Kỳ cuối: Quyết tâm đưa văn hóa, nghệ thuật Thủ đô cất cánh
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhận định trong nhiều năm trở lại đây, Hà Nội đã kiên trì với chủ trương xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Chủ trương này đã tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho phát triển văn hóa Hà Nội.
Chỉ thị 30 của Thành ủy Hà Nội: Văn hóa, nghệ thuật góp phần quan trọng xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh
Quyết tâm kiên trì với chủ trương xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, những quyết tâm chính trị cho thấy, Hà Nội luôn nỗ lực để trở thành trung tâm văn hóa của cả nước, do đó, đầu tư cho văn hóa Hà Nội luôn là một chủ trương nhận được nhiều sự ưu tiên. Kế hoạch hành động cho phát triển văn hóa chính là sự cụ thể hóa chủ trương này. Nhờ có sự thông thoáng trong chính sách và môi trường phát triển văn hóa, sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Hà Nội đã thực sự được tạo động lực phát triển và đã lan tỏa tích cực sang các lĩnh vực khác.
“Hà Nội là nơi tập trung của rất nhiều các trường đại học, trung tâm sáng tạo, đổi mới, tổ chức văn hóa nghệ thuật của đất nước. Với khoảng 100 trường ĐH, trong đó có nhiều trường đại học liên quan đến sáng tạo, nghệ thuật, cả công lập và ngoài công lập, trong nước và nước ngoài, nhiều sự kiện sáng tạo đã được tổ chức như tuần lễ thiết kế - sáng tạo, tuần lễ thiết kế... do Đại học RMIT, Asui, Grapevine hay nhiều tổ chức văn hóa nghệ thuật khác tổ chức là một trong những điển hình cho sự chung tay, góp sức của toàn xã hội đối với sự phát triển thương hiệu TP sáng tạo. Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật TP Hà Nội cũng có gần 3.800 hội viên, sinh hoạt trong 9 hội chuyên ngành”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, công nghiệp văn hóa ở Hà Nội được quan tâm đặc biệt. TP đã hỗ trợ tài chính cho các hoạt động văn hóa nghệ thuật bằng cách đầu tư từ ngân sách cho xây dựng các thiết chế văn hóa, gián tiếp hỗ trợ các hoạt động nghệ thuật thông qua chính sách về thuế. Việc đầu tư tài chính từ hình thức hỗ trợ gián tiếp đã huy động nguồn kinh phí đáng kể cho sự phát triển văn hóa nghệ thuật. Đồng thời, cho vay vốn trung, dài hạn với các hình thức lãi suất thấp đối với sự đầu tư cho hoạt động văn hóa. Hỗ trợ tài chính đối với các loại hình hoạt động nghệ thuật truyền thống, khuyến khích các loại hình văn hóa nghệ thuật tìm kiếm các nguồn tài trợ khác.
Đánh giá về nguồn lực cơ sở vật chất trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng trên địa bàn Hà Nội có rất nhiều thiết chế văn hóa từ cấp quốc gia tới cơ sở như Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Thư viện Quốc gia, Liên đoàn Xiếc Việt Nam, các Nhà hát chèo, tuồng, cải lương,... Đó là điều kiện cho các hoạt động văn hóa nghệ thuật của Thủ đô.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Hà Nội cần đẩy mạnh tuyên truyền, xúc tiến đầu tư phát triển các ngành công nghiệp văn hóa sẵn có lợi thế, tiềm năng như: điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, quảng cáo, thủ công mỹ nghệ, phần mềm và các trò chơi giải trí, truyền hình và phát thanh, thời trang, du lịch văn hóa. Kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào Hà Nội tập trung vào các hoạt động sáng tạo văn hóa, sản xuất các sản phẩm và dịch vụ văn hóa; phát triển mạng lưới doanh nghiệp, trong đó hình thành một số tập đoàn lớn về công nghiệp văn hóa ở các lĩnh vực truyền thông, điện ảnh, phát thanh và truyền hình, phần mềm và các trò chơi trực tuyến cần có chính sách ưu đãi thuế về vốn, giá, thuế, khuyến khích sáng tạo trong văn hóa, nghệ thuật đối với văn nghệ sĩ, các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực văn hóa.
Khuyến khích hình thành các quỹ đào tạo, khuyến học, phát triển nhân tài, quảng bá văn học nghệ thuật, phát triển điện ảnh, hỗ trợ xuất bản... theo quy định, mang đặc thù, phù hợp với điều kiện của Thủ đô. Tập trung xây dựng nguồn lực, thiết chế văn hóa để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa. Tập trung xây dựng một số trung tâm biểu diễn nghệ thuật hiện đại, đa năng để có thể tổ chức được các chương trình nghệ thuật lớn trong nước và quốc tế. Hỗ trợ và tạo điều kiện cho các đơn vị, doanh nghiệp xây dựng phim trường và các rạp chiếu phim đạt chất lượng cao.
Ứng dụng những tiến bộ của khoa học - công nghệ vào việc quy hoạch, phát triển hệ thống các thiết chế văn hóa phù hợp với việc phát triển công nghiệp văn hóa. Việc cụ thể hóa các chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở ngoài công lập, như cho thuê, xây dựng cơ sở vật chất, giao đất... cho các đơn vị nghệ thuật xã hội hóa là một yêu cầu rất cấp thiết. Có như vậy thì các đơn vị mới chủ động hơn trong đầu tư, trong xây dựng kế hoạch hoạt động lâu dài. Đồng thời, đủ sức cạnh tranh với các đối tác nước ngoài trong giai đoạn mới, hoặc chủ trương tổ chức đấu thầu công khai để tìm đơn vị (không phân biệt tư nhân hay Nhà nước) thực hiện tốt nhất, hiệu quả nhất đối với những công trình nghệ thuật lớn của Nhà nước.
Ban hành những chính sách cụ thể, tạo môi trường pháp lý thuận lợi, hỗ trợ đầu tư phát triển nguồn nhân lực, quảng bá, phát triển thị trường văn hóa, tạo mối liên kết thị trường về ngành nghề và khu vực, xây dựng thương hiệu quốc gia cho các ngành công nghiệp văn hóa; đa dạng hóa các mô hình đầu tư, đặc biệt mô hình hợp tác công tư, khuyến khích hình thành và phát triển các loại quỹ đầu tư trong lĩnh vực văn hóa, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh văn hóa thu hút các nguồn lực xã hội để phát triển.
Ngoài ra, Hà Nội cần có cơ chế chính sách đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực Thủ đô như triển khai, thực hiện các chính sách đào tạo, đãi ngộ hiện có cho đội ngũ văn nghệ sĩ Thủ đô, tập trung vào chính sách tiền lương, chế độ nhuận bút, bản quyền tác giả, chế độ thù lao luyện tập...; xây dựng cơ chế chính sách đối với nghệ nhân, khuyến khích các nghệ nhân truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ để qua đó bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể; nâng cao năng lực quản lý nhà nước của đội ngũ cán bộ, đội ngũ thanh tra công tác tại các cơ quan văn hóa về Pháp luật; Luật Sở hữu trí tuệ và các Luật liên quan.
Phát triển một số các sự kiện và không gian sáng tạo như Lễ hội Thiết kế - sáng tạo Hà Nội, Festival âm nhạc Gió mùa (Monsoon), Tuần lễ phim quốc tế Hà Nội (Haniff), Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam (Vietnam Fashion Week) hay chương trình biểu diễn và các không gian sáng tạo để tạo dấu ấn đặc sắc của Thủ đô.
Tổ chức những diễn đàn, mạng lưới sáng tạo văn hóa, mà thành viên là những người hoạt động trong ngành văn hóa nghệ thuật, kinh doanh, kỹ thuật… để họ đạt được sự hợp tác tốt nhất trong việc thực hiện mục tiêu chung vì sự phát triển công nghiệp văn hóa. Khuyến khích và hỗ trợ thì những ý tưởng sáng tạo để thử nghiệm trong thị trường văn hóa nghệ thuật,…
Cần có cơ chế, chính sách đặc thù trong thu hút, tuyển dụng, đào tạo nguồn nhân lực kế cận
Theo TS Nguyễn Huy Phòng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), Hà Nội cần có chính sách khuyến khích, phát triển tài năng, nhất là các tài năng trẻ, có triển vọng trong hoạt động sáng tạo văn hóa, nghệ thuật.
Cần có cơ chế, chính sách đặc thù trong thu hút, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực kế cận trong hoạt động sáng tạo, trình diễn và quảng bá văn học, nghệ thuật; trong bảo tồn, phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền như: chèo, ca trù, cải lương, tuồng, múa rối, xiếc, kịch.
Có cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích, huy động sự tham gia thực hành, truyền dạy văn hóa của các nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú. Đảm bảo tốt quyền, nghĩa vụ của nghệ nhân nhân dân; tôn vinh, đãi ngộ xứng đáng với những cống hiến của họ. Bên cạnh đó, cần có chính sách đầu tư phát triển các không gian sáng tạo nghệ thuật.
“Thời gian qua với những nỗ lực, cố gắng của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, sự ủng hộ của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, sự tham gia nhiệt tình của đông đảo Nhân dân, Hà Nội đã trở thành TP sáng tạo của UNESCO ở lĩnh vực thiết kế (ngày 30/10/2019). Đây là niềm vinh dự, tự hào nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề mà Hà Nội cần tiếp tục triển khai tốt hơn nữa để giữ vững danh hiệu và mở rộng tính sáng tạo ra các ngành nghề, lĩnh vực khác như: âm nhạc, thủ công mỹ nghệ truyền thống, điện ảnh, văn học, nghệ thuật kỹ thuật số, ẩm thực”, TS Nguyễn Huy Phòng cho biết.
TS Nguyễn Huy Phòng cho rằng để thúc đẩy các hoạt động sáng tạo, trình diễn văn hóa nghệ thuật cần hình thành những không gian sáng tạo. Hiện nay, so với nhu cầu thực tế thì Hà Nội vẫn còn thiếu nhiều không gian sáng tạo, nhất là những không gian chuyên biệt gắn với những loại hình nghệ thuật truyền thống và đương đại. Một số không gian nghệ thuật được hình thành từ ý tưởng sáng tạo của cá nhân, do cá nhân tự chi trả kinh phí hoặc do sự đóng góp của những người yêu nghệ thuật thuê mượn làm nơi gặp gỡ, trao đổi học thuận, tọa đàm về những vấn đề, những câu chuyện, những xu hướng sáng tạo nghệ thuật.
"Một trong những khó khăn, vướng mắc trong vận hành không gian sáng tạo là tình trạng thiếu quỹ đất, thiếu không gian, môi trường cần thiết để những người nghệ sĩ chuyên và không chuyên, những người yêu và đam mê nghệ thuật thỏa sức sáng tạo, hình thành lên những ý tưởng mới. Việc thuê mượn mặt bằng ở Hà Nội là rất đắt đỏ so với thu nhập của những người làm văn hóa nghệ thuật. Vì thế, họ thường tận dụng không gian tại ngôi nhà của chính mình hoặc một quán cà phê, hiệu sách để tổ chức những diễn đàn gặp gỡ.
Để góp phần khai phóng những khát vọng sáng tạo của giới trẻ, Hà Nội cần ban hành những chính sách ưu tiên về dành quỹ đất cần thiết để xây dựng, hình thành các không gian sáng tạo nghệ thuật; miễn giảm, khấu trừ thuế đối với các ngành nghề, công ty, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh, hoạt động văn hóa vì lợi ích chung của cộng đồng.
Việc gìn giữ phải đi đôi với công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo, phù hợp với không gian quy hoạch và những giá trị, lợi ích về mặt văn hóa, lịch sử; ý nghĩa giáo dục, nhân văn, tính thẩm mĩ của các công trình; tránh tình trạng phá dỡ, san phẳng, lấy mặt bằng để làm các công trình thương mại, chung cư cao tầng.
Việc tận dụng những công trình kiến trúc, có giá trị về lịch sử để tái tạo, sử dụng cho các mục tiêu, nhiệm vụ văn hóa là cần thiết nhằm gìn giữ nét văn hóa truyền thống cũng như góp phần tạo ra diện mạo đô thị xanh, đô thị thông minh với sự kết hợp hài hòa giữa nét văn hóa truyền thống, cổ kính với những công trình hiện đại, văn minh", TS Nguyễn Huy Phòng phân tích.
“Hà Nội là nơi hội tụ của những tinh hoa, những tài năng lớn của đất nước, những con người có niềm đam mê, khát vọng sáng tạo, cống hiến; nơi có nhiều cơ quan ngoại giao quốc tế, nhiều công ty, doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Tiềm năng sáng tạo, lực lượng vật chất trong Nhân dân là rất lớn. Điều quan trọng là phải có cơ chế, chính sách mang tính đột phá, cách làm phù hợp, hiệu quả để phát huy mạnh mẽ nguồn lực, sức mạnh con người Việt Nam, cùng chung sức, đồng lòng xây dựng Thủ đô sớm đạt được các mục tiêu, trong đó đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội là thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực. Đến năm 2045, Thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu,…”, TS Nguyễn Huy Phòng nhấn mạnh.