác phòng, chống ma túy phù hợp với tình hình thực tiễn từng địa phương, đơn vị
Trong khi Bộ Công an tăng cường đấu tranh phòng, chống hiệu quả tội phạm ma túy, các bộ, ngành, địa phương như Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cần rà soát, đánh giá nhu cầu, sự phù hợp với quy hoạch, bảo đảm tính khả thi thực hiện dự án khi có nguồn vốn và lập danh sách các cơ sở cai nghiện cần sửa chữa, nâng cấp, xây mới. Theo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, cần ưu tiên đối với các địa phương chưa có cơ sở cai nghiện ma túy công lập và các địa phương có số lượng người nghiện ma túy nhiều, cơ sở cai nghiện ma túy xuống cấp, quá tải.
Đối với Bộ Y tế, Chính phủ yêu cầu cần triển khai xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định quy định chi tiết Luật phòng, chống HIV/AIDS theo Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2023 bảo đảm tiến độ, đồng bộ với Luật Phòng, chống ma túy năm 2021. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tổ chức triển khai hiệu quả Nghị định số 109/2021/NĐ-CP quy định cơ sở y tế đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy và hồ sơ, trình tự thủ tục xác định tình trạng nghiện ma túy; rà soát, đánh giá và đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình thực tiễn.
Chỉ đạo các Sở Y tế có phương án bảo đảm cơ sở vật chất, nhân lực hệ thống cơ sở y tế đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy. Phối hợp với Bộ Công an xác định các loại ma túy, tiền chất mới được sử dụng hợp pháp trong lĩnh vực y tế cần quản lý theo quy định của Luật phòng, chống ma túy để phòng ngừa việc lợi dụng sản xuất, buôn bán ma túy.
Dành nguồn lực xứng đáng cho công tác cai nghiện
Báo cáo về công tác phòng, chống ma túy, tại cuộc họp với Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang mới đây, đại diện lãnh đạo tỉnh Hòa Bình thẳng thắn: Do nằm trên tuyến trọng điểm về ma túy vùng Tây Bắc, và trên địa bàn có 2 xã Hang Kia, Pà Cò, giáp ranh với xã Loóng Luông, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, gần biên giới Việt – Lào, Hòa Bình đã trở thành địa bàn tội phạm ma túy lợi dụng để hoạt động trung chuyển ma túy. Thống kê, đến cuối năm 2022, trên địa bàn toàn tỉnh có 2019 người nghiện ma túy, sử dụng trái phép chất ma túy. Mặc dù số người nghiện ngoài xã hội đang quản lý giảm so với năm 2021, nhưng vẫn chiếm tỷ lệ cao trong tổng số người nghiện ma túy toàn tỉnh, tiềm ẩn nguy cơ cao phát sinh tội phạm, phức tạp về ANTT.
Đại diện lãnh đạo tỉnh Hòa Bình cũng nhìn nhận, công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng gặp nhiều khó khăn. Đa số người nghiện và gia đình người nghiện không tự giác khai báo, không tự nguyện đăng ký các hình thức cai nghiện. Sau khi cắt cơn, việc quản lý của gia đình còn hạn chế, sơ hở, chưa chặt chẽ nên người nghiện dễ tái nghiện. Việc dạy nghề cho người nghiện trong quá trình họ cai ở các cơ sở còn hạn chế, cộng với cơ sở cai diện tích còn hẹp, chưa đa dạng, càng khiến cho công tác này gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, nguồn kinh phí hỗ trợ người nghiện sau cai học nghề, tìm việc làm, phát triển kinh tế còn hạn chế.
Đồng tình với quan điểm trên, bên cạnh những thành tích đã đạt được trong công tác phòng, chống ma túy, nhất là ở những xã, bản giáp biên, đại diện lãnh đạo tỉnh Nghệ An cũng kiến nghị sớm triển khai phần mềm quản lý người nghiện trên toàn quốc; đồng thời đề xuất Chính phủ sớm bố trí nguồn lực hợp lý cho công tác quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy. Cùng với đó, Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế ưu tiên bố trí nguồn lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị…, cung cấp cho các cơ sở y tế đủ điều kiện để xác định tình trạng nghiện nhằm đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn phục vụ công tác.
Đánh giá trước những ý kiến trên, bà Đàm Thị Minh Thu, Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẳng định: Việc đầu tư cho công tác cai nghiện là vô cùng cấp thiết. Cùng với Chính phủ, nhiệm vụ này các địa phương giữ vai trò chủ đạo, then chốt. Vừa qua Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã có kết luận chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các bộ, cơ quan Trung ương chủ động rà soát, điều chuyển và bố trí nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và các nguồn vốn hợp pháp khác được giao quản lý, để thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư các dự án liên quan đến cai nghiện ma túy.
Được biết, hiện Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã chỉ đạo Bộ Tài chính khẩn trương rà soát, ban hành văn bản hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021. Nghiên cứu cân đối ngân sách để hỗ trợ địa phương thực hiện công tác phòng, chống ma túy.
Theo đại diện Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy, Bộ Công an, UBND các cấp cần khẩn trương rà soát cơ sở vật chất, nhân lực hệ thống cơ sở y tế, công bố danh sách các cơ sở y tế đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy, đặc biệt là trạm y tế cấp xã. Hiện nay vẫn còn 3 địa phương gồm: Đắk Nông, Kon Tum, Hậu Giang chưa có cơ sở cai nghiện ma túy. Để giải quyết tình trạng này, Bộ Công an đề nghị trước mắt tận dụng cơ sở vật chất sẵn có để cải tạo, nâng cấp thành cơ sở cai nghiện ma túy; đồng thời sớm có kế hoạch xây dựng cơ sở cai nghiện ma túy đáp ứng yêu cầu, quy định của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 để phục vụ công tác cai nghiện ma túy của địa phương.
Cùng với đó, UBND các cấp cần tập trung chỉ đạo công tác thống kê, quản lý người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy và người sau cai nghiện ma túy trên địa bàn; bố trí nguồn lực, ngân sách theo quy định của pháp luật để tổ chức triển khai có hiệu quả công tác này. Ưu tiên bố trí kinh phí sửa chữa, nâng cấp hoặc xây mới cơ sở cai nghiện ma túy công lập, đảm bảo điều kiện theo quy định và đáp ứng nhu cầu của địa phương.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doi-song/ky-cuoi-go-vuong-mac-kho-khan-trong-co-che-dau-tu-i693863/