Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV dành 7 ngày xem xét, quyết định về công tác nhân sự Nhà nước
Sáng 23-3, Văn Phòng Quốc hội (QH) tổ chức họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV. Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chủ trì họp báo.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Kỳ họp thứ 11, QH khóa XIV là kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ QH khóa XIV, nên bên cạnh công tác xây dựng pháp luật, xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, QH còn tập trung thời gian cho tổng kết công tác nhiệm kỳ của các cơ quan Nhà nước, QH và Chính phủ. Đặc biệt, tại kỳ họp này, QH cũng dành nhiều thời gian để kiện toàn nhân sự lãnh đạo Nhà nước.
Tại kỳ họp này, QH dành khoảng 4 ngày rưỡi để xem xét dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của QH; xem xét các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ QH, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước.
Tại kỳ họp, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 11, QH khóa XIV. Ủy ban Thường vụ QH báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 10, QH khóa XIV.
Bên cạnh đó, Hội đồng Bầu cử Quốc gia báo cáo kết quả hoạt động từ khi thành lập đến tháng 3-2021; xem xét, quyết định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026…
“QH khóa XIV có nhiều đổi mới, trong đó nổi bật là đã áp dụng công nghệ thông tin nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội; hệ thống pháp luật được cập nhật, sửa đổi kịp thời, đáp ứng yêu cầu đời sống xã hội của đất nước; đặc biệt, công tác chất vấn, trả lời chất vấn được đổi mới, thực hiện linh hoạt, nâng cao công tác giám sát của QH và giải quyết hiệu quả các vấn đề “nóng” của đời sống kinh tế - xã hội, được nhân dân đánh giá cao” - ông Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh.
Đặc biệt, QH dành khoảng 7 ngày để xem xét, quyết định về công tác nhân sự Nhà nước. Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, Kỳ họp này, QH sẽ kiện toàn 25 chức danh Nhà nước, trong đó Quốc hội bầu Chủ tịch nước, Chủ tịch QH và phê chuẩn chức vụ Thủ tướng Chính phủ, một số thành viên Chính phủ.
Ngoài ra, QH sẽ dành thời gian khoảng 0,5 ngày để xem xét, thông qua dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). Dự án Luật này đã được QH xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV. Theo đó, dự thảo Luật gồm 5 chương, 54 điều (giảm 2 điều so với Luật cũ). Phạm vi điều chỉnh của Luật bao gồm: phòng, chống ma túy; quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; cai nghiện ma túy; trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống ma túy; quản lý nhà nước và hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy.
Dự thảo Luật phòng, chống ma túy (sửa đổi) có một số điểm mới, bao gồm: Bổ sung nội dung về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy và cai nghiện ma túy trong phạm vi điều chỉnh. Bổ sung 4 nhóm hành vi bị nghiêm cấm bao gồm: Giao nhận, quản lý, kiểm soát, lưu giữ, cấp phát chất ma túy, tiền chất, cho phép người sử dụng chất ma túy, thuốc gây nghiện hoặc thuốc hướng thần trái quy định của pháp luật; chống lại hoặc cản trở việc xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể, xác định tình trạng nghiện ma túy; hướng dẫn trồng cây có chứa chất ma túy, sản xuất trái phép chất ma túy, sử dụng chất ma túy, quảng cáo, tiếp thị chất ma túy dưới mọi hình thức; kỳ thị, phân biệt đối xử với người cai nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy.
Đồng thời, bổ sung một số chính sách của Nhà nước như ưu tiên nguồn lực phòng, chống ma túy cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, khu vực biên giới, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và phức tạp về ma túy; chế độ ưu đãi theo quy định của Chính phủ đối với cơ quan chuyên trách phòng, chống ma túy, người làm công tác cai nghiện ma túy tại các cơ sở cai nghiện ma túy công lập.