Kỳ cuối: Khó khăn khi xác minh điều kiện đương nhiên được xóa án tích

Quản lý LLTP có ý nghĩa ngày càng quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu của cá nhân chứng minh người đó có hay không có án tích, tạo điều kiện cho người bị kết án trong việc xóa án tích, tái hòa nhập cộng đồng, đồng thời góp phần phục vụ công tác quản lý nhân sự của các cơ quan, tổ chức, phục vụ hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, thống kê tư pháp…

Thực tế công tác cấp Phiếu LLTP với những đối tượng này vẫn là vấn đề khó đối với cán bộ làm công tác cấp Phiếu LLTP.

Theo quy định tại khoản 4 Điều 70 Bộ luật Hình sự năm 2015 của quy định: “Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu (CSDL) LLTP có trách nhiệm cập nhật thông tin về tình hình án tích của người bị kết án và khi có yêu cầu thì cấp phiếu LLTP xác nhận không có án tích, nếu có đủ điều kiện…”.

Để đảm bảo quyền của người được xóa án tích, Luật LLTP quy định cơ quan quản lý CSDL LLTP bao gồm Trung tâm LLTP quốc gia và Sở Tư pháp có nhiệm vụ cập nhật thông tin lý LLTP về án tích, khi nhận được Giấy chứng nhận xóa án tích của tòa án hoặc khi xác định một người có đủ điều kiện đương nhiên được xóa án tích.

Mặc dù Luật LLTP có hiệu lực thi hành 10 năm, tuy nhiên CSDL LLTP vẫn chưa có đầy đủ thông tin, dữ liệu về án tích, các thông tin để xác định người bị kết án có đủ điều kiện đương nhiên được xóa án tích (điều kiện chấp hành xong hình phạt chính, các hình phạt bổ sung, án phí, bồi thường thiệt hại, trách nhiệm dân sự…).

Việc xác minh theo Luật LLTP quy định: “Trong trường hợp cần thiết”, chủ yếu để xác định “có hay không có hành vi phạm tội mới”. Trong khi thông tin dữ liệu của người bị kết án của Cơ quan quản lý CSDL chưa đầy đủ, là cơ sở để xác định người bị kết án có đủ điều kiện đương nhiên được xóa án tích hay không.

Do vậy, việc phối hợp cung cấp thông tin của các cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan là rất quan trọng và cần thiết, làm cơ sở cho việc xem xét, xác định về điều kiện đương nhiên được xóa án tích và cấp Phiếu LLTP xác nhận không có án tích theo quy định tại khoản 4 Điều 70 Bộ Luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Người dân yêu cầu cấp Phiếu LLTP hoàn thiện hồ sơ tại Sở Tư pháp Hà Nội. Ảnh: L.A

Người dân yêu cầu cấp Phiếu LLTP hoàn thiện hồ sơ tại Sở Tư pháp Hà Nội. Ảnh: L.A

Trước ngày 1-1-2018, thẩm quyền xóa án tích thuộc cơ quan tòa án, Sở Tư pháp chỉ xem xét xác minh cấp Phiếu LLTP khi công dân đã được cấp Giấy chứng nhận đã được xóa án tích của tòa án hoặc đủ các thông tin về điều kiện xóa án tích.

Từ khi Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 có hiệu lực, việc xóa án tích được Cơ quan quản lý dữ liệu (Sở Tư pháp) thực hiện gặp không ít khó khăn khi thực hiện xác minh điều kiện đương nhiên được xóa án tích.

Cụ thể, Sở Tư pháp không có đủ thông tin về bản án hình sự (trong nhiều trường hợp Trung tâm LLTP quốc gia chỉ trả lời về việc người yêu cầu bị bắt, bị lập danh chỉ bản, chưa có kết quả xử lý cuối cùng) hoặc không có đủ thông tin về quá trình thi hành các quyết định của tòa án trong bản án (như người bị kết án đã chấp hành xong hình phạt chính, nơi chấp hành hình phạt chính, hình phạt bổ sung, án phí, trách nhiệm dân sự cũng như thông tin về người bị kết án có phạm tội mới trong thời gian có án tích...).

Đối với những trường hợp kết quả tra cứu của Trung tâm LLTP quốc gia là có án tích, đề nghị Sở Tư pháp tiếp tục xác minh điều kiện đương nhiên được xóa án tích; nếu người bị kết án đã đủ thời gian để đương nhiên được xóa án tích nhưng tại CSDL chưa có tài liệu hoặc tài liệu không đầy đủ, Sở Tư pháp phải đề nghị tòa án đã xét xử cung cấp bản án và các cơ quan có liên quan cung cấp thông tin về quá trình thi hành án.

Nhiều trường hợp, bản án đã được tòa án tuyên đã lâu, người bị kết án cũng như các cơ quan có liên quan không còn lưu giữ được các giấy tờ, tài liệu liên quan đến việc thi hành bản án; việc ủy thác thi hành án, hoặc trong trường hợp chia tách địa giới hành chính dẫn đến khó khăn trong việc xác định tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án hoặc người bị kết án không biết ngày trước họ thi hành án tại trại giam nào hoặc trong trường hợp một người có nhiều án tích hoặc cư trú ở nhiều địa phương khác nhau...

Đối với các trường hợp này, việc xác minh của Sở Tư pháp gặp rất nhiều khó khăn. Có những trường hợp, Sở Tư pháp đã phải xác minh đến 7-8 cơ quan, có trường hợp phải xác minh gần 12 tháng nhưng vẫn chưa đủ căn cứ xác định rõ tình trạng án tích để cấp Phiếu LLTP. Vì vậy, hầu hết các trường hợp phải xác minh điều kiện đương nhiên được xóa án tích, thời hạn cấp phiếu thường không bảo đảm.

Công tác xác minh điều kiện đương nhiên được xóa án tích đòi hỏi nhiều thời gian, công sức, sự phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm của các cơ quan có liên quan cũng như đòi hỏi cán bộ làm công tác này phải có trình độ nghiệp vụ chuyên sâu về pháp luật hình sự và pháp luật về LLTP. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ làm công tác LLTP tại Sở Tư pháp còn thiếu về số lượng (do bổ sung nhiệm vụ) nên cũng gặp khó khăn trong công tác này.

Đứng trước những khó khăn nhất định trong công tác cấp Phiếu LLTP đối với hồ sơ có án tích đòi hỏi sự nỗ lực nhiều hơn nữa trong công tác phối hợp giữa các đơn vị. Về cơ bản, những người từng có án tích đến Sở Tư pháp Hà Nội làm hồ sơ xin cấp Phiếu LLTP đều ý thức được về khả năng Phiếu LLTP của mình sẽ chậm, muộn do được giải thích sẽ mất nhiều thời gian xác minh hơn.

Để tránh đi lại nhiều lần, trước khi đến lấy phiếu, họ đều gọi điện thoại qua đường dây nóng của Bộ phận trả kết quả hồ sơ LLTP; được cán bộ tra cứu tình trạng hồ sơ và giải đáp thỏa đáng mọi thắc mắc (nếu có) nên công dân đều hiểu và đợi kết quả Phiếu LLTP của mình.

Linh Anh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/ky-cuoi-kho-khan-khi-xac-minh-dieu-kien-duong-nhien-duoc-xoa-an-tich-212428.html