Kỳ cuối: Văn hóa nhân lên từ những công dân nhỏ trong gia đình
'Có một lần, chỉ còn vài giây đèn đỏ, tôi định tăng ga xe và nhanh chóng đi qua, nhưng con gái ngồi đăng sau kéo áo và nói: Mẹ ơi đèn đỏ…, lúc đó tôi đã thấy rất xấu hổ với con. Còn 2 giây tôi cũng dừng lại' – lời kể của chị Nguyễn Thường, phường Dương Nội, quận Hà Đông. Có đôi lúc, người lớn vì những phút giây vội vàng mà quên mất rằng: Mình là tấm gương cho trẻ nhỏ noi theo. Ứng xử đối với các quy tắc giao thông cũng vậy, trẻ nhỏ sẽ học nhiều điều từ người lớn.
Người lớn nêu gương…
Theo thống kê của ngành y tế, mỗi năm cả nước có trên 1.000 trẻ em tử vong vì tai nạn giao thông, chiếm khoảng trên 20% tổng số trẻ em tử vong do tai nạn thương tích. Tai nạn giao thông là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội, hàng năm Việt Nam có hàng nghìn người tử vong hoặc bị thương tật vĩnh viễn do tai nạn giao thông, để lại hậu quả đau xót cho bản thân, gia đình và xã hội, đe dọa đến sự phát triển của giống nòi, kéo lùi sự phát triển của đất nước. Nhưng vấn đề là ở chỗ, tai nạn giao thông đối với trẻ nhỏ phần nhiều bắt nguồn từ nguyên nhân chủ quan của người lớn.
Số liệu của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chỉ ra rằng: Tỷ lệ đội mũ bảo hiểm cho trẻ em chỉ mới ở mức 35-40%; một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tỷ lệ thương tích do tai nạn giao thông ở trẻ em vẫn có xu hướng tăng cao thời gian qua. Việc không đội mũ cho con là lỗi xuất phát từ người lớn.
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng từng nêu quan điểm: Các phụ huynh hãy làm từ những việc rất nhỏ, trước tiên hãy chọn một mũ bảo hiểm đủ chất lượng cho con, dù đến trường phải di chuyển ngắn, các con cũng cần được giáo dục cách đội mũ, không đi ngược đường và không đi hàng ba, hàng bốn. Người lớn phải nêu gương, thì các con mới học tập theo được.
Song song với nêu gương, giáo dục cho các con văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông phải làm ngay ở cấp nhỏ nhất, mầm non và tiểu học. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng: Việc xây dựng văn hóa giao thông phải bắt đầu từ việc giáo dục nâng cao nhận thức tham gia giao thông an toàn cho học sinh ngay từ cấp học nhỏ, để dần hình thành ý thức tự giác chấp hành pháp luật về ATGT.
Hiểu được sự quan trọng của công tác giáo dục văn hóa giao thông với trẻ nhỏ, Sở GD&ĐT Hà Nội đã ký cam kết với Bộ GD&ĐT, Ủy ban ATGT quốc gia trong việc tăng cường triển khai thực hiện công tác giáo dục an toàn giao thông trong trường học. Hàng nghìn mũ bảo hiểm đạt chuẩn đã được gửi đến các em học sinh và mỗi nhà trường đều có những “lời nhắc” phụ huynh và học sinh khi tham gia giao thông. Tại trường tiểu học Lê Quý Đôn, quận Hà Đông, nhà trường có quy tắc tham gia giao thông gửi đến từng phụ huynh, trong đó, đặc biệt lưu ý phụ huynh chấp hành đúng Luật ATGT và đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ khi đến trường như: Tuyệt đối không được để con không đội mũ bảo hiểm đến trường. Ngày nào, cũng đích thân cô hiệu trường của nhà trường nhắc trên loa thông báo, yêu cầu phụ huynh gương mẫu và khi đón đưa các con, phải hướng dẫn các con đi đúng Luật.
…Để có các công dân nhỏ gương mẫu
Hiện nay, chương trình giáo dục về an toàn giao thông ở các cấp học rất linh hoạt, riêng đối với các cấp học nhỏ, giáo dục văn hóa giao thông cho các con, cần tạo ra môi trường thân thuộc với sự tham gia của cả người lớn. Vào những thời gian có chủ đề an toàn giao thông, các cô sẽ trang trí lớp học tràn ngập các tín hiệu, biển báo, phương tiện giao thông,… để các con thêm phần hứng thú. Các con thể nhờ bố mẹ tìm những hình ảnh về an toàn giao thông tại nhà rồi mang đến lớp để trang trí các góc. Các cô cùng các con xây dựng những câu chuyện về an toàn giao thông bằng cách cắt dán hình ảnh, ghi chú lời thoại. Các bé có thể tham gia vẽ trực tiếp vào các câu chuyện ấy. Đó sẽ nguồn học liệu thiết thực để giảng dạy.
Ở cấp tiểu học, các cô cũng có thể biên soạn tài liệu giảng dạy bằng những câu chuyện rất giản dị, tấm gương người thật việc thật, những tấm gương “Lục Vân Tiên” giúp đỡ người đi đường có ngay trong cuộc sống. Hay những người như bà Nguyễn Thị Tiến, ông Lưu Viết Thục… tham gia phân luồng giao thông, để các con thấy rằng: Ông bà, bố mẹ mình cũng có thể là một trong những người như thế: Có ý thức giao thông và luôn giúp đỡ những người xung quanh khi cần thiết.
Chính sự giáo dục từ nhà trường, sự gương mẫu của người lớn sẽ góp phần tạo ra những công dân nhỏ, gương mẫu và có “tác động hai chiều” đối với bố mẹ của mình. Anh Nguyễn Hiệp, khu đô thị Văn Quán, quận Hà Đông từng chia sẻ câu chuyện: “Khi lên xe, con tôi nhắc: Ba phải mang mũ bảo hiểm, còn đi ô tô, ba phải cài dây an toàn… Trước câu nói của con, tôi tất nhiên muốn mình làm gương cho con. Bởi nếu tôi không thực hiện đúng, con sau này sẽ thực hiện theo. Vậy nên việc làm gương cho bé rất quan trọng. Cách thức giáo dục hữu hiệu nhất chính là lời nói và hành động đi liền với nhau”.
Không chỉ dừng lại ở việc làm gương, những chương trình học mà chơi, trong đó dạy các em về những biển báo giao thông rất có tác dụng, giúp các em nhớ nhanh, hiểu được Luật Giao thông. Chị Nguyễn Thường, phường Dương Nội, Hà Đông từng tâm sự: “Không chỉ biết về đèn đường, con tôi 6 tuổi, khi nhìn thấy biển cấm dừng đỗ cũng bảo tôi: “Mẹ đừng đỗ xe ở đây, biển này không cho dừng đâu. Tôi rất bất ngờ về con, nhưng cũng tự nhủ mình phải chú ý hơn để làm gương cho con”.
Giáo dục, không gì tốt và nhanh bằng sự nêu gương. Văn hóa nói chung và văn hóa giao thông nói riêng, để có sự chuyển biến, phải bắt đầu bằng hành động. Và đó phải là sự nêu gương giáo dục nhận thức hàng ngày, thường xuyên, liên tục. Phát triển văn hóa con người, luôn luôn bắt đầu bằng giáo dục từ nhỏ, và là sự kết hợp của gia đình, nhà trường, xã hội.