Kỳ họp thứ 27 HĐND tỉnh Hải Dương: Thông qua 10 Nghị quyết quan trọng
Sáng 14/11, HĐND tỉnh Hải Dương khóa XVII khai mạc Kỳ họp chuyên đề thứ 27, đã xem xét, quyết nghị nhiều chính sách mới, quan trọng liên quan đến phân bổ ngân sách, nông nghiệp, giao thông...
Kỳ họp đã xem xét sửa đổi Nghị quyết 14/2023/NQ-HĐND ngày 6/11/2023 quy định chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ đến năm 2025.
Theo UBND tỉnh Hải Dương, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trong nhà màng trên địa bàn tỉnh được đánh giá rất hiệu quả. Thời gian qua, diện tích nhà màng đã tăng từ 21,5ha năm 2020 lên 91ha năm 2024.
Tuy nhiên, hiện nay, Nghị quyết số 14 quy định hàng năm chỉ hỗ trợ không quá 50.000 m2 nhà màng trên toàn tỉnh. Cử tri đã nhiều lần đề nghị tăng diện tích hỗ trợ nhà màng để giúp người dân giảm bớt khó khăn trong giai đoạn đầu sản xuất (chi phí đầu tư xây dựng nhà màng trung bình khoảng 300.000 đồng/m2).
Đặc biệt, sau ảnh hưởng cơn bão số 3, trên 60 ha nhà màng bị thiệt hại, hư hỏng hoàn toàn. Do đó, việc điều chỉnh Nghị quyết số 14 là rất cấp thiết, để giải quyết những bất cập trong thực tiễn và kịp thời hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai. Được biết, kinh phí dự kiến có thể sử dụng để hỗ trợ xây dựng nhà màng năm 2024 và 2025 là 76,4 tỷ đồng.
Kỳ họp cũng thông qua Nghị quyết quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, các tổ chức, cá nhân có cơ sở chăn nuôi được xây dựng và hoạt động trước ngày Luật Chăn nuôi 2018 có hiệu lực và đang hoạt động tại khu vực không được phép chăn nuôi theo quy định tại Nghị quyết, được hỗ trợ di dời đến địa điểm mới phù hợp hoặc ngừng hoạt động, chuyển đổi ngành nghề.
Về mức hỗ trợ, sẽ hỗ trợ 50% chi phí mua sắm thiết bị công trình và thiết bị công nghệ chăn nuôi theo diện tích chuồng trại hiện có của cơ sở chăn nuôi thuộc đối tượng phải di dời, mức hỗ trợ tối đa không quá 10 tỷ đồng/cơ sở.
Hỗ trợ 50% chi phí di dời vật nuôi đến địa điểm mới phù hợp, mức hỗ trợ tối đa không quá 500 triệu đồng/cơ sở; hỗ trợ 100% chi phí đào tạo, tập huấn để chuyển đổi từ chăn nuôi sang các nghề khác, mức hỗ trợ 3 tháng lương cơ bản/người. Nguồn hỗ trợ từ ngân sách 2 cấp tỉnh và huyện.
Tại Kỳ họp thứ 27, HĐND tỉnh Hải Dương cũng đã xem xét, thông qua Quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án xây dựng tuyến đường kết nối đường tỉnh 398B (Hải Dương) với đường tỉnh 345 (Quảng Ninh) ở thành phố Chí Linh;
Điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng nút giao liên thông kết nối quốc lộ 17B với quốc lộ 5, đường sắt Hà Nội-Hải Phòng, tỉnh Hải Dương; Phân bổ kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách địa phương 5 năm 2021-2025 và điều chỉnh, phân bổ kế hoạch năm 2024 (nguồn ngân sách tỉnh)...