Kỳ diệu hạt cát đồi Hồng

Thoạt đầu, tôi vẫn nghĩ rằng cát ven biển thì đâu cũng vậy - nhiễm mặn, trắng ngà, hạt mịn, đồi cát luôn di động và nóng bỏng. Nhưng không phải thế, hạt cát Mũi Né khác với cát đồi Trinh Nữ hay cát Hòa Phú, Chí Công, Bình Thạnh. Dọc theo bờ biển Bình Thuận dài hơn 192 cây số biết bao đồi cát tự nhiên, song hạt cát Mũi Né nằm trên mặt đồi có màu hồng nhạt chiếm tỷ lệ khá cao. Vì thế, người dân địa phương gọi là 'đồi Hồng'; dưới lớp cát màu hồng ấy còn có nhiều sắc màu khác. Với lợi thế của vùng nguyên liệu cát đa sắc màu, Công ty Tranh cát Phi Long đã khai thác cát từ đồi Hồng Mũi Né về sàng lọc ra 7 loại cát màu tự nhiên để tạo nên những tác phẩm tranh cát độc đáo. Có lần tôi đã đến thăm xưởng vẽ tranh cát Phi Long trên đường Thủ Khoa Huân, phường Thanh Hải (Phan Thiết). Tại xưởng vẽ tranh có 40 người, phần lớn là thanh thiếu niên khuyết tật đang miệt mài với tác phẩm do khách hàng đặt từ trước như: Tranh cát phong cảnh biển, làng quê, tranh chân dung, tháp nước Phan Thiết, khu di tích Trường Dục Thanh. Đặc biệt là bức tranh cát 'Chủ tịch Hồ Chí Minh ngồi đọc báo trên chiếc ghế mây' rộng 60cm, dài 120cm do nghệ nhân Phi Long vẽ suốt mấy tháng liền, công cụ chỉ là cây gắp và chiếc muỗng cafe bé xíu. Bên cạnh đó, có nhiều bức chân dung Bác Hồ do các nghệ nhân khác tạo nên không khác gì ảnh mẫu. Chân thực, lạ mắt, mỹ thuật, màu sắc nguyên liệu không phai và tồn tại với thời gian… đó là đặc trưng của tranh cát, ai đã từng sử dụng đều cảm thấy hài lòng. Tranh cát đã mặc nhiên trở thành món quà văn hóa, thủ công mỹ nghệ quý giá. Người nghệ nhân đã góp phần không nhỏ vào việc quảng bá hình ảnh Việt Nam, Bình Thuận với bạn bè, du khách trong và nước bằng những hạt cát hồng Mũi Né.

Kỳ diệu hạt cát đồi Hồng

Trưng bày tranh cát Phi Long.

Trưng bày tranh cát Phi Long.

Đó là chuyện vẽ tranh từ những hạt cát, đồi Hồng Mũi Né còn là nguồn nguyên liệu vô tận để các nghệ nhân xây dựng “công viên tượng cát” trưng bày hàng chục pho tượng tại đường Nguyễn Thông, phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết. Với chủ đề “thế giới cổ tích”, mỗi bức tượng cát được sáng tác dựa trên những câu chuyện cổ tích hoặc biểu tượng văn hóa. Những khối cát lấy từ đồi Hồng được nén bằng áp suất thủy lực giữa cát và nước tạo nên độ cứng nhất định để nghệ nhân chạm trổ, gọt dũa tạo nên những tác phẩm nghệ thuật từ cát, khiến bao người xem ngỡ ngàng. Tôi còn nhớ cách đây mấy năm khi “công viên tượng cát” khai trương, những điêu khắc gia từ 15 quốc gia khắp thế giới hội tụ về Phan Thiết và làm nên gần 30 tác phẩm kỳ vĩ từ hơn 300 tấn cát hồng Mũi Né. “Công viên tượng cát” vừa là địa điểm vui chơi giải trí, vừa là không gian nghệ thuật được đầu tư kỹ lưỡng để giới trẻ tìm về tự nhiên, thưởng lãm nghệ thuật điêu khắc một cách sâu sắc và hiểu thêm ý nghĩa, giá trị từ hạt cát hồng Mũi Né.

Nếu cát màu tự nhiên là nguồn nguyên liệu đặc trưng để sáng tạo nghệ thuật thì vẻ đẹp hình dáng của đồihồng Mũi Né lại là nguồn cảm hứng vô tận của các nghệ sĩ nhiếp ảnh. Những đụn cát mới hình thành trong cơn gió mạnh tạo nên những đường nét sắc cạnh, uốn cong tựa như bầu sữa thiếu nữ, hình dáng luôn thay đổi của đồi cát đã cuốn hút tính sáng tạo của nghệ sĩ. Chỉ đồi Hồng Mũi Né thôi đã có hàng ngàn tác phẩm ảnh nghệ thuật đạt giải thưởng cao trong nước và quốc tế.

Có thể lý giải tại sao các nghệ nhân, nghệ sĩ thích thú và cảm hứng với đồi cáthồng Mũi Né, bởi lẽ sắc màu thiên nhiên từng hạt cát nơi đây không giống với bao đồi cát khác. Chính kho nguyên liệu cát đa sắc màu đồi Hồng là đề tài cho các nghệ nhân, nghệ sĩ sáng tạo, thi thố tài năng, tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo của Bình Thuận.

Lê Thanh

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/van-hoa/ky-dieu-hat-cat-doi-hong-142776.html