Ký giả Australia vạch trần 'bẫy du lịch' tại Đông Nam Á
Đông Nam Á sở hữu nhiều điểm tham quan thu hút khách quốc tế, tuy nhiên không ít kẻ xấu lợi dụng cơ hội này để lừa đảo, chèn ép hoặc 'chặt chém' khách du lịch.
Bali (Indonesia): Nên tránh xa đền Besakih
Trong bài đăng trên tờ StraitTimes, tác giả Ronan O'Connell cho biết ông thường tham quan các điểm đến tại Bali cùng một tài xế bản địa có tên là Made. Tuy nhiên khi nói về ngôi đền Besakih, tác giả bài viết nhận lời khuyên từ Made rằng không nên vào trong vì "sẽ xảy ra nhiều phiền phức". Theo tài xế này, một số người sống quanh ngôi đền Besakih coi đây là "tài sản riêng" và những người từ nơi khác đến, kể cả người Indonesia, cũng phải nộp các loại tiền khi tham quan.
Ronan O'Connell vẫn muốn bước vào ngôi đền và đồng ý trả tiền vé vào cửa. "Tuy nhiên ngay sau đó, một số người đàn ông địa phương đã tiếp cận và bắt tôi phải thuê một hướng dẫn viên. Made đã dặn tôi điều đó là không đúng, vì vậy tôi lịch sự từ chối và đi tiếp", tác giả kể lại, "Một vài người trong nhóm đó vẫn bám theo tôi và trở nên hung hăng. Một người đã hét lên trước mặt các hướng dẫn viên khác tại đó. Tình huống khó chịu đến mức tôi phải bỏ đi, mặc dù đã di chuyển một quãng đường dài để đến đó".
Quay trở lại xe, Made cho biết ngay cả khi du khách đã trả một khoản phí khá cao cho hướng dẫn viên, những người địa phương vẫn có thể tiếp tục yêu cầu du khách “quyên góp” cho mỗi ngôi đền nhỏ trong khu vực này. Tác giả kết luận du khách nên tránh xa đền Beesakih và chọn điểm đến khác trong số hơn 10.000 ngôi đền tại Bali.
Manila (Philippines): Chiêu trò với xe ngựa kéo
Tại nhiều điểm du lịch nổi tiếng ở Manila, du khách sẽ thấy những người đàn ông tươi cười trên những chiếc xe ngựa kéo màu sắc rực rỡ, hay còn gọi là "kalesa". Thoạt nhìn đây có vẻ là một trải nghiệm du lịch kỳ lạ và đáng nhớ. Những chiếc xe này cũng có vẻ rất “ăn ảnh”, đặc biệt nếu chụp cùng khung cảnh công viên Rizal xinh đẹp hay những di tích kiến trúc kiểu châu Âu tại Intramuros, Manila.
Tuy nhiên, phần ghế ngồi trên loại xe này rất bất tiện cho du khách. Tiếp theo là sự phức tạp của giao thông ở Manila sẽ khiến du khách choáng váng. Hơn nữa, nỗi lo lớn nhất là những chiếc “kalesa” thường gắn với các vụ lừa đảo khách du lịch. Trên xe thường không có đồng hồ tính tiền theo quãng đường, còn các tài xế cố tình lảng tránh nói về mức giá chính xác. Mưu đồ của họ là đưa ra một mức giá "cắt cổ" khi kết thúc chuyến đi; hoặc họ có thể báo giá lúc đầu, rồi cuối cùng lại lật lọng rằng đó chỉ là giá khởi điểm.
Bangkok (Thái Lan): Cảnh giác với quảng cáo về chợ nổi
Tour tham quan chợ nổi được quảng cáo ở hầu hết các nhà nghỉ, khách sạn hay đại lý du lịch trên khắp thủ đô Bangkok. Nhiều du khách muốn dành thời gian ghé thăm các khu chợ nổi độc đáo này. Tuy nhiên, sự thật đôi khi khác xa với vẻ hào nhoáng trên hình ảnh quảng cáo.
Theo tác giả Ronan O'Connell, rất nhiều "chợ nổi" ở Bangkok chỉ tồn tại như một điểm đón khách du lịch, hoặc là nơi chụp ảnh check-in đơn thuần cho giới trẻ. Điều này khác xa chợ nổi tại thành phố Cần Thơ ở Việt Nam, với cuộc sống và hoạt động buôn bán đúng nghĩa đã tạo nên những cảnh tượng tuyệt vời.
Trong khi đó, có những khu chợ ở Bangkok được gọi là "chợ nổi" vì nằm kế bên một con kênh bùn lầy và có thể không có người bán hàng trên thuyền. Khlong Lat Mayom, Khlong Bang Luang và Bang Nam Phueng chỉ là những khu chợ bình thường liền kề với kênh đào, tuy nhiên đây vẫn là những điểm đến thú vị. Còn những địa điểm như Damnoen Saduak, Amphawa hay Taling Chan bị coi là “cạm bẫy” bởi những món đồ đắt đỏ hay những người bán hàng kém thân thiện.
Campuchia: Đóng giả trẻ mồ côi để xin tiền
Cách đây nhiều năm trong một chuyến đi tới Siem Reap (Campuchia), tác giả bài viết đến thăm một trại trẻ mồ côi địa phương, sau lời đề nghị của một tài xế taxi nói rằng nơi đây đang có nguy cơ đóng cửa vì thiếu kinh phí. "Lúc ấy, tôi rất vui khi được giúp đỡ những hoàn cảnh như vậy. Chúng tôi di chuyển tới đó, những đứa trẻ đã đứng sẵn đợi, vây quanh xe và hò reo. Lũ trẻ đưa tôi vào trong lớp học để tham gia những hoạt động vui chơi cùng giáo viên, sau đó cùng nhau thưởng thức những món ăn trong vườn" - Ronan O'Connell kể lại.
Sau đó, nhân viên quản lý đến "tâm sự" với vị khách ngoại quốc về hoàn cảnh khó khăn của đơn vị và mong đợi quyên góp từ các nhà hảo tâm. Ronan O'Connell sau đó đã ủng hộ hơn 100 USD bằng tiền mặt. Tuy nhiên trước lúc rời đi, du khách này cũng cảm nhận được sự thay đổi trong thái độ của những đứa trẻ và nhân viên tại đây: "Giống như tôi vừa được thưởng thức một tiết mục biểu diễn đặc sắc và đã đến lúc phải hạ màn".
Dành thời gian tìm hiểu, tác giả mới biết về sự gia tăng các trại trẻ mồ côi giả mạo ở Campuchia. Trẻ em được đưa tới đóng giả làm trẻ mồ côi, cùng với bọn lừa đảo để bòn rút tiền của khách du lịch. Vào năm 2017, Liên Hợp Quốc đã hợp tác với chính phủ Campuchia truy quét những trại trẻ mồ côi lừa đảo này. Theo đó, có hơn 10.000 trẻ em đóng giả trẻ mồ côi trong các trại trên khắp Campuchia.
Dù vậy, Ronan O'Connell cho biết tại Campuchia vẫn còn những trại trẻ mồ côi thực sự khó khăn và cần giúp đỡ. Vì vậy nếu muốn làm từ thiện trong chuyến du lịch Campuchia, du khách nên tìm hiểu kỹ thay vì nghe theo lời đề nghị bất chợt của một tài xế taxi./.