Kỳ họp HĐND TP Hồ Chí Minh: Quyết tâm không để nợ lời hứa với dân
Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TP.HCM Nguyễn Thị Lệ bày tỏ quyết tâm tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động nhằm phát huy hơn nữa vai trò trách nhiệm của Hội đồng Nhân dân các cấp.
Sau 3 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ, hiệu quả, chiều 9/12, Kỳ họp thứ 23 Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa IX đã bế mạc với trọng tâm là thông qua dự thảo Nghị quyết về nhiệm vụ kinh tế, văn hóa, xã hội năm 2011; Nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp.
Các đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố đã nhất trí chọn chủ đề năm 2021 là “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư” với mục tiêu tổng quát "Tiếp tục thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ đã đề ra, tập trung kiểm soát tốt dịch COVID-19 và triển khai có hiệu quả các chương trình hồi phục kinh tế trên các ngành, lĩnh vực; huy động hiệu quả mọi nguồn lực, không ngừng đổi mới, sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi sổ, xây dựng thành phố thông minh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, xây dựng chính quyền đỏ thị; chủ trong phát triển văn hóa, nâng cao phúc lợi xã hội, xây dựng gia đình hạnh phúc; giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng-an ninh và trật tự an toàn xã hội."
Các đại biểu nhất trí 20 chỉ tiêu về kinh tế, văn hóa, xã hội của thành phố trong năm 2021. Thành phố phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn (GRDP) đạt từ 6% trở lên, duy trì tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP trên 60%; GRDP bình quân đầu người đạt 6.500 USD/người.
Tổng vốn đầu tư xã hội chiếm bình quân khoảng 35% GRDP. Tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào GRDP đạt trên 42%; chi đầu tư cho khoa học và công nghệ của xã hội đạt bình quân trên 0,7%/GRDP. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt 5,7% năm.
Về nhiệm vụ giải pháp trọng tâm thời gian tới, các đại biểu đã cho ý kiến và thống nhất 9 nội dung cần thực hiện gồm: tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả chủ đề năm 2021 “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”; tiếp tục thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ đã đề ra, tập trung kiểm soát tốt dịch COVID-19 và triển khai có hiệu quả các chương trình hồi phục kinh tế trên các ngành, lĩnh vực; triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần XI có hiệu quả ngay từ năm đầu.
Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ nhìn nhận Kỳ họp thứ 23 đã thẳng thắn phân tích, chỉ rõ những khó khăn, thách thức, những bất cập của tình hình kinh tế-xã hội, đề xuất nhiều giải pháp thiết thực để triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021.
Các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số tận dụng thời cơ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đẩy mạnh thiết kế đô thị phục vụ quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ; thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai; tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trên lĩnh vực văn hóa-xã hội và giữ vững ổn định an ninh chính trị, quốc phòng an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của các lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Nguyễn Thị Lệ bày tỏ quyết tâm tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động nhằm phát huy hơn nữa vai trò trách nhiệm của Hội đồng Nhân dân các cấp trên địa bàn.
"Từng đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố cần rà soát toàn bộ công việc; đặc biệt là những nội dung, đầu việc đã hứa với dân để đánh giá kết quả đã thực hiện và xem việc gì còn chưa làm để tập trung giải quyết trên "tinh thần là quyết tâm không để nợ lời hứa với dân thành nợ xấu" - như ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy," Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố nhấn mạnh.
Thời gian tới, Hội đồng Nhân dân thành phố cần tăng cường phối hợp giám sát với các cơ quan, đơn vị nhằm thúc đẩy hoàn thành nhiệm vụ chỉ tiêu kinh tế xã hội năm cuối nhiệm kỳ.
Hội đồng Nhân dân thành phố tiếp tục tập trung giám sát sâu hơn những vấn đề cử tri thành phố quan tâm về triển khai kế hoạch thực hiện mô hình chính quyền đô thị; giám sát thực hiện đề án thành lập thành phố Thủ Đức, trọng tâm là triển khai đề án xây dựng khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông Thành phố; giám sát kế hoạch thực hiện triển khai việc điều chỉnh quy hoạch chung của 3 quận để hình thành quy hoạch chung xây dựng thành phố Thủ Đức.
Đồng thời, Hội đồng Nhân dân thành phố tập trung giám sát việc giải quyết các vụ việc tồn đọng, kéo dài, gây bức xúc trong dân; giám sát về trật tự an toàn xã hội, về vai trò trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, công tác vận động nhân dân để tiếp tục có những mô hình, giải pháp hiệu quả thực thiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI, Nghị quyết Hội đồng Nhân dân thành phố đã đề ra.
Kỳ họp lần thứ 23 Hội đồng Nhân dân thành phố đã nhận được sự đồng thuận cao của đại biểu, trong đó đã tập trung xem xét thông qua 28 Nghị quyết (trong đó có 5 Nghị quyết về công tác nhân sự) có ý nghĩa quan trọng, tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế-xã hội, cuộc sống của người dân; giải quyết những bất cập, tháo gỡ khó khăn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, thực thi pháp luật trong nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội.
Kỳ họp đã dành nhiều thời gian để thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2020, phương hướng nhiệm vụ năm 2021.
Điểm mới của kỳ họp Hội đồng Nhân dân thành phố lần này là đại biểu đã nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng chương trình hành động của từng ứng cử viên được giới thiệu trước khi quyết định bỏ phiếu theo Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược.
Đây cũng là lần đầu tiên, đại biểu, cử tri được nghe những cam kết của các ứng cử viên khi nhận nhiệm vụ; đòi hỏi tinh thần trách nhiệm cao của các đại biểu để góp phần cùng tập thể Thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm trong điều hành, quản lý nhà nước trên các lĩnh vực.
Cũng tại phiên họp, các đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố đã thông qua Nghị quyết về mức chi hỗ trợ đối với người cai nghiện ma túy tự nguyện; nạn nhân mua bán người trở về; hỗ trợ chi phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV/AIDS theo Thông tư 84/2019 của Bộ Tài chính.
Kể từ 1/1/2021, các nạn nhân khi vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội (thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố) sẽ được hỗ trợ tiền ăn từ 1,26-2,1 triệu đồng/tháng (tùy độ tuổi), tiền quần áo, vật dụng cá nhân 700 nghìn đồng trong thời gian lưu trú không quá 3 tháng.
Ngoài ra, các nạn nhân được hỗ trợ tiền tàu, xe nếu có nguyện vọng về nơi cư trú theo giá phương tiện công cộng phổ thông. Riêng trường hợp người bị nạn là người chưa thành niên, cơ quan, đơn vị tiếp nhận, giải cứu, hỗ trợ nạn nhân bố trí cán bộ đưa nạn nhân về nơi cư trú bằng phương tiện của cơ quan hoặc hợp đồng thuê xe bên ngoài và được hỗ trợ 70.000 đồng cho mỗi ngày đi đường.
Nếu người bị nạn chưa có thẻ bảo hiểm y tế, Thành phố sẽ hỗ trợ về y tế theo quy định của Nghị định 136/2013 của Chính phủ và được hỗ trợ tiền thuốc thông thường. Ngoài ra, người bị nạn được hỗ trợ học văn hóa, học nghề. Nạn nhân thuộc hộ nghèo của thành phố sẽ được trợ cấp khó khăn ban đầu với số tiền 2 triệu đồng/người.
Trong trường hợp nạn nhân chết trong thời gian lưu trú tại cơ sở bảo trợ xã hội, sau 24 giờ kể từ khi có kết luận của cơ quan thẩm quyền, thân nhân không đến kịp hoặc không có điều kiện mai táng, cơ sở có trách nhiệm tổ chức mai táng. Chi phí giám định pháp y, mai táng được hỗ trợ là 7,6 triệu đồng/người.
Đối với người cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, tại cộng đồng trên địa bàn thành phố sẽ hỗ trợ tiền thuốc điều trị cắt cơn, giải độc, điều trị rối loạn tâm thần 400.000 đồng/người/lần chấp hành quyết định. Trong trường hợp tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện ma túy công lập của thành phố sẽ hỗ trợ tiền thuốc cắt cơn, giải độc, điều trị rối loạn tâm thần 400.000 đồng/người/lần.
Thành phố sẽ hỗ trợ 100% đối với chi phí điều trị nhiễm trùng cơ hội và thuốc chữa bệnh thông thường, chi phí sàng lọc, đánh giá mức độ nghiện, thực hiện các dịch vụ xét nghiệm theo chỉ định của bác sĩ (bao gồm cả xét nghiệm HIV/AIDS); đồng thời, hỗ trợ tiền ăn là 0,8 mức lương cơ sở/người/tháng, tiền trang bị quần áo và đồ dùng sinh hoạt thiết yếu là 0,9 mức lương cơ sở/người/lần và được hỗ trợ về chỗ ở.
Theo Nghị quyết, đối tượng áp dụng là công dân Việt Nam bị mua bán ở trong nước hoặc bị bán ra nước ngoài được giải cứu đưa về Thành phố Hồ Chí Minh và người chưa thành niên đi cùng nạn nhân.
Nạn nhân là người nước ngoài bị mua bán tại Việt Nam được giải cứu hoặc ra trình báo tại Thành phố Hồ Chí Minh./.