Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV: Dành nhiều thời gian cho nội dung kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước
Ngày 20/10/2020, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Hà Nội. Trong chương trình làm việc 19 ngày của Kỳ họp, bên cạnh việc tập trung thời gian cho công tác xây dựng pháp luật, kinh tế xã hội, công tác giám sát, Quốc hội sẽ dành thời gian xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng còn lại trong Chương trình công tác nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.
Thông tin tại buổi họp báo chiều ngày 19/10/2020 về dự kiến chương trình Kỳ họp, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn cho biết, Kỳ họp được tiến hành theo 2 đợt. Đợt 1 họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến các điểm cầu tại Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (từ ngày 20/10 đến ngày 27/10/2020). Đợt 2 họp tập trung tại Nhà Quốc hội (từ ngày 2/11 đến ngày 17/11/2020). Quốc hội họp phiên bế mạc vào ngày 17/11/2020.
Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành 7 ngày cho công tác xây dựng pháp luật để xem xét, thông qua 7 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến đối với 4 dự án luật khác. Các dự án luật, nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua, gồm: Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Luật Biên phòng Việt Nam; Luật Thỏa thuận quốc tế; Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Cư trú (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).
Cùng với đó, các dự thảo Nghị quyết được xem xét thông qua gồm Nghị quyết của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hồ Chí Minh; Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh vào hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế.
Do là Kỳ họp cuối năm nên nội dung về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước được Quốc hội dành nhiều thời gian xem xét, quyết định. Đó là các nội dung về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2021 (gồm báo cáo kết quả giải trình về an ninh nguồn nước, quản lý an toàn hồ, đập và thực trạng, giải pháp phát triển điện lực; kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng).
Bên cạnh đó là các nội dung các báo cáo kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm 2016 - 2020: phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn; dự kiến mục tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế, xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025; các kế hoạch: tài chính 5 năm, đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.
Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, tại Kỳ họp này, Quốc hội dành 2,5 ngày để xem xét các báo cáo và tiến hành chất vấn về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII. Do đây là kỳ họp cuối năm và là năm cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV nên Quốc hội không tiến hành giám sát chuyên đề.
Bên cạnh đó, Quốc hội tiến hành thảo luận, góp ý kiến về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; quyết định ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Tại Kỳ họp này, Quốc hội cũng xem xét, quyết định phê chuẩn việc miễn nhiệm, bổ nhiệm nhân sự Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; phê chuẩn việc miễn nhiệm nhân sự Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự Bộ trưởng Bộ Y tế, nhân sự Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc, Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh.
Theo chương trình dự kiến, bên cạnh phiên khai mạc và bế mạc Kỳ họp, các phiên thảo luận về kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước; phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên Đài Tiếng nói Việt Nam; Đài Truyền hình Việt Nam và Truyền hình Quốc hội Việt Nam giúp cử tri và nhân dân cả nước trực tiếp theo dõi về hoạt động của Quốc hội tại Kỳ họp.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho biết, tại Kỳ họp này, Quốc hội dành 1 ngày thảo luận tại tổ về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng để nhiều đại biểu được đóng góp ý kiến.
Về việc rút dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn ra khỏi chương trình Kỳ họp thứ 10, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, dự thảo Luật Công đoàn còn nhiều vấn đề chưa đủ điều kiện nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định trả lại để cơ quan soạn thảo tiếp tục hoàn thiện nội dung, báo cáo đánh giá tác động trước khi trình ra Quốc hội.
Quốc hội sẽ dành phút mặc niệm Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó Tư lệnh Quân khu 4, đại biểu Quốc hội khóa XIV thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình đã hy sinh khi giúp người dân miền Trung chống bão lũ vừa qua.