Kỳ cuối: Nỗ lực hướng tới giao thông 'xanh'
Theo ước tính, mỗi ngày thành phố Hà Nội tiêu thụ hàng triệu lít xăng dầu và đây chính là nguồn phát thải gây ô nhiễm không khí và phát thải khí nhà kính. Để tìm lời giải ô nhiễm không khí từ phương tiện giao thông, Hà Nội đã và đang hướng tới mục tiêu đưa xe buýt điện vào sử dụng trong giai đoạn 2021-2025. Đây là một trong nhiều động thái của Hà Nội thể hiện sự nỗ lực nhằm hướng tới giao thông 'xanh', giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Bắt đầu từ đâu?
Như Lao động Thủ đô đề cập đến trong các loạt bài trước về những nguy cơ và “viễn cảnh tối” nếu không sớm có giải pháp giảm ô nhiễm không khí từ phương tiện giao thông, quanh vấn đề này cần khẳng định, để cải thiện chất lượng không khí cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, căn cơ vẫn là giải quyết nguồn thải. Nói cách khác, trong khi nhu cầu sử dụng phương tiện giao thông cá nhân, nhất là xe máy của người dân còn rất cao thì việc dừng hoạt động đối với xe máy là vấn đề không hề dễ dàng, nhất là khi giao thông công cộng phát triển chậm, hạ tầng yếu kém.
Tuy nhiên, dù là vấn đề khó song công tác hoạch định và triển khai vẫn cần sớm được áp dụng vào trong thực tế. Nhiều chuyên gia giao thông cho biết, theo kinh nghiệm của một số nước trên thế giới, một thành phố chỉ có thể có giao thông đô thị văn minh, lành mạnh và hiện đại khi khoảng 60% người dân của thành phố đó sử dụng các phương tiện vận tải công cộng. Vì vậy, sự phát triển giao thông đô thị của các thành phố nhất định phải lấy vận tải công cộng làm khu trung tâm.
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, TS Nguyễn Thị Yến Liên – Khoa Môi trường và An toàn giao thông (Trường Đại học Giao thông Vận tải) đề xuất, cần kiểm soát chặt chẽ phát thải từ hoạt động của các phương tiện vận tải để cải thiện chất lượng không khí, qua đó cải thiện sức khỏe của con người. Hạn chế các phương tiện cá nhân, khuyến khích sử dụng vận tải hành khách công cộng là một trong những giải pháp có thể áp dụng để giảm lượng phát thải. Hiệu quả về mặt môi trường của giải pháp này là rõ rệt. Tuy nhiên, để có thể áp dụng vào thực tiễn, các nhà quản lý nên xây dựng một chiến lược đồng bộ để có thể phát triển bền vững hệ thống giao thông vận tải.
Được biết, để khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng trầm trọng, giải pháp phát triển phương tiện công cộng nhằm hạn chế xe cá nhân được thành phố đặc biệt chú trọng. Theo kế hoạch, trong năm 2019, Hà Nội sẽ hoàn thành việc mở mới khoảng 20 tuyến, sang năm 2020 tiếp tục mở mới từ 20 - 25 tuyến. Các tuyến buýt được mở mới sẽ có nhiệm vụ mở rộng mạng lưới tuyến tới các khu vực ngoại thành, khu đô thị mới, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí, điểm du lịch.
Bên cạnh việc mở rộng mạng lưới xe buýt, Hà Nội cũng đặc biệt chú trọng đến đổi mới, nâng cao chất lượng phương tiện theo hướng sử dụng những phương tiện sạch, thân thiện môi trường. Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Công Nhật, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty vận tải Hà Nội cho biết: Tính đến hết tháng 6/2019, số phương tiện toàn mạng là 1.928 xe, trong đó buýt trợ giá là 1.609 xe (với 50 xe sử dụng năng lượng sạch khí CNG và 282 xe đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 4 trở lên). Số xe hoạt động trên 10 năm chỉ còn 204 xe (chiếm 12,6%), giảm 02% so với năm 2018.
Đáng chú ý, mới đây Ủy ban Nhân dân thành phố yêu cầu Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tập trung phát triển mạng lưới xe buýt ngang, tăng cường khảo sát để mở rộng thị trường, khuyến khích người dân sử dụng xe buýt; phấn đấu đến năm 2021- 2025 sẽ đưa xe buýt điện vào hoạt động. Động thái này cho thấy góc nhìn mang tầm chiến lược trong định hướng phát triển vận tải của thành phố Hà Nội. Cụ thể, trong bối cảnh tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng đáng báo động, việc lựa chọn phát triển công nghệ xanh trong sản xuất xe ôtô, xe gắn máy là giải pháp rất quan trọng để hạn chế sự tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch, giảm lượng phát thải, trong đó phát triển xe điện là hướng đi được nhiều quốc gia quan tâm, ưu tiên bởi cho phép tiết kiệm hơn, không phát thải khí ô nhiễm như xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch, giảm bớt tiếng ồn.
Huy động sáng kiến xanh từ cộng đồng
Theo tìm hiểu, tại Khoản 1 Điều 4 Luật Bảo vệ môi trường 2014 quy định rõ: “Bảo vệ môi trường là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân”, nói cách khác, từ quy phạm pháp luật đến thực tế đều cho thấy một điểm chung rằng, để thực hiện mục tiêu Không khí sạch, thành phố xanh, bên cạnh những giải pháp từ các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương, cũng cần sự vào cuộc của các cộng đồng dân cư, doanh nghiệp và toàn xã hội với những sáng kiến, giải pháp xanh thực hiện tại mỗi gia đình, mỗi cơ quan, xí nghiệp.
Về phía bản thân mỗi người tham gia giao thông cũng cần có sự thay đổi ở thói quen và nhận thức trong việc lựa chọn phương tiện đảm bảo các tiêu chuẩn về khí phát thải, thường xuyên bảo dưỡng, bảo hành phương tiện định kỳ theo hướng dẫn của nhà sản xuất và không nên lưu hành các phương tiện cũ nát. Có như vậy mới có thể đảm bảo môi trường đô thị xanh sạch, thân thiện đối với môi trường.
Và việc chuyển đổi từ phương tiện chạy xăng sang phương tiện chạy điện để bảo vệ môi trường là một xu hướng tất yếu. Đáng chú ý, hiện tốc độ tăng trưởng của loại phương tiện này đang rất nhanh, dự báo đến năm 2050, xe điện sẽ chiếm 80% tổng phương tiện trên thế giới. Tuy nhiên, những loại phương tiện giao thông sử dụng điện ở Việt Nam vẫn còn mới, những quy định, chế tài để quản lý và mặt kỹ thuật cũng như vận hành còn chưa đầy đủ. Để đón đầu xu hướng này, các cơ quan chức năng cần khẩn trương nghiên cứu, đưa ra quy định quản lý loại hình này một cách chặt chẽ, đồng thời giúp cho xe điện thân thiện với môi trường phát triển bền vững trong tương lai.
Thực tế loại hình “xanh” này đã và đang được Hà Nội phát triển và ứng dụng trong ngành vận tải du lịch. Trao đổi với ông Vũ Hà Thanh – Phó Tổng Giám đốc công ty cổ phần Đồng Xuân, một trong những đơn vị tiên phong thí điểm sử dụng phương tiện giao thông sạch là xe ôtô điện thì được biết, loại hình vận tải này đang được công ty triển khai hiệu quả, phục vụ khách du lịch thăm quan khu vực phố cổ và xung quanh hồ Hoàn Kiếm. Theo đó, năm 2009, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm, Công ty cổ phần Đồng Xuân triển khai nghiên cứu xây dựng Đề án thí điểm sử dụng phương tiện giao thông sạch (xe ôtô điện) phục vụ khách du lịch thăm quan khu vực phố cổ và xung quanh hồ Hoàn Kiếm.
Sau khi hoàn thiện Đề án, Công ty đã tiến hành báo cáo Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm và đề nghị quận tổ chức xin ý kiến của các Sở ngành Thành phố, trước khi trình Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét. Cho đến nay, sau khi được chấp thuận đưa vào thực tế, dự án Giao thông sạch, với những nét mới có tính đột phá đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của đông đảo nhân dân và khách du lịch, tạo thêm một loại hình du lịch mang mầu sắc riêng của Thủ đô Hà Nội, của quận Hoàn Kiếm, góp phần bảo tồn, tôn vinh và quảng bá rất hiệu quả về giá trị văn hóa khu phố cổ Hà Nội.
Trong khi các cơ quan chức năng đang nỗ lực thực hiện các giải pháp cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông, thắt chặt các quy định và công tác kiểm soát khí thải phương tiện, thì hơn lúc nào hết, quy hoạch phát triển giao thông vận tải cho một đô thị phải đi trước, càng sớm càng tốt, mang tính chủ đạo của toàn bộ quy hoạch một thành phố, một đô thị. Bởi quy hoạch tổng thể về phát triển giao thông đô thị chính là nội dung có tính chất quyết định cho việc định hướng phát triển không gian; bố trí, sắp xếp toàn bộ cảnh quan và quy mô cấu trúc của thành phố.
Về phía bản thân mỗi người tham gia giao thông cũng cần có sự thay đổi ở thói quen và nhận thức trong việc lựa chọn phương tiện đảm bảo các tiêu chuẩn về khí phát thải, thường xuyên bảo dưỡng, bảo hành phương tiện định kỳ theo hướng dẫn của nhà sản xuất và không nên lưu hành các phương tiện cũ nát. Có như vậy mới có thể đảm bảo môi trường đô thị xanh sạch, thân thiện đối với môi trường.
Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ky-cuoi-no-luc-huong-toi-giao-thong-xanh-99286.html