Kỳ cuối: Vai trò xung kích, đi đầu của sinh viên trong việc nhận diện hình thức mới xuyên tạc, chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch trong tình hình hiện nay

Sinh viên là lực lượng xung kích, đi đầu trong công cuộc xây dựng một tương lai tốt đẹp cho quê hương, đất nước.

Mỗi sinh viên là một “chiến sỹ” trên mặt trận tư tưởng, lý luận chống lại các quan điểm, tư tưởng sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Trong điều kiện nền kinh tế xã hội nước ta có những chuyển biến rõ rệt về mọi mặt. Đất nước ta đã có những bước tiến vượt bậc trong công cuộc đổi mới tiến lên chủ nghĩa xã hội. Chưa bao giờ cuộc đấu tranh phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái thù địch; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lại có tính thời sự, cấp thiết và nóng bỏng như hiện nay. Song trong thời đại công nghệ số, sự phát triển của công nghệ thông tin khiến các hình thức thể hiện ngôn luận đã có sự biến đổi lớn. Internet, mạng xã hội dường như đã trở thành công cụ gắn liền với mọi cá nhân, tổ chức để bày tỏ quan điểm, để truyền bá thông tin thể hiện quyền tự do ngôn luận. Việc sở hữu thiết bị điện tử (điện thoại thông minh, laptop, máy tính bảng...) đã trở nên dễ dàng hơn đồng nghĩa với việc truyền đạt thông tin đến người khác có thể diễn ra mọi lúc mọi nơi.

Sinh viên là lực lượng xung kích, đi đầu trong công cuộc xây dựng một tương lai tốt đẹp cho quê hương, đất nước

Sinh viên là lực lượng xung kích, đi đầu trong công cuộc xây dựng một tương lai tốt đẹp cho quê hương, đất nước

Bên cạnh những lợi ích vô cùng tích cực thì việc xảy ra tình trạng các hội, nhóm chia sẻ lan truyền những thông tin sai trái, không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm chứng đã và đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Các phần tử chống phá Đảng và Nhà nước ta đã lợi dụng không gian mạng để đăng các tin xấu độc, đưa ra các quan điểm sai trái, chống phá, xuyên tạc nền tảng tư tưởng của Đảng. Chúng nhắm đến những đối tượng như học sinh, sinh viên còn chưa hiểu sâu về chính trị, lập trường tư tưởng còn chưa vững vàng dễ bị dao động, lôi kéo nhằm làm suy tàn đạo đức cách mạng của thế hệ trẻ ngày nay. Một ví dụ về sự nguy hiểm của các sinh viên bị kích động là làn sóng biểu tình của sinh viên Bangladesh phản đối quyết định của chính phủ liên quan hạn ngạch tuyển công chức - dành 30% chỉ tiêu việc làm cho con cháu người có công. Theo hãng tin AFP, tính đến ngày 21/07/2024, đã có 133 người thiệt mạng trong cuộc biểu tình này. Tính chất của sự việc nghiêm trọng đến mức lực lượng cảnh sát chống bạo động Bangladesh đã nổ súng vào những người biểu tình nhưng không thể kiểm soát tình trạng hỗn loạn, thâm chí chính phủ nước này đã ban hành lệnh giới nghiêm và triển khai quân đội trên khắp đường phố từ nửa đêm 19-7. Lý do của cuộc biểu tình này là sinh viên Bangladesh cho rằng chính sách dành 30% chỉ tiêu việc làm trong nhà nước cho các thành viên gia đình của những cựu chiến binh đã chiến đấu trong cuộc chiến giành độc lập của Bangladesh năm 1971 thực chất chỉ có lợi cho các gia đình trung thành với Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina. Vụ việc trên là minh chứng cho tai họa có thể xảy ra nếu bỏ qua, xem nhẹ nỗi bất mãn của sinh viên và không có công tác tuyên truyền cũng như các biện pháp giải quyết thích hợp nhằm thông qua những yêu cầu hợp lý của họ.

Cảnh sát ứng phó với sinh viên Bangladesh tại thủ đô Dhaka (Bangladesh) ngày 19-7.Ảnh: REUTERS

Cảnh sát ứng phó với sinh viên Bangladesh tại thủ đô Dhaka (Bangladesh) ngày 19-7.Ảnh: REUTERS

Sinh viên Bangladesh biểu tình tại thủ đô Dhaka (Bangladesh) ngày 19-7.

Sinh viên Bangladesh biểu tình tại thủ đô Dhaka (Bangladesh) ngày 19-7.

Bởi vậy vai trò của tầng lớp thế hệ trẻ, nhất là sinh viên là điều vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng giống như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh, một phần do các thanh niên”. [1]

Mỗi cơ sở giáo dục là một “pháo đài” tư tưởng cho sinh viên

Với vai trò là địa điểm học tập, tiếp thu kiến thức cũng như môi trường sinh hoạt của phần lớn sinh viên, mỗi ngôi trường đại học, cao đẳng và các cơ sở đào tào khác có ảnh hưởng lớn đến việc hình thành lối tư duy, cách suy nghĩ cũng như lập trường chính trị của sinh viên. Do đó, cần phải chú trọng đến công tác tư tưởng, cụ thể là việc giảng dạy và học tập các môn lý luận chính trị để sinh viên có cái nhìn chính xác, toàn diện về chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng và Nhà nước cũng như tình hình hiện tại của đất nước. Sau khi được quán triệt đầy đủ, sâu sắc quan điểm cách mạng, thế hệ tương lai của đất nước sẽ hiểu thêm về tình hình của nước nhà và tự mình xác định phương hướng phát triển tốt nhất cho quê hương - con đường đi xã hội chủ nghĩa. Như đã nêu ở các phần trước, các cơ sở giáo dục cần phải chú trọng công tác giáo dục lý tưởng cách mạng và rèn luyện đạo đức cho thế hệ thanh thiếu niên nói chung, tầng lớp sinh viên nói riêng, để họ trở thành “lực lượng xung kích trong công cuộc đổi mới”[2]. Trong quá trình ấy, giáo dục nhận thức cần đi đôi với công tác thực tiễn qua các hoạt đông tình nguyện, quán triệt châm ngôn “Nói đi đôi với làm” và “Học đi đôi với hành”. Một trong những biện pháp để nâng cao tinh thần trách nhiệm cũng như ý thức cộng đồng của sinh viên là tham gia các hoạt động xã hội, cụ thể là những sự kiện do Đoàn thanh niên tổ chức. Qua việc góp sức tham gia vào các hoạt động công ích sẽ giúp tầng lớp trẻ hiểu thêm về tình hình, nhu cầu của xã hội hiện đại, từ đó xác định rõ hơn vai trò, vị trí của mình trong đất nước. Trong tháng 8/2024 vừa qua, nhiều chương trình tình nguyện trên khắp lãnh thổ Việt Nam có sự tham gia của đông đảo Đoàn viên: Khai mạc Hội trại tình nguyện viên Chữ thập đỏ toàn quốc lần thứ VI ở Nha Trang, xây dựng thư viện tránh lũ cho trẻ em Trường Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Sà Phìn trên địa bàn tỉnh Hà Giang, tổ chức chương trình Hành trình tình nguyện “Hào khí Điện Biên”…

Một trong những biện pháp để nâng cao tinh thần trách nhiệm cũng như ý thức cộng đồng của sinh viên là tham gia các hoạt động xã hội, cụ thể là những sự kiện do Đoàn thanh niên tổ chức

Một trong những biện pháp để nâng cao tinh thần trách nhiệm cũng như ý thức cộng đồng của sinh viên là tham gia các hoạt động xã hội, cụ thể là những sự kiện do Đoàn thanh niên tổ chức

Thế hệ trẻ nói chung và tầng lớp sinh viên là trụ cột tương lai của nước nhà. Do đó, xuất hiện ngày càng nhiều âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch nhằm vào đối tượng tiềm năng và trọng yếu này. Công tác nhận diện, ngăn chặn và giải quyết các hình thức mới xuyên tạc, chống phá cách mạng là trách nhiệm của cả đất nước, trong đó gồm cả tầng lớp sinh viên. Vì vậy, cần làm tốt các công tác tư tưởng, bồi dưỡng bản lĩnh chính trị, kiến thức lẫn kỹ năng của sinh viên, để “đội dự bị” của Đảng, chỉ biết “còn Đảng còn mình”, góp phần xây dựng Đảng về đạo đức giúp Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, để xây dựng một tương lai tốt đẹp cho quê hương, đất nước.

-------------------

[1] Hồ Chí Minh – Toàn tập, tập 5, NXB CTQG, H.2011, tr. 216.

[2] Nghị quyết Trung ương đảng khóa X.

THANH HOÀNG - QUỲNH CHI

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/ky-cuoi-vai-tro-xung-kich-di-dau-cua-sinh-vien-trong-viec-nhan-dien-hinh-thuc-moi-xuyen-tac-chong-pha-cach-mang-viet-nam-cua-cac-the-luc-thu-dich-trong-tinh-hinh-hien-nay-post301014.html