Kỳ cuối: Nuôi thú cưng - đừng để ảnh hưởng, đe dọa người khác
Không những ảnh hưởng dẫn đến chủ chó tấn công, gây thương tích cho người khác như vụ việc ở chung cư Q7, TPHCM, ảnh hưởng tâm lý nặng nề cho con trẻ vì chứng kiến cảnh tượng đánh người, mà nạn nhân chính là cha đứa trẻ ngay trước mặt mình. Đúng là thú cưng, nhưng cũng đừng vì thế mà gây ám ảnh cho người khác, thậm chí khi để chó tấn công gây thương tích, lại 'đổ lỗi' cho... 'thú cưng'(!?).
Xử lý nghiêm
UBND TPHCM vừa có công văn giao UBND Q7 chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan khẩn trương xác minh, xử lý nghiêm vụ việc người cha bảo vệ con trai ở trong chung cư bị chủ chó đánh. Đây chính là vụ việc liên quan đến hành vi chủ chó đánh người ở chung cư tại Q7.
Ngày 07-02, Văn phòng UBND TPHCM đã có văn bản chỉ đạo làm rõ vụ việc. Công văn do Phó chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức ký giao UBND Q7 chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan khẩn trương xác minh, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với hành vi nuôi thả động vật không rọ mõm, không đúng quy định và cố ý gây thương tích, báo cáo kết quả cho UBND TPHCM. Trước đó, ngày 06-02, Cơ quan CSĐT Công an Q7 đã thụ lý điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ một người đàn ông bị đánh vào mặt vì cản một con chó không rọ mõm chạy tới gần con trai mình.
Theo Khoản 3 Điều 66 của Luật chăn nuôi 2018 quy định, chủ nuôi chó, mèo cần phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho người và vật nuôi khác, đồng thời chủ vật nuôi cũng phải giữ gìn vệ sinh môi trường và bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y. Các biện pháp bảo đảm an toàn hiện nay bao gồm đeo rọ mõm cho chó, xích giữ chó khi ra đường và một số biện pháp khác. Khoản 1 Điều 7 Nghị định 05/2007/NĐ-CP về Phòng, chống bệnh dại ở động vật cũng quy định: "Tất cả chó, mèo trong diện tiêm phòng bắt buộc phải được tiêm vắc-xin phòng bệnh dại theo quy định của cơ quan thú y".
Cụ thể, vào tối ngày 02-02, ông Nguyễn Hoàng Dũng (SN 1989, ngụ Q7) dẫn con trai đi vào sảnh chờ thang máy ở chung cư Saigon Riverside ở đường Đào Trí, P.Phú Thuận, Q7, TPHCM. Lúc này, con chó của Đào Thế Vinh (SN 1995) không rọ mõm, không xích, liên tục tiến gần tới chỗ con trai ông Dũng nên ông nhắc nhở Vinh, nhưng người này thờ ơ.
Do lo sợ con trai bị chó cắn nên ông Dũng dùng chân đẩy con chó ra xa. Bất ngờ, ông Vinh xông tới đánh làm ông Dũng ngã xuống đất. Sau đó, Vinh còn lớn tiếng đe dọa ông Dũng và rời đi. Sau khi bị hành hung, ông Dũng đến Công an P.Phú Thuận, Q7 trình báo sự việc và có đơn đề nghị Công an Q7 giám định thương tích, khởi tố Đào Thế Vinh. Toàn bộ đoạn clip sau đó được đăng tải lên mạng xã hội. Ông Dũng được chẩn đoán bị sưng bầm vùng gò má trái, trầy xước gò má trái, rách mí mắt trái và phải khâu 5 mũi, vỡ mảnh răng cửa hàm dưới trái, ngực trái có vết sưng.
Liên quan vụ việc, Cơ quan Công an đã làm việc với ông Dũng và đối tượng Vinh. Vinh thừa nhận đã đánh ông Dũng. Tại vụ việc này, chủ "bênh chó” mà dẫn đến hành hung người khác có bị xử lý hình sự hay hành chính?
Trong trường hợp người bị hại có đơn đề nghị xử lý hình sự về tội cố ý gây thương tích, đồng thời kết quả giám định thương tích cho thấy có tỷ lệ thương tích, thì dù thương tích dưới 11%, Cơ quan điều tra vẫn có thể khởi tố vụ án hình sự. Vụ đánh người xảy ra tại chung cư khiến dư luận bức xúc, đặc biệt là các bậc làm cha mẹ, bởi thực tế đã có rất nhiều vụ việc chó nhà nuôi cắn trẻ, để lại những hậu quả hết sức thương tâm. Vậy, dưới góc nhìn của pháp luật, người đàn ông nuôi chó có hành vi hành hung người khác, trong khi vật nuôi không đeo rọ mõm, sẽ bị xử lý ra sao? Người vi phạm về nuôi chó có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trong trường hợp không tiêm phòng, không quản lý chó nơi công cộng để chó cắn người dẫn đến hậu quả chết người thì chủ vật nuôi có thể bị xử lý hình sự về tội vi phạm quy định an toàn nơi đông người theo Điều 295 Bộ luật Hình sự. Trường hợp đưa chó ra nơi công cộng mà không có người dắt, không xích (thả rông) mà chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng thì cũng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị định 04/2020/NĐ-CP của Chính phủ, hành vi mang chó ra nơi công cộng không đảm bảo an toàn có thể bị phạt tiền 2 triệu đồng: "Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng...".
Mức xử phạt đủ sức răn đe, phòng ngừa chung
Như vậy, có thể thấy người đàn ông này thả chó ra sảnh chung cư ở Q7, TPHCM là hành vi vi phạm pháp luật, với hành vi này thì chủ chó sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính đến 2 triệu đồng. Hành vi này còn thể hiện ý thức kém trong việc thực hiện nếp sống văn minh, gây ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, an toàn công cộng. Trường hợp chủ nuôi chó đánh người có thể bị xử lý hình sự tới 3 năm tù. Bởi theo quy định, hành vi đánh người của chủ vật nuôi thể hiện tính chất côn đồ, coi thường pháp luật, xâm phạm đến sức khỏe của người khác, gây bức xúc dư luận.
Trong trường hợp người đàn ông bị thương tích có đơn đề nghị xử lý hình sự về tội cố ý gây thương tích, đồng thời kết quả giám định thương tích cho thấy có tỷ lệ thương tích thì dù thương tích dưới 11%, Cơ quan điều tra vẫn có thể khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can để xử lý người đàn ông này về tội "cố ý gây thương tích" theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự với tình tiết định khung là hành vi có tính chất côn đồ.
Trường hợp bị xử lý hình sự thì người đàn ông này sẽ phải đối mặt với hình phạt là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Ngoài việc bị xử lý hình sự, người đàn ông này còn phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đối với nạn nhân, thiệt hại bao gồm chi phí cứu chữa, tiền công người chăm sóc, thu nhập bị mất, bị giảm sút và bồi thường một khoản tiền tổn thất về tinh thần không quá 50 tháng lương cơ bản.
Trường hợp người bị hại không có đơn đề nghị xử lý hoặc rút đơn thì cơ quan chức năng cũng sẽ xử phạt vi phạm hành chính đối với người đàn ông này vì nhiều lỗi, trong đó có lỗi thả rông vật nuôi và hành hung gây thương tích đối với người khác. Theo quy định của pháp luật, người có hành vi cố ý gây thương tích cho người khác nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 5 đến 8 triệu đồng.
Qua vụ việc chỉ vì "bênh chó cưng" mà chủ nuôi chó tấn công, đánh gây thương tích cho người khác, khiến dư luận mấy ngày qua rất bức xúc, cũng chỉ vì cứu giúp, che chở cho con mình mà ông Dũng bị ông Vinh đánh thương tích. Luật sư Võ Quang Vũ (Giám đốc Công ty Luật TNHH Thịnh Vượng, Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết: "Đối với việc nuôi và thả chó thì người nuôi chó và chính quyền địa phương cần phải tuân thủ đúng quy định pháp luật. Tôi thấy rằng pháp luật đã quy định đầy đủ về quyền và nghĩa vụ của người nuôi chó cũng như nghĩa vụ của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, các bên chưa chấp hành đúng quy định pháp luật nên mới thường xuyên xảy ra những việc như trên". Cũng theo Luật sư Võ Quang Vũ phân tích về khía cạnh các quy định của pháp luật: 1.
Chủ nuôi chó, mèo phải thực hiện kê khai với chính quyền địa phương và tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo định kỳ mỗi năm một lần. Nuôi chó, mèo phải đăng ký với chính quyền địa phương; đảm bảo điều kiện vệ sinh; không làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, môi trường và tiêm phòng bệnh Dại cho vật nuôi theo quy định. Nuôi chó phải nhốt trong nhà, khi đưa chó ra nơi công cộng phải có dây dẫn, rọ mõm và có người dẫn theo quy định. (theo Luật Chăn nuôi, Luật Thú y và Phụ lục 15 của Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT, 31-5-2016). 2. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 100.000 - 300.000 đồng đối với hành vi để gia súc... phóng uế ở nơi công cộng; Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 100.000 - 300.000 đồng đối với hành vi thả rông động vật nuôi trong thành phố, thị xã hoặc nơi công cộng. (theo điểm d, khoản 1, Điều 7 và điểm c, khoản 1, Điều 5, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP, 12-11-2013). 3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi "Không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng". (theo khoản 3, Điều 2, Nghị định số 04/2020/NĐ-CP, 03-01-2020).