Kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh khóa XVIII: Kết quả giám sát việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2023

Trong khuôn khổ chương trình Kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra chiều 8/7, đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã trình bày báo cáo kết quả giám sát việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2023 gửi đến Kỳ họp.

Đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh trình bày báo cáo tại Kỳ họp.

Đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh trình bày báo cáo tại Kỳ họp.

I. TÌNH HÌNH VÀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, quản lý thực hiện Chương trình

Thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025, căn cứ vào các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, Tỉnh ủy đã ban hành 6 văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo, thành lập Ban chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; HĐND tỉnh ban hành 8 nghị quyết quy phạm pháp luật và 11 nghị quyết về phân bổ, điều chỉnh vốn ngân sách Trung ương; UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành 5 kế hoạch, 18 quyết định và nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn để triển khai tổ chức thực hiện Chương trình. Các sở, ban, ngành của tỉnh theo thẩm quyền được giao đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao tại dự án, tiểu dự án thành phần.

Các đơn vị cấp huyện, cấp xã đã thành lập (hoặc kiện toàn) Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia, tạo sự thống nhất và phối hợp chặt chẽ trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giữa các ngành, địa phương và phân công thành viên Ban chỉ đạo theo dõi, phụ trách, hỗ trợ các xã, thị trấn và khu phố, thôn, bản trên địa bàn.

2. Công tác thông tin, tuyên truyền

Các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị từ huyện đến cơ sở đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung về Chương trình 1719 bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với từng địa phương, đơn vị. Qua đó, nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân có sự chuyển biến tích cực, tạo được sự đồng thuận trong Nhân dân. Từ đó các huyện đã chủ động phát huy lợi thế và đã quyết tâm tổ chức, triển khai Chương trình đảm bảo tiến độ và hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh trên địa bàn.

3. Công tác quản lý thực hiện chương trình

Thực hiện Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ Quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; Nghị định số 38/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ và các Thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương.

Trong thời gian qua, công tác điều hòa, phối hợp và phân cấp trong quản lý, điều hành thực hiện Chương trình 1719 đã được UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh và các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện. UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo và giao cho Ban Dân tộc tỉnh là cơ quan thường trực Chương trình, các sở, ban, ngành đoàn thể cấp tỉnh được giao chủ trì một số dự án, tiểu dự án của Chương trình.

Công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành đoàn thể cấp tỉnh và UBND cấp huyện được quan tâm, thường xuyên có sự trao đổi, phối hợp, hướng dẫn tổ chức thực hiện; kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc hoặc đề xuất với cấp trên những vấn đề vượt thẩm quyền.

4. Công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình

Cấp ủy, chính quyền, Ban chỉ đạo các cấp luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch về tổ chức giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình, từ năm 2021 đến năm 2023 đã tổ chức 13 hội nghị trực tuyến với các sở, ngành và địa phương để đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đẩy mạnh giải ngân vốn của Chương trình. Thông qua công tác kiểm tra, giám sát đã kịp thời chỉ đạo xử lý vướng mắc theo thẩm quyền, tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quy ền sửa đổi, bổ sung những vấn đề còn bất cập, đề xuất giải pháp phù hợp với thực tiễn, như: Nghị quyết số 12/2023/NQ-HĐND ngày 29/9/2023 về sửa đổi bổ sung Điều 6 và một số nội dung phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết số 258/2022/NQ-HĐND ngày 13/7/2022; Nghị quyết số 09/2023/NQ-HĐND ngày 29/9/2023 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị quyết số 06/2022/NQ-HĐND ngày 11/12/2022...

Các địa phương trong tỉnh đã thành lập Ban giám sát cộng đồng để tổ chức giám sát các hoạt động liên quan đến dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần. Kết quả hoạt động của Ban giám sát cộng đồng trong tổ chức thực hiện Chương trình góp phần đảm bảo chất lượng và hiệu quả của các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần.

Các đại biểu tham dự tại Kỳ họp.

Các đại biểu tham dự tại Kỳ họp.

II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ DỰ ÁN, NỘI DUNG THÀNH PHẦN THUỘC CHƯƠNG TRÌNH GIAI ĐOẠN 2021 - 2023

1. Mục tiêu theo Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội.

2. Mục tiêu theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Chi tiết xem tại đây: (SC_2024-07-03_1_20240703171329044_1_240707_170707.pdf)

III. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

1. Công tác phân bổ vốn

1.1. Tổng nguồn vốn ngân sách Trung ương giao thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 - 2023: 1.154.374 triệu đồng, trong đó:

- Nguồn vốn đầu tư phát triển: 548.917 triệu đồng;

- Nguồn vốn sự nghiệp: 605.457 triệu đồng.

1.2. Tổng nguồn vốn đã được HĐND tỉnh phân bổ cho các huyện, thị, đơn vị, chủ dự án thành phần: 1.097.293,2 triệu đồng, đạt 95,05% kế hoạch Trung ương giao, trong đó:

- Nguồn vốn đầu tư phát triển: 548.917 triệu đồng, đạt 100% kế hoạch;

- Nguồn vốn sự nghiệp: 548.376,2 triệu đồng, đạt 90,57% kế hoạch.

1.3. Tiến độ giải ngân: Đã giải ngân: 748.782,5 triệu đồng, đạt 68,2% kế hoạch vốn được giao, trong đó:

- Vốn đầu tư phát triển là 474.298 triệu đồng, đạt 86,4% kế hoạch;

- Vốn sự nghiệp là 274.484,5 triệu đồng, đạt 50,1% kế hoạch.

2. Kết quả thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần

2.1. Dự án 1: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt

(i) Tổng số vốn đã được phân bổ là 155.564 triệu đồng, trong đó:

- Vốn đầu tư phát triển: 92.716 triệu đồng, giải ngân được 69.193 triệu đồng, đạt 74,6 % kế hoạch;

- Nguồn vốn sự nghiệp: 62.848 triệu đồng, giải ngân được 37.627 triệu đồng, đạt 59,0 % kế hoạch.

(ii) Kết quả đã thực hiện:

- Đối với nguồn vốn đầu tư: Đã thực hiện hỗ trợ cho 340 hộ làm nhà ở, còn 6 hộ đang triển khai thực hiện. Đầu tư 32 công trình nước sinh hoạt tập trung, đến nay đã có 18/32 dự án đã hoàn thành, 14/32 dự án đang triển khai thực hiện.

- Đối với nguồn vốn sự nghiệp: Các huyện, thị xã đã hỗ trợ cho 9.387 hộ mua dụng cụ chứa nước sinh hoạt phân tán với số tiền là 37.627 triệu đồng; số còn lại các huyện, thị xã đang rà soát đối tượng để thực hiện hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán, hỗ trợ máy móc nông cụ và chuyển đổi nghề.

2.2. Dự án 2: Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết

(i) Số vốn đã phân bổ: 27.335 triệu đồng, trong đó:

- Vốn đầu tư phát triển: 26.824 triệu đồng, giải ngân được 26.804 triệu đồng, đạt 99,9% kế hoạch;

- Vốn sự nghiệp: 511 triệu đồng, đến thời điểm báo cáo chưa giải ngân.

(ii) Kết quả đã thực hiện:

- Đối với nguồn vốn đầu tư: Thực hiện hỗ trợ đầu tư cho 3 dự án sắp xếp, ổn định dân cư tập trung trên địa bàn các huyện Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn. Đến nay các dự án đã phê duyệt, đang trong quá trình triển khai thực hiện.

- Đối với nguồn vốn sự nghiệp: Thực hiện hỗ trợ di dời cho các hộ dân thuộc dự án ổn định dân cư tập trung trên địa bàn các huyện Quan Sơn. Hiện nay, UBND huyện đang tập trung triển khai thực hiện các hạng mục xây lắp hạ tầng, sau khi hoàn thành sẽ hỗ trợ di dời các hộ dân sang nơi ở tập trung.

2.3. Dự án 3: Phát triển sản xuất nông lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị

(i) Tổng số vốn đã phân bổ là 133.637,2 triệu đồng, giải ngân được 86.044 triệu đồng, đạt 64,4% kế hoạch được giao.

(ii) Kết quả đã thực hiện:

a) Tiểu dự án 1: Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân: Các đơn vị đã t hực hiện hỗ trợ khoán bảo vệ, hỗ trợ bảo vệ 211.239,9 ha rừng; còn lại 425,46 ha của huyện Thạch Thành do công tác phê duyệt hồ sơ thiết kế, dự toán thực hiện chậm nên đơn vị chưa thực hiện việc chi trả kinh phí hỗ trợ cho người dân trong năm 2023, nên kinh phí đã chuyển nguồn sang thực hiện năm 2024.

b) Tiểu dự án 2: Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi:

Đối với cấp tỉnh (chuỗi liên kết cấp tỉnh thực hiện trên địa bàn 2 huyện trở lên): Hiện nay, Chủ tịch UBND tỉnh đã phê duyệt 8 dự án chuỗi giá trị cấp tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh đã ký hợp đồng với 5 đơn vị chủ trì liên kết/5 dự án, các dự án đang triển khai thực hiện; 3 dự án sở Tài chính đang thẩm định dự toán để trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt.

Đối với cấp huyện (chuỗi liên kết cấp huyện thực hiện trên địa bàn 2 xã trở lên): Có 4/12 huyện đã phê duyệt 29 dự án, đang triển khai thực hiện; 8/12 huyện còn lại đang triển khai lập, thẩm định, phê duyệt dự án.

Một góc khu tái định cư Sa Ná, xã Na Mèo (Quan Sơn).

Một góc khu tái định cư Sa Ná, xã Na Mèo (Quan Sơn).

2.4. Tiểu dự án 1, Dự án 4: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

(i) Tổng số vốn đã phân bổ: 287.481,1 triệu đồng, trong đó:

- Vốn đầu tư phát triển: 265.050,1 triệu đồng, giải ngân được: 243.076 triệu đồng, đạt 91,7% kế hoạch;

- Vốn sự nghiệp: 22.431 triệu đồng, giải ngân được: 21.134 triệu đồng, đạt 94,2% kế hoạch.

(ii) Kết quả đã thực hiện:

- Đối với nguồn vốn đầu tư: Thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu xã đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu, thôn đặc biệt khó khăn (332 công trình); đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa các trạm y tế xã (09 công trình); đầu tư cứng hóa đường giao thông (14 công trình); đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp mạnh lưới chợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (9 công trình). Đến nay, đã hoàn thành 248/364 công trình, còn 116/364 công trình đang triển khai thực hiện.

- Đối với nguồn vốn sự nghiệp: Đã hỗ trợ duy tu, bảo dưỡng 55 công trình trên địa bàn thôn bản đặc biệt khó khăn; hỗ trợ trang thiết bị 8/9 trạm y tế xã; còn 1/9 trạm y tế đang triển khai thực hiện.

2.5. Dự án 5: Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực:

(i) Tổng số vốn đã phân bổ: 345.460,9 triệu đồng, trong đó:

- Vốn đầu tư phát triển: 115.436,9 triệu đồng, đã giải ngân được 101.490 triệu đồng, đạt 87,9% kế hoạch;

- Vốn sự nghiệp: 230.204 triệu đồng, đã giải ngân được: 64.261 triệu đồng, đạt 27,9% kế hoạch.

(ii) Kết quả đã thực hiện:

a) Tiểu dự án 1: Đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

- Đối với nguồn vốn đầu tư được giao: 115.436,9 triệu đồng, thực hiện hỗ trợ đầu tư cho 28 công trình trường học dân tộc nội trú, dân tộc bán trú và trường phổ thông có học sinh bán trú. Đến nay, có 16/28 công trình đã hoàn thành, 12/28 công trình đang triển khai thực hiện.

- Đối với nguồn vốn sự nghiệp được giao: 48.262 triệu đồng, trong đó:

+ Nguồn vốn năm 2022, Sở Giáo dục và Đào tạo đã hoàn thành việc tham mưu trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt thực hiện nội dung đầu tư trang cấp thiết bị, đồ dùng dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú; Sở Giáo dục và Đào tạo đã gửi Sở Tài chính thực hiện việc thẩm định, tham mưu trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt dự toán chi tiết và kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

+ Nguồn vốn năm 2023: Sở Giáo dục và Đào tạo đã trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt dự án thành phần. Đến nay, đang chờ phê duyệt, sau khi được phê duyệt, Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục triển khai thực hiện theo quy định.

b) Tiểu dự án 2: Bồi dưỡng kiến thức dân tộc; đào tạo dự bị đại học, đại học và sau đại học đáp ứng nhu cầu nhân lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: Kinh phí giao: 22.947 triệu đồng. Hiện nay, các đơn vị đã tổ chức 21 lớp/2.451 học viên và đã giải ngân 4.963 triệu đồng, bằng 21,6% kế hoạch.

c) Tiểu dự án 3: Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi: Nguồn vốn giao là 147.666 triệu đồng, đến nay các đơn vị đã in 55.000 tờ rơi và tổ chức 594 hội nghị và lớp tập huấn đào tạo nghề, trong đó: Có 11 lớp tập huấn nâng cao năng lực kiến thức khởi nghiệp; 2 ngày hội tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp và hỗ trợ việc làm cho học sinh Trường Trung cấp nghề Thạch Thành và Trường Trung cấp nghề Miền núi; 224 hội nghị truyền thông, hướng nghiệp, học nghề, việc làm và các dịch vụ hỗ trợ việc làm, đi làm việc ở nước ngoài; 18 hội nghị tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài cấp huyện, cấp xã, cấp thôn, bản và người dân; 339 lớp đào tạo nghề sơ cấp và dưới 3 tháng cho các đối tượng là người dân tộc thiểu số, người dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo sinh sống tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Hỗ trợ mua sắm trang thiết bị và sửa chữa cơ sở vật chất cho một số trung tâm GDNN-GDTX và Trường Trung cấp nghề Thạch Thành; Hỗ trợ trực tiếp cho 7 người về chi phí đào tạo nghề, ngoại ngữ, khám sức khỏe, làm hộ chiếu, làm lý lịch tư pháp, lệ phí cấp visa cho người lao động đủ điều kiện xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài; đã giải ngân 49.149,5 triệu đồng, đạt 33,3% kế hoạch.

d) Tiểu dự án 4: Đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai Chương trình ở các cấp: Kinh phí được giao: 11.149 triệu đồng. Ban Dân tộc đã tổ chức 72 lớp/7.677 học viên, tập huấn nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai Chương trình trên địa bàn 16 huyện, thị xã; đưa 3 đoàn đi tham quan học tập mô hình thuộc Chương trình tại các tỉnh phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên; đã giải ngân 10.149 triệu đồng, đạt 91% kế hoạch.

2.6. Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch

(i) Tổng số vốn đã phân bổ: 44.017 triệu đồng, trong đó:

- Nguồn vốn đầu tư phát triển: 26.577 triệu đồng, đã giải ngân được 17.123 triệu đồng, đạt 64,4% kế hoạch.

- Nguồn vốn sự nghiệp: 17.440 triệu đồng, đã giải ngân vốn sự nghiệp được: 7.392 triệu đồng, đạt 42,38% kế hoạch.

(ii) Kết quả đã thực hiện:

- Đối với nguồn vốn đầu tư được giao: 26.577 triệu đồng, thực hiện hỗ trợ đầu tư xây dựng 3 điểm đến du lịch tiêu biểu; hỗ trợ đầu tư bảo tồn 2 làng, bản văn hóa truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số; hỗ trợ tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp 2 di tích quốc gia đặc biệt của các dân tộc thiểu số; hỗ trợ đầu tư xây dựng 78 thiết chế văn hóa, thể thao thôn các địa phương. Hiện nay, có 66/85 công trình đã hoàn thành, 19/85 công trình đang triển khai thực hiện.

- Đối với nguồn vốn sự nghiệp được giao: 17.440 triệu đồng, đến nay các đơn vị đã triển khai thực hiện các nội dung như: Tổ chức bảo tồn, phát huy 2 lễ hội truyền thống tiêu biểu các dân tộc thiểu số tại huyện Như Xuân, Quan Hóa; hỗ trợ cho 19 lượt nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú người dân tộc thiểu số tại các huyện Bá Thước, Như Xuân, Như Thanh; tổ chức 3 lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể tại các huyện Như Xuân và Thạch Thành; xây dựng 16 câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian tại các huyện Mường Lát, Quan Hóa, Thạch Thành, Lang Chánh; hỗ trợ cho 198 đội văn nghệ truyền thống tại các huyện Mường Lát, Quan Hóa, Lang Chánh, Cẩm Thủy, Bá Thước, Như Xuân; tổ chức 1 cuộc thi đấu thể thao truyền thống tại huyện Như Thanh; tổ chức 3 chương trình tuyên truyền, quảng bá rộng rãi giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số; chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi kết hợp với nghiên cứu, khảo sát tiềm năng du lịch, lựa chọn xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng cho các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; hỗ trợ xây dựng 16 tủ sách cộng đồng cho các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại các thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại các huyện Mường Lát, Quan Sơn, Cẩm Thủy, Như Xuân; hỗ trợ 35 trang thiết bị hoạt động cho thiết chế văn hóa, thể thao thôn bản tại các huyện Mường Lát, Quan Hóa, Lang Chánh, Cẩm Thủy, Như Xuân. Đang triển khai thực hiện: 1 cuộc khảo sát, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số; 1 chương trình nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một tại huyện Lang Chánh; xây dựng 1 mô hình văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số tại huyện Cẩm Thủy; hỗ trợ tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp 1 di tích tại Di tích quốc gia Chiến khu Du kích Ngọc Trạo huyện Thạch Thành.

2.7. Dự án 7: Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em

(i) Tổng số vốn đã phân bổ: 28.652 triệu đồng, trong đó:

- Nguồn vốn đầu tư phát triển: 16.771 triệu đồng, đã giải ngân được 16.375 triệu đồng, đạt 97,6% kế hoạch.

- Nguồn vốn sự nghiệp: 11.881 triệu đồng, đã giải ngân được 7.392 triệu đồng, đạt 62,2% kế hoạch được giao.

(ii) Kết quả đã thực hiện:

- Đối với vốn đầu tư được giao: 16.771 triệu đồng, thực hiện đầu tư cho 5 Trung tâm y tế huyện, đến nay 2/5 công trình đã hoàn thành; 3/5 công trình đang triển khai thực hiện.

- Đối với vốn sự nghiệp được giao: 11.881 triệu đồng. Hiện nay, các đơn vị đã tập trung triển khai thực hiện các nội dung như: Phổ cập dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước hôn nhân; tầm soát chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh; tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn, truyền thông về tầm soát các dị dạng bệnh tật bẩm sinh và nâng cao chất lượng dân số, phòng chống bệnh Thalassemia tại cộng đồng, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; mua thực phẩm dinh dưỡng điều trị suy dinh dưỡng cho trẻ suy dinh dưỡng nặng và vừa; tuyên truyền vận động, truyền thông thay đổi hành vi về chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng bà mẹ - trẻ em; xây dựng thí điểm góc truyền thông về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên và sức khỏe bà mẹ trẻ em tại một số trường phổ thông dân tộc nội trú.

2.8. Dự án 8: Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em

(i) Tổng số vốn sự nghiệp phân bổ: 22.748 triệu đồng, đến thời điểm báo cáo đã giải ngân 19.998 triệu đồng, đạt 87,9% kế hoạch.

(ii) Kết quả thực hiện: Đến thời điểm báo cáo các đơn vị thực hiện các nội dung như: Cấp phát, in ấn trên 2.500 cuốn tài liệu hướng dẫn vận hành mô hình “Tổ truyền thông cộng đồng”; phát 1.250 áo phông tuyên truyền phòng chống bạo lực gia đình và câu lạc bộ thủ lĩnh của sự thay đổi; tổ chức 510 buổi sinh hoạt; viết 2.169 tin bài về hoạt động của các cấp hội trong thực hiện dự án; phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh đoàn phát động cuộc thi “Lắng nghe con nói” tại các CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” và cộng đồng có 150 tác phẩm dự thi, 1 tác phẩm tranh đạt giải khuyến khích toàn quốc; tổ chức 89 hội nghị đối thoại chính sách; tổ chức 80 cuộc nói chuyện chuyên đề cho gần 28.000 người tham gia; 5 hội nghị giám sát thực hiện bình đẳng giới trong thực hiện Chương trình MTQG và phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; tổ chức 247 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ nữ dân tộc thiểu số các cấp tại địa bàn dự án gồm cán bộ nữ trong quy hoạch vào các vị trí lãnh đạo, cán bộ nữ mới bổ nhiệm, cán bộ nữ mới trúng cử lần đầu; kiến thức về bình đẳng giới; kỹ năng thực hiện lồng ghép giới (LGG) cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản, và người có uy tín trong cộng đồng; kiến thức, kỹ năng về quản lý, điều hành mô hình, kiến thức về bình đẳng giới, phòng chống xâm hại phụ nữ, trẻ em; truyền thông cộng đồng...cho 8.170 thành viên các mô hình CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi”, “Địa chỉ tin cậy”, mô hình “Tổ Truyền thông cộng đồng”; tổ chức 241 sự kiện truyền thông về bình đẳng giới, định kiến giới, phòng chống bạo lực gia đình, xóa bỏ định kiến giới, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ, trẻ em cho 35.127 cán bộ, hội viên, phụ nữ và Nhân dân thuộc vùng dự án; phối hợp tuyên truyền gần 500 tin, bài phát trên loa phát thanh, trên 300 tin, bài, phóng sự qua không gian mạng và trên các phương tiện truyền thông đại chúng về các nội dung của Dự án; thành lập 46 mô hình “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng”, 245 “Tổ truyền thông cộng đồng”, 52 câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”.

Nhờ tích cực lao động sản xuất, đời sống của bà con Nhân dân xã Mường Chanh (Mường Lát) đang từng bước được nâng lên

Nhờ tích cực lao động sản xuất, đời sống của bà con Nhân dân xã Mường Chanh (Mường Lát) đang từng bước được nâng lên

2.9. Dự án 9: Đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn

Tổng số vốn sự nghiệp đã phân bổ: 20.177 triệu đồng, giải ngân được 4.862 triệu đồng, đạt 24,1% kế hoạch, nội dung cụ thể sau:

a) Tiểu dự án 1: Đầu tư phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù được giao: 14.384 triệu đồng. Hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể của Trung ương để tổ chức triển khai thực hiện.

b) Tiểu dự án 2: Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nguồn vốn được giao: 5.793 triệu đồng. Hiện nay, các đơn vị đã tổ chức 196 hội nghị tuyên truyền cho trên 21.000 đại biểu; 15 hội nghị tập huấn cho trên 1.300 đại biểu; 2 hội thi sân khấu hóa cấp huyện; 19 hội thi sân khấu hóa, rung chuông vàng tại các trường học; 17 buổi nói chuyện chuyên đề cho học sinh, thanh niên; in ấn phát hành 62 pa nô, 105 băng rôn và hơn 29 nghìn tờ rơi; xây dựng 27 mô hình điểm (3 mô hình thôn, 15 mô hình xã, 9 mô hình trường học).

2.10. Dự án 10: Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; kiểm tra, giám sát đánh giá việc tổ chức thực hiện Chương trình:

Tổng số vốn đã phân bổ: 32.221 triệu đồng , trong đó:

- Nguồn vốn đầu tư phát triển: 5.542 triệu đồng, đã giải ngân được 237 triệu đồng, đạt 4,3% kế hoạch.

- Nguồn vốn sự nghiệp: 26.679 triệu đồng, đã giải ngân được 21.738 triệu đồng, đạt 81,5% kế hoạch, nội dung cụ thể sau:

a) Tiểu dự án 1: Biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của người có uy tín; phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý và tuyên truyền vận động đồng bào dân tộc thiể số: 22.242 triệu đồng. Đến nay, các đơn vị đã tổ chức 178 hội nghị tuyên truyền với hơn 25 nghìn đại biểu; 1 hội nghị tập huấn cho 132 đại biểu; 68 hội nghị trợ giúp pháp lý với hơn 9000 đại biểu tham gia; in ấn tài liêu: 1235 quyển tài liệu; 42.600 tờ rơi; 52 băng rôn; 6 pa nô; 1 hội thi cấp huyện.

b) Tiểu dự án 2: Ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó:

- Đối với vốn đầu tư được giao: 5.542 triệu đồng, đến nay có 2/14 đơn vị đã triển khai thực hiện, 12/14 đơn vị đang thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư; đã giải ngân 237 triệu đồng, đạt 9,9% kế hoạch.

- Đối với vốn sự nghiệp: 1.023 triệu đồng. Hiện nay có 3 đơn vị đã tổ chức triển khai thực hiện, các đơn vị còn lại hiện đang xây dựng dự toán chi tiết để triển khai thực hiện, đã giải ngân 413 triệu đồng, bằng 40,4%.

c) Tiểu dự án 3: Kiểm tra, giám sát, đánh giá, đào tạo, tập huấn tổ chức thực hiện Chương trình: 3.414 triệu đồng. Hiện nay, Các sở, ngành, đơn vị cấp tỉnh, UBND cấp huyện đã tổ chức hội nghị triển khai thực hiện Chương trình và thành lập các đoàn công tác kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình, đã giải ngân 2.266 triệu đồng, đạt 66,4% kế hoạch.

Các đại biểu tham dự tại Kỳ họp.

Các đại biểu tham dự tại Kỳ họp.

IV. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Kết quả đạt được

Sau 3 năm triển khai thực hiện Chương trình đã đạt được những kết quả tích cực: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình đã được các cấp, các ngành thực hiện quyết liệt, đồng bộ, rộng khắp; đã kịp thời ban hành nhiều văn bản quản lý nhà nước chỉ đạo, điều hành, các cơ chế, chính sách, các văn bản triển khai thực hiện, qua đó tạo hành lang pháp lý để thực hiện Chương trình.

Ban chỉ đạo các cấp được thành lập và kiện toàn, phân công cụ thể nhiệm vụ cho từng thành viên trong Ban chỉ đạo, tạo sự thống nhất và phối hợp chặt chẽ trong quá trình thực hiện. Việc lồng ghép về chỉ đạo, điều hành, đối tượng và nguồn lực thực hiện các chương trình; các cơ chế đặc thù trong triển khai đã được thực hiện đảm bảo theo quy định. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chương trình được quan tâm thực hiện.

Chương trình đã góp phần thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của cả tỉnh, cả nước; giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn; quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa từng bước phát triển; đời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số đi đôi với xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân; niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước được nâng lên. Tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023 giảm 4,15%, từ 15,19% xuống còn 11,05% (giảm 9.540 hộ nghèo từ 35.229 hộ xuống còn 32.582 hộ); thu nhập bình quân của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ước đến hết năm 2023 là 40,7 triệu đồng. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào ngày càng được nâng cao.

2. Những tồn tại, hạn chế

Công tác tuyên truyền vận động về thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn nhiều hạn chế, hộ dân sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn chưa nắm bắt đầy đủ các nội dung chính sách của Chương trình.

Công tác chuẩn bị đầu tư dự án còn rất chậm, một số địa phương lựa chọn danh mục chưa phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất dẫn đến phải điều chỉnh, bổ sung một số lần.

Tiến độ giải ngân vốn đầu tư và vốn sự nghiệp của một số dự án chậm so với yêu cầu, có dự án, tiểu dự án thành phần tiến độ giải ngân rất thấp (Tiểu dự án 2, dự án 3: Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; nội dung hỗ trợ đầu tư bảo tồn làng, bản văn hóa truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số và nội dung hỗ trợ tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu của các dân tộc thiểu số của dự án 6; tiểu dự án 2, dự án 10 ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi); một số dự án, tiểu dự án chưa giải ngân (nguồn vốn sự nghiệp của tiểu dự án 1, dự án 5 đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số” ; Tiểu dự án 1, dự án 9 đầu tư tạo sinh kế bền vững, phát triển kinh tế - xã hội nhóm dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù).

Nguồn vốn đối ứng từ ngân sách tỉnh để thực hiện Chương trình theo quy định chưa được quan tâm, bố trí.

Việc thanh toán, quyết toán các công trình, dự án đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng còn chậm so với quy định; công tác quản lý, duy tu, bảo dưỡng một số công trình chưa được quan tâm dẫn đến công trình nhanh xuống cấp; một số công trình, dự án chưa gắn biển tên hoặc đã gắn biển nhưng không đúng tên theo quy định.

Sự phối hợp giữa các Sở, ban, ngành nhất là cơ quan thường trực Chương trình với các sở được giao chủ trì các dự án thành phần chưa chặt chẽ dẫn đến việc tổ chức triển khai thực hiện một số dự án thành phần chậm tiến độ.

Công tác hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra của các sở, ban, ngành đối với các địa phương có lúc có nơi chưa kịp thời, chưa tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ở một số dự án khi triển khai tại địa phương cơ sở.

3. Nguyên nhân

3.1. Nguyên nhân khách quan

Trong những năm đầu triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chịu tác động của đại dịch COVID-19 nên cũng ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện.

Một số quy định, cơ chế, chính sách về các chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 được Trung ương ban hành chậm và còn thiếu, chưa đồng bộ; một số nội dung quy định, hướng dẫn vẫn còn chưa rõ, nên gặp khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.

Các huyện được thụ hưởng Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là một số huyện miền núi cao số hộ nghèo, hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ cao, có địa hình phức tạp, chia cắt, nguy cơ lũ ống, lũ quét và sạt lở đất, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện, nhất là dự án giao thông, nhà ở và sản xuất nông nghiệp.

3.2. Nguyên nhân chủ quan

Một số cấp ủy, chính quyền ở cơ sở chưa quan tâm nhiều đến công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện Chương trình. Cán bộ phụ trách công tác dân tộc các cấp còn thiếu và yếu, nhất là cấp cơ sở, lại kiêm nhiệm nhiều việc nên việc tham mưu tổ chức thực hiện Chương trình chưa hiệu quả.

Hoạt động của một số Ban chỉ đạo ở cơ sở chưa đề cao trách nhiệm, chủ yếu giao cho chuyên môn thực hiện, thiếu kiểm tra, giám sát.

Công tác lựa chọn danh mục, chuẩn bị đầu tư dự án xây dựng cơ sở hạ tầng của một số huyện, xã, chủ đầu tư chưa tốt; một số huyện, xã lựa chọn danh mục đầu tư chưa sát với thực tiễn, chưa phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất dẫn đến phải đề xuất điều chỉnh, bổ sung một số lần.

Công tác giám sát, đánh giá đầu tư chưa được các chủ đầu tư quan tâm đúng mức; một số chủ đầu tư và UBND cấp huyện chưa thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất theo quy định.

Việc huy động nguồn lực để thực hiện Chương trình ở các huyện còn khó khăn, việc lồng ghép các chương trình mục tiêu trên cùng một địa bàn chưa hiệu quả.

V. ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ

1. Đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

Đề nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025. Trong đó đề nghị bổ sung đối tượng các dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn (thuộc Dự án 9. Đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn) được hỗ trợ có thu hồi vốn theo hộ hoặc cộng đồng để chăn nuôi, phát triển sản xuất qua vay vốn tín dụng chính sách với lãi xuất ưu đãi đặc biệt vào nội dung vay vốn của Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ.

2. Đối với Ủy ban Dân tộc

Sớm có văn bản hướng dẫn thực hiện Tiểu dự án 1, dự án 9 “Đầu tư phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù”; đề xuất báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phê duyệt danh sách các thôn, bản vùng dân tộc thiểu số và miền núi nhưng không thuộc xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi hoặc có văn bản hướng dẫn việc công nhận và thực hiện các chế độ, chính sách đối với các thôn này để có căn cứ triển khai thực hiện.

3 . Đối với UBND tỉnh

Đề nghị UBND tỉnh cân đối bố trí đủ vốn đối ứng thực hiện Chương trình theo quy định tại Quyết định số 39/2021/QĐ-TTg ngày 30/12/2021 Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 18/2023/QĐ-TTg ngày 01/7/2023 về việc sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số điều của Quyết định số 39/2021/QĐ-TTg và Nghị quyết số 302/NQ-HĐND ngày 13/7/2022 của HĐND tỉnh.

4. Đối với các sở, ngành, đơn vị được giao chủ trì dự án, tiểu dự án thành phần

Tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đối với các dự án, tiểu dự án thành phần do cơ quan mình được giao chủ trì dự án.

5. Đối với các huyện, thị xã thực hiện Chương trình

Tăng cường công tác tuyên truyền về Chương trình 1719 bằng nhiều hình thức phù hợp để tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, góp phần tạo sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị đối với việc triển khai thực hiện Chương trình; gắn kiểm điểm việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình với kiểm điểm, đánh giá tập thể, cá nhân lãnh đạo quản lý hàng năm.

Tập trung chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là nguồn vốn của Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Nhóm PV

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/ky-hop-thu-20-hdnd-tinh-khoa-xviii-ket-qua-giam-sat-viec-trien-khai-thuc-hien-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-va-mien-nui-giai-doan-2021-2023-218821.htm