Kỳ họp mở màn đưa 'tàu' ASEAN 2025 'lăn bánh', hướng tới tương lai bao trùm và bền vững
ASEAN 2025 có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển của Cộng đồng cũng như sự tham gia của Việt Nam trong ASEAN. Mặc dù tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp nhưng 'con tàu' ASEAN 2025 đã bắt đầu lăn bánh trong niềm hứng khởi, mở màn bằng Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN.
Theo trang ASEAN Malaysia 2025, năm nay, ASEAN kỷ niệm 10 năm thành lập Cộng đồng ASEAN với đích đến là Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025. Trong một thập kỷ qua, ASEAN đã đạt được những cột mốc quan trọng trong việc thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực.
Để duy trì động lực và vạch ra hướng đi tương lai của khu vực, ASEAN đã có bước đi táo bạo bằng cách xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045, dự kiến được thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 46 tại Kuala Lumpur (Malaysia).
Chủ đề của Malaysia trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2025 là "Bao trùm và Bền vững". Chủ đề này phản ánh khát vọng của ASEAN về nỗ lực phát triển cùng nhau, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau; khẳng định niềm tin của các thành viên ASEAN với những cam kết thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực, trong khuôn khổ bao trùm, bền vững và hướng tới tương lai.
Các ưu tiên chính của Malaysia trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2025 bao gồm:
Một là, tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN bằng cách thúc đẩy lòng tin chiến lược với các đối tác thông qua các cuộc đối thoại, hoạt động ngoại giao trên tinh thần thiện chí. Bên cạnh việc hợp tác giữa các quốc gia thành viên, Malaysia cũng sẽ nỗ lực mở rộng hợp tác kinh tế với các đối tác bên ngoài của ASEAN.
Hai là, thúc đẩy các cam kết lớn hơn, hướng tới việc tăng cường thương mại nội khối và đầu tư của ASEAN. Malaysia sẽ đảm bảo rằng ASEAN có thể tận dụng những tiến bộ trong khoa học, công nghệ và đổi mới, đồng thời khai thác những lợi ích của chuyển đổi số và công nghệ mới.
Ba là, đảm bảo các yếu tố bao trùm và bền vững sẽ trở thành trọng tâm trong các nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN. Điều này đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn nữa nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển và bất bình đẳng, cải thiện mức sống, đồng thời giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Bao trùm và bền vững là hai yếu tố phụ thuộc và củng cố lẫn nhau. Các yếu tố bao trùm và bền vững sẽ được lồng ghép vào cả ba trụ cột hợp tác của ASEAN.
Hội nhập và hợp tác chặt chẽ
Trả lời phỏng vấn Tân Hoa xã gần đây, Bộ trưởng Kinh tế Malaysia Rafizi Ramli cho biết vai trò Chủ tịch ASEAN 2025 sẽ thúc đẩy nỗ lực của đất nước hướng tới hội nhập khu vực sâu rộng hơn, tạo điều kiện cho hoạt động kinh tế và thương mại.
Theo Bộ trưởng Ramli, ASEAN không chỉ duy trì sự trung lập trước những căng thẳng địa chính trị mà còn ưu tiên các mục tiêu phát triển thịnh vượng, có lợi cho đời sống của người dân Hiệp hội.
"Hội nhập và hợp tác chặt chẽ hơn là phản ứng tự nhiên của các nước ASEAN trước sự chuyến biến toàn cầu", Bộ trưởng Ramli nhấn mạnh. ASEAN là một thị trường lớn, tiềm năng, không chỉ thúc đẩy hợp tác nội khối mà còn tăng cường hợp tác với các đối tác trong khu vực và trên thế giới.
Bộ trưởng Ramli cho rằng khi các cơ sở sản xuất và công nghệ của ASEAN phát triển, cùng với thị trường tiêu dùng dự kiến tăng lên khoảng 700 triệu người trong những năm tới, người dân ASEAN sẽ được hưởng lợi từ việc sản xuất chip và xây dựng các trung tâm dữ liệu.
Đón đầu xu hướng này, vừa qua, Malaysia đã ra mắt Khu kinh tế đặc biệt Johor-Singapore (JS-SEZ). Johor, tiểu bang phía Nam của Malaysia, đang hợp tác chặt chẽ với Singapore, tận dụng các kết nối hạ tầng để thúc đẩy kinh tế, giảm các rào cản phi thuế quan. Bộ trưởng Ramli cho rằng mô hình này có thể được nhân rộng hơn trong ASEAN để thúc đẩy hội nhập kinh tế nội khối mạnh mẽ trong tương lai.
Ngoài ra, Bộ trưởng Ramli cũng đề cập tới mô hình ASEAN Power Grid (APG), một sáng kiến kết nối điện khu vực với mong muốn hình thành một mạng lưới điện Đông Nam Á được tích hợp đồng bộ, từ đó hỗ trợ nền kinh tế số. Số hóa là lộ trình tất yếu mà các thành viên ASEAN cần phải thúc đẩy mạnh mẽ. "Bất cứ lĩnh vực nào cần số hóa, chúng ta phải số hóa", Bộ trưởng Ramli nhấn mạnh.
Kỳ họp mang tính định hướng
Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM Retreat) tại Langkawi, Malaysia từ ngày 18-19/1 là sự kiện cấp cao mở màn cho năm ASEAN 2025. Hội nghị sẽ thảo luận về các ưu tiên chính của Malaysia trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2025 theo chủ đề “Bao trùm và Bền vững”, đồng thời vạch ra chương trình nghị sự xuyên suốt năm. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác Timor-Leste, Bendito dos Santos Freitas, sẽ tham dự với tư cách là quan sát viên.
Nhân dịp này, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN cũng sẽ thảo luận về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 và các vấn đề quan trọng khác liên quan đến việc xây dựng Cộng đồng, quan hệ đối ngoại của ASEAN cũng như quan điểm về các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm.
Hội nghị quan chức cấp cao (SOM) của ASEAN dự kiến diễn ra vào ngày 18/1. Hơn 200 đại biểu từ 10 quốc gia thành viên ASEAN và quốc gia quan sát viên Timor-Leste sẽ tham dự hội nghị. Sẽ có khoảng hơn 300 cuộc họp và chương trình quan trọng diễn ra trên khắp Malaysia trong năm Chủ tịch ASEAN 2025. Đây là lần thứ 5 Malaysia đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN, các lần trước đó là năm 1977, 1997, 2005 và 2015.
Nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Utama Haji Mohamad Bin Haji Hasan, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn sẽ tham dự Hội nghị hẹp các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN. Trong khuôn khổ hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dự kiến có các cuộc tiếp xúc song phương với lãnh đạo ngoại giao các nước ASEAN. Hội nghị lần này là bước đi quan trọng, góp phần nâng cao vai trò của Việt Nam trong ASEAN, cũng như đóng góp tích cực vào các mục tiêu chung của khu vực.
Động lực chính thúc đẩy phát triển
Chia sẻ với TG&VN, Đại sứ Malaysia tại Việt Nam Dato’ Tan Yang Thai nhấn mạnh năm nay có ý nghĩa quan trọng đối với cả Malaysia và Việt Nam. Malaysia là Chủ tịch ASEAN 2025 và Việt Nam kỷ niệm 30 năm là thành viên ASEAN. Những đóng góp tích cực của Việt Nam vào sự ổn định khu vực, thương mại và hợp tác đa phương càng củng cố thêm vị thế của Việt Nam như một động lực chính thúc đẩy phát triển trong ASEAN và rộng hơn nữa là khu vực và thế giới.
"Việt Nam đang vươn lên là một thành viên năng động, có ảnh hưởng, không chỉ trong ASEAN mà cả trên trường quốc tế. Tăng trưởng kinh tế ấn tượng, vị trí địa lý chiến lược cùng với sự tham gia chủ động vào các vấn đề khu vực và quốc tế góp phần vào tạo dựng một vị thế ngày càng nổi bật của Việt Nam. Cam kết của Việt Nam đối với đổi mới, phát triển bền vững và phát triển toàn diện rất đáng khen ngợi, bởi vì, những cam kết này đặt nền tảng vững chắc cho sự tiến bộ lâu dài", Đại sứ Dato’ Tan Yang Thai nhận định.
Kinh tế Việt Nam vừa qua được dự báo sẽ tăng trưởng dẫn đầu ASEAN. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cuối năm ngoái đã điều chỉnh tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2025 lên mức 6,6% so với mức 6,2% dự báo trước đó, là mức tăng trưởng GDP cao nhất trong khu vực Ðông Nam Á.
Theo ADB, GDP của Việt Nam năm 2025 có thể tăng trưởng ấn tượng nhờ sự phục hồi mạnh mẽ trong sản xuất, thương mại và các biện pháp tài khóa hỗ trợ.
Tương tự, Ngân hàng Thế giới (WB) nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam lên 6,5% trong năm 2025. Ngân hàng Standard Chartered mới đây cũng cập nhật dự báo triển vọng của kinh tế Việt Nam năm 2025 là tích cực với mức tăng trưởng 6,7%.
Ngân hàng UOB cũng nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2025 lên 7% từ mức trước đó là 6,6%. Quyết định đưa ra sau khi nền kinh tế tăng trưởng 7,09% năm ngoái, vượt xa mức dự báo chung của thị trường là 6,7% và mục tiêu là 6,5%.
Với những kỳ vọng đó, Việt Nam chắc chắn sẽ có những đóng góp ngày càng mạnh mẽ hơn cho các mục tiêu hội nhập kinh tế nội khối và thúc đẩy hợp tác với các đối tác bên ngoài của ASEAN, góp phần vào việc hiện thực hóa các chương trình nghị sự ASEAN 2025 trên tinh thần "Bao trùm và Bền vững".