Kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII: Các đại biểu thảo luận tại hội trường nhiều nội dung quan trọng

Trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII diễn ra sáng 8/7, dưới sự chủ tọa của các đồng chí: Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Tiến Lam, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Quang Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, các đại biểu đã thảo luận nhiều nội dung quan trọng.

Toàn cảnh Kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII nhiệm kỳ 2021-2026.

Toàn cảnh Kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII nhiệm kỳ 2021-2026.

Từ thực tiễn sinh động, phong phú của ngành, lĩnh vực và địa phương, các đại biểu đã đánh giá, làm rõ hơn những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2024; tập trung phân tích những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan trong khâu tổ chức thực hiện. Các đại biểu cũng đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, chất lượng để tìm những giải pháp trọng tâm nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ 6 tháng còn lại của năm 2024.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hiệp, Quyền Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Thanh Hóa: Tiếp tục thực các giải pháp thu hút lao động ở ngoài tỉnh, nhất là lao động người Thanh Hóa đang làm ăn xa quê

Trong 6 tháng đầu năm 2024, kinh tế tỉnh Thanh Hóa đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, tiếp tục đà phục hồi và phát triển toàn diện, hầu hết các chỉ tiêu phát triển của tỉnh đều tăng cao so với cùng kỳ năm 2023. Có được kết quả trên là do có sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh.

Quyền Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Mạnh Hiệp phát biểu.

Quyền Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Mạnh Hiệp phát biểu.

Trong quá trình thu thập, tổng hợp, tính toán, biên soạn số liệu kinh tế - xã hội, Cục Thống kê nhận thấy một số vấn đề mà doanh nghiệp và các cấp, các ngành cần quan tâm, đó là: Đến nay trên địa bàn tỉnh ta có hơn 450 doanh nghiệp hoạt động trong ngành sản xuất trang phục và ngành giầy da; tạo việc làm cho hơn 220 nghìn lao động, đóng góp lớn cho thu ngân sách và tăng trưởng của tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay đã xuất hiện dấu hiệu thiếu lao động ở một số doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp mới hoàn thành đầu tư đi vào sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, doanh nghiệp và các địa phương cần tiếp tục thực các giải pháp thu hút lao động ở ngoài tỉnh, nhất là lao động người Thanh Hóa đang làm ăn xa quê; mặt khác, các doanh nghiệp cần đổi mới quy trình, công nghệ sản xuất để sử dụng có hiệu quả lao động, tạo điều kiện để nâng cao thu nhập cho người lao động.

Cũng trong 6 tháng đầu năm 2024, các doanh nghiệp ngành sản xuất xi măng, thép hoạt động chỉ đạt 75% công xuất thiết kế do thị trường bất động sản giảm sút. Bởi vậy, tỉnh và các doanh nghiệp cần thực hiện tốt các giải pháp kích cầu tiêu thụ xi măng theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị trực tuyến về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng.

Bên cạnh đó, từ 1/7/2023 đến 30/6/2024, trên địa bàn tỉnh có 63 dự án đầu tư trực tiếp hoàn thành đầu tư đi vào sản xuất, kinh doanh, với giá trị tài sản cố định hơn 27.000 tỷ đồng, tạo giá trị tăng thêm chiếm 3,3% tổng giá trị tăng thêm 6 tháng đầu năm 2024 của toàn tỉnh; đóng góp 3,0 điểm phần trăm (%) tăng trưởng trong 11,5% tăng trưởng toàn tỉnh. Đây là sự nỗ lực rất lớn của các cấp, ngành và chủ dự án trong giai đoạn rất nhiều khó khăn hiện nay. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng, yêu cầu phát triển của nền kinh tế có quy mô lớn như tỉnh Thanh Hóa. Vì vậy, trong thời gian tới, cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng để khởi công các các dự án lớn đã hoàn thành thủ tục đầu tư, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế kỹ thuật, nhất là hạ tầng giao thông, các khu công nghiệp, năng lượng... để thu hút nhiều hơn các dự án đầu tư trực tiếp thuộc các ngành có công nghệ sản xuất hiện đại sử dụng tiết kiệm lao động, có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường.

Đại biểu Lương Thị Hạnh, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Quan Sơn: Tiếp tục được thực hiện các chính sách đặc thù cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp theo từng giai đoạn

Đồng chí Lương Thị Hạnh, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Quan Sơn phát biểu.

Đồng chí Lương Thị Hạnh, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Quan Sơn phát biểu.

Trong giai đoạn hiện nay, nhiều chính sách lớn về phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào DTTS và miền núi đã được ban hành, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Ngoài 3 chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai, còn có nhiều chính sách đầu tư hỗ trợ riêng, như: chương trình mục tiêu về y tế, văn hóa, xã hội; các chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, cho vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm...

Nhờ đó, KT-XH vùng DTTS và miền núi có nhiều chuyển biến tích cực: Tốc độ tăng trưởng kinh tế từng bước phát triển, tăng dần hàng năm; theo đó thu nhập bình quân đầu người cũng cao hơn; tỷ lệ hộ nghèo giảm (huyện nghèo trung bình giảm từ 5% trở lên). Nông thôn mới cũng được quan tâm, bộ mặt nông thôn cũng dần thay đổi, sáng, xanh, sạch đẹp hơn, nhiều vùng quê dần trở nên đáng sống. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội đạt nhiều thành tựu nhất định, giáo dục ngày càng tiến bộ, đời sống văn hóa ở cơ sở có bước cải thiện rõ rệt, các thiết chế văn hóa được tăng cường, cơ sở vật chất, một số di sản văn hóa của vùng đồng bào các dân tộc được tôn vinh, các hoạt động văn hóa được bảo tồn phát huy và được gìn giữ. Công tác đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội không ngừng được củng cố, các huyện giáp biên luôn sẵn sàng bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia. Khối đại đoàn kết dân tộc được tăng cường, niềm tin của đồng bào dân tộc đối với Đảng, Nhà nước không ngừng được củng cố...

Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi đến nay vẫn gặp nhiều khó khăn: Cơ cấu kinh tế vùng chủ yếu vẫn là nông lâm nghiệp; cơ sở hạ tầng tuy được đầu tư nhưng chưa đồng bộ, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội. thực hiện các chương trình, dự án, chính sách cũng còn nhiều bất cập. Thu nhập bình quân đầu người còn rất thấp, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn chiếm tỷ lệ cao (Quan Sơn có hơn 69% hộ nghèo và cận nghèo), công tác giảm nghèo còn thiếu tính bền vững. Quốc phòng - an ninh còn tiềm ẩn, nhất là tội phạm ma túy ở khu vực vùng biên. Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, vì vậy việc bổ trí cán bộ gặp nhiều khó khăn, nhất là cán bộ nữ, cán bộ trẻ.

Từ thực tế đó, đề nghị Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các cấp các ngành, cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương tiếp tục dành nhiều sự quan tâm đặc biệt, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc ngày càng hiệu quả hơn, coi đây là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, là yếu tố có tính chiến lược cho sự phát triển đất nước. Mong muốn tiếp tục được thực hiện các chính sách đặc thù cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp theo từng giai đoạn để kích cầu, hỗ trợ cho người dân có cuộc sống no đủ hơn, rút ngắn dần khoảng cách giữa miền xuôi và miền núi. Đặc biệt, quan tâm nhiều hơn cho đầu tư phát triển y tế, giáo dục và có chính sách phù hợp để xây dựng đội ngũ cán bộ là người DTTS đủ khả năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển.

Đại biểu Lê Minh Nghĩa, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư: Kết quả khá toàn diện với nhiều thành tích tốt nhất, thành công nhất trong nhiều năm qua

6 tháng đầu năm 2024 các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đều giữ vị trí cao. Đây là một trong những kỳ 6 tháng mà tỉnh Thanh Hóa đạt kết quả khá toàn diện với nhiều thành tích tốt nhất, thành công nhất trong nhiều năm qua. Trong 3 khu vực kinh tế, khu vực đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng là công nghiệp tiếp đến là dịch vụ, xây dựng, nông nghiệp...

Đại biểu Lê Minh Nghĩa, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư phát biểu.

Đại biểu Lê Minh Nghĩa, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư phát biểu.

Có 2 nguyên nhân chính góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2024.

Một là, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh đã chủ động vượt qua khó khăn, thách thức, tìm kiếm thị trường, đưa sản lượng sản xuất và tiêu thụ tăng cao so với cùng kỳ.

Hai là, sự đồng hành của các cấp, các ngành và các địa phương trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ được giao.

Cùng với đó, công tác phân cấp, phân quyền tiếp tục được đẩy mạnh và phát huy hiệu quả. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã tăng cường chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trên các lĩnh vực...

6 tháng cuối năm 2024, sẽ có nhiều thuận lợi và khó khăn đan xen. Trong đó có những khó khăn, thách thức cần phải được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ, đó là khó khăn liên quan thị trường bất động sản; vẫn còn những bất cấp trong quỹ đất thu hút đầu tư; một số địa phương gặp khó khăn trong khai thác quỹ đất; tiến độ thực hiện một số dự án lớn vẫn còn chậm.

Giám đốc Kế hoạch và Đầu tư Lê Minh Nghĩa kiến nghị một số giải pháp cần tập trung thực hiện để đạt và vượt mục tiêu, kế hoach đề ra như: Tiếp tục thúc đẩy các lĩnh vực còn dư địa tăng trưởng, trong đó có việc duy trì các dự án sản xuất điện, các dự án may mặc, giày da... Trong lĩnh vực dịch vụ cần tập trung khai thác hiệu quả các dịch vụ mới, nhất là các dịch vụ tại Khu du lịch Sầm Sơn, Khu du lịch Hải Tiến (Hoằng Hóa). Cùng với đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư trực tiếp, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Tập trung tháo gỡ khó khăn trong thực hiện các các dự án lớn, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục tập trung đẩy nhanh hoàn thành thu ngân sách Nhà nước, trong đó quan tâm và đẩy mạnh các giải pháp để vượt thu thuế xuất nhập khẩu.

Đại biểu Cao Văn Cường, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Cần có chính sách hỗ trợ ngư dân gặp nạn khi khai thác khơi xa

Đại biểu Cao Văn Cường, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu.

Đại biểu Cao Văn Cường, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu.

Thực tế hiện nay, nhiều tàu cá lớn có chiều dài từ 15m trở lên khi đang khai thác hải sản tại vùng khơi, gặp sự cố hoặc thiên tai dẫn đến người mất, tài sản chìm dưới biển sâu. Điều này không chỉ để lại cho gia đình nỗi đau lớn, mà người nhà còn gánh những khoản nợ ngân hàng rất lớn khó có thể trả nợ.

Từ thực tế trên, đại biểu đề nghị tỉnh báo cáo Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành Trung ương liên quan có chính sách hỗ trợ các trường hợp này. Đó chính là giải pháp quan trọng để ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, nhất là những vùng biển xa, góp phần bảo đảm chủ quyền biển đảo quê hương.

Tại kỳ họp, đại biểu Cao Văn Cường cũng thông tin về kết quả thực hiện nhiệm vụ và kết quả ngành nông nghiệp tỉnh nhà trong 6 tháng đầu năm. Theo đó, sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt kết quả tích cực; tổng sản lượng lương thực ước đạt 893 nghìn tấn, tăng 0,4% so với cùng kỳ; năng suất lúa đạt cao nhất từ trước đến nay. Chăn nuôi tiếp tục phát triển; sản lượng các sản phẩm chăn nuôi chính đều tăng so với cùng kỳ; không để xảy ra dịch bệnh nguy hiểm trên địa bàn trong khi các tỉnh lân cận và 41 tỉnh, thành phố trong nước có các loại dịch bệnh bùng phát...

Toàn tỉnh trồng được 6.100 ha rừng tập trung, bằng 61% kế hoạch, tăng 4,8% so với cùng kỳ. Tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản bằng 50,2% kế hoạch, tăng 2,4%. Trong 6 tháng đầu năm, có thêm 4 xã nông thôn mới, 13 xã nông thôn mới nâng cao và 9 xã nông thôn mới kiểu mẫu; 34 sản phẩm OCOP.

Để ngành thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Văn Cường đã phân tích những tồn tại, khó khăn, thử thách. Đồng thời, nêu lên một số giải pháp để các huyện, Nhân dân cùng chung tay thực hiện.

Đại biểu Ngô Đình Hùng, Cục trưởng Cục Thuế Thanh Hóa: Kết quả thu ngân sách đã tạo động lực và đà phát triển kinh tế - xã hội của Thanh Hóa

Đại biểu Ngô Đình Hùng, Cục trưởng Cục Thuế Thanh Hóa phát biểu.

Đại biểu Ngô Đình Hùng, Cục trưởng Cục Thuế Thanh Hóa phát biểu.

Tỉnh Thanh Hóa thực hiện nhiệm vụ năm 2024 trong bối cảnh có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, cùng với sự chung sức đồng lòng của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh 6 tháng đầu năm 2024 đạt được nhiều kết quả tích cực, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, tiến độ thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn tỉnh đạt cao so với dự toán và tăng so với cùng kỳ. Đó là động lực và đà cho kinh tế - xã hội của Thanh Hóa phát triển trong thời gian tới.

Trong 6 tháng đầu năm, tổng thu NSNN trên địa bàn ước đạt 27.348 tỷ đồng, bằng 76,9% so với dự toán, tăng 29,6% so với cùng kỳ năm 2023. Kết quả đó đã đưa Thanh Hóa nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có số thu NSNN cao của cả nước và đứng đầu khu vực Bắc Trung bộ.

Với mục tiêu phấn đấu năm 2024 tăng thu NSNN 10% so với năm 2023 theo chỉ tiêu đã đề ra tại kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2021-2025 được HĐND tỉnh phê duyệt, như vậy, nhiệm vụ thu NSNN cần thực hiện trong 6 tháng cuối năm là 20.275 tỷ đồng.

Theo đại biểu Ngô Đình Hùng, Cục trưởng Cục Thuế Thanh Hóa, để hoàn hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN theo chỉ tiêu đề các cấp, các ngành liên quan cần theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách. Đồng thời, đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn thu, từng khu vực thu, từng sắc thuế, đặc biệt là thu tiền sử dụng đất để có phương án chỉ đạo, điều hành thu ngân sách kịp thời; thường xuyên rà soát, xác định chính xác những nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, sắc thuế còn dư địa để kịp thời đề xuất các giải pháp quản lý thu hiệu quả, thích hợp, chống thất thu NSNN.

Đi liền với đó, các cấp, các ngành tăng cường công tác quản lý, đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế; kiểm tra, giám sát thường xuyên hồ sơ khai thuế của các doanh nghiệp khai thác tài nguyên, khoáng sản, các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản, các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh, đảm bảo thu đúng, thu đủ, kịp thời, hoàn thành dự toán thu NSNN năm 2024. Đặc biệt, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư và triển khai hiệu quả các dự án công nghiệp đưa vào hoạt động, các dự án lớn, trọng điểm dự kiến khởi công trong năm 2024, các dự án công trình giao thông có tính kết nối liên vùng. Bên cạnh việc đa dạng công tác thông tin, tuyên truyền chính sách thuế, nhằm tạo sự đồng thuận trong xã hội, trong cộng đồng doanh nghiệp và các hộ kinh doanh về thực hiện nhiệm vụ thu NSNN, các cấp, các ngành tiếp tục tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp tạo thuận lợi cho phát triển thương mại, xuất nhập khẩu và những mặt hàng, doanh nghiệp có khả năng rủi ro cao về thuế, nhằm đảm bảo thu đúng, thu đủ, kịp thời để hoàn thành dự toán thu NSNN năm 2024 ở mức cao nhất.

Đại biểu Lương Thị Hoa, Bí thư Huyện ủy Như Xuân: Quan tâm sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thực hiện các chương trình MTQG

Đại biểu Lương Thị Hoa, Bí thư Huyện ủy Như Xuân tham gia thảo luận tại Kỳ họp.

Đại biểu Lương Thị Hoa, Bí thư Huyện ủy Như Xuân tham gia thảo luận tại Kỳ họp.

Trong những năm qua, cùng với việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh, huyện Như Xuân đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả các chính sách dân tộc và miền núi, trọng tâm là các chính sách về đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, đảm bảo an sinh xã hội đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi. Qua đó, đã góp quan trọng phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện ngày càng phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện ngày càng được nâng lên.

Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện các chính sách dân tộc và miền núi trên địa bàn huyện Như Xuân cũng gặp một số khó khăn, đó là: Một số chính sách theo Quyết định 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã được ban hành nhưng thiếu văn bản hướng dẫn thực hiện, như: Dự án 1 về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, đào tạo nghề...; dự án 2 về sắp xếp, ổn định dân cư ở nơi cần thiết.

Một số chính sách thực hiện theo các văn bản hướng dẫn từ năm 2009, 2013 không phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay, như: Chính sách hỗ trợ đối với học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú và trường dự bị đại học dân tộc theo Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT-BTC-BGD&ĐT của Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và đào tạo; chính sách hỗ trợ thiết bị nghe nhìn (đài, đầu đĩa, băng ghi âm, ghi hình,...) cho người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS và miền núi theo Thông tư số 09/2013/TT-BTTT, ngày 8/4/2013 của Bộ Thông tin và Truyền thông; chính sách hỗ trợ kết nối phòng họp trực tuyến cho UBND các xã, thị trấn và UBND huyện theo mô hình của Ủy ban dân tộc theo Thông tư số 09/2013/TT-BTTT, ngày 8/4/2013 của Bộ Thông tin và Truyền thông khó thực hiện.

Một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị (theo Dự án 3 thuộc Chương trình hỗ trợ theo Quyết định 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) khó tổ chức thực hiện do doanh nghiệp không mặn mà tham gia.

Để triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc và miền núi trên địa bàn huyện trong thời gian tới, huyện kiến nghị các bộ, ban, ngành Trung ương kịp thời rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thực hiện các chương trình MTQG còn thiếu; đồng thời nhanh chóng triển khai thực hiện các nội dung điều chỉnh, bổ sung một số nội dung của chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS theo Nghị quyết số 100/2023/NQ15, ngày 24/6/2023 của Quốc hội, làm cơ sở cho các địa phương tổ chức thực hiện.

Kịp thời phân bổ kinh phí hằng năm cho các cấp, các ngành, địa phương tổ chức thực hiện các chính sách DTTS và miền núi theo quy định. Đẩy mạnh phân cấp, trao quyền cho các địa phương nhằm phát huy tính chủ động, linh hoạt của xã, thị trấn trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình, dự án chính sách dân tộc và miền núi.

Đại biểu Nguyễn Văn Biện, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thiệu Hóa: Kết quả đạt được là từ sự đồng lòng, chia sẻ, hỗ trợ nhau về trách nhiệm trong công việc

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thiệu Hóa Nguyễn Văn Biện bày tỏ sự đồng tình và thống nhất cao với những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh 6 tháng đầu năm 2024. Trong đó nhấn mạnh một số kết quả nổi bật mà tỉnh cũng như huyện Thiệu Hóa đã chỉ đạo, triển khai thực hiện đạt kết quả tốt như: Công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án đầu tư, trong đó có dự án trọng điểm quốc gia Đường dây 500kV mạch 3; công tác an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo, người yếu thế trong xã hội; hoạt động phân cấp, phân quyền; tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm cơ bản được khắc phục...

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thiệu Hóa Nguyễn Văn Biện phát biểu tại phiên họp.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thiệu Hóa Nguyễn Văn Biện phát biểu tại phiên họp.

Theo đại biểu Nguyễn Văn Biện, đây là kết quả của sự đồng lòng, chia sẻ, hỗ trợ nhau về trách nhiệm trong công việc; quyết tâm, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; phát huy tính tiền phong gương mẫu của người đứng đầu trong tập thể lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các cấp.

Cùng với đó, công tác giám sát của HĐND, Thường trực, các Ban của HĐND tỉnh được thực hiện có hiệu quả nên đã khắc phục những tồn tại, hạn chế tạo chuyển biến tích cực ở những lĩnh vực, cơ quan, đơn vị còn yếu kém, kết quả thấp. Các cấp, các ngành thường xuyên lắng nghe tiếp nhận ý kiến của cử tri, Nhân dân, tập trung giải quyết dứt điểm, kịp thời những vấn đề mới phát sinh ở cơ sở.

Trước yêu cầu thực tiễn đặt ra, đại biểu Nguyễn Văn Biện đã đề xuất một số giải pháp như, tăng cường đấu mối, phối hợp với các bộ, ngành của Trung ương, nhất là Bộ Tài nguyên và Môi trường để tăng chỉ tiêu chuyển đổi đất lúa sang các loại đất khác nhằm tạo điều kiện để triển khai các dự án đầu tư trọng điểm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tiếp tục quán triệt, triển khai kịp thời hiệu quả các Luật vừa được Quốc hội thông qua, đảm bảo không có “độ trễ” hoặc chờ hướng dẫn của cấp trên làm ảnh hưởng đến hoạt động của các cấp các ngành, hoạt động của doanh nghiệp và đời sống của Nhân dân.

Lãnh đạo tỉnh, các cơ quan của tỉnh tiếp tục quan tâm hướng dẫn thực hiện các quy định của Trung ương, của tỉnh cho các địa phương. Đồng thời duy trì hiệu quả chế độ giao ban, kiểm tra, giám sát nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ của tỉnh, của các địa phương.

Linh mục Trần Xuân Mạnh, Đại biểu HĐND huyện Quảng Xương: Tiếp tục củng cố mối quan hệ giáo lương đoàn kết, chung một niềm tin, một khát vọng dựng xây quê hương

Linh mục Trần Xuân Mạnh, đại biểu HĐND huyện Quảng Xương phát biểu.

Linh mục Trần Xuân Mạnh, đại biểu HĐND huyện Quảng Xương phát biểu.

Linh mục Trần Xuân Mạnh đánh giá cao những quyết sách mang tầm chiến lược, mang tính nhân văn sâu sắc của Thanh Hóa đối với công tác an sinh xã hội, trong đó có việc chăm lo cho đồng bào công giáo sinh sống trên sống được lên bờ ổn định cuộc sống, kiến thiết tương lai.

Linh mục nhấn mạnh đến vấn đề nâng cao năng suất lao động và cho rằng đây là một trong những yếu tố quyết định cho sự thành công của nền kinh tế. Người lao động của một quốc gia càng có năng suất làm việc cao thì càng mang về nhiều giá trị cho chính bản thân, gia đình và cho nền kinh tế quốc gia.

Linh mục Trần Xuân Mạnh bày tỏ mong muốn tiếp tục củng cố mối quan hệ đoàn kết lương - giáo, cùng chung niềm tin, khát vọng, cố gắng từng ngày, từng giờ tăng năng suất lao động, chiến thắng chính bản thân, “tự soi”, “tự sửa” góp sức mình dựng xây quê hương Thanh Hóa thân yêu trở thành một tỉnh đáng sống, giàu đẹp và văn minh theo những đường hướng đã được chỉ ra.

Đại biểu Ngô Thị Hồng Hảo, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh: Cần bảo đảm các chế độ quy định và điều kiện làm việc cho lao động nữ

Đại biểu Ngô Thị Hồng Hảo, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh tham gia thảo luận.

Đại biểu Ngô Thị Hồng Hảo, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh tham gia thảo luận.

Thời gian qua, tỉnh ta đã triển khai nhiều chương trình, dự án, xây dựng các khu công nghiệp, nhà máy ở hầu hết các địa phương trong tỉnh, qua đó tạo việc làm tại chỗ cho lao động nói chung, phụ nữ nói riêng.

Tại các địa phương, doanh nghiệp cũng đã thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với lao động theo quy định pháp luật như: chế độ nghỉ ngơi, khám sức khỏe định kỳ, trường mầm non cho người lao động gửi con, hỗ trợ kinh phí gửi trẻ, tạo điều kiện cho người lao động yên tâm công tác, ổn định cuộc sống.

Tuy nhiên, qua hoạt động giám sát và chỉ đạo hoạt động ở cơ sở, chúng tôi nhận thấy việc đảm bảo các quy định cho lao động nữ theo Bộ luật Lao động vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn. Trên thực tế, một số doanh nghiệp chưa thực hiện đúng quy định đối với các chính sách dành riêng cho lao động nữ như: khám chuyên khoa phụ sản khi khám sức khỏe định kỳ; quy định lao động nữ trong thời gian “đến tháng” được nghỉ 30 phút/ngày, tối thiểu 3 ngày trong một tháng; quy định lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ 60 phút/ngày trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi theo quy định. Đa số các doanh nghiệp khó khăn trong việc xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo vì thiếu quỹ đất, không có kinh phí thực hiện.

Đại biểu Ngô Thị Hồng Hảo cho rằng, một số doanh nghiệp vi phạm quy định về BHXH, như: đến thời điểm người lao động mang thai mới đóng BHXH nhằm giải quyết chế độ thai sản; chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN ảnh hưởng tới quyền lợi và thời gian thanh toán các chế độ BHXH của lao động nữ.

Đặc biệt là tại một số doanh nghiệp chỉ ưu tiên tuyển dụng lao động nữ trong độ tuổi 18 đến 35; thường có xu hướng không sử dụng các lao động nữ ở độ tuổi ngoài 50; nhiều lao động nữ trong trường hợp hết hạn hợp đồng chưa được ưu tiên giao kết hợp đồng lao động mới. Bên cạnh đó,do phải làm việc với cường độ cao, giờ giấc không hợp lý, làm việc trong môi trường không đảm bảo (phân xưởng nóng, ồn), thường xuyên làm việc ở một tư thế (đứng hoặc ngồi liên tục), nên đã ảnh hưởng đến sức khỏe của phụ nữ, nhất là các bệnh về về xương khớp, viêm khớp, thoái hóa cột sống, bệnh về hệ hô hấp do hít phải bụi bông, sợi tổng hợp, silica, kim loại; bệnh về da do tiếp xúc với hóa chất, côn trùng, ký sinh trùng trong môi trường làm việc; bệnh về thần kinh, đau đầu, rối loạn tiền đình, rối loạn lo âu, trầm cảm do áp lực công việc, môi trường làm việc căng thẳng, tiếng ồn, ánh sáng, tư thế làm việc không phù hợp...

Về lâu dài, tỉnh cần có cơ chế, chính sách, đề án, dự án để hỗ trợ lao động nữ, nhất là lao động nữ sau tuổi 35 tuổi; lao động nữ sau khi chấm dứt hợp đồng tại nhà máy, doanh nghiệp; lao động nữ trong diện thu hồi đất; lao động nữ tại khu vực nông thôn, miền núi... Theo đó, lao động nữ cần được dạy nghề, tạo việc làm; hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế, làm dịch vụ, khôi phục nghề truyền thống, xây dựng và nhân rộng mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện địa phương, góp phần giải quyết việc làm.

Đại biểu Lê Trọng Thụ, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đông Sơn : Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các quy hoạch và đề án sắp xếp đơn vị hành chính

Nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 còn nặng nề, vừa nỗ lực khắc phục 7 nhóm khó khăn, hạn chế lớn đã được chỉ ra trong 6 tháng đầu năm, vừa thực hiện cá chỉ tiêu trong bối cảnh diễn biến thời tiết, thiên tai dịch bệnh khó lường, xung đột giữa các nước lớn tác động đến hoạt động kinh tế đối ngoại và đầu tư công.

Đại biểu Lê Trọng Thụ, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đông Sơn phát biểu tại kỳ họp.

Đại biểu Lê Trọng Thụ, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đông Sơn phát biểu tại kỳ họp.

Để thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm và tạo tiền đề cho các năm tiếp theo, đại biểu Lê Trọng Thụ, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đông Sơn đề xuất một số giải pháp như: Tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện tốt Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040; khẩn trương hoàn thành việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch, kế hoạch, định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực theo các quy hoạch đã được phê duyệt; sớm hoàn chỉnh hồ sơ để thực hiện Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính, báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua để tổ chức triển khai thực hiện.

Nhằm thực hiện tốt các chỉ đạo của Chính phủ về giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững và tạo nguồn thu ngân sách Nhà nước, đề nghị tỉnh sớm ban hành hướng dẫn thực hiện Nghị định 12/2024/NĐ-CP, ngày 5/02/2024 và Nghị định số 71/2024/NĐ-CP quy định về giá đất của Chính phủ để thay thế Quyết định số 2099/QĐ-UBND, ngày 16/6/2023 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc ủy quyền quyết định giá đất cụ thể; Quyết định số 22/2023/QĐ-UBND, ngày 19/6/2023 thay thế Quyết định số 21/2021/QĐ-UBND, ngày 17/9/2021 Quy định đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đông Sơn Lê Trọng Thụ cũng đề nghị tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024. Trong đó, xác định kết quả giải ngân vốn đầu tư công là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các chủ đầu tư và của các đơn vị. Tăng cường đôn đốc nhà thầu thi công tập trung nhân lực, nguyên vật liệu, thiết bị, bổ sung các mũi thi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án; tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của 5 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024. Đồng thời tập trung giải quyết các “nút thắt” để triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh năm 2024.

Đại biểu Hà Văn Ca, Bí thư Huyện ủy Mường Lát: Tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng cho khu vực miền núi và huyện Mường Lát

Đại biểu Hà Văn Ca, Bí thư Huyện ủy Mường Lát phát biểu.

Đại biểu Hà Văn Ca, Bí thư Huyện ủy Mường Lát phát biểu.

Từ thực tiễn của huyện Mường Lát, đại biểu Hà Văn Ca, Bí thư Huyện ủy Mường Lát đề xuất tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng cho khu vực miền núi. Trong đó, đối với huyện Mường Lát, tỉnh sớm đầu tư cầu cứng qua sông Mã nối từ bản Cò Cài, xã Trung Lý sang bản Tài Chánh, xã Mường Lý nhằm tạo điều kiện cho Nhân dân địa phương đi lại và giao thương hàng hóa thuận lợi. Nâng cấp tuyến Đường tỉnh 521E, đoạn từ ngã ba cửa khẩu Tén Tằn lên cột mốc 294 thuộc bản Cang, xã Mường Chanh; mở tuyến đường từ bản Tà Cóm, xã Trung Lý đi xã Trung Sơn (Quan Hóa).

Đặc biệt, đề nghị tỉnh quan tâm đầu tư, nâng cấp Cửa khẩu Quốc gia Tén Tằn lên thành Cửa khẩu Quốc tế Tén Tằn theo Quyết định số 1201/QĐ-TTg, ngày 14/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Lào thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và xây dựng 2 lối mở Cang - Bó tại xã Mường Chanh và Kéo Hượn - Khằm Nàng tại xã Nhi Sơn thành Cửa khẩu Quốc gia.

Hiện nay, bệnh viện đa khoa của các huyện miền núi, trong đó có huyện Mường Lát đã được xây dựng từ lâu nên đã xuống cấp. Để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho Nhân dân ở 11 huyện miền núi, HĐND, UBND tỉnh nghiên cứu có giải pháp hỗ trợ đầu tư nâng cấp hệ thống bệnh viện đa khoa của các huyện miền núi.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành có liên quan hướng dẫn, giải quyết cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân thuộc khu 4 thị trấn Mường Lát. Bởi hiện nay các hộ dân thuộc khu 4 thị trấn Mường Lát đang sinh sống trên đất có nguồn gốc đất của Ban quản lý rừng phòng hộ Mường Lát. Đồng thời, quan tâm hướng dẫn, tạo điều kiện chuyển mục đích từ đất nông nghiệp sang đất ở cho các hộ gia đình ở các xã, thị trấn huyện Mường Lát. Lý do là nhiều hộ dân trên địa bàn huyện trước đây sinh sống dọc các tuyến giao thông nhưng đất ở hiện nay vẫn là đất nông nghiệp.

Đại biểu Trịnh Thị Hoa, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh: Quan tâm phát triển nhà ở xã hội cho công nhân lao động

Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Trịnh Thị Hoa.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Trịnh Thị Hoa.

Tính đến cuối năm 2023, tỉnh Thanh Hóa có 1 khu kinh tế, 8 khu công nghiệp và 45 cụm công nghiệp. Theo quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, tỉnh sẽ có 19 khu công nghiệp và 126 cụm công nghiệp.

Qua nắm bắt được biết, hiện nay mới chỉ có một số doanh nghiệp xây dựng nhà tập thể cho công nhân, như Công ty Xi măng Nghi Sơn, Tập đoàn Thép, Tập đoàn Khoáng sản Đại Dương, Công ty TNHH Đại Dương. Ngoài ra, có Công ty TNHH Giày Sunjade đã được UNND tỉnh cho phép đầu tư nhà ở xã hội nhưng chưa đưa vào sử dụng. Còn lại hầu hết các doanh nghiệp chỉ thực hiện hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho công nhân lao động với mức hỗ trợ từ 100.000-150.000 đồng/người/tháng. Hầu hết các khu công nghiệp và cụm công nghiệp chua có thiết chế dành cho công nhân lao động.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Trịnh Thị Hoa đề nghị tỉnh quan tâm đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ở xã hội; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để công nhân lao động tiếp cận được nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó, cần có các chính sách ưu đãi để người lao động tiếp cận nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội. Đồng thời, xác định giá nhà ở xã hội hợp lý, giúp người lao động có mức lương 5-6 triệu đồng/tháng có thể mua được nhà ở xã hội.

Đại biểu Trịnh Thị Hoa cũng kiến nghị, sớm ưu tiên dành quỹ đất xây dựng nhà ở, nhà trẻ, siêu thị, các công trình văn hóa tại các khu công nghiệp theo tinh thần Quyết định số 655 và Quyết định số 1729 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Đại biểu Hoàng Văn Thanh, Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh: Xem xét ban hành bộ tiêu chí riêng về xây dựng NTM cho các xã thuộc huyện miền núi nghèo

Đại biểu Hoàng Văn Thanh, Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh.

Đại biểu Hoàng Văn Thanh, Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh.

Tham gia thảo luận tại Kỳ họp, đại biểu Hoàng Văn Thanh kiến nghị tỉnh tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt để giải quyết dứt điểm những khó khăn, hạn chế còn tồn tại; trong đó có các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025.

Đại biểu cho biết, Lang Chánh là một trong 6 huyện nghèo của tỉnh Thanh Hóa, hạ tầng kinh tế thấp kém, thiếu hụt, không đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông và thủy lợi, điện... Đời sống và thu nhập của Nhân dân còn rất thấp, thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 28,89 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ nghèo đa chiều còn cao (51,04%). Vì vậy, để đạt các tiêu chí theo chuẩn NTM đối với các huyện miền núi nói chung, huyện Lang Chánh nói riêng còn rất nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, khi về đích NTM, các xã khu vực II, III sẽ được xác định là xã khu vực I và không còn được hưởng các chính sách hỗ trợ. Trong khi đó, đời sống người dân thực tế vẫn còn nhiều khó khăn; việc giảm nghèo đa chiều cũng chưa bền vững, nhất là đối với các xã khó khăn, đặc biệt khó khăn, ngoài hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu chưa bảo đảm, khu vực này cũng thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh...

Xuất phát từ thực tế trên, huyện Lang Chánh kiến nghị HĐND tỉnh có ý kiến với Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ sớm bổ sung chính sách để giải quyết bất cập khi thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ đối với địa bàn xã đã công nhận đạt chuẩn NTM tại các huyện nghèo. Cụ thể là kéo dài thời gian được thụ hưởng các chính sách đối với các thôn, bản, xã sau khi được công nhận NTM, tạo động lực để cán bộ và Nhân dân tại các vùng khó khăn có thêm nguồn lực duy trì và nâng cao tiêu chí NTM. Đồng thời, đề nghị Chính phủ xem xét ban hành bộ tiêu chí riêng về xây dựng NTM cho các xã thuộc huyện miền núi nghèo.

Nhóm PV (lược ghi)

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/ky-hop-thu-20-hdnd-tinh-thanh-hoa-khoa-xviii-cac-dai-bieu-thao-luan-tai-hoi-truong-nhieu-noi-dung-quan-trong-218874.htm