Kỳ cuối: Những vật dụng của nạn nhân thu được là chứng cứ trói tội hung thủ
Sàng lọc gần 200 thanh niên trong độ tuổi từ 18 đến 30 đã có gia đình và đi làm ăn xa, các trinh sát thấy nổi lên đối tượng Trần Văn Sơn, SN 1992, trú tại Bình Lục (Hà Nam). Tuy nhiên, khi đưa Sơn vào danh sách nghi vấn, mọi người đều rất cân nhắc bởi anh ta được sinh ra trong một gia đình cơ bản, bố mẹ đều là đảng viên, sống mẫu mực. Thậm chí bố Sơn còn là một trưởng thôn được mọi người quí mến.
Cuộc điện thoại ngắn ngủi
Nhận định đối tượng phải là người Bình Lục mới thông thạo địa bàn và biết có nơi công trình tập kết cát để thi công mà dụ nạn nhân tới đây. Việc điều tra những thanh niên ở Bình Lục, trong độ tuổi từ 18 đến 30 được tiến hành. “Bình Lục có gần 200 thanh niên trong độ tuổi trên đi làm ăn xa, nhiệm vụ của chúng tôi là sàng lọc những thanh niên này xem người nào có nghi vấn”, một điều tra viên tham gia vụ án kể.
Tập trung điều tra về những thanh niên trong độ tuổi đã có gia đình và đi làm ăn xa, Ban chuyên án chỉ đạo các trinh sát xác minh về những thanh niên có thời gian làm việc ở Hải Thịnh hoặc Nam Định. Điều này cũng rất khó khăn vì Bình Lục giáp với tỉnh Nam Định nên đa số thanh niên sau khi học xong thường tìm đến những vùng lân cận để tìm việc làm. Qua việc sàng lọc, các trinh sát thấy nổi lên đối tượng Trần Văn Sơn. Sơn từng học CĐ thủy lợi sau đó không xin được việc nên sau này làm việc cho một Cty bảo vệ.
Thời điểm vụ án xảy ra, Sơn đã bị đuổi việc và vào Thanh Hóa thăm vợ con. Tuy nhiên, theo điều tra viên này thì lúc đầu mọi người cũng rất cân nhắc khi đưa Sơn vào danh sách nghi vấn bởi anh ta được sinh ra trong một gia đình cơ bản, bố mẹ đều là đảng viên, sống mẫu mực. Nhưng khi biết trong thời gian đi lao động tự do, Sơn từng có thời gian đi làm ở Hải Thịnh và các cuộc điện thoại gần đây có liên lạc với chị Hợp, đặc biệt là cuộc gọi đúng hôm cô gái này đi Hà Nội. Nhận định Sơn có liên quan đến cái chết của chị Hợp, Ban chuyên án quyết định triệu tập thanh niên này lên làm việc. Giữa lúc đó thì Sơn biến mất. “Chúng tôi tìm Sơn nhưng anh ta chỉ về nhà chốc lát rồi lại đi ngay. Có lần về, anh ta mặc quần áo mới, che mặt kín mít nên không ai nhận ra. Để bắt được anh ta, chúng tôi đã phải tạo ra một vụ va quệt nhỏ”, một trinh sát tham gia vụ án nhớ lại.
Nhận định khả năng Sơn đã đánh hơi được điều gì đó nên vừa về nhà đã quay xe đi ngay, các trinh sát liền bám theo. Lúc này Ban chuyên án cũng đã nhận được thông tin nên đưa ra phương án sử dụng biện pháp liên hoàn. Tại một chốt giao thông trên đường từ xã An Nội ra TP Phủ Lý, một chiếc xe máy bỗng dưng lao vào người thanh niên đi xe máy phía trước khiến cả hai cùng ngã lăn ra đường. Lực lượng CSGT nhanh chóng có mặt lập biên bản. Người bị xô xe không ai khác chính là Trần Văn Sơn.
Tội lỗi không thể dung thứ
“Khi đưa về CQĐT, Sơn một mực không khai báo. Anh ta bảo không có mối quan hệ gì với Hợp. Khi chúng tôi đưa bằng chứng là anh ta có gọi điện, nhắn tin cho chị Hợp, Sơn thừa nhận nhưng vẫn không nhận đã giết chị này”, Thiếu tá Trần Quang Minh, người tham gia phá án kể.
Các điều tra viên đã đưa ra dẫn chứng về việc chị Hợp mất tích gần nhà Sơn, có người nhìn thấy anh ta đèo chị Hợp đi chơi song Sơn vẫn chối đây đẩy. Biết anh ta cố tình ngoan cố, che giấu tội lỗi đến cùng, Ban chuyên án quyết định thực hiện lệnh khám xét khẩn cấp nơi ở của Sơn. Tại gia đình Sơn, lực lượng chức năng thu được một số tài sản như điện thoại, máy nghe nhạc và một sợi dây chuyền mà theo nhận dạng của gia đình và cô bạn thân của chị Hợp thì những thứ đó là tài sản chị Hợp đã mang theo hôm 4-8. Đến lúc nhìn thấy những tang vật này, Trần Văn Sơn mới chịu nói ra sự thật.
Theo lời Sơn thì trong một lần tham dự cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm Cty tổ chức tại bãi biển Hải Thịnh, Sơn có đi hát karaoke với đồng nghiệp và quen chị Hợp. Sau khi cho nhau số điện thoại, kể từ đó Sơn và chị Hợp thường nhắn tin, gọi điện thoại cho nhau. Ngày 3-8-2012, chị Hợp nhận được điện thoại của gia đình thông báo việc em trai xuống Hà Nội học, bảo Hợp thuê chỗ trọ cho em. Tối đó, Hợp đã thông báo việc đi Hà Nội cho Sơn biết và được anh ta nài nỉ ghé qua chỗ mình chơi. Chị Hợp nhận lời nên hôm sau khi lên chuyến xe khách từ Thịnh Long về Hà Nội, đến ga cầu Họ, thuộc địa phận huyện Bình Lục (Hà Nam), cô gái này đã xuống xe, chờ Sơn.
Họ đưa nhau vào nhà nghỉ An Sinh, thuê phòng “tâm sự”. Thấy chị̣ Hợp ngoài số tiền hơn 5 triệu đồng cầm đi để đóng tiền nhà trọ cho em còn mang theo nhiều nhẫn, dây chuyền vàng cùng nhiều tài sản có giá trị khác trong túi xách như điện thoại, máy nghe nhạc, Sơn nảy sinh ý định giết người cướp tài sản. Anh ta quay về nhà chuẩn bị túi xách, cho con dao vào trong rồi phóng đến nơi bạn gái đang nghỉ. Đi qua thôn Câu Thượng, xã An Nội, thấy đoạn đường đang trong giai đoạn thi công có một đống cát lớn, Sơn quyết định sẽ dụ cô gái tới đây để gây án sau đó vùi xác vào đống cát, phi tang. Sơn đã làm đúng như kế hoạch đã định, có điều trong lúc vội vã, anh ta không kịp tháo chiếc nhẫn trên tay cô gái và cũng không kịp lấy nốt gói tiền 5 triệu đồng chị Hợp cầm theo người. Giật sợi dây chuyền trên cổ nạn nhân, Sơn vùi xác cô gái vào đống cát rồi quay lại nhà nghỉ thanh toán tiền phòng, lấy đồ đạc của Hợp để ở đó, mang về nhà cất giấu.
“Khai với chúng tôi, anh ta nói rằng vì chị Hợp nói bị AIDS nên Sơn nghĩ rằng chị này cố tình đổ bệnh cho mình nên ra tay sát hại. Nạn nhân thì đã chết rồi, không thể biết được điều anh ta nói đúng hay sai nhưng dù có lấy lý do đó để biện minh cho hành động giết người của mình thì cũng không thể chấp nhận được”, Thiếu tá Minh nhận xét.
Ngày Sơn bị bắt, không chỉ người dân thôn Cửa bàng hoàng mà ngay cả bố mẹ và vợ anh ta cũng cay đắng bởi không ngờ kẻ thủ ác lại sống ngay trong nhà mình. Sau hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, mức án tử hình dành cho Trần Văn Sơn vẫn không thay đổi. Đó là cái giá mà anh ta phải trả. Tuy nhiên, đối với những người lính hình sự CA tỉnh Hà Nam, dù hồ sơ vụ án đã khép lại song mỗi khi nhắc tới, ai cũng cảm thấy day dứt vì tiếc cho một thanh niên được ăn học đàng hoàng, chỉ vì một phút để lòng tham điều khiển mà trở thành ác quỷ.