Kỳ diệu chữa bệnh bằng âm nhạc

Âm nhạc có vai trò đặc biệt đối với đời sống tinh thần của con người. Nghe nhạc, chơi nhạc, ngoài chức năng giải trí có thể giúp người ta xả stress, khiến tâm hồn được thư giãn, thậm chí chữa được những căn bệnh về tâm lí.

Tôi gặp bác sĩ Trần Văn Phúc (hiện đang công tác tại Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Saint Paul) và được anh kể về những tác dụng tuyệt vời của âm nhạc trong y học. Nghe nhạc, học nhạc, chơi nhạc, thậm chí góp phần đẩy lùi được những bệnh nan y như đau dạ dày hoặc ung thư

Kéo dài thời gian cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối

Dáng vẻ lãng tử, có kiến thức khá sâu rộng về các môn khoa học tự nhiên - song không nhiều người biết bác sĩ Trần Văn Phúc cũng đồng thời là một nhạc sĩ, là MC truyền hình và là... nhạc công thổi kèn đám ma thuộc dạng có “số má”.

Bác sĩ Trần Văn Phúc thăm khám cho một bệnh nhi.

Bác sĩ Trần Văn Phúc thăm khám cho một bệnh nhi.

Đề cập đến chuyện chữa bệnh bằng âm nhạc, anh hồ hởi chia sẻ: Qua một thời gian dài nghiên cứu, cũng như kiểm nghiệm trên thực tế, anh khẳng định nghe hoặc chơi một nhạc cụ có tác dụng phòng bệnh và chữa bệnh rất tốt. Âm nhạc giúp điều chỉnh các đặc điểm sinh lí khác nhau của cơ thể như hơi thở, nhịp tim, huyết áp, nhiệt độ da, sức đề kháng của da, tiềm năng cơ bắp, hàm lượng norepinephrine trong máu v.v...

Ví dụ, khi nghe nhạc êm dịu và yên tĩnh, hệ thống thần kinh phó giao cảm được kích hoạt, hệ thống thần kinh giao cảm bị ức chế, sự tiết ra adrenaline giảm đáng kể giúp cơ thể không bị stress, đồng thời sự tiết ra endorphin (hóc môn giảm đau, giảm căng thẳng) tăng lên giúp hưng phấn và hạnh phúc. Tốc độ nhịp tim cũng sẽ chậm lại, hơi thở ổn định, các cơ bắp toàn thân thư giãn, tạo khoái cảm và tăng khả năng chịu đau. Ngoài ra, âm nhạc giải phóng dopamin ở vùng tân sinh bụng và vùng não bụng, điều này cũng tạo ra cảm giác dễ chịu.

Theo bác sĩ Phúc, âm nhạc bên cạnh tác dụng với những bệnh tâm lí thì cũng có hiệu quả với hàng loạt bệnh tật khác. Từ ung thư đến những bệnh mãn tính hiểm nghèo, hay bệnh có sự tác động yếu tố căng thẳng như dạ dày, đại tràng, tăng huyết áp, bệnh mạch vành, hội chứng tiền mãn kinh, hội chứng sảy thai, các bệnh liên quan tới hệ thần kinh giao cảm và phó giao cảm...

Anh nhớ lại một “ca" bệnh ung thư mà âm nhạc đã góp phần đẩy lùi bệnh tật. Đó là vào một ngày cận Tết Nguyên đán mấy năm trước, anh gặp một bệnh nhân đặc biệt. Chị là bác sĩ ở một bệnh viện lớn, gia đình cũng nhiều người hoạt động trong ngành y, song lại đang là bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối.

Nữ bệnh nhân nói trong nước mắt, rằng chị không muốn chết khi tuổi còn trẻ, còn rất nhiều việc muốn làm cho gia đình, cho chồng con... Và, chị cũng không muốn có những cái “giỗ" đúng vào ngày Tết, sẽ khiến cho người thân, gia đình “mất vui" khi Tết đến xuân về. “Người ta nói tôi chỉ còn sống được vài ngày nữa thôi..." - chị thổn thức.

Bác sĩ Phúc từng được vinh danh là một trong 10 thầy thuốc trẻ tiêu biểu toàn quốc.

Bác sĩ Phúc từng được vinh danh là một trong 10 thầy thuốc trẻ tiêu biểu toàn quốc.

Lặng người trước tâm sự của vị bác sĩ bị “bệnh viện trả về", anh hết sức tâm tư và rồi nhớ lại phương pháp chữa bệnh “có một không hai", đó là anh yêu cầu bệnh nhân bên cạnh việc tuân theo phác đồ của bác sĩ chuyên khoa thì phải học chơi một loại nhạc cụ.

“Trong những ngày ấy, tôi thường xuyên động viên nữ bệnh nhân rằng, chị cố ăn thêm một thìa cơm này cho chồng, thêm một thìa cháo này cho con, nhớ được nốt nhạc này cho cháu... Sau một thời gian, kết quả không ngờ, bệnh nhân này đã không chết nhanh như vị bác sĩ điều trị cho chị dự đoán. Ngược lại, chị càng say mê học âm nhạc thì những cơn đau lại càng lùi xa. Và, chị đã có thêm hơn hai năm nữa để làm mọi điều chị muốn, dành cho gia đình, cho con cháu" - bác sĩ Phúc nhớ lại.

Và anh đã làm một bài thơ tặng nữ bệnh nhân đặc biệt này:

"Một chiếc lá phong khô héo/ Chiều nay rơi xuống mặt đường/ Lá rơi tựa như cánh bướm/ Gửi đời bao nỗi nhớ thương/ Chẳng có điều gì vĩnh cửu/ Chẳng ai sống mãi trên đời/ Những chiếc lá hình vương miện/ Cuối chiều lá học cách rơi...".

Mới đây thôi, cô con gái nhỏ tuổi của bác sĩ Phúc sốt cao, cháu bỏ ăn và tỏ ra rất mệt mỏi. "Tôi đã nấu cho cháu một tô cháo nóng, rồi mở nhạc, động viên cháu rằng ba đã thả mấy nốt nhạc vào tô cháo, con thử ăn xem có ngon không. Cháu ăn hết được tô cháo và sau đó đẩy lui cơn sốt mà không phải dùng bất kỳ loại thuốc nào".

Tự cứu mình từ... cửa tử

Không phải ngẫu nhiên mà bác sĩ Phúc phát hiện âm nhạc có tác dụng rất tốt trong việc điều trị bệnh. Chính âm nhạc đã cứu anh khỏi căn bệnh xuất huyết tiêu hóa kinh niên. Anh nhớ lại.

Nhiều năm về trước, khi chàng sinh viên Đại học Y Trần Văn Phúc đang trong kỳ thực tập tại bệnh viện thì căn bệnh đau dạ dày tái phát. Lúc đó cân nặng của anh chỉ khoảng 40kg và thỉnh thoảng lại bị hoa mắt, chóng mặt, không thể đứng vững. Anh rất bi quan, bởi khi ấy cha anh ở quê cũng bị ung thư đường tiêu hóa. Đã hơn một lần Phúc được đưa đi cấp cứu tại A9 Bệnh viện Bạch Mai (nơi những bệnh nhân nguy kịch thường được đưa đến). Anh cũng được uống đủ các loại thuốc Tây - ta - Tàu... nhưng bệnh tình gần như không thuyên giảm.

Song, cũng chính trong những ngày nằm tại A9 - gần với khu nhà xác, nhà tang lễ bệnh viện - chàng sinh viên Phúc nghe tiếng kèn đám ma vọng lên. Và, cứ mỗi lần tiếng kèn cất lên thì cơn đau dạ dày của anh lại dịu xuống. Anh lờ mờ nhận thấy, bệnh đau dạ dày là do chính bản thân anh tạo ra, nó không thể chữa khỏi nếu chỉ dựa vào y học hiện đại.

"Trước đây tôi chỉ tin vào y học chính thống. Tôi tin bệnh dạ dày chỉ có thể chữa khỏi bằng thuốc hoặc phẫu thuật, khối u của bố chỉ có thể chữa bằng nền văn minh công nghệ. Tôi không hề biết rằng ngoài bệnh thể chất thì còn có bệnh tâm căn, hay nhiều điều bí ẩn của cuộc sống khác nữa. Hóa ra, căn bệnh đau dạ dày của tôi là do đói nghèo quá mức, làm việc kiếm sống quá tải, học hành quá vất vả, mất cân bằng về tâm lí, đặc biệt là thiếu hẳn thế giới quan thẩm mĩ gây tác động tiêu cực tới cảm xúc. Âm nhạc là chìa khóa giúp tôi giải quyết mọi khó khăn ấy" - anh tâm sự.

Hướng dẫn các sinh viên trẻ học nghề.

Hướng dẫn các sinh viên trẻ học nghề.

Sau hơn một năm nghiên cứu, bác sĩ Phúc đã có cách hiểu về căn bệnh của mình. Một trong những bí quyết giúp anh khỏi được bệnh, cơ thể khỏe mạnh, ít khi ốm đau và làm được rất nhiều công việc cùng một lúc với hiệu quả cao; đó chính là âm nhạc. Anh đã tự học âm nhạc trong một khoảng thời gian rất dài. Anh cũng học chơi thổi kèn bát âm (kèn bóp) và thổi hay đến nỗi có đội kèn rủ anh tham gia và trả lương mỗi tháng nhiều triệu đồng. Đến năm 2010, anh chính thức được kết nạp vào Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Từ đó, với mỗi bệnh nhân, bác sĩ Phúc bắt đầu từ việc chẩn đoán và điều trị căn bệnh thể chất, sau đó là căn bệnh tinh thần. Dần dà, anh nhận ra yếu tố tinh thần rất quan trọng. Trong thế giới tinh thần ấy, âm nhạc giúp anh hay những bệnh nhân khác có một nguồn năng lượng tích cực. Cuối cùng, ngoài công việc khám, chữa bệnh bằng y học hiện đại, anh tập trung nghiên cứu sức khỏe tổng thể, có nghĩa là nghiên cứu cả thể chất, tâm trí và tâm hồn.

Cũng theo bác sĩ Phúc, thế giới không thiếu bác sĩ kiêm nhạc sĩ. Schweitzer là một tiến sĩ y khoa xuất sắc người Đức, ông là một nghệ sĩ đàn organ nhà thờ nổi tiếng và trở thành nhạc sĩ sau đó. Ông cũng là nhà triết học, nhà thần học, đoạt Giải Goethe, cuối cùng là đoạt Giải Nobel Hòa bình.

Nhờ những bác sĩ như Schweitzer, y học dần dần để ý tới âm nhạc. Đến năm 1944 thì Đại học Michigan (Mỹ) đã đưa môn liệu pháp chữa bệnh bằng âm nhạc vào trở thành môn học chính với sinh viên y khoa. Kể từ đó đơn thuốc âm nhạc ra đời. Đến nay, một số trường y ở Mỹ và Anh, tiêu chuẩn sinh viên học chuyên ngành liệu pháp âm nhạc đứng số 1. Thậm chí, với các bác sĩ giỏi trị liệu âm nhạc, bệnh nhân phải trả tới 2.500 USD/mỗi giờ thăm khám.

Cũng trong thời gian học đại học, bác sĩ Phúc được biết tác phẩm kinh điển “Hoàng đế nội kinh” 2.000 năm trước đã từng đề xuất “Ngũ âm trị tật”. Âm nhạc trị liệu của người xưa căn cứ vào “cung, thương, giốc, chủy, vũ” chính là ngũ âm trong âm nhạc truyền thống, cũng liên quan đến ngũ hành là “kim, mộc, thủy, hỏa, thổ” và ngũ tạng trong y học phương Đông là “tâm, can, tì, phế, thận”.

Trong y học hiện đại, liệu pháp âm nhạc có nguồn gốc từ Mỹ. Vào năm 1950, Hiệp hội Trị liệu âm nhạc Hoa Kỳ (AMTA) lần đầu tiên trên thế giới được thành lập, sau đó các nước phương Tây cũng thành lập các tổ chức như vậy. Liệu pháp âm nhạc đã nhanh chóng phát triển thành một liệu pháp chuyên biệt.

"Bất kể người nghe hay chơi nhạc là bác sĩ như tôi, bệnh nhân hay người bình thường, âm nhạc sẽ mở ra cho chúng ta một cánh cửa và cho chúng ta thấy thế giới âm nhạc độc đáo. Du hành trong đại dương âm nhạc, ta có thể bỏ lại đằng sau cả thế giới phiền muộn. Âm nhạc chứa đầy sức mạnh của năng lượng tích cực, giúp chúng ta vực dậy niềm tin và vững bước tiến về phía trước. Là một bác sĩ, tôi tin vào sức mạnh của âm nhạc, tác động đến bệnh nhân, giúp họ giảm các triệu chứng và thư giãn.

Âm nhạc cũng giúp mọi người phòng những căn bệnh hiểm nghèo, kể cả ung thư. Đặc biệt, âm nhạc cũng ảnh hưởng đến nhân viên y tế, cho phép các bác sĩ giữ được lí tưởng ban đầu và có niềm tin vững chắc giữa sự hỗn loạn của xã hội" - bác sĩ Phúc nói.

Chính bởi tác dụng to lớn của âm nhạc và mong muốn được "phổ cập" sâu rộng đến các em thiếu nhi, thiếu niên mà mới đây bác sĩ Phúc cùng những người bạn chung chí hướng đã lập ra dự án trại hè "Art Station". Tham gia dự án, các bạn nhỏ sẽ được thỏa thích chơi đùa trong không gian nghệ thuật, kết nối bản thân với nghệ thuật, thỏa thích tìm tòi và sáng tạo, biến những điều bình dị xung quanh trở thành nghệ thuật biểu diễn độc đáo.

Minh Tiến

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/phong-su/ky-dieu-chua-benh-bang-am-nhac-i694102/