Kỳ diệu Thổ lâu Phúc Kiến

Thổ lâu (Tulou) là một kiến trúc nhà đặc biệt cho đến nay mới chỉ phát hiện được tại Trung Quốc, cụ thể hơn là ở vùng núi phía Tây Nam tỉnh Phúc Kiến. Từ lúc quần thể nhà độc đáo này xuất hiện làm bối cảnh cho bộ phim Hoa Mộc Lan (Mulan) năm 2020 do “thần tiên tỉ tỉ” Lưu Diệc Phi thủ vai thì dân tình kéo đến du lịch rần rần.

Du khách nhộn nhịp tham quan thổ lâu

Du khách nhộn nhịp tham quan thổ lâu

Tất nhiên, nàng Hoa Mộc Lan thuở xa xưa không thật sự sống ở nơi này, bởi theo truyền thuyết nàng sống vào thời Nam - Bắc triều (386-534), còn tòa thổ lâu được ghi nhận cổ nhất là Thổ lâu Dụ Xương được xây dựng năm 1308, 2 thời đại chênh nhau xấp xỉ cả ngàn năm.

* Trí tuệ người xưa

Theo thống kê, có khoảng 3 ngàn dãy nhà được công nhận là Thổ lâu Phúc Kiến, trong đó có 46 dãy nhà hết sức đặc trưng được công nhận di sản văn hóa, tập trung chủ yếu ở Nam Tĩnh và Vĩnh Định. Điểm đến của chúng tôi là thổ lâu ở H.Nam Tĩnh, thuộc TP.Chương Châu. Vừa qua TT.Thư Dương, cảnh quan liền chuyển sang một phong vị khác: không còn phố xá tấp nập mà cả một vùng bán sơn địa hữu tình mở ra trước mắt với những vườn trà trồng như ruộng bậc thang dọc theo sườn núi, thỉnh thoảng xa xa trên một đỉnh núi cheo leo là tòa thổ lâu vừa vững vàng vừa đơn độc, kiên cường. Đường vào làng cũng như một bài thơ với những vườn bí, mướp xanh ngắt, thẳng tắp trên giàn, suối nước chảy róc rách trên nền những đỉnh núi xa mờ.

Đón du khách ở cổng làng là cô hướng dẫn viên Bao Tiểu Linh (Pao Xiăo Líng), mọi người đều gọi cô là Bao mei mei (muội muội, tức em gái). Cô Bao cũng là người Khách Gia (Hakka, ở Việt Nam còn gọi là người Hẹ) - dân tộc đã kiến thiết nên những thổ lâu độc đáo này. Bao mei mei cho biết có diện tích lớn nhất là thổ lâu ở Vĩnh Định với chiều ngang lên đến 73m, chiều cao 15m, được mệnh danh là “thổ lâu vua”, cũng chính là nơi làm bối cảnh cho bộ phim Mulan, tuy nhiên thổ lâu Nam Tĩnh cũng có diện tích xấp xỉ và độc đáo không kém.

Dù ngày nay các thổ lâu đều có điện và nước sạch, nhưng so với lối sinh hoạt hiện đại thì sống trong thổ lâu vẫn khá bất tiện, đây là đặc điểm chung của những ngôi nhà cổ. Vì thế ngày nay thế hệ trẻ không còn gắn bó nhiều với những tòa thổ lâu xưa cũ, một số đã chuyển ra bên ngoài sinh sống. Thế nhưng cô Bao cho biết vẫn còn hơn 80 hộ với gần 600 người đang sinh sống trong tòa thổ lâu Nam Tĩnh, và giá của một căn hộ nơi đây không hề rẻ so với căn hộ chung cư thông thường, lên đến gần 2 triệu nhân dân tệ, tính ra tiền Việt khoảng 5,4 tỷ đồng.

Thổ lâu phổ biến có 2 loại, hình vuông và hình tròn, nghe nói thổ lâu Điền Loa Khanh còn có hình bầu dục. Được xây dựng từ các vật liệu là đá tảng, đất sét, trứng gà, gạo nếp và thêm những chất liệu kết dính bí mật nào đó của người Khách Gia, bên trong cũng được gia cố thêm tre gỗ, tường của những ngôi thổ lâu Nam Tĩnh bền chắc đáng kinh ngạc. Sau hơn 600 năm xây dựng, trải qua biết bao mưa nắng, biến cố, những bức tường dày đến 2m của thổ lâu vẫn nguyên vẹn, không hề có dấu hiệu rạn nứt hay hư hỏng. Cô Bao kể, năm 1943 trong giai đoạn quân dân Trung Quốc kháng chiến chống phát xít Nhật, một nhóm nông dân khởi nghĩa ở Vĩnh Định đã sử dụng một thổ lâu chống lại sự tấn công của địch. Quân đội Nhật tập trung đến 19 khẩu đại bác bắn phá thổ lâu, nhưng kiến trúc đặc biệt này vẫn đứng vững, chỉ bị một vài vết mẻ ở lớp tường bảo vệ bên ngoài.

Nếu nói về công năng phòng thủ, thiết kế của thổ lâu Phúc Kiến quả đã biến ngôi nhà ở thành một pháo đài thực thụ. Ngoài vòng tường kiên cố, thổ lâu chỉ có một lối ra vào duy nhất với cánh cửa bằng đá hẹp hoặc gỗ dày gia cố thêm sắt thép, các tầng trệt không hề có cửa sổ (từ tầng 3 trở lên mới có), phía trên cùng còn có những lỗ châu mai để ngắm bắn nên kẻ địch hay trộm cướp lọt vào, người trong nhà chỉ cần “đóng cửa đánh chó” là hết đường chạy. Nhờ kiến trúc đặc biệt này, người Khách Gia đã tự bảo vệ mình trong những thời điểm chiến tranh loạn lạc, thổ phỉ cướp bóc như rươi vào cuối đời nhà Minh, nhà Thanh và những cuộc chiến sau này. Không những thế, các nghiên cứu khoa học hiện nay còn bất ngờ cho thấy kiến trúc thổ lâu có thể chống lại động đất, trình độ của người Khách Gia xa xưa thật đáng khâm phục.

Bên trong thổ lâu là những gian nhà gỗ trông như các căn hộ chung cư, mỗi gian có cầu thang gỗ lên các tầng trên, có khoảng 3-5 tầng. Các gian ở tầng dưới dùng để chứa lương thực, sinh hoạt của các hộ bắt đầu từ tầng 2, riêng các thổ lâu có kinh doanh du lịch thì hầu như toàn bộ các gian dưới đều thành nơi bán hàng. Vì nhà bằng gỗ nên bếp nấu đều được đặt ở hành lang bên dưới. Chính giữa thổ lâu là khoảng sân chung, thường đặt gian nhà thờ chung, hai bên là 2 giếng nước để lấy nước sinh hoạt và phòng hỏa hoạn. Nóc các thổ lâu đều lợp ngói, toát lên vẻ cổ xưa. Những khung cửa sổ gỗ ở tầng cao trông xa như những con mắt của tòa nhà.

* Bình yên làng cổ

Đến chiêm ngưỡng thổ lâu mà bỏ qua ngôi làng cổ của người Khách Gia thì sẽ rất đáng tiếc. Theo cô Bao, tổ tiên dân tộc Khách Gia xa xưa vốn sống ở khu vực phía Bắc, vì chiến tranh, loạn lạc mà di cư dần xuống phía Nam. Vốn bản tính hiền lành, nhường nhịn nên người Khách Gia bị đẩy ra khỏi những vùng đất màu mỡ, phải dạt đến các vùng trung du và miền núi đất đai cằn cỗi. Làng của người Khách Gia thường chọn cạnh nguồn nước, suốt hàng trăm năm họ sống đơn giản theo lối tự cấp tự túc, đoàn kết gắn bó với nhau không phân biệt địa vị, giàu nghèo.

Ngôi làng trữ tình của người dân tộc Khách Gia

Ngôi làng trữ tình của người dân tộc Khách Gia

Ngôi làng chúng tôi đến có cái tên rất nên thơ là Vân Thủy Dao. Làng nằm cạnh một con suối trong vắt, chắc vì vậy nên tên làng có chữ Thủy (nước). Dọc bờ suối là những hàng cổ thụ hàng trăm năm tuổi nửa soi bóng nước nửa che mát cho khách bộ hành. Vùng Phúc Kiến vốn là “xứ đá”, đá được khai thác làm nhà, hàng rào, lót đường nên nơi này cũng không ngoại lệ. Đường lớn, lối nhỏ, các bậc thang lên xuống... đâu đâu cũng thấy bóng dáng đá, những viên đá đỡ bước chân người hàng trăm năm qua. Vân Thủy Dao ngoài cây cầu đá “truyền thống” bắc qua suối, còn có những chiếc cầu “không tay vịn” là những phiến đá chữ nhật đặt cao hơn lòng suối, nhìn thật lãng mạn.

Cô Bao cho biết, những năm gần đây nhờ Nhà nước đầu tư làm đường, đưa lưới điện về làng cộng thêm công tác quảng bá nên du lịch ở đây phát triển mạnh mẽ, từ đó đời sống người dân cũng khấm khá hơn. Những ngôi nhà mới tiện nghi dần xuất hiện thay thế cho nhà cũ nát, thế hệ trẻ cũng không còn thích lối sống “tam đại đồng đường” cả thị tộc cùng chung đụng như trước kia nên những ngôi nhà nhỏ cho các gia đình trẻ cũng mọc lên ngày càng nhiều. Nhưng dù xây mới, phần lớn người dân vẫn thích giữ lại kiểu kiến trúc độc đáo của dân tộc, vì thế những “thổ lâu” hiện đại ra đời, vẫn có hình vuông, tròn hoặc chữ nhật, khép kín chỉ có một cổng ra vào, sử dụng vật liệu đá, xi măng hoặc cũng có bằng đất như tổ tiên, những khung cửa sổ gỗ thay thế bằng nhôm kính để tiện lắp máy điều hòa. Hầu như nhà nào cũng có khoảnh vườn trồng rau, đây đó những bầy gà tròn núc ních thơ thẩn kiếm ăn. Cả ngôi làng như cách xa phố thị ngoài kia hàng vạn dặm, làm lòng người đến chợt lắng lại, bình yên đến lạ.

Hà Lam

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202307/ky-dieu-tho-lau-phuc-kien-3172855/