Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định cơ cấu tổ chức Chính phủ, tổ chức bộ máy các cơ quan của Quốc hội
Dự kiến, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền như cơ cấu tổ chức Chính phủ, cơ cấu bộ ngành, cơ quan ngang bộ của Chính phủ; tổ chức bộ máy các cơ quan của Quốc hội, VPQH; danh sách thành viên các Ủy ban (dự kiến vào ngày 17/2/2025).
Tại Hội nghị Giao ban báo chí chiều 11/2, Văn phòng Quốc hội có Báo cáo chuyên đề Kỳ họp bất thường lần thứ 9 tới các cơ quan báo chí. Theo đó, Kỳ họp bất thường lần thứ 9 dự kiến họp trong 7,5 ngày (khai mạc sáng 12/2, dự kiến bế mạc sáng 19/2/2025).
![Tòa nhà Quốc hội Việt Nam. Ảnh: Lâm Hiển.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_94_51451630/e4b40af83fb6d6e88fa7.jpg)
Tòa nhà Quốc hội Việt Nam. Ảnh: Lâm Hiển.
Về công tác lập pháp:Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 4 luật, gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi);
Bên cạnh đó, Quốc hội xem xét, thông qua 5 Nghị quyết, gồm: Nghị quyết của Quốc hội quy định về việc xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước; Nghị quyết của Quốc hội về việc tổ chức các cơ quan của Quốc hội; Nghị quyết của Quốc hội về số thành viên của UBTVQH khóa XV (sửa đổi); Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (sửa đổi); Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (sửa đổi).
Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền như cơ cấu tổ chức Chính phủ, cơ cấu bộ ngành, cơ quan ngang bộ của Chính phủ; tổ chức bộ máy các cơ quan của Quốc hội, VPQH; danh sách thành viên các Ủy ban (dự kiến vào ngày 17/2/2025).
Văn phòng Quốc hội lưu ý tới các cơ quan báo chí trong công tác tuyên truyền, cụ thể:
Đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội: Tập trung tuyên truyền về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, mục đích, quan điểm xây dựng Luật. Trong đó nhấn mạnh, căn cứ các ý kiến định hướng, chỉ đạo của Trung ương, việc rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các luật, nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH liên quan đến tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc UBTVQH và VPQH gắn với việc tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là hết sức cần thiết.
Đối với Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi):Phản ánh trung thực, đầy đủ, khách quan theo nội dung đã được thể hiện trong các tài liệu chính thức của Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội. Trong đó, tập trung tuyên truyền về việc sửa đổi toàn diện Luật Tổ chức Chính phủ nhằm: Thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng về tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ; Thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; Khắc phục một số hạn chế, bất cập của Luật hiện hành đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ…
Đối với Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi):Cần tập trung tuyên truyền về sự cần thiết sửa đổi Luật, nhấn mạnh cùng với yêu cầu khẩn trương tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và tiến hành "cuộc cách mạng" về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các luật về tổ chức bộ máy nhà nước, trong đó có Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) nhằm tạo lập hành lang pháp lý để các cơ quan, tổ chức trong bộ máy nhà nước sau sắp xếp đi vào hoạt động, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, thống nhất, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển mới.
Đối với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi): Tập trung tuyên truyền sự cần thiết, quan điểm chỉ đạo xây dựng luật,trong đó nhấn mạnh sự cần thiết ban hành Luật nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật; thực hiện nghiêm quan điểm đổi mới tư duy xây dựng pháp luật đã được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước quán triệt thời gian qua; bảo đảm đồng bộ, thống nhất, phù hợp với những thay đổi trong cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong bộ máy nhà nước sau khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy; tăng cường vai trò chủ động của Chính phủ…
Bên cạnh đó, Văn phòng Quốc hội cũng lưu ý báo chí cần tập trung tuyên truyền về Đề án bổ sung về phát triển KT-XH năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên; Chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng;Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hà Nội và TP HCM; Phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ giai đoạn 2024-2026 của Công ty mẹ - Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam.