Kỳ họp thứ 29, HĐND thành phố Hải Phòng Khóa XVI:Chính quyền phải là nơi giải quyết vấn đề cho người dân, doanh nghiệp hiệu quả
Dự và phát biểu chỉ đạo tại Kỳ họp thứ 29, HĐND thành phố Hải Phòng khai mạc sáng nay, 24/7, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Lê Tiến Châu nhấn mạnh yêu cầu tập trung cao cho việc vận hành hiệu quả mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, bảo đảm thông suốt, hiệu lực, hiệu quả. Chính quyền phải là nơi giải quyết vấn đề cho người dân và doanh nghiệp hiệu quả, nhanh chóng.
Kỳ họp thứ 29, HĐND thành phố Hải Phòng diễn ra trong thời điểm lịch sử, là kỳ họp thường lệ đầu tiên của HĐND thành phố sau hợp nhất; đánh dấu bước khởi đầu của một giai đoạn phát triển mới của thành phố, với vị thế, tầm vóc và khát vọng phát triển mạnh mẽ hơn.

Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Lê Tiến Châu phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp. Ảnh: Thanh Lâm
Khẳng định giá trị nổi bật toàn cầu của thành phố địa linh nhân kiệt
Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu nhấn mạnh: 6 tháng đầu năm 2025, trong bối cảnh mới, chưa có tiền lệ, thành phố Hải Phòng đã triển khai nghiêm túc, đúng tiến độ việc sắp xếp đơn vị hành chính theo chỉ đạo của Trung ương; tổ chức bộ máy, cán bộ cơ bản bảo đảm, hệ thống chính quyền hai cấp kịp thời đi vào hoạt động phục vụ người dân và doanh nghiệp; không để gián đoạn công việc, không bỏ trống lĩnh vực, địa bàn.
Các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là Kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Thành ủy Hải Phòng, cùng các nghị quyết của Thành ủy, HĐND thành phố được chỉ đạo triển khai nghiêm túc, quyết liệt ngay từ đầu năm. Kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại đạt kết quả tích cực, toàn diện.

Kỳ họp thứ 29, HĐND thành phố Hải Phòng Khóa XVI. Ảnh: Thanh Lâm
Trong đó, kinh tế thành phố tiếp tục tăng trưởng khá, GRDP toàn thành phố ước đạt gần 210 nghìn tỷ đồng, tăng 11,2%. Thu ngân sách gần 101 nghìn tỷ đồng. Đáng chú ý, ngày 15/7 vừa qua, thành phố tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư trong khuôn khổ Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC lần thứ 3 thu hút 15,6 tỷ USD, khẳng định niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp quốc tế và trong nước vào tương lai phát triển thành phố.
Với tinh thần chủ động, quyết liệt và trách nhiệm cao, thành phố đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương xây dựng, trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 226 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố (thay thế Nghị quyết số 35), kịp thời tháo gỡ “điểm nghẽn” về thể chế, mở ra không gian và động lực phát triển chiến lược cho thành phố.
Ngày 12/7/2025, Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn - Kiếp Bạc chính thức được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới. Cùng với Vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà, Hải Phòng hiện có 2 Di sản Thế giới liên vùng, khẳng địnhtầm vóc văn hóa, giá trị nổi bật toàn cầu của Thành phố Hải Phòng địa linh nhân kiệt - Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.
Tập trung cao cho vận hành hiệu quả chính quyền địa phương 2 cấp

Các đại biểu tham dự kỳ họp. Ảnh: Thanh Lâm
Bên cạnh những kết quả đạt được, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm của thành phố vẫn thấp hơn mục tiêu đề ra; nhiều chỉ tiêu mới đạt dưới 50% kế hoạch. 6 tháng cuối năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là giai đoạn “nước rút” để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ 16 Đảng bộ thành phố, làm tiền đề tiến tới Đại hội lần thứ 17 của Đảng bộ thành phố. Bí thư Thành ủy đề nghị HĐND, UBND thành phố cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất, tập trung cao cho công tác chuẩn bị và tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp, Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Văn kiện Đại hội phải đồng bộ, khoa học, quán triệt đầy đủ các nghị quyết Trung ương, đặc biệt là “bộ tứ trụ cột” để phát triển các thế mạnh chiến lược của thành phố gồm: cảng biển, công nghiệp công nghệ cao, logistics và đô thị biển. Đặc biệt, Văn kiện và Đại hội phải thể hiện rõ tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm: “Một địa phương - Một tầm nhìn - Một hành động - Một niềm tin”. Đồng thời, tích cực chuẩn bị tốt công tác bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa 16 và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031.
Thứ hai, tập trung cao cho việc vận hành hiệu quả mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, bảo đảm thông suốt, hiệu lực, hiệu quả. “Chính quyền phải là nơi giải quyết vấn đề cho người dân và doanh nghiệp hiệu quả, nhanh chóng; không nên đơn thuần là nơi tiếp nhận thủ tục – Bí Thư Thành ủy nhấn mạnh.
Bí thư Thành ủy yêu cầu: tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, bố trí, sắp xếp, cán bộ có chuyên môn cho cấp xã, nhất là cán bộ có chuyên môn về xây dựng, đất đai, khoa học công nghệ và chuyển đổi số… Khẩn trương rà soát, bố trí kinh phí sửa chữa, nâng cấp và đầu tư Trụ sở và điều kiện làm việc cho các xã, phường và đặc khu bảo đảm đồng bộ, hiện đại. Đồng thời, chủ động làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, định hướng dư luận, tạo đồng thuận và thống nhất cao trong toàn hệ thống chính trị và Nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Thứ ba, tập trung mọi nguồn lực để đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2025 từ 12,35% trở lên. Khẩn trương lập, điều chỉnh Quy hoạch chung và Quy hoạch thành phố Hải Phòng trong năm 2025. Đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm, dự án tái định cư, giải phóng mặt bằng, đặc biệt là tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Dự án kết nối Đông và Tây Hải Phòng. Chỉ đạo, đôn đốc sớm khởi công các dự án mới được trao Giấy chứng nhận đầu tư tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vừa qua.
Quy hoạch, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết vùng giữa các địa phương có lợi thế, hình thành chuỗi giá trị nông nghiệp trong không gian phát triển của thành phố mới; phát triển đồng bộ hệ sinh thái logistics – bảo quản – chế biến - tiêu thụ, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và thu nhập bền vững cho nông dân.
Rà soát, đầu tư hạ tầng giao thông để kết nối hiệu quả các giá trị văn hóa, lịch sử, thiên nhiên từ Đồ Sơn, Cát Bà đến Yên Tử, Côn Sơn, Kiếp Bạc. Tăng cường và khuyến khích tổ chức các sự kiện kinh tế, văn hóa, nghệ thuật ở cả phía Tây và phía Đông thành phố, vừa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của Nhân dân, vừa thu hút du khách và quảng bá hình ảnh thành phố.
Thứ tư, tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chính sách an sinh, y tế, giáo dục phù hợp với bối cảnh mới, bảo đảm mọi người dân đều được thụ hưởng chính sách công bằng, đồng bộ, không ai bị bỏ lại phía sau. Ưu tiên rà soát, điều chỉnh để sớm triển khai một số nghị quyết, đề án trọng tâm như: (1) Đề án “Nâng cao năng lực hệ thống y tế công lập thành phố đến năm 2030”; (2) Nghị quyết số 9 về phát triển nhà ở xã hội đến năm 2030; (3) Nghị quyết số 14 về đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn 2045; (4) Rà soát, đề xuất nâng cấp hệ thống trường học trên toàn thành phố, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.
Đây là những trụ cột quan trọng bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và giữ vững ổn định trong quá trình phát triển nhanh và sâu rộng của thành phố.
Thứ năm, đề nghị HĐND thành phố phối hợp chặt chẽ với UBND thành phố triển khai Nghị quyết 226 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố; kịp thời rà soát, ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của địa phương, góp phần sớm đưa Nghị quyết số 226 vào thực tiễn. Đồng thời, chủ động triển khai giám sát việc thực hiện.
Thứ sáu, đề nghị HĐND thành phố và các đại biểu tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm; thảo luận, quyết nghị chính sách với tầm nhìn dài hạn, tư duy đổi mới, hành động quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì sự phát triển của Thành phố.
Theo người đứng đầu thành ủy, mọi chính sách phải lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, được thiết kế theo phương châm 6 rõ: “rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ thẩm quyền”; ban hành chính sách hay phân bổ nguồn lựcphải có trọng tâm, trọng điểm, tập trung nguồn lực cho những khu vực, lĩnh vực có vai trò đầu tàu, khả năng lan tỏa mạnh mẽ, thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Chính sách cũng cần bảo đảm tính hài hòa, công bằng, chú trọng đến các nhóm yếu thế, vùng khó khăn, để không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển.