Kỳ họp thứ 17 HĐND tỉnh: Xem xét các tờ trình, báo cáo quan trọng
Kỳ họp thứ 17 HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVIII xem xét, đánh giá tình hình phát triển KT-XH của tỉnh năm 2023; kế hoạch, giải pháp năm 2024 và quyết nghị một số cơ chế, chính sách quan trọng.
Sáng nay (6/12), HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVIII khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 17.
Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng và các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh: Trần Tú Anh, Trần Văn Kỳ chủ tọa kỳ họp.
Dự kỳ họp có ông Phan Thanh Hải - Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước khu vực II; Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Bùi Thị Quỳnh Thơ; Đại tá Đoàn Xuân Bường - Phó Chính ủy Quân khu 4.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh, các Ủy viên BTV Tỉnh ủy, các vị ĐBQH, đại biểu HĐND tỉnh tham dự.
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng nhấn mạnh: Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, nhưng dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, đổi mới trong hoạt động của HĐND, điều hành của UBND tỉnh, trên các lĩnh vực, địa bàn đã đạt được những kết quả toàn diện.
Trên cơ sở Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được xác định tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ của BHC Đảng bộ tỉnh, Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh khóa XVIII sẽ bàn, quyết định nhiều nhóm vấn đề trọng tâm như: đánh giá tình hình kinh tế - xã hội năm 2023, giảp pháp nhiệm vụ năm 2024; bàn và quyết nghị nhiều cơ chế chính sách trên các lĩnh vực; chất vấn và trả lời chất vấn các thành viên ủy ban; lấy phiếu tín nhiệm người được HĐND tỉnh bầu...
Để hoàn thành các nội dung quan trọng của kỳ họp, chủ tọa đề nghị các vị đại biểu phát huy dân chủ, trí tuệ, tập trung đóng góp nhiều ý kiến vào các nội dung, nhất là đề xuất các mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 sát tình hình thực tiễn.
Trong thời gian diễn ra kỳ họp, HĐND tỉnh đề nghị cử tri, Nhân dân tỉnh nhà tham gia ý kiến, góp phần vào thành công của kỳ họp.
Sau phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh đã báo cáo tóm tắt tình hình KT-XH năm 2023; phương hướng, nhiệm vụ năm 2024.
Năm 2023, Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và HĐND tỉnh đề ra 29 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu. Dự kiến có 26/29 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, 2 chỉ tiêu không đạt, 1 chỉ tiêu không đánh giá (chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh - DTI).
Trong đó, tăng trưởng kinh tế đạt 8,05%. Sản xuất công nghiệp lấy lại đà tăng trưởng; chỉ số sản xuất toàn ngành ước tăng 8% (năm 2022 giảm 16%); nông nghiệp được mùa toàn diện. Kim ngạch xuất khẩu đạt 2,4 tỷ USD (vượt 20% kế hoạch). Triển khai các dự án công nghiệp trọng điểm có nhiều tín hiệu tích cực.
Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội ước đạt 50.200 tỷ đồng, đạt 112% kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, có 2 chỉ tiêu dự kiến không đạt kế hoạch là thu ngân sách và xây dựng nông thôn mới. Tổng thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 17.422 tỷ đồng, đạt 92% dự toán tỉnh giao. Đến nay, Hà Tĩnh hoàn thành 2/10 tiêu chí tỉnh nông thôn mới.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội đạt nhiều dấu ấn nổi bật; có thêm danh nhân được UNESCO ghi danh. Thể thao thành tích cao tiếp tục gặt hái nhiều thành công. Giáo dục đại trà chuyển biến tích cực; giáo dục mũi nhọn khẳng định được vị thế quốc gia, quốc tế. Công tác phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe Nhân dân tiếp tục được triển khai chủ động, tích cực. Chính sách lao động việc làm, người có công và an sinh xã hội được triển khai đồng bộ với nhiều mô hình, cách làm hay. Dự kiến, tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2023 còn 3,04%, giảm 0,75% so với cuối năm 2022. Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, kỷ luật kỷ cương có nhiều chuyển biến. Nhiệm vụ chuyển đổi số được các cấp, ngành, địa phương quan tâm thực hiện.
Quốc phòng, an ninh được tăng cường; tổ chức thành công diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh. Công tác đối ngoại tiếp tục được triển khai đồng bộ, tích cực.
Năm 2024, Hà Tĩnh dự kiến xây dựng 28 chỉ tiêu, trong đó một số chỉ tiêu trọng tâm như: tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP đạt 8 - 8,5%; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 51 triệu đồng/năm; tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 17.500 tỷ đồng; phấn đấu 100% huyện, thành phố, thị xã đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm đạt 0,6 - 1%; 98% xã, phường, thị trấn đạt cơ sở vững mạnh toàn diện...
Để đạt mục tiêu, tỉnh xác định 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp gồm: tập trung triển khai các nhiệm vụ lớn, trọng tâm; chú trọng thu hút đầu tư; phát triển sản xuất công nghiệp; duy trì ổn định sản xuất nông nghiệp, xây dựng NTM; nâng cao sức cạnh tranh của du lịch, thương mại, dịch vụ; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính; phát huy đoàn kết, tạo đồng thuận trong Nhân dân...
Tiếp đó, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Sau 22,5 ngày làm việc (đợt 1 từ ngày 23/10 đến ngày 10/11/2023; đợt 2 từ ngày 20/11 đến sáng ngày 29/11/2023), với tinh thần đổi mới, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, khẩn trương và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra.
Kỳ họp đã tiến hành thông qua 7 luật, 9 nghị quyết, cho ý kiến lần 3 đối với 1 dự án luật, cho ý kiến lần 2 đối với 1 dự án luật, cho ý kiến lần đầu đối với 8 dự án luật khác; lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; tiến hành giám sát tối cao chuyên đề; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét, quyết định các vấn đề về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; xem xét báo cáo về tổng hợp kiến nghị của cử tri và Nhân dân, báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, cùng một số nội dung quan trọng khác.
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tinh thần trách nhiệm cao, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh đã tích cực tham gia hiệu quả các nội dung chương trình nghị sự, góp phần quan trọng vào thành công chung của kỳ họp.
Phiên làm việc buổi sáng cũng diễn ra với các nội dung: Giám đốc Sở Tài chính Trịnh Văn Ngọc báo cáo thực hiện dự toán thu, chi ngân sách Nhà nước năm 2023; quyết định dự toán thu, chi ngân sách Nhà nước năm 2024; kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước 3 năm 2024 - 2026; các tờ trình: Mức thu, đơn vị tính phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản; Quy định mức hỗ trợ cụ thể cho người được phân công trực tiếp giúp đỡ người được áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trần Việt Hà báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2023; nhiệm vụ, giải pháp năm 2024; Tờ trình Quyết định và quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công.
Giám đốc Sở Nội vụ Lê Minh Đạo báo cáo tình hình thực hiện biên chế công chức trong các cơ quan hành chính, số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức hội năm 2023; kế hoạch biên chế năm 2024.
Giám đốc Sở Công thương Hoàng Văn Quảng trình bày Tờ trình về một số chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics và xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025.
Giám đốc Sở Ngoại vụ Thái Phúc Sơn trình bày Tờ trình Quy định chế độ hỗ trợ đào tạo lưu học sinh Lào học tập tại các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2023 - 2025.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Trí Lạc trình bày các tờ trình về: Quy định một số chính sách hỗ trợ người cai nghiện ma túy, người được giao nhiệm vụ hỗ trợ cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng và trợ cấp đặc thù đối với viên chức, người lao động làm việc tại cơ sở cai nghiện ma túy và cơ sở trợ giúp xã hội công lập trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 70/2022/NQ-HĐND ngày 15/7/2022 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2022 - 2025; Bãi bỏ Nghị quyết số 36/NQ-HĐND ngày 15 tháng 12 năm 2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc thông qua Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Phiên làm việc buổi sáng cũng nghe Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách Nguyễn Thị Thúy Nga, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội Đào Thị Anh Nga, Trưởng ban Pháp chế Nguyễn Thị Nhuần trình bày báo cáo thẩm tra trên các lĩnh vực của các ban HĐND tỉnh.
Kết thúc phiên làm việc, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Phạm Thị Thu Hà báo cáo tóm tắt của Ủy ban MTTQ tỉnh về kết quả thực hiện nhiệm vụ tham gia giám sát và xây dựng chính quyền năm 2023.
Theo đó, qua giám sát, cử tri mong muốn các đại biểu HĐND tỉnh tiếp tục quan tâm, dành nhiều thời gian gặp gỡ, đối thoại để nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của cử tri; đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp giải quyết các trường hợp chưa đồng tình trong giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Bắc - Nam...
Cử tri và Nhân dân băn khoăn, lo lắng về tình trạng thiếu và chất lượng nước sạch sinh hoạt ở một số địa phương; tình trạng thiếu vật tư, sinh phẩm, hóa chất thuốc chữa bệnh theo danh mục bảo hiểm y tế tại các cơ sở y tế; việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới...
Chiều nay, kỳ họp tiếp tục diễn ra với phần báo cáo trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 17 và tiến hành phiên thảo luận tại hội trường về các nội dung của kỳ họp.
Kỳ họp diễn ra trong 3 ngày (6 - 8/12) tại hội trường tầng 1, UBND tỉnh.
Trong thời gian kỳ họp diễn ra, cử tri và Nhân dân tỉnh nhà có ý kiến, kiến nghị đề nghị liên hệ qua số điện thoại: 02393.853.032 hoặc gửi thư điện tử qua địa chỉ: thuky.hdndht@hatinh.gov.vn